Phân tích vẻ đẹp tâm hồn và sức sống mãnh liệt của ba nữ thanh niên xung phong trong truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi”.
- Mở bài:
Lê Minh Khuê đã từ một cô thanh niên xung phong chống Mĩ trở thành một nhà văn. Những tác phẩm đầu tay của chị ra mắt vạn đọc vào những năm 70 của thế kỉ XX đều viết về thanh niên xung phong và bộ đội trên tuyến đường Trường Sơn thời chống Mĩ. Từ năm 1975, các sáng tác của chị chủ yếu đều cập tới những vấn đề bức xúc của xã hội và con người với tinh thần đổi mới mạnh mẽ. Nhà văn có sở trường viết về truyện ngắn với những trang miêu tả tâm lí phụ nữ rất tinh tế. Truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi được viết năm 1971, lúc cuộc kháng chiến chống Mĩ của dân tộc đang diễn ra ác liệt. Tác phẩm đã khắc họa thành công vẻ đẹp tâm hồn và sức sống mãnh liệt của ba nữ thanh niên xung, qua đó ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ca ngợi phẩm chất cao cả của con người Việt Nam trong chiến tranh.
- Thân bài:
Truyện kể về cuộc sống và chiến đấu vô cùng gian khổ và hiểm nguy của ba nữ thanh niên trẻ tuổi trên một cao điểm trong vùng trọng điểm. Tuy cuộc sống kho khăn thiếu thốn, công việc nặng nhọc hiểm nguy nhưng ba nữ thanh niên vẫn kiên cường bám sát và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ở mỗi nhân vật có một tính cách riêng. trên đỉnh cao, họ luôn biết tự tạo niềm vui cho mình. Trận phá bom được miêu tả gây cấn, căng thằng nhưng cuối cùng họ cũng phá được bom. Trong lần ấy, Nho bị thương và được đồng đội giúp đỡ, chăm sóc tận tình.
Cốt truyện rất đơn giản, truyện kể theo dòng ý nghĩ của nhân vật kể chuyện đan xem giữa hiện thực và quá khứ. Tác giả lựa chọn ngôi kể thứ nhất – nhân vật chính Phương Định tự kể chuyện mình và hai đồng đội. Ngôi kể đó giúp tác giả miêu tả được sâu sắc thế giới nội tâm của nhân vật và dựng lại rất chân thực, sinh động cuộc sống chiến đấu đầy gian khổ, hiểm nguy của thanh niên xung phong trên các tuyến đường mặt trận thời chống Mĩ.
Ở ba cô thanh niên xung phong có những nét tương đồng đáng quý. Họ làm thành một tổ trinh sát mặt đường. Họ ở trong một cái hang dưới cao điểm, có con đường đi qua trước cửa hang. Nhiệm vụ của họ là: “Khi có bom nổ thì chạy lên, đo khối lượng đất lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom”. Sau đó họ báo cáo cho đơn vị biết để đêm đến cả đơn vị thanh niên xung phong ra lấp hố bom thông đường cho xe chạy.
Cuộc sống và chiến đấu hằng ngày của họ: “Chúng tôi bị bom vùi luôn… Thần kinh căng như chão, tim đập bất chấp cả nhịp điệu,…”. Nữ nhân vật chính tự kể nỗi khó khăn, vất vả, hiểm nguy của người thanh niên xung phong bằng lời kể chân thật, trẻ trung, giản dị, ngắn gọn.
Bên cạnh những nét chung, ở họ còn có những nét riêng đáng yêu. Phương Định là cô gái Hà Nội, khá xinh “hai bím tóc dày, tương đối mềm mại, một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa loa kèn”, đôi mắt thì “Cô có cái nhìn sao mà xa xăm”. Cô rất thích hát, hát khá hay, nhạy cảm và hay mơ mộng. Nho cũng rất trẻ, một cô gái nông thôn, nhỏ nhắn, tươi tắn, hay ăn kẹo, thích được vỗ về. Đó là một cô gái giàu nữ tính, sống hồn nhiên hòa đồng. Còn chị Thao lớn tuổi hơn một chút, là đội trưởng, từng trải và thiết thực hơn hai cô bạn, hát loạn nhạc nhưng thích chép bài hát, rất sợ máu nhưng lại quên mình lao ra cứu đồng đội, đau lòng khi đồng đội bị thương nhưng ghìm lòng không khóc. Đó là một người chiến sĩ dũng cảm, giàu tình thương đồng đội và có tinh thần trách nhiệm.
Dù cuộc chiến ác liệt, cái chết lúc nào cũng chực vồ lấy, nhưng họ luôn thích ngắm mình trong gương, rất tự hào khi được mọi người khen là xinh, thích làm đẹp cho cuộc sống ngay cả trên chiến trường ác liệt. Cùng chiến đấu rất dũng cảm: chưa tan khói bom đã lao ra, phơi mình dưới đồi quang làm nhiệm vụ. Thản nhiên khi bị nạn để động viên nhau vượt qua và có tình cảm đồng đội gắn bó sâu sắc. Họ sống, chiến đấu đầy gian khổ, hi sinh nhưng tinh thần rất dũng cảm, tâm hồn rất trong sáng, lạc quan.
- Kết bài:
Lê Minh Khuê đã thành công khi phản ánh về cuộc sống và chiến đấu của những thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn khó liệt. Chính nhờ ngòi bút miêu tả sinh động, các tình tiết chân thực, diễn tả một cách tự nhiên cử chỉ, ngôn ngữ, ý nghĩ, cảm xúc, tâm trạng các nhân vật, câu chuyện trở nên lối cuốn, có sức hấp dẫn đối với nhiều thế hệ người đọc.
Tham khảo:
Vẻ đẹp hình ảnh ba nữ thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn ác liệt.
- Mở bài:
Đã có rất nhiều tác phẩm hay viết về hình ảnh của bộ đội chiến đấu trên nẻo đường Trường Sơn thời kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Có cả truyện ngắn, thơ và nhiều thể loại tác phẩm khác để ca ngợi công lao và tinh thần dũng cảm của người chiến sĩ. Trong đó, không thể không nhắc đến cây bút trẻ tiêu biểu Lê Minh Khuê với truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi”. Qua ngòi bút tìm tòi và sáng tạo của tác giả, tác phẩm đã phát hiện và ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn và sức sống mãnh liệt của ba nữ thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn ác liệt.
- Thân bài:
Thao, Nho, Phương Định, cả ba được phân công vào cùng một tổ trinh sát mặt đường. Công việc của họ là ngồi đợi cho bom nổ, rồi chạy lên lấp đất vào hố bom, đếm số bom chưa nổ và nếu cần thiết thì phá chúng. Thao là người lớn tuổi nhất, có lẽ vì vậy mà chị kiêm cả chức tổ trưởng. Lớn hơn Nho một chút là Phương Định, một cô gái trẻ người Hà Nội với tâm hồn mơ mộng, giàu suy tư.
Nhiệm vụ của họ ẩn chứa đầy hiểm nguy. Công việc đòi hỏi ở họ lòng dũng cảm, gan dạ và bình tĩnh. Bởi thế, lúc nào cũng trong trạng thái căng thẳng như “dây chão”, tim luôn đập thình thịch. Thần chết luôn tồn tại đâu đó bất ngờ trong những quả bom. Ngay cả bầu không khí xung quanh cũng rất chán chường, mông quạnh. Không một bóng cây, đất bốc khói, máy bay ầm ì xa dần. Nhưng không, tuy hiểm nguy là thế nhưng họ vẫn luôn giữ cho bản thân luôn lạc quan, yêu đời, hướng tới tương lai.
Phương Định là một cô gái xinh đẹp gốc Hà Nội. Theo lời kể của tác giả, Phương Định rất thích hát và hay hát. Cô cứ ngân nga những bài hát với lời mà bản thân tự chế. Một cô gái còn trẻ đã làm công việc phá bom hiểm nguy này, thật đáng khâm phục. Đã vậy như bao cô gái cùng tuổi khác, Phương Định cũng thích làm điệu. Có lẽ vì công việc nên trong suy nghĩ của mình, người cô khâm phục nhất là các anh chiến sĩ mặc quân phục, có ngôi sao trên mũ.
Chị Thao lớn tuổi nhất, lại kiêm chức đội trưởng nên dự tính tương lai cũng thiết thực hơn, lại có kinh nghiệm lâu năm. Chị không hồn nhiên, mơ mộng như Phương Định . Trong công việc, chị lại càng bình tĩnh và quyết liệt, chính tính cách nghiêm nghị đó mà ai cũng gờm. Tuy vậy mạnh mẽ vậy, chị lại mắc bệnh sợ máu và vắt. Những khi biết rằng cái sắp tới sẽ không êm ả chị lại tỏ ra bình tĩnh bằng cách móc bánh bích quy trong túi và thong thả nhai, bình tĩnh đến mức khiến người khác phải khó chịu .
Còn Nho, là em út của nhóm là một cô bé khá khó hiểu có lúc bướng bỉnh, mạnh mẽ lại có lúc lầm lì cực đoan. Có lẽ vì nhỏ tuổi nhất nên tính cách ngây thơ. Nho là một cô bé rất dễ thương, trắng nõn nà.
Trong một lần phá bom, Nho bị thương, chị Thao và Định hết lòng chăm sóc. Phương Định rửa cho Nho bằng nước đun sôi trên bếp than, rồi băng bông trắng, pha sữa vào một cái ca sắt cho Nho. Còn chị Thao vì sợ nhìn thấy máu nên chỉ dám ngồi từ xa chỉ bảo Định làm. Thương Nho, chị cũng rất bối rối. Chị cứ đưa mắt nhìn Nho, lấy tay sửa cái cổ áo, cái ve áo và tóc nó. Chị không khóc đó thôi, chị không ưa cả nước mắt nhưng tâm hồn đang rất lo lắng. Qua việc Nho bị thương, chúng ta thấy rõ được tình cảm mà các cô đã dành cho nhau, đã gắn bó với nhau sâu sắc đến mức nào.
Cuộc sống và chiến đấu của ba cô gái trẻ giữa chiến trường, dù rất khắc nghiệt, nhưng họ vẫn luôn bình thản, tươi vui, hồn nhiên và không kém phần lãng mạn. Đặc biệt cả ba rất yêu thương nhau, gắn bó với nhau trong tình đồng đội keo sơn, dù cho mỗi người một cá tính. Lo lắng khi đồng đội, người em của mình bị thương. Điều khiến em khâm phục nhất là cái chân lý mà họ tự đặt ra: Nước mắt ai chảy trong khi cần sự cứng cỏi là bị xem như bằng chứng của sự tự nhục mạ. Chính vì vậy, thấy Nho bị thương, chị Thao tuy nghẹn ngào nhưng không muốn để cho nước mắt ú ra, nên mới ngồi ca hát. Ba nữ thanh niên xung phong này là những người có trách nhiệm tự giác rất cao, quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ được phân công bởi công việc của họ không hề đơn giản.
Công việc gỡ bom đòi hỏi ở họ phải bình tĩnh, dũng cảm, khôn ngoan, nhạy cảm và kháo léo, đòi hỏi kinh nghiệm và sẵn sàng hy sinh, không quản khó khăn gian khổ. Bởi lẽ chẳng có ai biết được quả bom câm lặng có khi đang ấm nóng dần lên, nằm chềnh ềnh ra đó và có thể nổ bất cứ lúc nào. Đó là những phẩm chất cao đẹp, bình dị, hồn nhiên của ba cô gái thanh niên xung phong, và mỗi người lại có những vẻ đẹp riêng của mình.
- Kết bài:
Truyện “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê giúp chúng ta thấu hiểu hơn về nỗi vất vả, hi sinh và vẻ đẹp tâm hồn của các thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn. Ngoài ra, câu truyện là bài học quý giá cho thế hệ trẻ Việt Nam, rằng phải biết lạc quan yêu đời, và luôn phấn đấu học tập và làm việc để trở thành người có ích cho đất nước.