Phân tích truyện ngắn Ông già và biển cả của Huê-minh-uê (dưới góc độ thi pháp)
Ông già và biển cả của Hê-minh-uê kể về một chuyến hải trình đi câu cá của một lão ngư đơn độc giữa biển khơi, suốt ba ngày hai đêm một mình chiến đấu với con cá kiếm nhất lớn trong đời đi câu của lão, và khi chiến thắng trở về đất liền, ông lão kéo về được chỉ một bộ xương cá. Thế nhưng, với tài nghệ văn chương bậc thầy, tác giả thiên truyện đã tạo nên giá trị và ý nghĩa của thiên truyện này vượt ra khỏi chuyện đánh bắt cá đơn thuần, mở ra những tầng bậc mới về giá trị cuộc sống và các chiều kích của nhân cách và tâm hồn con người, vinh danh con người.
Như vậy, câu chuyện được nhìn và miêu tả, tường thuật không phải từ góc độ của việc đánh bắt hải sản chỉ nhằm phục vụ nhu cầu thực phẩm của con người, mà là được nhìn từ góc độ của nhân văn. Các bình diện tiêu biểu của thi pháp truyện như cái nhìn nghệ thuật, ngôn từ nghệ thuật, đã góp phần tạo nên sức hấp dẫn độc đáo và giá trị nhân văn sâu sắc cho tác phẩm. Trong đó, con người được nhìn trong nhiều mối quan hệ: Với thiên nhiên, với đối tượng lao động, mục đích lao động, và đặc biệt là trong quan hệ với chính mình.
Thế giới bề mặt của Ông già và biển cả của Hê-minh-uê là câu chuyện câu cá của ông lão San-ti-a-gô, được tác giả thiên truyện kể một cách hấp dẫn, thú vị. Đằng sau bề mặt đó là thế giới bên trong – phần chìm của tảng băng – hàm chứa nhiều ý nghĩa. Đó là hành trình của con người trong quá trình lao động biến ước mơ thành hiện thực; sự vất vả, cơ cực nhưng thú vị; sự cô đơn đối mặt với tất cả và phải tự mình giải quyết; sinh lực tinh thần và sự vượt lên chính mình; sự trân trọng, nâng niu và thương cảm, xa xót cho con người; là thân phận con người mong manh, đơn độc giữa thiên nhiên hãi hùng và giữa cuộc đời mưu sinh cơ cực.
Theo đó, tác giả thiên truyện triển khai cái nhìn nghệ thuật về con người ở nhiều điểm, trong đó có ba điểm nổi bật: Một là ông lão San-ti-a-gô với biển khơi. Hai là, ông lão San-ti-a-gô với chính mình. Ba là, ông lão San-ti-a-gô với con cá kiếm.
Ở điểm nhìn thứ nhất, tác giả đặt cái nền cho sự kiện và tạo điểm nhấn về những vấn đề phổ quát của con người: Thiên nhiên bao la, rợn ngợp, mênh mông và diệu kì, còn con người thì đơn độc và nhỏ bé trước thiên nhiên. Trên cái nền biển khơi bao la ấy, hình bóng con người, nhân vật San-ti-a-gô, chỉ là một cái chấm nhỏ nhoi. Ở điểm nhìn thứ hai, tác giả thiên truyện chủ yếu sử dụng ngôn ngữ độc thoại nội tâm để diễn trình các góc cạnh, phương diện của nhân vật, đặc biệt là hai con người trong một con người San-ti-a-gô trò chuyện, tâm tình, bộc bạch với nhau trong cảnh huống lao động vô cùng gian nan, khó khăn.
Nếu chỉ nhìn con người San-ti-a-gô như một ngư phủ đơn thuần thì chuyện không thành văn, nhưng nếu chỉ nhìn San-ti-a-gô như một nghệ sĩ, một nhà nhân văn thì chuyện thành không tưởng, không thuyết phục vì nó thiếu cơ sở hiện thực. Hai con người trong một con người San-ti-a-gô được miêu tả và thể hiện một cách hài hòa, thống nhất. Con người San-ti-a-gô sáng lên cả ở vẻ đẹp của dũng cảm, mưu lược, tài trí khi bắt con cá kiếm, và đặc biệt cả ở những vẻ đẹp của đời sống nội tâm, nhân cách. Những độc thoại nội tâm với chính mình để bằng sức mạnh tinh thần chiến thắng con người thể chất, vượt lên trong những thời điểm gay cấn, giành chiến thắng của nhân vật San-ti-a-gô cho thấy con người có sức mạnh tinh thần to lớn biết nhường nào. Nhiều đoạn văn độc thoại nội tâm rất giàu ý nghĩa, chẳng hạn như:
– Lời văn động viên mình với sự khẳng định sức mình phải hơn loài cá: “Ta không thể tự chơi xỏ mình và chết trước một con cá như thế này được”, lão nói.
– Lời văn đối thoại với chính mình, tinh thần gọi thể xác và giao nhiệm vụ: “Ta không để bị chuột rút”, lão nói, “chốc nữa nó sẽ ngoi lên và ta có thể cầm cự. Mày phải cầm cự”. Chớ có nói lằng nhằng…
– Tinh thần gọi tên từng bộ phận thân thể, động viên, khích lệ: Kéo đi, tay ơi”, lão thầm giục. “Hãy đứng vững, đôi chân kia. Tỉnh táo vì tao, đầu à. Hãy tỉnh táo vì tao. Bọn mày chưa bao giờ bại trận. Lần này ta sẽ lật được nó”…;
– Tinh thần tiếp tục động viên thể xác, đề cao giá trị con người: “Cứ thêm vài vòng nữa thì mình sẽ đuối sức. Không, mày khỏe”, lão tự nhủ, “mày luôn khỏe”… “Giờ thì đầu óc mày đang lú lẫn lên hết cả rồi, lão nghĩ. Mày phải giữ đầu óc tỉnh táo. Hãy giữ đầu óc tỉnh táo và biết cách chịu đựng như một con người”.
Trong điểm nhìn thứ ba, mối quan hệ giữa lão San-ti-a-gô và con cá kiếm chứa đựng nhiều ý nghĩa: Thứ nhất là phản ánh chân thực và sinh động sự gian lao, vất vả, khó nhọc trong lao động mưu sinh của con người qua cuộc đấu cam go của San-ti-a-gô và con cá kiếm; thứ hai, tiếp tục triển khai những phẩm chất tốt đẹp của San-ti-a-gô trong những lời thoại với con cá kiếm; thứ ba, hình tượng hóa quá trình chinh phục mục tiêu của con người từ khởi đầu, diễn biến, đạt mục tiêu và chuẩn bị cho mục tiêu mới. Trong kết cấu bề chìm, tác giả thiên truyện kết hợp nhuần nhuyễn giữa khả năng, kỹ thuật, kỹ năng, sự dẻo dai bền bỉ trong việc câu cá, giằng co với cá và cuối cùng là chiến thắng với những phẩm chất bên trong như hài hước, thông minh, dí dỏm, nhân ái, nghệ sĩ…, của lão ngư phủ không chỉ là ngư phủ San-ti-a-gô. Những lời văn lão ngư phủ này nói với cá chứa đựng nhiều giá trị, ý nghĩa góp phần làm nên phần chìm của tảng băng, tiêu biểu như:
– Lời thân mật: “Đừng nhảy, cá”, lão nói: “Đừng nhảy”.
– Lời cần sự cảm thông: “Cá ơi”, ông lão nói, “cá này, dẫu sao thì mày cũng sẽ chết. Mày muốn tao cùng chết nữa à?”
– Lời trò chuyện thân mật với cá, tôn trọng và đề cao vẻ đẹp của cá, công bằng trong cuộc đấu: “Mày đang giết ta, cá à”, ông lão nghĩ. “Nhưng mày có quyền làm như thế. Tao chưa bao giờ thấy bất kì ai hùng dũng, duyên dáng, bình tĩnh, cao thượng hơn mày, người anh em ạ. Hãy đến và giết ta đi. Ta không quan tâm chuyện ai giết ai”…
Trong điểm nhìn về mối quan hệ giữa ông lão San-ti-a-gô và con cá kiếm, ở phần cuối của mối quan hệ, tác giả nhìn hình tượng này theo cách hai đối tượng thẩm mỹ ấy thân mật, hòa đồng, cùng hướng đích: Với cái miệng mím chặt, cái đuôi nhịp nhàng, chúng ta lái thuyền đi như thể hai anh em…; Ông lão và con cá lại đang cặp kè lướt đi nên lão nghĩ, cứ để cu cậu đưa ta vào bờ nếu việc đó làm hài lòng cu cậu…; Họ lái thuyền êm… Cách nhìn đó nâng cao vẻ đẹp của hình tượng với ý nghĩa: Sự tuân phục của đối tượng một khi tâm phục khẩu phục đối phương, sự hài lòng và an nhiên của chủ thể lao động khi công việc kết thúc mĩ mãn.
Thế giới bên trong, phần chìm của tảng băng trong Ông già và biển cả không chỉ nằm ở cấp độ vĩ mô, khái quát với nhiều giá trị và ý nghĩa về cuộc sống và con người – con người trong quan hệ với lao động, với thiên nhiên, và với chính mình mà còn được thể hiện một cách đa dạng và phong phú ở từng lời văn nghệ thuật của tác phẩm, luôn thống nhất trong quan niệm nghệ thuật và cái nhìn nghệ thuật của tác giả.
Ngôn từ nghệ thuật – một kênh dẫn vào phần chìm của tảng băng trôi mang những dấu ấn sáng tạo mới mẻ của tác giả. Trong đó, ngôn từ đối thoại trong hình thức độc thoại là một phương diện nổi bật.
Trong phần cuối của thiên truyện, dù chỉ có một mình ông lão San-ti-a-gô trên thuyền giữa biển khơi mênh mông, nhưng với thủ pháp tách đôi nhân vật thành con người thể xác và con người tinh thần, tâm hồn và tư tưởng, tác giả đã tạo ra những màn đối thoại hấp dẫn, mới lạ trên hai bình diện. Bình diện thứ nhất là ông lão đối thoại với chính mình. Bình diện thứ hai là ông lão đối thoại với con cá kiếm, trong đó chủ thể đối thoại là ông lão san-ti-a-gô, đối tượng đối thoại là con cá kiếm.
Ở bình diện thứ nhất, bên trong nhân vật san-ti-a-gô, con người tinh thần và tư tưởng đối thoại với con người thể xác. Nhìn chung, những cuộc đối thoại ngắn ngủi này diễn ra nhắm tới mục tiêu để con người thể xác không gục ngã, không khuất phục hoàn cảnh, cố gắng nhiều hơn, nhiều thêm nữa để đứng vững. Sức hấp dẫn của những màn đối thoại này là ở chỗ nó được thể hiện nhiều lần, mỗi lần là một sắc thái riêng; mặt khác, toàn bộ cơ thể cũng như các bộ phận của cơ thể cần được huy động vào cuộc chiến này đều được lão ngư nhắc tới để an ủi, động viên, khích lệ và cả để ra lệnh. Ở bình diện thứ hai, lão ngư nói chuyện với con cá kiếm, bộc lộ những vẻ đẹp bên trong mang tính nhân văn của con người trong mối quan hệ với thế giới tự nhiên; tinh thần trân trọng, nhân ái, bao dung.
Phân tích ý nghĩa và giá trị truyện ngắn Ông già và biển cả của Hê-minh-uê