»» Nội dung bài viết:
Tình huống truyện độc đáo và hấp dẫn trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân.
- Mở bài:
Trên năm mươi năm lao động nghệ thuật của Kim Lân chỉ để lại hai tập truyện ngắn nhưng ông được đánh giá là một trong những cây bút tài năng với những áng văn đặc sắc cho nên văn học Việt Nam hiện đại. Tác phẩm của ông là những trang viết về phong tục và đời sống làng quê cũng như những người dân quê mà ông am hiểu sâu sắc cảnh ngộ và tâm lí của họ.
Vợ nhặt là một tác phẩm thành công của Kim Lân khi viết về đề tài đó. Tác phẩm được hoàn thành khá lâu sau năm đói những cảm quan về cái đói, có thể nói, đã chấm đến tận cái nhìn vào cảnh vật và thấm đẫm trong từng trang viết của Kim Lân. Một trong những yếu tố tạo nên sự thành công của tác phẩm chính là ở chỗ tác giả đã xây dựng thành công tình huống truyện độc đáo và hấp dẫn. Đó là việc Tràng, nhân vật chính trong tác phẩm, nhặt được “vợ” giữa lúc nạn đói đang hoành hành dữ dội ở nước ta vào năm 1945.
- Thân bài:
1. Nhan đề “Vợ nhặt” nhiều ý nghĩa.
Ngay cái cách mà tác giả đặt tên cho thiên truyện này đã tạo cho người đọc nhiều bất ngờ và đây cũng là nhan đề độc đáo, hoàn toàn phù hợp với tình huống của truyện – tình huống “nhặt vợ”. Từ xưa đến nay việc dựng vợ gả chồng là việc hệ trọng của đời người, vậy mà trong tình huống này Tràng lại “nhặt” được vợ. “Nhặt” tức là tình cờ lượm được, bỗng nhiên ngoài mà đến ngoài ý muốn, thông thường ta dùng để chỉ việc nhặt được một vật gì đó, vậy mà ở đây lại “nhặt vợ”.
2. Xây dựng tình huống truyện độc đáo và hấp dẫn.
Thật xót xa đau đớn biết bao! Thân phận con người chẳng khác nào cái rơm, cái rác. Và cũng thật oái ăm khi Tràng lại “nhặt” được vợ vào đúng lúc mà nạn đói khủng khiếp đang cướp đi sinh mạng của biết bao người dân Việt Nam từ Quảng Trị đến Bắc Kì. Việc Tràng “nhặt” được vợ ấy đã gây sự ngạc nhiên cho cả cái xóm ngụ cư của Tràng, cho mẹ Tràng và ngay cả bản thân Tràng.
3. Tình huống tràng “nhặt” được vợ giữa tâm chấn cơn đói.
Từ tình huống Tràng “nhặt” được vợ, tác giả dần đưa người đọc đến với gia cảnh và lai lịch của Tràng. Tràng vốn là con nhà nghèo, cả cái gia tài của mẹ con Tràng có lẽ chỉ là cái căn nhà “đứng rúm ro trên mảnh vườn mọc lổn nhổn những búi cỏ dại”, không chỉ vậy Tràng lại là kẻ xấu trai, đã thế lại còn dở hơi “Hai con mắt nhỏ tí, gà gà đắm vào bóng chiều, hai bên quai hàm bạnh ra, rung rung là cho cái bộ mặt của hắn lúc nào cũng nhấp nhỉnh những ý nghĩ vừa lí thú, vừa dữ tợn. Hắn có tật vừa đi vừa nói. Hắn lảm nhảm than thở những điều hắn nghĩ”.
Mặt khác, Tràng lại là dân ngụ cư thường bị người làng khinh rẻ, con gái không ai để ý đến “Trai làng ở góa còn đông; Cớ sao em lại lấy chồng ngụ cư”. Hơn thế, hoàn cảnh lúc này đang là lúc đói kém đến cái thân Tràng không biết có nuôi nổi hay không và mà Tràng còn đèo bòng.
Chính vì lẽ đó khi Tràng dẫn theo về nhà một người đàn bà hoàn toàn xa lạ đã khiến cho cả cái xóm ngụ cư đều ngạc nhiên, ngơ ngác, không hiểu thế nào. Ban đầu là những đứa trẻ, từ khi cái đói tràn đến cái xóm ngụ cư này, vào mỗi buổi chiều bọn trẻ cũng chẳng buồn ra trêu đùa với Tràng nhưng hôm nay đi bên cạnh Tràng là một người đàn bà khiến cho bọn chúng phải “chạy ra xem” và trêu Tràng thì đúng là một điều lạ.
Còn với những người dân xóm ngụ cư, họ không nghĩ đó là vợ anh ta và họ cũng không nghĩ rằng anh ta dám lấy vợ vào lúc này “Họ đứng cả trong ngưỡng cửa nhìn ra bàn tán (…). Ai đấy nhĩ?… Hay là người dưới quê bà cụ Tứ mới lên? (…) Hay là vợ anh cu Tràng? Ừ khéo mà vợ anh cu Tràng thật anh em ạ, trông chị ta thèn thẹn hay đáo để”. Nhưng khi họ hiểu được đôi phần thì dường như họ đã thay đổi “Những khuôn mặt hốc hác u tối của họ bỗng dưng rạng rỡ hẳn lên. Có cái gì lạ lùng và tươi mát thổi vào cuộc đời đót khát, tăm tối ấy của họ”.
Việc Tràng đưa người “vợ nhặt” về không chỉ gây sự ngạc nhiên cho những người dân xóm ngụ cư mà còn khiến cho bà cụ Tứ (mẹ Tràng) ngạc nhiên hơn. Về đến nhà bà lão vô cùng bất ngờ khi thấy có người đàn bà ở trong nhà “Quái sao lại có người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ? Người đàn bà nào lại đứng ngay đầu giường thằng con mình thế kia?” và bà lại càng ngạc nhiên khi người đàn bà ấy lại chào bà bằng u “Sao lại chào mình bằng u? Không phải con cái Đục mà. Ai thế nhĩ? Ô hay, thế là thế nào nhĩ”. Bao nhiêu câu hỏi là bấy nhiêu điều ngạc nhiên đối với bà. Ngay cả khi Tràng nhắc bà “Kìa nhà tôi nó chào u” thì bà vẫn chưa hiểu bởi bà không ngờ rằng có người chấp nhận lấy con mình và cũng không ngờ rằng con bà lại dám lấy vợ vào lúc đói kém nhất này.
Rồi đến ngay cả bản thân Tràng cũng vậy, người đàn ông dở hơi ấy cũng không ngờ rằng mình dám liều lĩnh lấy vợ vào lúc này “Nhìn thị ngồi ngay giữa nhà, đến bây giờ hắn vẫn còn ngờ ngợ như không phải thế. Ra hắn có vợ rồi đấy”. Quả thực việc Tràng có vợ là điều ngoài sự tưởng tượng của hắn bởi ở hắn hội tụ yếu tố không thể lấy được vợ vậy mà thực tế hắn đã có vợ mà lại là vợ theo. Hắn và thị đến với nhau đâu có tìm hiểu hay mai mối gì, hắn cũng chỉ tầm phơ tầm phào, đâu có hai bận mà thành vợ thành chồng.
Trong một lần kéo xe lên tỉnh, Tràng chỉ hò một câu vu vơ cho đỡ mệt chứ cũng chẳng chủ ý trêu đùa với ai vậy mà thị lon ton chạy ra đẩy xe cho hắn, rồi lần thứ hai gặp lại thị bản thân hắn cũng không nhận ra vì “Hôm nay thị rách quá, áo quần tả tơi như tổ đỉa, thị gày xọp hẳn đi, trên khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt”. Hắn mời thị ăn bánh đúc “thị cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc chẳng truyện trò gì” và hắn cũng chỉ buông ra một câu nói đùa “Này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng rồi cùng về”, ấy vậy mà thị theo về thật. Và thậm chí đến buổi sàng hôm sau ngày có vợ, Tràng vẫn chưa hết ngỡ ngàng “Việc hắn có vợ đến hôm nay hắn vẫn còn ngỡ ngàng như không phải”. Với Tràng đó là cảnh “nhặt vợ” còn với thị đó là vợ theo.
Khi đặt nhân vật của mình vào tình huống như vậy, Kim Lân không phải muốn viết nên một bản tố khổ nhưng nhà văn đã tố cáo một cách sâu sắc tội ác của bọn thực dân, phát xít đã gây ra nạn đói khủng khiếp cho nhân dân ta vào mùa xuân năm 1945, người sống thì dật dờ, xanh xám như những bóng ma, người chết thì như ngả rạ “Không buổi sáng nào, người đi chợ, đi làm đồng không gặp ba bốn cái thây nằm cong queo bên đường”.
Dường như những người dân lao động khó có ai có thể thoát khỏi cái chết và giá trị con người lúc này cũng trở nên rẻ rúng vô cùng. Có ai ngờ được con người ta có thể có vợ chỉ bằng mấy bát bánh đúc bán ở chợ và cũng càng không thể ngờ rằng chỉ vì miếng ăn mà người ta có thể vứt bỏ cả nhân phẩm để đi theo một người hoàn toàn xa lạ về làm vợ.
Tình huống truyện không chỉ dừng lại ở việc gây sự ngạc nhiên cho mọi người mà đây còn là một tình huống oái ăm, không biết nên vui hay nên buồn, nên mừng hay nên lo. Tất cả mọi người đều có chung tâm trạng ấy, từ những người dân trong xóm ngụ cư đến mẹ Tràng và ngay cả Tràng cũng vậy.
Những người dân xóm ngụ cư ban đầu còn tập trung bàn tán đến khi hiểu được đôi phần thì những khuôn mặt hốc hác, u tối ấy có phần rạng rỡ hẳn lên nhưng rồi họ cũng nín lặng. Sự nín lặng ấy của họ là gì nếu không phải là sự lo lắng, họ cũng thừa hiểu rằng trong hoàn cảnh lúc này đến nuôi thân còn khó vậy mà Tràng còn “rước cái của nợ đời về” liệu rồi “có nuôi nổi nhau sống qua cái thì này không?”.
Người dân xóm ngụ cư thì vậy, còn với Tràng thì sao, phải chăng hắn dở hơi nên không biết nghĩ hay là bởi vì hắn nghĩ có thể nuôi thị bằng cái nghề kéo xe thuê của hắn?
Thật ra, ngay khi thị đi theo thì hắn đã lo lắng, hắn cũng cảm thấy chợn bởi “thóc gạo này đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi không lại còn đèo bòng” nhưng rồi hắn vẫn chấp nhận bằng cái tặc lưỡi “chậc, kệ”. Suy nghĩ của hắn cũng thật đơn giản, mà đơn giản cũng phải bởi hắn và thị phải duyên phải kiếp với nhau biết đâu giời không bắt phải chết.
Phải chăng đằng sau cái tặc lưỡi của người đàn ông dở hơi ấy là một sự đánh cuộc cùng cái đói? Đặt nhân vật của mình trong hoàn cảnh như vậy, nhà văn như muốn khẳng định một điều đó là người dân lao động dù ở trong hoàn cảnh có bi thảm đến đâu thậm chí có cận kề bên cái chết, họ vẫn khát khao hạnh phúc.
Và như thế ta có thể hiểu, ở Tràng khát khao về hạnh phúc là có thật và Tràng cũng đã có những cảm giác về hạnh phúc “trong một lúc, Tràng hình như quên hết những cảnh sống ê chề, tăm tối hằng ngày, quên cả cái đói khát ghê gớm đang đe dọa, quên cả những ngày trước mặt. Trong lòng hắn bây giờ chỉ còn tình nghĩa giữa hắn và người đàn bà đi bên. Một cái gì đó mới mẻ, lạ lắm, chưa từng thấy ở người đàn ông nghèo khổ ấy, nó ôm ấp mơn man khắp da thịt Tràng, tựa hồ như có một bàn tay vuốt nhẹ trên sống lưng”.
4. Tình huống bà cụ Tứ nhận con dâu trong ngày đói.
Đáng chú ý nhất vẫn là tâm trạng đầy mâu thuẫn của bà cụ Tứ khi đón nhận người con dâu mới, bà vừa ngạc nhiên, vừa buồn vừa lo nhưng bà cũng cảm thấy vui. Ban đầu, bà vô cùng ngạc nhiên bởi bà không nghĩ con bà lại dám lấy vợ vào lúc này và không nghĩ rằng có người chịu lấy con mình. Khi hiểu ra cơ sự, trong lòng người mẹ nghèo ấy ngổn ngang biết bao nỗi niềm ai oán, xót xa “lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình”.
Trong lòng bà lão trào dâng sự buồn tủi “Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc nhà ăn nên làm nổi những mong sinh con đẻ cái sau này. Con mình thì… Trong kè mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt” nhưng khi nhìn người đàn bà tiều tụy vì đó bà hiểu vì sao người ta chấp nhận theo không con mình. “Người ta có gặp bước khó khăn đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được”.
Bà lão thực sự cảm thấy tủi hơn là buồn bởi bà là mẹ mà không lo nổi hạnh phúc cả đời cho con mình “Thôi thì bổn phận bà là mẹ, bà đã chẳng lo lắng được cho con”. Là một người mẹ từng trải nên bà cảm thấy lo cho hạnh phúc của con bởi chúng lấy nhau trong lúc đói kém này “Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không (…). Năm nay thì đói to đấy. Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá”.
Quả thực, không ai có thể hiểu con, thương con và lo cho con như người mẹ thế nhưng bà cụ Tứ cũng chỉ có thể thương bằng cả tấm lòng của người mẹ thôi chứ cũng không thể giúp chúng bằng vật chất bởi bà cũng nghèo. Thế rồi tấm lòng nhân hậu của bà cũng rộng mở để đón nhận người con dâu không cưới hỏi ấy “ừ, thôi hai đứa phải duyên phải kiếp với nhau u cũng mừng lòng”. Vâng, bà lão “mừng lòng” vì con mình có được vợ, khuông mặt bủng beo của bà rạng rỡ nhưng niềm vui ấy của bà đã bị những lo lắng ghì chặt xuống khiến bà “nghẹn lời không nói được nữa, nước mắt cứ chảy ròng ròng”.
- Kết bài:
Đọc đến đây có lẽ ít có thể ngờ rằng chính người mẹ già đã lọng khọng này lại là người thắp lên niềm hi vọng vào tương lai tươi sáng. Bà lão tin vào tương lai bởi “Ai giàu ba họ, ai khó ba đời” và bà nói đến toàn chuyện vui, chuyện về tương lai từ chuyện nuôi gà đến chuyện tương lai sau này cho “con cái chúng mày về sau”. Dường như đối với bà lão lúc này việc chăm lo vun vén cho hạnh phúc của các con chính là niềm vui của bà, là động lực để bà có thể vượt qua những khó khăn của sự túng đói quay quắt.
Tham khảo:
I. Mở bài:
– Giới thiệu tác giả và tác phẩm.
– Giới thiệu tình huống truyện trong Vợ nhặt.
II. Thân bài:
– Tình huống truyện độc đáo:
Có thể nói sáng tạo tình huống truyện là vấn đề then chốt của nghệ thuật viết truyện ngắn. Qua tình huống có thể khẳng định tài năng cũng như phong cách của nhà văn.
* Tình huống truyện:
Tình huống truyện là diễn biến của sự việc, sự phức tạp của tình tiết; là cái éo le, nghịch lí ở đời. Sự việc, câu chuyện trong tác phẩm “xảy ra như thế mà ta cứ ngỡ không phải thế”. Tình huống càng lạ bao nhiêu thì truyện càng hay, hấp dẫn bấy nhiêu.
* Tình huống truyện độc đáo trong “Vợ nhặt”:
Đó chính là việc anh cu Tràng “nhặt” được vợ được xem là một tình huống đầy kịch tính, xưa nay chưa từng có; vừa lạ lại vừa éo le mà Kim Lân đã phát hiện và thể hiện rất hay và lạ.
– Tình huống nhặt vợ kì lạ:
+ Người như Tràng mà lấy được vợ, thậm chí lại có vợ theo. Tràng vốn xấu xí, tính cách có phần hơi dở hơi, nghèo, dân ngụ cư. Hoàn cảnh hội tụ đầy đủ những yếu tố để Tràng khó, thậm chí không lấy được vợ.
+ Giữa lúc đói khát, nuôi thân còn chẳng xong vậy mà Tràng lại dám “đèo bòng”, “rước cái của nợ đời ấy về”.
+ Tràng lấy được vợ, nhặt được vợ âu cũng chỉ qua hai lần gặp tình cờ, chỉ với mấy câu nửa đùa nửa thật vậy mà người đàn bà đã theo Tràng về. Cái công việc mà xưa nay người ta vẫn cho là khó lại vô cùng tình cờ, dễ dàng đối với Tràng.
– Tình huống nhặt vợ éo le:
+ Tràng lấy vợ là việc được hưởng cái hạnh phúc lớn nhất của một đời người giữa cảnh “tối sầm lại vì đói khát”, giữa cái lúc mà cái chết và sự sống ranh giới mong manh, tưởng như âm – dương không có sự cách biệt. Chen vào hạnh phúc là nỗi lo chạy trốn cái đói, nỗi lo níu kéo sự sống.
+ Duyên cớ để đưa họ đến với nhau cũng thật buồn lòng: đó là cái đói. Ở đây, mấy bát bánh đúc thay cho trầu cau dẫn cưới. Nếu không vì cái đói đưa đẩy thì Tràng cũng khó lòng lấy được vợ. Một sự thật đáng buồn khiến người ta chua chát.
* Phản ứng của mọi người trước sự kiện độc nhất vô nhị Tràng xấu trai dân ngụ cư có vợ theo về:
– Những người dân trong xóm ngụ cư:
+ “Người trong xóm lạ lắm”, họ “đứng cả trong ngưỡng cửa nhìn ra bàn tán”→ Ngạc nhiên tột độ.
+ Sự kiện lạ lùng ấy đem đến một “cái gì lạ lùng và tươi mát thổi vào cuộc sống đói khát, tăm tối” của họ, làm những khuôn mặt “hốc hác, u tối” bỗng dưng “rạng rỡ hẳn lên”.
+ Họ “cười rung rúc”.
+ Rồi có người thở dài.
+ Tất cả cùng “nín lặng” khi có người nói “Giời đất này còn rước cái của nợ đời về. Biết có nuôi nổi nhau sống qua được cái thì này không?”
– Bản thân Tràng:
+ Mọi chuyên nhanh chóng quá đến mức chính Tràng – người trong cuộc cũng cảm thấy ngạc nhiên. Khi Tràng vui mừng đưa người vợ nhặt về nhà, nhìn thị ngồi giữa nhà mà Tràng “vẫn còn ngờ ngợ như không phải thế”
– Bà cụ Tứ – mẹ Tràng:
+ Vô cùng ngạc nhiên trước thái độ vồn vã, khác thường của đứa con trai, bà “hấp háy hay con mắt nhìn Tràng” rồi băn khoăn hỏi Tràng “Có việc gì thế vậy?”
+ Ngạc nhiên hơn nữa khi nhìn thấy người đàn bà trong nhà: Bà “đứng sững lại”→ Quá đỗi ngạc nhiên. Trong đầu bà cụ hiện lên một loạt những câu hỏi: “Quái sao lại có người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ?”, “sao lại chào mình bằng u?”…. Bà cụ băn khoăn, ngạc nhiên vô cùng.
+ Khi đã hiểu rõ cơ sự bà lão “cúi đầu nín lặng”, thương xót cho số kiếp đứa con mình.
+ Bà cụ Tứ cảm thấy tủi thân, xót xa vì chưa làm tròn bổn phận làm cha mẹ “người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này, còn mình thì..” → Độc thoại nội tâm thể hiện tâm lí nhân vật.
+ Sau đó là “mừng lòng”, chấp nhận con dâu, khuyên nhủ các con đầy lạc quan…
* Ý nghĩa của tình huống truyện.
– Tình huống truyện là một trong những yếu tố để làm nổi bật chủ đề tác phẩm đồng thời tạo điều kiện cho nhà văn miêu tả tâm lí nhân vật.
– Tạo cho tác phẩm có được kết cấu chặt chẽ. Các sự việc, các chi tiết khác được kể tới đều xoay quanh tình huống này.
– Tố cáo tội ác của bọn thực dân phát xít đẩy con người đến bước đường cùng, biến giá trị con người thành số không.
– Thể hiện được cái tình của người lao động nghèo và tấm lòng nhân hậu đầy yêu thương của bà mẹ
– Tình huống khẳng định lòng ham sống, bản chất lạc quan của người lao động đang bị lâm vào cảnh khốn cùng.
III. Kết bài:
– Khái quát lại vấn đề
BÀI LÀM.
- Mở bài:
Sự thành công của mỗi truyện ngắn có sự góp mặt của nhiều yếu tố, trong yếu tố đóng vai trò then chốt là: tình huống, nhân vật và cách trần thuật, nhà văn có những điểm mạnh riêng để tạo nên sức hấp dẫn cho tác phẩm mình. Kim Lân đã rất thành công trong các truyện ngắn của mình khi sáng tác được những tình huống truyện đặc sắc. Đọc Vợ nhặt của Kim Lân ta cảm rõ điều đó.
- Thân bài:
Trong “Vợ nhặt” của Kim Lân, tình huống truyện đã giúp nhà văn xây dựng bộc lộ sâu sắc tính cách và tâm lí nhân vật. Đồng thời gúp ông bộc lộ tâm tư tình cảm và những điều mà bản thân ông muốn gửi gắm cho bạn đọc. Truyện cũng thế mà hấp dẫn hơn.
Tình huống của Vợ nhặt thể hiện ngay ở tên truyện. Một anh nông dân “nhặt” được vợ. Mà nào anh ta có bảnh bao hấp dẫn gì: vừa nghèo, vừa xấu trai, lại là dân ngụ cư. Vậy mà chỉ “tầm phơ tầm phào” mấy câu mà có vợ theo về.
Sự hấp dẫn của tình huống truyện trước hết là ở đó. Như một nghịch lý, nó gây ngạc nhiên cho mọi trường trong xóm ngụ cư, cho bà cụ Tứ, mẹ Tràng cho cả bản thân Tràng là kẻ đã “nhặt” được vợ. “… người trong xóm lạ lắm: Họ đứng cả trong ngưỡng cửa nhìn ra bàn tán…”Đến khi hiểu ra là Tràng có vợ theo về, thì họ lại càng ngạc nhiên hơn Người thì “cười lên rung rúc”. Người lại lo dùm cho anh ta “Ôi chao ! đất này còn rước cái của nợ đời về. Biết có nuôi nổi nhau sống qua được cái thời này không ?”.
Bà cụ Tứ hiểu tình cảnh con mình hơn ai hết nên càng khó tin Tràng có vợ, có người đàn bà đứng ngay ở đầy giường con mình, bà cụ cứ ngơ ngác tự hỏi: “Quái sao lại có người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ ? Sao lại chào mình bằng u? Ai thế nhỉ? “ Bà cụ làm sao hiểu nổi. Nghèo như con bà ai người ta thèm lấy có vợ được. Vả lại trời làm đói khát thế này, nuôi thân chẳng nổi, lấy gì vợ nuôi con?
Bản thân Tràng cũng lấy làm lạ cho mình. Nhìn vợ, ngồi ngay giữa nhà, anh ta “vẫn còn ngờ ngợ như không phải thế. Ra hắn đã có vợ rồi đấy ư ?”.
Đúng là một tình huống lạ. Nhưng khi hiểu ra rồi thì lại thấy có gì đáng ngạc nhiên đâu. Cái lý do dễ hiểu biết bao, nhưng cũng buồn tủi biết bao, tội nghiệp bao! Điều này, bà cụ tứ sống gần hết đời người phải làm bạn với cái nghèo mới sự thấm thía: “Bà lão cúi đầu nín lặng. Bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiều cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho kiếp đứa con mình. Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con trong lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Con mình thì… Trong kẽ mắt kèm nhem của bà cụ rủ xuống hai dòng nước mắt… Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau cho qua được cơn đói khát này không ?”.
Lòng bà cụ thật là ngổn ngang trăm mối: vừa mừng vừa lo, vừa vui vừa tủi. Mừng vui vì dù sao con mình có có vợ, điều mà bổn phận làm mẹ bà đã không lo nổi cho con:“ừ, thôi thì các con đã phải duyên kiếp với nhau, u cũng mừng “. Nhưng lo buồn, tủi nhục vì “người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được…”. Như thế là tình huống truyện đã làm bộc lộ sâu sắc tâm trạng, tính cách các nhân vật. Bà cụ Tứ do từng trải nhiều nên tâm lí diễn biến phức tạp hơn cả. Còn Tràng thì lo ít, vui nhiều. Mới đầu cũng “chợn”, nhưng liều sau đó chặc lưỡi kệ !”. Trên đường đưa vợ về nhà, thấy người ta tò mò nhìn ngó, “hắn lại vậy làm thích ý lắm, cái mặt cứ vênh lên tự đắc với mình”. Niềm vui át hẳn nỗi lo, đến nổi anh ta không hiểu được tại sao vợ lại buồn, mẹ lại khóc: “Chán quá, chẳng đâu vào đâu tự nhiên cũng khóc!”.
Bỗng nhiên “nhặt” được vợ, hạnh phúc đến với Tràng quá lớn và quá đột ngột. Mãi đến sáng hôm sau anh ta vẫn còn thấy “trong người êm ái lửng lơ như người vừa ở trong giấc mơ đi ra”. Và cùng với niềm vui, ý thức về bổn phận, về trách nhiệm đối với cái tổ ấm của mình, cũng nảy sinh. Anh ta thấy thương yêu gắn bó với mọi người, với cái nhà, cái sân, khoảnh vườn của mình một cách lạ lùng. “Một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng. Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người”.
Buồn tủi nhất là tâm trạng của người vợ Tràng “nhặt” được. Lấy chồng chuyện thiêng liêng là sự phó thác cả cuộc đời mình cho người đàn ông mình yêu quý. Vậy mà chị ta nào có biết Tràng là ai, tốt xấu thế nào đâu. Chỉ một câu hò bâng quơ và mấy bát bánh đúc riêu cua là theo ngay về. Cái đói đã đẩy người đàn bà đến chỗ chẳng còn biết xấu hổ là gì, mất hết ý thức tự thấy mình không hơn gì cái rơm cái rác, người ta có thể “nhặt” được ngoài đường, xó chợ…
Nhưng chủ đề của Vợ nhặt không chỉ có thế. Tình huống truyện đã đặt nhân vật kề bên nanh vuốt của cái chết. Một không khí chết chóc cứ len lỏi trong tác phẩm với mùi khói, khét lẹt của những đống rấm nhà có người chết lan tới và tiếng hờ khóc ngoài xóm lọt vào tỉ tê lúc to lúc nhỏ… Nhưng qua tâm trạng của các nhân vật, nhất là Tràng và bà cụ Tứ, thấy người dân lao động tin ở sự sống vẫn hi vọng ở tương lai, cũng khao khát một tổ ấm gia đình để được thương yêu nhau và cùng chia xẻ vui buồn, để có bổn phận với nhau cũng như có nhiệm với đời.. Đó là bản chất lạc quan của nhân dân lao động. Một chủ nghĩa lạc quan có căn cứ gì rõ rệt “Ai giàu ba họ, ai khó ba đời”… vẫn tồn tại dai dẳng ở những con người luôn sống hết mình với cuộc sống trong lao động và đâu tranh để sinh tồn. Niềm tin tưởng lạc quan ấy cuối cùng đã gặp được ánh sáng của cách mạng với lá cờ Việt Minh bay phấp phới báo hiệu cuộc đổi đời vĩ đại của dân tộc đang sắp sửa.
Bà cụ Tứ càng để lại cho người đọc những thiện cảm tốt đẹp. Thấy con lấy vợ trong hoàn cảnh khó khăn, bà không khỏi bùi ngùi, thương xót: “Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái, mở mày mở mặt sau này. Còn mình thì..”. Nhưng, bà thực sự vui mừng khi con trai bà đã yên bề gia thất: “Bà lão nhẹ nhõm, tươi tỉnh khác ngày thường, cái mặt bủng beo, u ám của bà rạng rỡ hẳn lên…”. Rồi trong bữa cơm, cả ba mẹ con đều quên đi hiện thực đau lòng để hướng đến một tương lai tươi đẹp hơn: “Tràng ạ. Khi nào có liền ta mua lấy đôi gà. Tau tin rằng cái chỗ đầu bếp kia làm cái chuồng gà thì tiện quá. Này, ngoảnh đi ngoảnh lại, chả mấy mà có ngay đàn gà cho mà xem…” Nghĩ đến cái sống, không nghĩ đến cái chết là ở chỗ đấy. Bà cố gắng xua đi lại thực hãi hùng, để nhen nhóm niềm tin vào cuộc sống cho các con. Tuy nhiên món chè cám đã nhắc họ về với thực tại. Chao ôi, chè cám! Phải đói đến một mức nào đó, người ta ăn cám mới cảm thấy ngon! Cuộc sống khắc nghiệt, đày đọa bắt họ phải sống cuộc sống loài vật, nhưng nào có dập tắt được phần Người đáng quý trong mỗi con người. Cái phần Người ấy sẽ giúp họ vượt qua đoạn khó khăn này.
- Kết bài:
Có thể khẳng định, truyện ngắn Vợ nhặt là một thành công của Kim Lân. Tác phẩm tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của ông cũng là đỉnh cao của truyện ngắn hiện đại Việt Nam. Người đọc nhớ mãi một Vợ nhặt với tình huống truyện độc đáo và chất nhân văn cao cả của tác phẩm.