Phân tích “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài” (trích kịch “Vũ Như Tô” của Nguyễn Huy Tưởng)
I. Mở bài:
– “Vũ Như Tô” là vở kịch xuất sắc của Nguyễn Huy Tưởng và của nền kịch Việt Nam hiện đại. Tác phẩm được sáng tác năm 1941, dựa trên một sự kiện lịch sử xảy ra ở kinh thành Thăng Long vào thời Hậu Lê.
– Đoạn trích “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài” thuộc hồi thứ V (Một cung cấm) của vở kịch.
II. Thân bài:
1. Bi kịch nhân vật Vũ Như Tô.
– Vũ Như Tô là bi kịch của người nghệ sĩ có tài và có hoài bão lớn, nhưng không giải quyết được những mối quan hệ phức tạp giữa nghệ thuật và đời sống, đặc biệt là không giải quyết được thực sự đúng đắn vấn đề sáng tạo nghệ thuật cho ai và để làm gì.
– Vũ Như Tô muốn xây dựng một công trình kiến trúc vĩ đại, tuyệt mĩ, tô điểm cho non sông và mục đích đó là hết sức cao đẹp, xuất phát từ thiên chức của người nghệ sĩ, từ lòng yêu nước và tinh thần dân tộc.
– Nhưng trên thực tế, Cửu Trùng Đài xây trên tiền của, mồ hôi, xương máu của nhân dân và nếu được hoàn thành, nó cùng chỉ là nơi ăn chơi sa đọa của vua chúa. Vũ Như Tô đã sai lầm khi lợi dụng quyền lực của bạo chúa để thực hiện khát vọng nghệ thuật của mình, chỉ đứng trên lập trường nghệ sĩ nên trở thành kẻ đối nghịch với nhân dân.
– Chính vì vậy, nhân dân căm hận bạo chúa, đồng thời cũng oán trách, nguyền rủa người kiến trúc sư và cuối cùng đã giết chết cả Lê Tương Dực lẫn Vũ Như Tô, đốt cháy Cửu Trùng Đài.
2. Tình cảm của tác giả.
– Thương cảm người nghệ sĩ có tài, có tâm, đam mê nghệ thuật, khao khát sáng tạo, sẵn sàng hi sinh tất cả cho cái đẹp, nhưng xa rời thực tế mà phải trả giá đắt bằng sinh mệnh và cả công trình nghệ thuật của minh.
– Không có cái đẹp tách rời cái chân, cái thiện. Tác phẩm nghệ thuật không thể chỉ mang cái đẹp thuần túy, mà phải có mục đích phục vụ nhân dân. Người nghệ sĩ phải có hoài bão lớn, có khát vọng sáng tạo những công trình vĩ đại cho muôn đời, nhưng cũng phải biết xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa khát vọng đó với điều kiện thực tế của cuộc sống, với đòi hỏi của muôn dân.
– Xã hội phải biết tạo điều kiện sáng tạo cho các tài năng, vun đắp tài năng, quý trọng nâng niu những sản phẩm nghệ thuật đích thực.
III. Kết bài.
– Qua bi kịch của nhân vật Vũ Như Tô, Nguyễn Huy Tưởng gợi những suy tư sâu sắc về mối quan hệ giữa người nghệ sĩ với hoạt động sáng tạo nghệ thuật và hiện thực đời sống của nhân dân.
Bài viết tham khảo 1:
- Mở bài:
Trong làng kịch hiện đại Việt Nam, bên cạnh Lưu Quang Vũ tài năng, vực dậy cả một nền văn học kịch đang trên đà tuột dốc, ta cũng không thể không nhắc đến Nguyễn Huy Tưởng một trong những nhà viết kịch và tiểu thuyết xuất sắc. Các tác phẩm của ông thường đi khai thác các đề tài lịch sử và tác phẩm “Vũ Như Tô” là tác phẩm nổi bật nhất. Xung đột kịch được đẩy lên đến cao trào và được giải quyết ở hồi thứ 5 “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài” qua đó thể hiện quan niệm sâu sắc của ông về cuộc đời và nghệ thuật.
- Mở bài:
Vũ Như Tô là một kiến trúc sư tài giỏi, bị Lê Tương Dực – tên vua tàn bạo bắt xây Cửu Trùng Đài thành nơi để hắn ăn chơi, hưởng lạc. Là một người nghệ sĩ chân chính, Vũ Như Tô đã không nhận lời dù có bị hắn đe dọa sẽ giết chết. Nhưng Đam Thiềm một cung nữ đã thuyết phục được ông xây Cửu Trùng Đài. Cửu Trùng Đài xây cao bao nhiêu, lòng dân oán hận Vũ Như Tô bấy nhiêu. Lợi dụng tình thế đó Trịnh Duy Sản đã dấy binh nổi loạn. Đoạn trích “Vĩnh biệt cửu trùng đài” là sự tiếp nối các sự kiện đang bị đẩy lên đến cao trào đó.
Mở đầu tác phẩm là tiếng hoảng hốt của Đam Thiền, khuyên Vũ Như Tô hãy mau trốn đi. Cơn biến loạn xảy ra ở kinh thành nên tình trạng của Vũ Như Tô hết sức nguy hiểm, nhưng Vũ Như Tô lại nhất định không trốn, không nghe lời khuyên của Đam Thiền bởi “Những người quân tử không bao giờ sợ chết. Mà vạn nhất có chết, thì cùng phải để cho mọi người biết rằng công việc mình làm chính đại quang minh. Tôi sống với Cửu Trùng Đài, chết cũng với Cửu Trùng Đài. Tôi không thể xa Cửu Trùng Đài một bước. Hồn tôi dể cả ở đây, thì tôi chạy đi đâu?”. Ông hi sinh hết mình cho nghệ thuật, ông cố thủ ở lại cũng mong Cửu Trùng Đài sẽ được hoàn thiện, để tranh tinh xảo với hóa công. Nhưng ông nào biết, chính quyết định đó đã khiến ông nhận lấy cái chết oan nghiệt, đến cả lúc chết ông vẫn không thể lí giải vì sao mình phải chết.
Khi nhận lời xây dựng Cửu Trùng Đài bản thân Vũ Như Tô đã mắc phải sai lầm trong suy nghĩ và hành động. Vũ Như Tô mượn uy quyền và tiền bạc của Lê Tương Dực để thực hiện giấc mộng Cửu Trùng Đài. Nhưng tiền bạc đó chính là công sức, của cải của nhân dân, ông chỉ nhìn thấy cái bề nổi khi xây dựng xong Cửu Trùng Đài, mà không nhận ra phần sâu của sự việc. Cửu Trùng Đài càng đến ngày hoàn thiện thì mâu thuẫn giữa ông với nhân dân càng lớn dần, họ căm ghét Vũ Như Tô bởi ông đã hạ lệnh giết chết những người bỏ trốn để duy trì kỉ luật trên công trường. Đó là hành động hết sức tàn nhẫn, đặt công trình lên trên tính mạng của thợ thuyền. Vũ Như Tô đã biến thành một kẻ đáng sợ, người dân không còn thấy hình ảnh của Vũ Như Tô gần gũi với nhân dân đâu nữa. Vì xây Cửu Trùng Đài mà cuộc sống của nhân dân ngày càng cực khổ. Vũ Như Tô là một thiên tài nhưng không phải là một hiền tài. Ông không thấu hiểu nỗi thống khổ của nhân dân.
Vũ Như Tô bị đặt vào mâu thuẫn không thể hóa giải, điều hòa: một bên là khát vọng nghệ thuật, một bên là đời sống của nhân dân. Bởi vậy, cuối cùng ông đã nhận lấy cái kết vô cùng bi thảm. Vũ Như Tô bị hiểu lầm và bị kết tội: Nhân dân coi bạo chúa và Vũ Như Tô là một là hai người gây ra tội ác: “Bạo chúa đã chết, còn thằng Vũ Như Tô đem phanh thây thành trăm mảnh”. Ông không chỉ bị nhân dân kết tội mà giấc mộng cuộc đời ông, ông đã dồn biết bao tài năng và tâm sức xây dựng Cửu Trùng Đài giờ cũng rơi vào tuyệt vọng, Cửu Trùng Đài bị phá hủy. Trước cảnh tượng Cửu Trùng Đài rực cháy, Vũ Như Tô rú lên kinh hòang, tất cả giấc mộng đẹp tan tành, sụp đổ, đó là tiếng rú kinh hoàng, sợ hãi. “Thông thế là hết, dẫn ta đến pháp trường” – Vũ Như Tô người sáng tạo cái đẹp cũng bị giết. Cái chết của Vũ Như Tô là một kết cục tất yếu vì Cửu Trùng Đài là một công trình đẹp, tuyệt mĩ nhưng nó lại là biểu hiện của cái xấu, cái ác, nên tất yếu nó sẽ bị hủy diệt. Qua đó Nguyễn Huy Tưởng cũng nêu lên mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời: nghệ thuật phải xuất phát từ cuộc sống và phục vụ con người mới có thể tồn tại nếu không nó tất yếu sẽ bị diệt vọng.
Ngoài nhân vật Vũ Như Tô, ta cũng không thể không nhắc đến Đam Thiền. Bà là một cung nữ xinh đẹp, tài năng nhưng bị bỏ rơi. Đam Thiền là người yêu cái đẹp, cái thái độ “biệt nhỡn liên tài”, chính bà là người đã khuyên Vũ Như Tô nên ở lại để xây dựng Cửu Trùng Đài điểm tô cho đất nước, cũng chính bà đã khuyên Như Tô trốn đi khi xảy ra biến loạn. Và bà tình nguyện ở lại để bảo vệ Cửu Trùng Đài bởi “tôi chết đi không thiệt hại cho đời”. Cũng như Vũ Như Tô, Đam Thiềm cũng rơi vào bi kịch vỡ mộng: hi sinh tất cả danh dự tính mạng để bảo vệ Cửu Trùng Đài nhưng cuối cung vẫn phải chết. Đau đớn hơn trước khi chết còn phải chứng kiến cảnh Cửu Trùng Đài bị đốt phá tan tành. Người bà hết lòng bảo vệ là Vũ Như Tô cũng bị đưa ra pháp trường.
Hồi V của vở kịch Vũ Như Tô đã được Nguyễn Huy Tưởng sử dụng ngôn ngữ kịch điêu luyện, mang tính tổng hợp cao. Nhịp điệu lời thoại nhanh, gấp gáp, sử dụng những câu văn ngắn cho thấy tình thế cấp bách. Tính cách, tâm trạng nhân vật được bộ lộc rõ nét.
- Kết bài:
Với các lớp kịch linh hoạt, tự nhiên tác giả đã tái hiện thành công hồi kịch thứ năm. Qua hồi kịch này, tác giả gửi gắm sự cảm thông với bi kịch của Vũ Như Tô, đồng thời đặt ra vấn đề mối quan hệ hài hòa giữa nghệ thuật và con người. Không chỉ vậy xã hội cần trân trọng, nâng niu những tài năng nghệ thuật, để họ có thể phát huy tài năng của bản thân, xây dựng sự giàu đẹp cho đất nước.
Bài viết tham khảo 2.
- Mở bài:
Nguyễn Huy Tưởng (1912 – 1960) là một nhà văn, nhà viết kịch tài năng của nền văn học Việt Nam thế kỉ XX. Bao trùm lên sáng tác của nhà văn là nguồn cảm hứng lớn về lịch sử. Viết văn để tỏ lòng yêu nước, đó là triết lí sống và là quan điểm sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng. Vũ Như Tô là vở kịch xuất sắc của Nguyễn Huy Tưởng viết năm 1941. Đoạn trích Vĩnh biệt Cửu Trùng đài thuộc hồi thứ V (Một cung cấm) của vở kịch. Cảnh diễn ra trong cung cấm. Việc xây dựng Cửu Trùng Đài đã khiến cho nhân dân vô cùng cực khổ. Trịnh Duy Sản đã lợi dụng tình hình dấy binh nổi loạn. Nhân dân, binh lính và thợ xây dựng Cửu Trùng Đài đã nổi dậy. Chúng bắt giết Vũ Như Tô, Đan Thiềm và huỷ diệt Cửu Trùng Đài.
- Thân bài:
Nhân vật chính của vở kịch là Vũ Như Tô, là một nhà kiến trúc tài giỏi, một nghệ sĩ có chí lớn, tính tình cương trực, trọng nghĩa khinh tài. Lê Tương Dực, một hôn quân bạo chúa, sai Vũ Như Tô xây dựng Cửu Trùng Đài để làm nơi ăn chơi với đám cung nữ. Vũ đã từ chối dù bị đe dọa kết tội tử hình. Song Đan Thiềm, một cung nữ tài sắc nhưng đã bị ruồng bỏ, đã khuyên Vũ nên nhận lời xây dựng Cửu Tràng Đài vì đây là cơ hội để Vũ đem tài ra phục vụ đất nước, “Ông cứ xây lấy một toà đài cao cả. Vua Hồng Thuận và lũ cung nữ kia rồi mất đi, nhưng sự nghiệp của ông còn lại về muôn đời. Dân ta nghìn thu được hãnh diện…”. Vũ đã nhận lời và dồn hết sức xây Cửu Trùng Đài. Nhưng Cửu Trùng Đài đã làm cho dân chúng thêm cực khổ. Họ đã nổi dậy. Vũ Như Tô bị giết, Cửu Trùng Đài bị thiêu trụi.
Mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống là một vấn đề rất phức tạp. Nghệ thuật và cuộc sống không thể tách rời nhau là điều đương nhiên nhưng chúng quan hệ với nhau như thế nào là điều được nhiều người quan tâm. Cuộc tranh luận giữa hai trường phái “Nghệ thuật vị nghệ thuật” và “Nghệ thuật vị nhân sinh” là cố gắng của các nhà nghiên cứu để xác định mối quan hệ này. Các nhà văn Việt Nam sau này cũng vẫn cố gắng không ngừng để lí giải quan niệm của mình. Với kịch Vũ Như Tô, một mặt nào đấy cũng là cố gắng và quan niệm của Nguyễn Huy Tưởng về quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống.
Vũ Như Tô là một vở bi kịch. Nhân vật chính là một người nghệ sĩ đầy tài năng và tâm huyết với khát vọng sáng tạo nghệ thuật rất lớn và chân chính. Tác phẩm đã đặt ra vấn đề lớn, đó là mâu thuẫn giữa quan niệm nghệ thuật thuần tuý của muôn đời và lợi ích thiết thực của nhân dân. Vũ Như Tô là một tài năng nhưng chính vì không giải quyết được mâu thuẫn giữa nghệ thuật và cuộc sống mà ông đã thất bại.
Đoạn trích tái hiện cuộc nổi dậy của binh lính và dân chúng dưới sự cầm đầu của Lê Duy Sản. Vũ Như Tô xây Cửu Trùng Đài theo lời khuyên của Đan Thiềm với mục đích xây dựng cho đất nước một công trình nghệ thuật. Đó là mục đích nghệ thuật của người nghệ sĩ. Còn điều mà nhân dân và binh lính trông thấy ngay trước mắt là Vũ Như Tô đang dùng công sức và xương máu của nhân dân để phục vụ mục đích ăn chơi sa đọa của tên hôn quân Lê Tương Dực.
Chỉ là một trích đoạn nhưng đoạn kịch này cũng có kết cấu như một vở kịch: Có thắt nút (mâu thuẫn), xung đột, cao trào và mở nút. Với cả vở kịch, đoạn trích này là phần cao trào, rồi giải quyết mâu thuẫn lớn nhất của cả vở kịch.
Cuộc đối thoại giữa Đan Thiềm và Vũ Như Tô ở lớp I của hồi kịch cho thấy Vũ Như Tô là một người nghệ sĩ chỉ chú ý đến nghệ thuật. Trông coi việc xây Cửu Trùng Đài mà ông không biết rằng tác phẩm nghệ thuật của ông đã gây ra bao nhiêu lầm than cực khổ cho dân chúng. Mục đích nghệ thuật của ông mâu thuẫn với quyền lợi thiết thực của dân chúng mà ông lại không nhận ra. Ông là người nghệ sĩ quá quan tâm đến nghệ thuật mà quên đi quan hệ của nghệ thuật với đời sống. Vì thế ông không thể hiểu điều Đan Thiềm nói. Vũ Như Tô thà chết với Cửu Trùng Đài chứ không chịu chạy trốn. Đây cũng chính là phần thắt nút của đoạn kịch.
Cuộc nổi loạn của binh lính, thợ thuyền là tất yếu. Với họ, Cửu Trùng Đài đơn giản là nguyên nhân gây nên lầm than cực khổ, là biểu hiện của sự ăn chơi sa đọa của tên hôn quân. Giữa Vũ Như Tô, người nghệ sĩ có mục đích nghệ thuật tốt đẹp và nhân dân lao động đã không có tiếng nói chung bởi người nghệ sĩ như ông Vũ không hiểu và không giải quyết được mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống.
Cao trào của hồi kịch được tập trung ở ba lớp kịch cuối cùng, đó là cuộc đối đầu giữa Vũ Như Tô và những người nổi dậy. Đan Thiềm và Như Tô là hai người tri âm, tri kỉ, cùng có một mục đích nghệ thuật tốt đẹp nhưng cuối cùng đều thất bại. Và cả Cửu Trùng Đài, tâm huyết của hai người cũng bị phá huỷ.
Đoạn đối thoại giữa Vũ và Ngô Hạch cùng đám quân sĩ thể hiện cao trào của mâu thuẫn. Giữa họ không có tiếng nói chung. Sự thất bại của Vũ Như Tô đã nói lên một điều rằng, khi nghệ thuật mâu thuẫn với cuộc sống, nghệ thuật khó tồn tại. Đồng thời, thái độ của binh lính đối với Cửu Trùng Đài còn thể hiện những trăn trở của chính Nguyễn Huy Tưởng về nghệ thuật, về văn hoá dân tộc. Không thể trách những người nổi dậy bởi hành động đập phá của họ. Hành động đó là tất yếu. Nhưng nó vẫn gợi sự xót xa, tiếc nuối cho người đọc. Việc đốt Cửu Trùng Đài với đám binh sĩ chỉ là một hành động trả thù bởi với họ Cửu Trùng Đài là nguyên nhân của mọi nỗi khổ cực. Họ không hiểu gì về ý nghĩa lớn lao của công trình kiến trúc này. Với Vũ Như Tô, Cửu Trùng Đài là tất cả.
Đoạn trích có đủ các yếu tố của một vở kịch: Biến cố, xung đột và giải quyết xung đột. Không khí, nhịp điệu của sự việc được diễn tả theo chiều tăng tiến mức độ dồn dập đã thể hiện được tính chất gay gắt của mâu thuẫn và dần đẩy xung đột kịch lên cao trào. Cửu Trùng Đài và Vũ Như Tô là cái nút của mâu thuẫn. Xung đột đã được giải quyết bằng sự ra đi vĩnh viễn của cả hai.
Đan Thiềm và Vũ Như Tô vừa đáng khen vừa đáng trách. Đáng khen bởi họ là những người nghệ sĩ biết tôn trọng tài năng và yêu nghệ thuật. Họ là những người có khát vọng cao quý, đó là xây dựng cho đất nước một công trình nghệ thuật lớn. Nhưng họ cũng đáng trách bởi vì khi quan tâm đến nghệ thuật họ đã quên trách nhiệm đối với nhân dân. Nghệ thuật là kết quả của lao động nghệ thuật nhưng nghệ thuật không thể là nguyên nhân của lầm than, không thể được xây dựng bởi máu và nước mắt của người lao động.
- Kết bài:
Với đoạn trích này, Nguyễn Huy Tưởng đã giải quyết mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống. Nghệ thuật đích thực phải thống nhất với quyền lợi của con người. Nghệ thuật chân chính là nghệ thuật vì con người. Người nghệ sĩ khi làm nghệ thuật phải chú ý đến điều đó. Nam Cao từng nói: “Nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than” để khẳng định nghệ thuật phải xuất phát từ cuộc sống và vì cuộc sống. Về một phương diện nào đó, với kịch Vũ Như Tô, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã thể hiện sự nhất trí với quan niệm của Nam Cao.
Bài viết tham khảo 3:
Nguyễn Huy Tưởng là nhà viết kịch tài năng, một trong những kịch gia xuất sắc nhất của văn học Việt Nam. Ông để lại số lượng tác phẩm đồ sộ, trong đó nổi bật hơn cả là tác phẩm Vũ Như Tô. Nhân vật trung tâm của tác phẩm là Vũ Như Tô một nhà kiến trúc tài năng, nhưng vì mượn quyền lực và tiền bạc của bạo chúa để thực hiện khát vọng nên ông rơi vào bi kịch. Bi kịch đó được thể hiện rõ nhất trong đoạn trích “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài”.
Bi kịch có thể hiểu là tình cảnh chứa đựng những éo le, mau thuẫn dẫn đến đau thương mất mát. Bi kịch đó khiến con người ta không thể giải quyết được, buộc phải tìm đến cái chết, hoặc bị buộc phải nhận cái chết. Chỉ khi đó bi kịch mới có thể được giải quyết.
Vũ Như Tô cũng rơi vào bi kịch không thể hóa giải nổi, ông vốn là người nghệ sĩ tài năng, luôn ôm ấp khát vọng nghệ thuật cao cả song lại mẫu thuẫn với thực tại phũ phàng. Chính điều đó đã đẩy ông vào bi kịch.
Trước hết, Vũ Như Tô là một người có tài năng siêu việt, là người kiến trúc sự tài bà, điều đó được thể hiện rõ qua lời nhận xét của Lê Tương Dực: “một tài năng khác thường, một nhà kiến trúc, một tay hội họa thần tinhg, một kiến trúc sư có khả năng xây những những lâu đài tráng lệ mà không hề tính sai một viên gạch” tài năng của ông đến độ “chỉ cần vẩy bút là chim, hoa đã hiện trên mảnh lụa, thần tình biến hóa như cảnh hóa công”. Không chỉ vậy, ông còn mang trong mình khát vọng cao cả, lớn lao, đem hết tài năng của mình để xây dựng một công trình tuyệt mĩ, “tranh tinh xảo với hóa công”. Xây dựng Cửu Trùng Đài vừa là cơ hội để ông bộc lộ tài năng, đồng thời cũng giúp ông thực hiện khát vọng cao cả của bản thân, đây chính là tâm huyết cả đời của ông.
Vũ Như Tô còn là người có bản lĩnh vững vàng, không sợ cường quyền. Lê Tương Dực đã yêu cầu ông xây dựng cửu Trùng Đài, nhưng ông không khuất phục, ngay cả khi bị dọa sẽ giết chết, Như Tô vẫn không thuận ý. Chỉ vì nghe lời khuyên giải của Đan Thiềm, Vũ Như Tô mới chấp nhận xây dựng Cửu Trùng Đài để điểm tô cho đất nước.
Nhưng thực tế đời sống lại trái ngược hoàn toàn với lí tưởng cao siêu của ông. Nếu ông xây dựng Cửu Trùng Đài với mong muốn khiến cho đất nước đẹp hơn, thì tên vua vô đạo Lê Tương Dực lại chỉ muốn sử dụng công trình nghệ thuật ấy để ăn chơi, trác táng. Cũng bởi Vũ Như Tô không nhận ra điều ấy nên khi xây dựng Cửu Trùng Đài ông gặp phải mâu thuẫn lớn với nhân dân lao động. Cửu Trùng Đài được xây nên từ mồ hôi, xương máu, từ của cải của nhân dân. Như Tô từ chỗ cùng một chiến tuyến với nhân dân lao động trở thành kẻ đối nghịch, bị người ta căm ghét đến tột cùng. Tình cảnh khốn cùng ấy tất yếu sẽ dẫn đến những cuộc nổi loạn để phá hủy Cửu Trùng Đài và tiêu diệt người đã tạo ra nó.
Trong đoạn trích này, Vũ Như Tô lâm vào bi kịch bị hiểu nhầm và kết tội. Mục đích ban đầu của ông là lợi dụng tiền bạc của Lê Tương Dực để thực hiện khát vọng nghệ thuật cao cả, nhưng cuối cùng ông lại bị đánh đồng là kẻ thù ác: “ai ai cũng cho ông là thủ phạm. Vua xa xỉ là vì ông, công khố hao hụt là vì ông, dân gian lầm than là vì ông, man di oán giận là vì ông, thần nhân trách móc là vì ông”. Như vậy, Vũ Như Tô và Cửu Trùng Đài trở thành mục tiêu tiêu diệt của những kẻ phản loạn. Dù ông vẫn luôn mang trong mình niềm hi vọng, lấy hết lời lẽ để giải thích với viên quan An Hòa Hầu: “Ta tội gì. Không, ta chỉ có một hoài bão là tô điểm đất nước, đem hết tài ra xây dựng cho nòi giống một tòa đài hoa lệ, thách cả những công trình sau trước, tranh tinh xảo với hóa công”. Nhưng tất cả họ chỉ nhìn thấy ở ông sự ngông cuồng, điên rồ. Chỉ duy nhất có Đan Thiềm là người hiểu được những khát vọng và mục đích cao đẹp của ông, nhưng bà cũng hoàn toàn bất lực. “Lỗi lầm của Vũ Như Tô là lỗi lầm của người nghệ sĩ tưởng rằng có thể thực hiện khát vọng nghệ thuật của minh trong cuồng vọng của bạo chúa […] Bi kịch của Vũ Như Tô là bi kịch của người nghệ sĩ khát khao sáng tạo trong một xã hội không có chỗ cho sự khát khao đó” (Tất Thắng).
Không chỉ vậy, bi kịch của Vũ Như Tô còn là bi kịch vỡ mộng. Cho đến phút cuối cùng của cuộc đời, trước khi bị dẫn ra pháp trường, tự bản thân Vũ Như Tô vẫn không hiểu vì sao lại phá Cửu Trùng Đài, ông đã làm gì để nhân dân căm hận. Ông chỉ có một mục đích duy nhất đó là xây một “cảnh Bồng Lai” cho đất nước. Vậy việc ông làm có gì là sai? Cái sai của ông chính là chỉ làm nghệ thuật thuần túy mà không hề quan tâm đến đời sống nhân dân. Ông không biết rằng vì xây dựng Cửu Trùng Đài mà biết bao gia đình phải li tán, vợ mất chồng, con mất cha,… cuộc sống người dân điêu linh, cực khổ. Ông trở thành kẻ ác, kẻ cô đơn nhất trong hành trình nghệ thuật của mình. Cửu Trùng Đài bị tiêu hủy, ông vỡ mộng, đau đớn đến tuyệt vọng: “Đốt thực rồi! Đốt thực rồi! Ôi đảng ác! Ôi muôn phần căm giận! Trời ơi! Phú cho ta cái tài làm gì? Ôi mộng lớn! Ôi Đan Thiềm! ÔI Cửu Trùng Đài” “Thôi thế là hết. Dẫn ta đến pháp trường”.
Bi kịch của Vũ Như Tô xuất phát từ việc ông nhận thức sai lầm, không nhận thấy mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống. Vũ Như Tô luôn chìm đắm trong niềm say mê sáng tạo nghệ thuật, ông chỉ hướng đến khao khát duy nhất của mình, mượn tay kẻ ác để xây dựng Cửu Trùng Đài. Khát vọng của ông là cao đẹp song nó lại không phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Chính điều ấy đã khiến ông trở thành phe đối địch với nhân, trở thành kẻ ác và là mục tiêu hướng đến để tiêu diệt. Vũ Như Tô là điển hình của người nghệ sĩ tài hoa nhưng lại đi ngược với lợi ích nhân dân nên lâm vào bi kịch bi thương. Bi kịch của Vũ Như Tô đã góp phần thể hiện những vấn đề sâu sắc của cuộc sống muôn đời: cái đẹp, nghệ thuật bao giờ cũng phải bám rễ và phục vụ đời sống nhân dân. Nó sẽ chết yểu, sẽ bị tiêu diệt khi nó hoàn toàn chỉ là thứ nghệ thuật vị nghệ thuật, nghệ thuật chân chính bao giờ cũng phải là nghệ thuật vị nhân sinh.
Bằng việc xây dựng bi kịch của Vũ Như Tô, Nguyễn Huy Tưởng đã thể hiện tài năng nghệ thuật bậc thầy trong việc sử dụng ngôn ngữ. Lớp ngôn từ cô đọng, mang tính tổng hợp cao. Nhịp điệu linh hoạt, gấp gáp diễn tả được không khí khẩn trương lúc bấy giờ. Đồng thời kịch tính được đẩy lên cao trào giúp thể hiện tính cách nhân vật sinh động, rõ nét.
Qua bi kịch của Vũ Như Tô ta có thể thấy rằng ông là người tiêu biểu cho lớp nghệ sĩ có tài năng, có hoài bão cao cả song xa rời thực tế nên lâm vào bi kịch đau đớn. Cái chết của ông là bài học cho nghệ thuật muôn thế hệ sau, nghệ thuật bao giờ cũng phải gắn bó chặt chẽ với nhân dân, xuất phát và phục vụ lợi ích con người. Chỉ khi dung hòa được hai khía cạnh đó thì nghệ thuật và người nghệ sĩ mới có thể tồn tại, phát triển.
Xem thêm:
- Phân tích tài năng xuất chúng và tấn bi kịch của Vũ Như Tô.
- Phân tích nhân vật Đan Thiềm trong Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài
- Phân tích hành trình kiếm tìm lý tưởng của nhân vật Vũ Như Tô trong Vĩnh Biệt cửu trùng đài.
- Qua đoạn trích Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài, hãy làm rõ quan hệ giữa nghệ thuật với cuộc sống, giữa lí tưởng nghệ thuật cao siêu, thuần túy của muôn đời với lợi ích thiết thân và trực tiếp của nhân dân