phan-tich-tinh-than-song-vi-moi-nguoi-qua-cac-tac-pham-da-hoc-lop-9

Phân tích tinh thần sống vì mọi người của người lính Không chịu sống đời nhỏ nhoi qua các phẩm đã học lớp 9

Phân tích tinh thần sống vì mọi người của người lính “Không chịu sống đời nhỏ nhoi” qua các phẩm đã học lớp 9

  • Mở bài:

Văn học Việt Nam trước và sau 1975 đã có những tác phẩm xuất sắc phản ánh đời sống và chiến đấu của nhân dân trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù xâm lược và xây dựng quê hương, đất nước. Đó là tinh thần dám hi sinh tất cả vì tổ quốc, “không chịu sống đời nhỏ nhoi” trong hoàn cảnh chiến tranh và ngay cả trong thời hòa bình làm sáng rực chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời đại Hồ Chí Minh.

  • Thân bài

Hình ảnh người lính cụ Hồ với tinh thần sẵn sàng vì nước vì dân không quản ngại gian khổ, hi sinh để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được ghi nhận một cách chân thành qua bài thơ Đồng chí (Chính Hữu), Bài thơ về tiểu đội xe không kinh (Phạm Tiến Duật). Hay hình ảnh người lao động trong thời đại xã hội chủ nghĩa cũng được phản ánh sâu sát qua hình tượng anh thanh niên trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa (Nguyễn Thành Long). Điểm chung dễ nhận thấy ở họ đó là tinh thần “không chịu sống đời nhỏ nhoi”, gan dạ, quả cảm, lao động và chiến đấu vì đất nước. Dù trong khó khăn gian khổ lúc nào họ cũng mạnh mẽ, yêu đời và tràn đầy niềm tin hướng đến tương lai.

“Không chịu sống đời nhỏ nhoi” đó là tinh thần sống vì mọi người, khát vọng làm nên điều lớn lao trong cuộc sống này. Không chịu sống đời nhỏ nhoi là sống có trách nhiệm với bản thân, với nhân dân, với đất nước. Không chịu sống đời nhỏ nhoi là sống xứng đáng với truyền thống anh hùng bất khuất của dân tộc, sống xứng đáng với kì vọng mà nhân dân, đất nước đã tin tưởng giao phó.

Không chịu sống đời nhỏ nhoi vốn là một truyền thống quý báu của dân tộc ta. Từ xưa, con người đã biết đề cao phận sự của mình đối với tổ quốc. Nguyễn Công Trứ đã hơn một lần nói về điều đó:

“Đã mang tiếng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông”.

(Đi thi tự vịnh – Nguyễn Công trứ)

“Không công danh thà nát với cỏ cây” (Nguyễn Công Trứ). Đối với bậc hiền nhân: “hơn nhau hai chữ anh hùng” mà thôi. Bởi thế, Phan Chu Trinh trong bài Đập đá ở Côn Lôn cũng đề cao phận sự đối với cuộc đời:

“Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn,
Lừng lẫy làm cho lở núi non”.

Tinh thần ấy cũng được thế hệ trẻ thời kháng chiến tiếp tục phát huy trong cuộc chiến đấu với kẻ thù xâm lược. Khát vọng công danh sự nghiệp lúc này không phải là làm nên đại nghiệp rạng danh gia tộc mà là góp sức mình cùng dân tộc bảo vệ tổ quốc, xây dựng nền độc lập nước nhà.

Thời kì đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, tinh thần ấy trở thành lẽ sống của con người, đặc biệt là thế hệ thanh niên yêu nước. Họ từ những miền quê xa xôi nghèo khó; họ bở lại gia đình, bỏ lại người thân yêu lên đường đi chiến đấu:

“Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay”.

(Đồng chí – Chính Hữu)

Câu thơ của Chính Hữu tuy nói về những người nông dân cầm súng với lời thơ mộc mạc, chân thành nhưng ta vẫn cảm nhận được cái nét hào hoa của “những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng” thuở lên đường:

“Rách tả tơi đôi hài vạn dặm
Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa”.

(Ngày về – Chính Hữu)

Họ chấp nhận gian khổ, hi sinh bởi không chịu sống kiếp đời nô lệ, quyết vươn lên giành lấy sự sống trong bàn tay tàn bạo của kẻ thù. Họ “không chịu sống đời nhỏ nhoi”, muốn sống đúng nghĩa con người tự do, tự chủ trong tình yêu thương, gắn kết.

Tinh thần ấy tiếp tục được Phạm Tiến Duật phản ánh sinh động trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính. Những người lính lái xe trên tuyết đường Trường Sơn ác liệt luôn mang trong mình ước vọng lớn lao, góp sức cùng nhân dân chiến đấu chống kẻ thù xâm lược. Hoàn cảnh chiến đấu khác nghiệt, thiếu thốn không làm họ sờn lòng, nản chí. Họ hiên ngang điều khiển chiếc trên mọi nẻo đường trong niềm vui:

“Ung dung buồng lái ta ngồi
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng“.

Họ yêu đời, yêu cuộc sống và lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi tất yếu của dân tộc:

“Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim”.

(Bài thơ về tiểu đội xe không kính – Phạm Tiến Duật)

Khi đất nước hòa bình, con người hồ hởi đi vào xây dựng cuộc sống mới. Thế hệ thanh niên Việt Nam vẫn không quản ngại gian lao, tiếp tục hăng say lao động. Họ không chọn cuộc sống nghỉ ngơi hay tận hưởng ngày tháng an bình mà tiếp tục góp công góp sức nhân dân vượt qua khó khăn, xây dựng quê hương.

Anh thanh niên trong tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long là một minh chứng tiêu biểu cho tinh thần “không chịu sống đời nhỏ nhoi” ấy. Lẽ sống cao đẹp của anh thanh niên là được cống hiến, được góp sức mình để bảo vệ xây dựng đất nước đem lại niềm vui, hạnh phúc cho mọi người.

Anh làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu, một mình trên đỉnh núi Yên Sơn cao 2600 mét, quanh năm suốt tháng, bốn bề chỉ có cây cỏ và mây núi Sa Pa lạnh lẽo. Công việc là “đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dự vào việc bó trước thời tiết hằng ngày phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu”. Công việc đều đặn, nhàm chán đơn điệu, lại vô cùng khó khan giản khổ giữa thời tiết khắc nghiệt, sự vắng vẻ, heo hút và cô đơn. Công việc ấy đòi hỏi phải tỉ mỉ, chính xác và có tinh thần trách nhiệm cao.

Anh yêu nghề, say mê lí tưởng, có trách nhiệm trong công việc. Dù chỉ có một mình nhưng lúc nào anh làm việc một cách nghiêm túc tự giác. Luôn cố gắng vượt qua khó khan để hoàn thành nhiệm vụ. Nửa đêm đúng giờ “ốp” thì dù mưa tuyết, giá lạnh thế nào cũng phải dậy ra ngoài trời làm công việc đã quy định. Anh trở thành người lao động lành nghề, thạo việc, giàu kinh nghiệm. Anh ý thức được công việc mình là có ích cho cuộc sống. Mỗi chiến thắng của dân tộc đều khiến anh vui sướng và hạnh phúc.

Suy nghĩ, quan niệm của anh về công việc, về cuộc sống là: “…Khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được? Huống chi việc của bao anh em đồng trí dưới kia. Công việc của cháu gian khổ thế đấy chứ cất nó đi cháu buồn đến chết mất”. Đó là suy nghĩ  đúng đắn sau sắc về công việc, về cuộc sống con người, về mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể.

Anh thanh niên có tâm hồn đẹp, thiết tha yêu đời, yêu cuộc sống, có trách nhiệm với bản thân tuy cuộc sống giản dị, đơn sơ. Nét đẹp của anh thanh niên còn là sự cởi mở, chân thành, quý trọng tình cảm của mọi người, khao khát được gặp gỡ, trò chuyện với mọi người và luôn chu đáo qua tâm đến người khác. Cách tiếp đón đoàn khách ghé thăm rất chân tình, nồng hậu, lịch sự chu đáo, thể hiện tấm lòng mến khách.

Công việc có nhiều đóng góp to lớn cho đất nước như vậy nhưng anh thanh niên lại rất khiêm tốn, thành thực: luôn cảm thấy công việc và sự đóng góp của mình chỉ là nhỏ bé. Anh ngượng ngùng khi thấy họa sĩ vẽ chân dung mình và say sưa giới thiệu những người khác mà anh cho là đáng vẽ hơn như ông kĩ sư vườn rau, anh cán bộ nghiên cứu lập bản đồ sét…

Nhà văn đã cố tình không cho anh một cái tên gọi cụ thể. Tác giả gọi theo lứa tuổi với dụng ý anh là con người vô danh, bình dị đang âm thầm lặng lẽ cống hiền cho đất nước. Anh thanh niên là tiêu biểu cho thế hệ tri thức trẻ trong những năm chống Mĩ. Đây là tấm gương điển hình cho chân dung người lao động mới có lí tưởng, tình cảm, cách sống đẹp.qua nhân vật anh thanh niên, ta hiểu thêm hạnh phúc đối với con người: đó là niềm vui, hạnh phúc cho mọi người; đó là được cống hiến, được góp mình để bảo vệ và xây dựng đất nước.

  • Kết bài:

Tinh thần sống vì mọi người, vì dân tộc, vì quê hương đất nước, không chịu sống đời nhỏ nhoi đã làm nên một thời đại anh hùng, một dân tộc anh hùng. Tinh thần và lẽ sống cao đẹp ấy tiếp tục được thế hệ thanh niên kế thừa và phát huy mạnh mẽ trong thời đại mới với nhiệm vụ xây dựng đất nước vững mạnh tiến đến tương lai “sánh vai với các cường quốc năm châu” như lời Bác Hồ đã dặn.

Qua Bài thơ về tiểu đội xe không kính, cảm nhận vẻ đẹp người chiến sĩ lái xe trên tuyến đường Trường Sơn thời chống Mĩ, tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng của tuổi trẻ thời máu lửa

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang