phan-tich-truyen-thuoc-cua-lo-tan

Phân tích truyện ngắn Thuốc của Lỗ Tấn

Phân tích truyện ngắn “Thuốc” của Lỗ Tấn.

  • Mở bài:

Lỗ Tấn (1881-1936) là nhà văn nổi tiếng Trung Quốc. Bối cảnh xã hội Trung Quốc trì trệ, lạc hậu, những đặc điểm tinh thần của người Trung Quốc đầu thế kỉ XX đã thôi thúc nhà văn có ý chí và mục đích lập nghiệp văn: hương cao cả. Lỗ Tấn đã để lại khối lượng tác phẩm đồ sộ và đa dạng, trong đó có hai tập truyện nổi tiếng là Gào thét và Bàng hoàng. Truyện “Thuốc” được Lỗ Tấn viết ngày 25/4/1919, đăng trên tạp chí Tân thanh niên (5/1919), sau in trong tập “Gào thét”. Thời gian này ở Trung Quốc bùng nổ phong trào Ngũ tứ ( đó là phong trào HSSV Bắc Kinh mở đầu cuộc vận động cứu vong). Đây là thời kì, đất nước Trung Hoa bị các đế quốc Anh, Nga, Pháp, Đức, Nhật xâu xé, xã hội Trung Hoa biến thành nửa phong kiến, nửa thuộc địa nhưng nhân dân lại an phận chịu nhục. Đó là căn bệnh đớn hèn, tự thỏa mãn, cản trở nghiêm trọng con đường giải phóng dân tộc. Cố hương là truyện ngắn được in trong tập Gào thét .

  • Thân bài:

Cốt truyện xoay quanh cái chết của nhân vật Hạ Du, một chiến sĩ cách mạng. Vợ chồng Hoa Thuyên, chủ một quán trà nghèo có đứa con trai độc nhất mắc bệnh lao rất nặng. Nhờ có người mách, vào một đêm thu lúc trời chua sáng hẳn, lão Hoa Thuyên mới tìm tới pháp trường để mua chiếc bánh bao tẩm máu người vừa chịu án chém về cho con ăn vì cho rằng như thế nó sẽ khỏi bệnh. Vợ chồng lão Thuyên cho thằng Thuyên ăn thuốc, trông nó thật tiều tụy, đáng thương. Vợ chồng lão Thuyên đặt hết niềm tin tưởng vào sự hiệu nghiệm của phương thuốc này. Trời vừa sáng lúc bé Thuyên ăn thuốc xong, quán trà nhà lão Hoa Thuyên dần đông khách, câu chuyện của khách xoay quanh 2 sự việc: tất thảy bọn họ đều tin tưởng vào công hiệu của phương thuốc bánh bao tẩm máu người mà thằng bé vừa ăn; bàn tán về người tù vừa bị chém sáng nay. Qua lời của cả Khang thì người bị chém tên là Hạ Du, người ở địa phương. Hạ Du theo đuổi lí tưởng đánh đổ nhà mãn Thanh giành chủ quyền cho người Trung Quốc. Hạ Du bị bắt vì bị người bà con tố giác. Trong tù Hạ Du vẫn tuyên truyền tư tưởng cách mạng. Tuy nhiên tất cả những người có mặt trong quán trà hôm ấy không ai hiểu đứng về Hạ Du, bọn họ cho Hạ Du là thằng điên, thằng khốn nạn. Vào một buổi sáng thanh minh năm sau, mẹ Hạ Du và bà Hoa Thuyên cùng đến nghĩa địa dành cho người nghèo, người tù và người bị chém viếng mộ con. Họ ngạc nhiên vì trên mộ Hạ Du có vòng hoa. Mẹ Hạ Du bắt đầu hiểu ra việc làm của con bà và tin tưởng những kẻ giết hại Hạ Du sẽ bị quả báo.

Tác phẩm có nhan đề là “Thuốc”, đồng thời đây cũng là hình tượng trung tâm được phản ánh trong tác phẩm. “Thuốc” ở đây chính là chiếc bánh bao tẩm máu người tử tù mà lão Hoa ra pháp trường mua bằng tất cả số tiền dành dụm được để mang về chữa bệnh cho con trai. Chiếc bánh bao này, trong quan niệm lúc bấy giờ của người Trung Hoa là phương thuốc hữu hiệu và đắc dụng nhất để chữa căn bệnh lao nguy hiểm.

Từ quan điểm đó đã cho thấy sự cổ hủ, lạc hậu và mê tín mù quáng của những con người thiếu hiểu biết. Đồng thời cũng cho người đọc thấy, đó chính là hình ảnh đất nước Trung Quốc đình đốn, trì trệ lúc bấy giờ và đặt ra vấn đề cần phải chống lại căn bệnh mê tín dị đoan đã ăn sâu vào suy nghĩ của những người thiếu hiểu biết. Nhưng bên cạnh đó, Lỗ Tấn còn muốn đề cập đến phương thuốc chữa bệnh tinh thần cho người dân Trung Hoa: đầu tiên là căn bệnh gia trưởng, u mê, lạc hậu về mặt khoa học.

Tác phẩm đặt ra vấn đề người Trung Quốc cần phải tỉnh táo, không được tiếp tục ngủ mê trong cái nhà hộp bằng sắt không có cửa sổ như vậy nữa. Chữa căn bệnh thứ hai là căn bệnh u mê lạc hậu về mặt chính trị của người dân Trung Quốc. Và căn bệnh cuối cùng là căn bệnh xa rời quần chúng của người cách mạng đương thời. Qua đó, Lỗ Tấn đã làm nổi bật chủ đề tư tưởng của tác phẩm là nỗi đau của đất nước Trung Quốc đương thời: Nhân dân đang ngủ mê trong cái nhà hộp bằng sắt không có cửa sổ, u mê lạc hậu về khoa học, về chính trị, còn người chiến sĩ cách mạng bôn ba trong chốn quạnh hiu, không được sự trợ giúp từ các lực lượng xã hội khác. Như vậy, bằng một nhan đề hết sức ngắn gọn, chỉ có một từ duy nhất nhưng đã khái quát, nói lên những vấn đề lớn của tác phẩm.

Bên cạnh đó, để làm nổi bật và rõ hơn quan điểm, chủ đề mà tác giả gửi gắm ta cũng không thể không nói đến sự xuất hiện của các nhân vật trong tác phẩm. Trước hết là sự xuất hiện của nhân vật đám đông, họ xuất hiện lần đầu tiên vào buổi sáng sớm, ở pháp trường, khung cảnh diễn ra vô cùng náo loạn, họ xô đẩy, chen lấn nhau khiến lão Hoa thiếu chút nữa đã ngã. Trong họ mang niềm phấn khích tột cùng, háo hức đến xem cảnh hành hình người chiến sĩ cách mạng Hạ Du. Lần thứ hai đám đông được tác giả khắc họa khi trời đã sáng hẳn, lúc này không gian có sự thay đổi, từ pháp trường dịch chuyển về quán trà của lão Hoa, họ bàn tán, bình luận về người tử tù, về cái chết của tử tù, về những việc Hạ Du đã làm mà họ được nghe kể lại, họ cho rằng Hạ Du là điên, là khốn nạn; về việc cụ Ba tố cáo cháu mình để nhận tiền thưởng, thì họ lại cho rằng hành động của cụ Ba là vô cùng khôn ngoan; cuối cùng là về việc lão Hoa nhanh chóng, kịp thời nắm bắt cơ hội mua máu của Hạ Du để tẩm bánh bao chữa bệnh cho thằng Thuyên, và đám đông cho rằng lão Hoa là một kẻ biết làm ăn và may mắn. Qua những điều họ bàn tán, họ nhận xét, ta có thể thấy rằng họ là những kẻ hết sức mê muội, ngu ngốc về thực trạng của đất nước, ngu dốt, mê tín khi cho rằng bánh bao tẩm máu người có thể chữa bệnh. Đây chính là căn bệnh tinh thần ghê gớm, khủng khiếp hơn cả căn bệnh lao, đang gặm nhấm người dân Trung Quốc, khiến họ mất hết ý chí, mụ mị, và ngu muội hơn.

Nhân vật nhân vật Hạ Du mặc dù chỉ xuất hiện gián tiếp trong tác phẩm nhưng cũng là một nhân vật đáng lưu tâm, một con người mới, con người khác trong xã hội đầy ngu muội lúc bấy giờ. Hạ Du là một chiến sĩ cách mạng, là người có tinh thần yêu nước nồng nàn: “Rủ đề lao làm giặc”. Không chỉ vậy, Hạ Du còn tuyên truyền với lão Nghĩa mắt cá chép: “Thiên hạ nhà Mãn Thanh chính là của chúng ta”. Và mang trong mình lí tưởng lật đổ ngai vàng, đánh đổ ngoại tộc và muốn giành lại độc lập, chủ quyền. Trong một xã hội mà mọi người đều mắc căn bệnh tinh thần, u mê trước vấn đề xã hội thì những suy nghĩ của Hạ Du là vô cùng mới mẻ, tiến bộ và đáng trân trọng. Nhưng trong một xã hội mà chỉ có một mình Hạ Du có tư tưởng tân tiến, tất yếu sẽ nhận kết cục không hề tốt đẹp. Vì mang trong mình những suy nghĩ khác mọi người nên anh là kẻ cô đơn trong công việc cách mạng cao cả, bởi chẳng ai hiểu những lí tưởng cao đẹp, những hành động anh dũng của anh. Đối với họ mọi suy nghĩ, lí tưởng của anh là điên rồ, ngu ngốc. Bởi vậy, khi anh chết, đám đông bàn tán về cái chết của anh, về việc anh làm; lão Nghĩa đánh vì anh rủ lão làm giặc; đặc biệt ngay cả những người thân trong gia đình cũng không hiểu anh, cụ Ba đem cháu ra đầu thú, mẹ anh xấu hổ khi đến thăm mộ con. Cả cuộc đời anh là chuỗi bi kịch đau đớn. Hạ Du hiện lên là hình ảnh tượng trưng của cuộc cách mạng Tân Hợi, của những người chiến sĩ đi tiên phong trong cách mạng đương thời.

Cuối tác phẩm là khung cảnh nghệ thuật vô cùng đặc sắc, hai bà mẹ đi thăm mộ con. Ở đây có sự dịch chuyển thời gian nghệ thuật từ đêm mùa thu năm trước đến mùa xuân năm sau: Mùa thu vốn gợi sự tàn lụi, héo úa, về câu chuyện về cái chết của Hạ Du. Còn mùa xuân lại gợi sự hồi sinh, gắn với câu chuyện mọi người quay lại nhìn nhận về người chiến sĩ cách mạng Hạ Du, câu chuyện về hai bà mẹ đi thăm mộ con, câu chuyện về vòng hoa bất ngờ xuất hiện trên mộ Hạ Du. Không gian nghệ thuật là hình ảnh con đường mòn phân chia ranh giới: một bên là khu mộ dành cho người nghèo, một bên là khu mộ dành cho người chết chém. Đây là biểu tượng cho một tập quán xấu đã thành thói quen. Hình ảnh bà mẹ thằng Thuyên đã chủ động bước qua ranh giới của con đường mòn để đến an ủi bà mẹ Hạ Du. Bước chân đó không chỉ đơn thuần là một hành động, mà nó là bước chân dám vượt qua định kiến để gặp gỡ nhau trong sự đồng cảm và chia sẻ. Bên cạnh đó hình ảnh vòng hoa trên mộ Hạ Du, khiến cho người mẹ của Hạ Du ngạc nhiên, thảng thốt và rất đỗi vui mừng, bây giờ bà mới bắt đầu hiểu được công việc có ý nghĩa cao cả của con mình. Đồng thời bó hoa đó cũng thể hiện thái độ trân trọng của tác giả, của hậu thế đối với người chiến sĩ cách mạng đi tiên phong; niềm tin vào tương lai, tiền đồ của cách mạng.

Lỗ Tấn dùng lối văn cô đọng, súc tích với nhiều hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng: hình ảnh chiếc bánh bao tẩm máu, hình ảnh con đường mòn, hình ảnh vòng hoa trên mộ Hạ Du, đã giúp tác phẩm truyền đạt được nhiều thông điệp, ý nghĩa. Cách xây dựng nhân vật của ông cũng hết sức đặc biệt, ông không đặt nhân vật cách mạng ở vị trí chủ yếu mà đặt ở tuyến ngầm phía sau nhân vật đám đông, nhằm hướng đến chủ đề thức tỉnh quần chúng. Và ngôi kể thứ ba chân thực, khách quan, có những khúc đoạn chuyển điểm nhìn sang nhân vật, giúp câu chuyện trở nên sinh động và giàu chất trữ tình hơn.

  • Kết bài:

Tác phẩm “Thuốc” là bức tranh chân thực về cuộc sống của những người bất hạnh trong xã hội Trung Quốc đầy bệnh tật. Nhà văn đã lôi hết bệnh tật của họ ra, làm cho mọi người chú ý tìm cách chạy chữa. Đó là những liệt căn tính (cái xấu căn bản): quốc dân tính – phép thắng lợi tinh thần của AQ, an phận, cam chịu của Nhuận Thổ và Tường Lâm (Cố hương, Cầu phúc) và căn bệnh trầm kha nguy hiểm trong Thuốc: thái độ dửng dưng, vô cảm trước sự hi sinh của những người đổ máu vì đất nước và nhân dân, sự ngu muội và mê tín của họ trong đời sống sinh hoạt, chữa bệnh…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang