Phân tích truyện ngắn Thuốc của Lỗ Tấn (dưới góc độ thi pháp)

phan-tich-truyen-ngan-thuoc-cua-lo-tan-duoi-goc-do-thi-phap

Phân tích truyện ngắn Thuốc của Lỗ Tấn (dưới góc độ thi pháp)

Trong truyện ngắn Thuốc của Lỗ Tấn, quan niệm nghệ thuật về con người là một phương diện độc đáo, đặc sắc, thể hiện cái nhìn mới mẻ về con người và triết lý nhân sinh. Quan niệm nghệ thuật của thiên truyện nổi tiếng này nằm trong hệ thống của quan niệm của Lỗ Tấn về triết lý nhân sinh chữa bệnh tinh thần cho người dân Trung Hoa để thoát khỏi mê lầm, u tối, vô minh. Quan niệm nghệ thuật đó chi phối thi pháp xây dựng nhân vật cũng như sáng tạo không gian nghệ thuật giàu tính quan niệm của nhà văn.

Truyện vừa miêu tả thực trạng cuộc sống bi thảm của người dân Trung Hoa lúc bấy giờ, nhưng cũng là một ẩn dụ lớn về những quan niệm mới mẻ mang tính cách mạng về nhân sinh. Do vậy, tác giả đặt tên cho thiên truyện là Thuốc, tên gọi đó gắn chặt với nội dung hiện trạng của câu chuyện khi nhà lão Hoa mê muội và lạc hậu dùng bánh bao tẩm máu người để trị bệnh lao cho đứa con trai của mình.

Tuy nhiên, giá trị ẩn dụ hàm chứa trong tiêu đề của truyện vượt xa ra ngoài câu chuyện chỉ của gia đình lão Hoa, và mang tính xã hội rộng lớn, sâu sắc: Thuốc để cứu dân tộc Trung Hoa khỏi cơn mê muội và lạc hậu về tinh thần là điều quan trọng hơn tất cả. Chính với quan niệm như thế nên tác giả đi sâu vào câu chuyện của gia đình lão Hoa, một gia đình lao động nghèo khó với quán trà nước bình dân, nhưng đang trong cơn gian nan, éo le. Tác giả lột tả chân dung, hành vi, ngôn từ của các thành viên trong gia đình lão Hoa với cái trục gắn kết các thành viên là nghèo khó, âu lo, tăm tối, tù túng, bi thảm. Cái nhìn đó tỏa các sắc thái chủ đạo của nó lên từng nhân vật trong cái không gian chật hẹp, quẩn quanh, mê muội của gia đình ấy và của nhiều người Trung Hoa khác thời bấy giờ khi họ chen lấn để quyết mua được cái bánh bao tẩm máu người về trị bệnh cho người thân.

Với gia đình lão Hoa, việc mua bánh bao tẩm máu người để trị bệnh lao cho Thuyên, con trai họ, không phải là một hành vi ngẫu hứng hay đường đột, mà đã được chuẩn bị từ trước cả về quan niệm và tâm lý cũng như tiền bạc. Do vậy, cả hai vợ chồng lão tự nhiên, điềm tĩnh vào cuộc:

– Bố thằng Thuyên đấy à ? Đó là tiếng một người đàn bà đã có tuổi. Ở buồng phía trong bỗng nổi lên một cơn ho.

– Ừ.

Lão vừa trả lời, vừa lắng tai nghe tiếng ho, vừa cài nút áo, rồi chìa tay ra, nói tiếp:

– Đưa đây tôi!

Bà Hoa moi dưới gối một lúc lâu, lấy ra một gói bạc, đưa cho chồng. Lão cầm lấy, run run bỏ vào túi áo, lại còn ấn xuống vào lần phía ngoài túi, rồi thắp cái đèn lồng, tắt ngọn đèn con, đi vào buồng phía trong…

Ba con người, hai vợ chồng lão Hoa và con trai họ được miêu tả và thể hiện với những sắc thái riêng: Vợ lão Hoa chuẩn bị tài chính, động viên chồng con; lão Hoa đi mua bánh bao biệt dược; Thuyên – con trai họ – được miêu tả trong trạng thái bệnh nặng, nằm chờ thuốc và hiển thị chỉ bằng các cơn ho. Tuy nhiên, cả ba người đều được tác giả thiên truyện nhìn trong cùng một lộ trình dõi về niềm tin mà cái bánh bao tẩm máu người ấy là điểm hội tụ của niềm tin của cả ba người.

Và không chỉ với riêng ba người ấy, mà căn bệnh tinh thần và quan niệm này có số đông người sùng tín. Tác giả đặc tả hành vi của lão Hoa trên nền của nhân vật đám đông chen lấn, xô đẩy, tranh giành cốt kiếm cho bằng được một chiếc bánh bao “cứu tinh” ấy: Lão Hoa cũng nhìn về phía đó, nhưng chỉ thấy lưng người mà thôi. Người nào, người nấy dướn cổ ra như cổ vịt bị một bàn tay vô hình nắm lấy xách lên. Im lặng một lát. Bỗng hình như có tiếng động. Rồi cả đám xô đẩy nhau ào ào, lùi về phía sau đến chỗ lão đứng, chen lão suýt nữa ngã: – Này! Tiền trao cháo múc đây!

Trong quan niệm nghệ thuật về con người, phương diện thứ hai trong căn bệnh trầm kha của người Trung Hoa thời bấy giờ mà Lỗ Tấn chỉ rõ là u tối trước thời cuộc, mê lạc về giá trị con người. Họ không phân biệt nổi đâu là người tốt, đâu là người xấu; họ bị giá trị vật chất làm mờ tối con mắt và tâm hồn. Điều đó được thể hiện xung quanh thái độ và cách bàn luận của họ về cái chết của nhân vật cách mạng Hạ Du:

Người râu hoa râm vừa nói vừa đi lại trước mặt bác Cả Khang, hạ thấp giọng nói:

– Bác Cả này! Nghe nói tên phạm chém hôm nay là người họ Hạ. Con nhà ai đấy nhỉ? Tội gì thế hở bác?

– Con nhà ai nữa? Con nhà bà Tứ chứ con nhà ai? Thằng quỷ sứ!

Bác Cả Khang thấy mọi người vểnh tai nghe, lấy làm thú lắm, những thớ thịt trên mặt nổi từng cục. Bác ta cao hứng nói càng to:

– Cái thằng nhãi con ấy không muốn sống nữa, thế thôi. Lần này, tớ chẳng nước mẹ gì.

Đến cái áo nó cởi ra, cũng lão Nghĩa, cái lão đề lao, mắt đỏ như mắt cá chép ấy, lấy mất. May nhất có thể nói là ông Hoa nhà này, thứ đến là cụ Ba. Cụ ta được thưởng hai mươi lạng bạc trắng xóa, một mình bỏ túi tất, chẳng mất cho ai một đồng kẽm! Đám đông chăm chú nghe ông Cả Khang thuyết trình, nhưng lại thể hiện sự thờ ơ, vô cảm và u tối trước cái chết của Hạ Du. Thậm chí, cái cách mà ông Cả Khang ba hoa thuyết trình dường như được mọi người nghe đồng thuận. Theo lập luận của ông Cả Khang thì cái may, cái khôn của cụ Ba thực ra chỉ là đã tố giác người thân, vì tiền: Cụ Ba đến là khôn! Giá cụ ta không đem thằng cháu ra thú thì cả nhà mất đầu hết. Nay thì được bao nhiêu là bạc! Còn cái thằng nhãi con ấy thì chẳng ra cái thá gì hết. Nằm trong tù rồi mà còn dám rủ lão đề lao làm giặc!

Đám đông hoàn toàn tin lời ông Cả Khang, vì họ hoàn toàn mê lú, không phân biệt được phải – trái; không biết được con người mà ông Cả Khang lên án là thằng nhãi con, là giặc, là kẻ không muốn sống nữa ấy thực chất là một người cách mạng, người tỉnh thức, người muốn cứu người khác thoát khỏi nô lệ, u tối và mê lầm. Không chỉ đám đông những người già cả và trung niên tin lời ông Cả Khang, mà ngay đến đám thanh niên, tầng lớp nhạy cảm và là tương lai của đất nước cũng mê lầm, thậm chí bệnh còn nặng hơn. Chi tiết thể hiện thái độ của anh chàng trạc hơn hai mươi tuổi khi nghe lời ông Cả Khang là một tình tiết nghệ thuật đầy dụng ý của tác giả thiên truyện: Một canh chàng trạc hơn hai mươi tuổi ngồi dãy bàn sau, nghe nói, tức máu: – Ái chà chà! Ghê nhỉ!

Rồi từng người một trong đám đông ngơ ngẩn ấy cũng lần lượt thể hiện thái độ đồng tình với ông Cả Khang, căm ghét và lên án cái thằng nhãi con ấy. Cậu Năm gù nghe chi tiết lão Nghĩa đề lao bạt tai người tù cách mạng thì thốt lên thích thú: Lão Nghĩa là tay võ rất cừ, hai cái tát ấy cũng đủ cho hắn ta xài đấy nhỉ! Người râu hoa râm và mọi người đều không hiểu ý nghĩa câu nói Thật đáng thương hại, thật đáng thương hại của Hạ Du là dành cho ai, vậy nên khi nghe lời giải thích của ông Cả Khang thì tất cả Mặt ai nấy bỗng ngơ ngác. Không ai nói gì cả. Và mỉa mai và chua xót thay, khi mọi người tưởng mình hiểu ra vấn đề nhưng thực chất càng mê lầm hơn, bởi đã cho rằng thằng nhãi con ấy là kẻ điên, kẻ điên thật rồi.

Trong phần kết truyện, hình ảnh hai người mẹ già yếu, trơ trọi, cô lẻ khóc thương cho bên mồ con của họ – Thuyên người từng ăn bánh bao tẩm máu người – máu của Hạ Du, và Hạ Du, nhân vật cách mạng, kẻ điên đã bị giết và máu của anh ta đã bị tẩm bánh bao đem bán – thể hiện quan niệm của tác giả như là hệ quả của sự mê lầm mà người dân đẩy tới: Sự tiêu điều, tang thương và dường như tận diệt. Tuy vậy, tình tiết vòng hoa trên mộ Hạ Du mà mẹ anh không biết của ai và từ đâu tới chắc chắn là của những người đồng chí của anh, đã sáng lên một niềm tin và hi vọng của tác giả về ngày mai.

Như vậy, Thuốc, tiêu đề của truyện mang tính nhị trị: Thuốc là bánh bao tẩm máu người – mà vợ chồng lão Hoa đã mua cho Thuyên, con trai của họ, ăn để trị bệnh lao theo niềm tin của vợ chồng lão và của nhiều người rằng bệnh sẽ hết. Mặt khác, thuốc là cái cần phải có để trị bệnh u tối, lạc hậu, mê lầm về tinh thần và tư tưởng của người Trung Hoa, trong cách dùng chữ ẩn dụ của tác giả, thì Hoa (họ Hoa) ghép với Hạ (họ Hạ) là Hoa Hạ, chỉ người Trung Hoa. Với quan niệm nghệ thuật về con người như thế, Lỗ Tấn đã tạo dựng một không gian nghệ thuật giàu giá trị nội dung và tư tưởng.

Không gian nghệ thuật được xây dựng vừa có tính miêu tả, trực cảm, vừa có tính biểu trưng. Mở đầu tác phẩm là mảng không gian vũ trụ trong xanh, mênh mông với chi tiết tiêu biểu là tầng không xanh thẳm. Đối lập với mảng không gian đó là mảng không gian chập hẹp, tù túng và tăm tối trong gian nhà của lão Hoa: Cái đèn nhầy nhụa những dầu là dầu. Ánh đèn sáng xanh sáng khắp hai gian quán trà. Con đường lão Hoa đi mua bánh bao tẩm máu người hắt hiu, tăm tối.

Tiếp theo, tất cả những đối thoại của các nhân vật về tác dụng của bánh bao tẩm máu chữa bệnh lao cho Thuyên, về nhân vật cách mạng Hạ Du cũng chỉ được thể hiện trong không gian chật và tối của quán trà nhà ông Hoa. Một mảng không gian khác cũng u uất, tăm tối và chật hẹp là nghĩa địa lạnh lẽo, tang thương. Như vậy, cái nội dung trong không gian nghệ thuật câu chuyện là nhận thức sai lệch, u mê, tăm tối, luẩn quẩn và bế tắc của người dân – căn bệnh tinh thần nguy hiểm của quốc dân Trung Hoa mà Lỗ Tấn nhận thấy rất rõ nên ông phơi bày, mổ xẻ và quyết tâm chữa trị.

Phân tích truyện ngắn Thuốc của Lỗ Tấn

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.