phan-tich-y-nghia-bai-tho-doc-tieu-thanh-ki-cua-nguyen-du-10839-2

Phân tích ý nghĩa bài thơ Độc Tiểu Thanh kí của Nguyễn Du

Phân tích ý nghĩa bài thơ “Độc Tiểu Thanh kí” của Nguyễn Du

  • Mở bài:

Thương xót cho số phận bất hạnh của những người phụ nữ tài sắc là một nguồn cảm hứng lớn trong sáng tác của Nguyễn Du. Ngoài Truyện Kiều – một tác phẩm bất hủ, Nguyễn Du còn không ít những bài thơ chữ Hán đặc sắc viết về thể tài này. Một trong số đó phải kể đến bài thơ Độc Tiểu Thanh kí. Đây là một trong những bài thơ tiêu biểu cho tài năng nghệ thuật và tư tưởng nhân đạo của Nguyễn Du.

  • Thân bài:

Nguyễn Du là đại thi hào của dân tộc Việt Nam, nhà nhân đạo cao cả, là danh nhân văn hóa thế giới. Thơ Nguyễn Du thể hiện sự cảm thông sâu sắc của tác giả đối với cuộc sống và con người nhỏ bé, bất hạnh, đặc biệt là số phận bất hạnh của những người phụ nữ có tài hoa, nhan sắc. Trong đó, nổi bậc nhất là Truyện kiềuĐộc Tiểu Thanh kí.

Tiểu Thanh tức Phùng Tiểu Thanh (1594- 1612), người Quảng Lăng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, thông minh, tài, sắc vẹn toàn. Năm 16 tuổi cô làm vợ lẻ một nhà quyền quý họ Phùng (Phùng Sinh). Bị vợ cả ghen ghét, cô phải tránh ra ở Cô Sơn (trên núi cao), cạnh Tây Hồ. Vì đau buồn cô sinh bệnh rồi chết năm 18 tuổi.

Những uất ức và đau khổ được cô gửi gắm vào thơ nhưng rồi cũng bị vợ cả đốt, may mắn thay, một số bài thơ còn sót lại, do nàng viết trên hai tờ giấy gói tặng mấy vật trang sức cho một cô gái (phần dư). Đọc phần dư cảo, Nguyễn Du trào lên nỗi xót thương, đồng cảm với thân phận của người phụ nữ nhan sắc vẹn toàn nên viết bài thơ này.

Chưa rõ Nguyễn Du sáng tác bài thơ Độc Tiểu Thanh kí trong hoàn cảnh cụ thể nào. Chỉ biết sau khi đọc xong phần dư (những bài thơ còn sót lại hay khi đọc tập truyện kí ghi chép về cuộc đời nàng Tiểu Thanh) rồi sáng tác bài thơ này. Bài thơ là tiếng thở dài của tác giả trước lẽ “biến thiên dâu bể” của cuộc đời và niềm thổn thức của một tấm lòng nhân đạo lớn: vạn vật đổi thay, Tiểu Thanh bị vùi lấp trong quên lãng nhưng nhà thơ đã nhớ và viếng nàng qua “nhất chỉ thư”.

Nhà thơ bày tỏ nỗi xót xa cho một kiếp tài hoa bạc mệnh; gợi nhớ lại cuộc đời, số phận bi thương của Tiểu Thanh: tài hoa, nhan sắc hơn người nên bị đố kị, phải làm lẽ và bị đày ải đến chết vẫn không được buông tha. Đó cũng là tiếng nói cảm thông đối với những kiếp hồng nhan, những người tài hoa bạc mệnh. Từ số phận của Tiểu Thanh, Nguyễn Du khái quát về quy luật nghiệt ngã “tài mệnh tương đố”, “hồng nhan bạc phận” và tự nhận thấy mình cũng là kẻ cùng hội cùng thuyền với Tiểu Thanh, là nạn nhân của nỗi oan khiên lạ lùng, bộc lộ mối đồng cảm sâu xa. Bài thơ chính là tiếng lòng khao khát tri âm. Khóc Tiểu Thanh, Nguyễn Du “trông người lại nghĩ đến ta” và hướng về hậu thế tỏ bày nỗi khao khát tri âm của mọi kiếp người tài hoa mà phải chịu đau khổ trên đời.

Mở đầu bài thơ là niềm cảm thương mà Nguyễn Du dành cho Tiểu Thanh và tâm sự khao khát tri âm hướng về hậu thế; vẻ đẹp của chủ nghĩa nhân đạo Nguyễn Du:

“Tây Hồ cảnh đẹp hoá gò hoang,
Thổn thức bên song mảnh giấy tàn”.

Cảm xúc đến sau khi đọc tập kí về Tiểu Thanh bên song cửa sổ: “Tây Hồ cảnh đẹp hoá gò hoang”. Tác giả tưởng tượng khu vườn bên Tây Hồ, nơi nang Tiểu Thanh từng ở, xưa huy hoàng rực rỡ. Nay hoang phế, điêu tàn.. Người đẹp tài sắc Tiểu Thanh nay không còn nữa. Từ “tẫn” chỉ đứt đoạn, hết. Câu thơ miêu tả sự thay đổi triệt để , tàn nhẫn của cảnh vật. Nguyễn Du thương tiếc cho số phận của Tiểu Thanh, buồn cho sự đổi dời của vạn vật trước thời gian

Tác giả sử dụng từ ngữ mang tính biểu trưng: Tây Hồ hoa uyển → cảnh đẹp → người đẹp; Tẫn thành khư → thành bãi hoang → đã chết. Nghệ thuật đối lập, tượng trưng. Tác giả mượn sự thay đổi của cảnh vật để nói về sự thay đổi cuộc đời nàng Tiểu Thanh. Đây cũng chính là sự biến thiên dâu bể – một sự thay đổi lớn trong cuộc đời nàng. Câu thơ là tâm trạng buồn ,tiếc nuối, cảm thương mà bất lực. Đó là tiếng thở dài buồn bã của Nguyễn Du về sự đổi thay của cuộc đời và tiếng thổn thức của một tấm lòng nhân đạo trước số phận bất hạnh của một cô gái bên xứ người

“Độc điếu” là viếng một mình. “Nhất chỉ thư”l à một tập sách. Nguyễn Du viếng Tiểu Thanh một mình, bằng cách đọc tập sách còn sót lại. Đó là thái độ trân trọng, thành kính đối với người đã khuất. Nhà thơ thổn thức, không yên ổn trước vẻ đẹp lý tưởng của một con người tài hoa. Thương cảm, xót xa cho cuộc đời và số phận của nàng Tiểu Thanh. Hai câu thơ như một tiếng thở dài trước lẽ “biến thiên dâu bể” của cuộc đời và niềm thổn thức của một tấm lòng nhân đạo lớn.

Trước mọt tài hoa nhưng nhưng bất hạnh, Nguyễn Du không giấu nổi cảm xúc của mình:

“Son phấn có thần chôn vẫn hận,
Văn chương không mệnh đốt còn vương”.

“Son phấn” là hình ảnh ẩn dụ về sắc đẹp vốn đã bị chôn vùi. “Phần dư” là những bài thơ còn sót lại. Đây là hình ảnh ẩn dụ về tài năng thi ca và những tác phẩm đã bị đốt cháy của nàng Tiểu Thanh. Vốn là người tài sắc vẹn toàn nhưng Tiểu Thanh phải chịu nhiều bất hạnh, ngang trái. Tác giả xót thương cho số phận của nàng, phẫn nộ trước quy luật nghiệt ngã, oan trái, bạc bẽo của kiếp người “tài hoa bạc mệnh”.

Tấm lòng tri âm, thương cảm sâu sắc của Nguyễn Du trước cuộc đời, số phận oan trái của người sắc tài kì nữ khiến trời đất ghen. Nỗi xót xa cho một kiếp tài hoa bạc mệnh; xót xa cho tài năng, cho những giá trị tinh thần bị hủy hoại. Qua đó nhà thơ tố cáo xã hội phong kiến đã vùi dập con người có tài sắc.

Nguyễn Du ca ngợi vẻ đẹp, tài năng của Tiểu Thanh như ca ngợi vẻ đẹp hoàn thiện, hoàn mĩ. Đặt trong hoàn cảnh xã hội cũ, người phụ nữ bị khinh miệt mà ông vẫn ca ngợi đó chính là bản lĩnh và cái nhìn tiến bộ của Nguyễn Du. Số phận của nàng Tiểu Thanh cùng với tập thơ của nàng còn ẩn chứa nỗi đau tận cùng của Nguyễn Du về số phận của “hồng nhan” về cái tài, cái đẹp bị giày xéo, bị chôn vùi trong bể khổ của cuộc đời.

Từ bi lịch cuộc đời của nàng Tiểu Thanh, tác giả suy ngẫm về kiếp tài hoa bạc mệnh:

“Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi,
Cái án phong lưu khách tự mang”.

“Cổ kim hận sự” là mối hận của người xưa và người nay. Người xưa chính là nàng Tiểu Thanh và những người phụ nữ cùng cảnh ngộ. Người nay là những người phụ nữ hồng nhan bạc mệnh, tài mệnh tương đố cùng thời với Nguyễn Du và thế hệ những nhà thơ tài năng nhưng gặp nhiều khổ đau, bất hạnh trong cuộc đời như Nguyễn Du.

“Thiên nan vấn” là những uẩn khuất khó mà hỏi trời được, khó mà tìm được một lời giải đáp. Số phận đau thương của những kiếp người tài hoa bạc mệnh trong xã hội phong kiến trở thành mối hận, thành câu hỏi không có lời giải đáp. Từ số phận của Tiểu Thanh, nhà thơ khái quát hiện thực: Sự bất công với người tài sắc trở thành một định lệ.

“Phong vận kì oan” là nỗi oan trái của người phong lưu, tài tình. “Ngã tự cư” là ta tự mang lấy, chọn lấy.

Nhà thơ tự coi mình cùng hội cùng thuyền với những người phong lưu tài tử. Đồng cảm sâu sắc với những kiếp tài hoa, khóc cho người và cũng là khóc cho mình. Ngẫm về phận mình lênh đênh, chìm nổi mà thấy mình giống như Tiểu thanh. Vì thế mà tự nhận mình là người cùng hội cùng thuyền đều mắc nỗi oan khiên lạ lùng. Đó là tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du, viết về người cũng là viết về mình. Câu thơ thật da diết và cảm động.

Tiểu Thanh hận chồng, hận người vợ cả phủ phàng khiến nàng phải chết trong buồn khổ,hận xã hội phong kiến không biết trân trọng người tài sắc. Câu thơ là sự đồng cảm sâu sắc của Nguyễn du xuất phát từ nỗi thương mình, thương người, từ lòng nhân ái cội rễ của dân tộc. Đồng thời cũng cho thấy sự bế tắc, đau khổ của Nguyễn Du trước cuộc đời. Qua dó tố cáo xã hội chà đạp lên thân phận người phụ nữ; lên án xã hội phong kiến bất công với người có tài.

Nhà thơ Huy Cận trong bài “Các vị la hán chùa Tây Phương” đã từng thốt lên:

“Một câu hỏi lớn không lời đáp
Cho đến bây giờ mật vẫn chau”

(Các vị la hán chùa Tây Phương – Huy Cận)

Đây không phải là nỗi băn khoăn và bất lực của riêng Nguyễn Du mà của chung của cả thời đại ông. Đến đây, câu chuyện có phải dừng lại ở số phận của những người phụ nữ tài, sắc nữa mà là của cả thế hệ, của cả nhân gian.  Những người phụ nữ hồng nhan bạc mệnh, tài mệnh tương đố cùng thời với Nguyễn Du và thế hệ những nhà thơ tài năng nhưng gặp nhiều khổ đau, bất hạnh trong cuộc đời như Nguyễn Du.Nguyễn Du tự coi mình cũng giống như nàng Tiểu Thanh kia, cũng tài hoa mà bạc mệnh.đặt trong hoàn cảnh xã hội thời bấy giờ, cách nói của ông mang tính nhân văn sâu sắc: Ông coi Tiểu Thanh ngang tầm với mình cùng bạc mệnh, cùng số phận đau thương.

Nguyễn Du đã thấy tất cả những người tài hoa trong xã hội phong kiến đều có chung số phận gian truân, nghiệt ngã “Tài mệnh tương đố”, “Tài hoa bạc mệnh”. Từ cảm thông cho Tiểu Thanh, tác giả khái quát lên thành niềm thương cảm cho số phận của nhiều kiếp người “Sắc tài sao lắm truân chuyên”.

Hai câu thơ là sự cảm thông cao độ của tác giả dành cho Tiểu Thanh, coi chuyện oan khuất của Tiểu Thanh là của mình: trót sinh ra, trót mang lấy nghiệp vào thân, trót có tài, trót có sắc thì đành phải chịu để đời đánh ghen, đùa cợt, khốn khổ. Hai câu thơ đều là hai câu hỏi không lời đáp, là bi kịch không thể giải thoát, là nỗi day dứt triền miên trước quy luật tai quái của xã hội cũ: tài hoa- bạc mệnh.

Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du từng trăn trở về chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau, chữ tài liền với chữ tai một vần, thì ở đây Nguyễn Du đã đẩy lên mức độ cao hơn, làm cho hai câu thơ giống như một tiếng thét. Xã hội phong kiến thối nát thù hận, đối nghịch với tài năng phẩm giá của con người. Xã hội ấy nhất định phải bị tiêu diệt.

Nghĩ về Tiểu Thanh, về kiếp ngừi tài hoa bạc mênh, Nguyễn Du cảm thấy đau đớn cho cuộc đời của chính mình:

“Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa,
Người đời ai khóc Tố Như chăng?”

Con số “ba trăm năm lẻ” chỉ thời gian lâu dài về sau (không cụ thể). “Người đời ai khóc Tố Như chăng?” là câu hỏi tu từ đầy day dứt, trăn trở. Nỗi buồn thống thiết như cứa vào lòng, cô đơn, cô độc trong hiện tại: niềm khao khát tri âm: từ thương người đến thương mình

Khóc Tiểu Thanh, Nguyễn Du “trông người lại nghĩ đến ta” và hướng về hậu thế tỏ bày nỗi khao khát tri âm của mọi kiếp người tài hoa mà phải chịu đau khổ trên đời. Nói cách khác, niềm tự thương, tự đau đến cực độ: thương mình cô độc không ai tri ân, tri kỉ trong cuộc đời này.

Từ quy luật nghiệt ngã của cuộc đời, nhà thơ nghĩ đến cuộc đời mình: khóc cho chính mình. Con số 300 năm lẻ ở đây có ý nghĩa sâu sắc. Nguyễn Du khóc cho Tiểu Thanh cách hơn 300 năm sau, có lẽ có sự liên tưởng đến mình. Tiểu Thanh mất, sau 300 năm có Nguyễn Du khóc thương, an ủi. Đó là niềm hạnh phúc cho Tiểu Thanh. Còn khi Nguyễn Du mất không biết có ai đồng cảm, khóc cho ông không? Câu thơ là nỗi dằn vặt, cô đơn mòn mỏi, không tin là mình sớm tìm được sự thông cảm, chia sẻ.

Chuyện 300 năm trước đã thành chuyện của Nguyễn Du, chuyện trước mắt. Điều đặc biệt, cảm hứng nhân văn của bài thơ còn ở chỗ : không chỉ đề cao vẻ đẹp của con người, của người phụ nữ nói riêng; Nguyễn Du còn thể hiện sự trân trọng giá trị tinh thần to lớn của con người và hơn thế : trong quan niệm vô ngã phi ngã của văn chương trung đại, bài thơ Độc Tiểu Thanh kí là một hiện tượng hiếm hoi khi đã kết hợp giữa thương người và thương mình vào một bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật ngắn ngủi vượt ra ngoài quy luật chung của xã hội phong kiến.

Với ngôn ngữ giàu triết lí, hàm súc, tinh tế, sử dụng tài tình phép đối và khả năng thống nhất những mặt đối lập trong hình ảnh, ngôn từ, sự phá cách khuôn mẫu của thơ Đường luật, bài thơ biểu lộ sâu sắc niềm cảm thương mà Nguyễn Du dành cho Tiểu Thanh và tâm sự khao khát tri âm về hậu thế ; vẻ dẹp chủ nghĩa nhân đạo nguyễn Du.

  • Kết bài:

Độc Tiểu Thanh kí là một bài thơ tuân thủ chặt chẽ luật Đường thi nhưng vẫn lộ ra tài năng độc đáo của Nguyễn Du bởi bút pháp trữ tình hàm súc, thâm thuý; mỗi câu thơ như chứa đựng cả một thế giới cảm xúc của một nghệ sĩ lớn. Bài thơ từ tiếng khóc cho số phận Tiểu Thanh, cũng là tiếng khóc cho số phận con người tài hoa bạc mệnh, cho cái Đẹp bị vùi dập và đặc biệt nó còn là tiếng khóc, là nỗi khát thèm tri âm tri kỉ của chính Nguyễn Du. Bài thơ thể hiện cảm xúc, suy tư của Nguyễn Du về số phận bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Qua đó cũng nói lên một phương diện quan trọng trong chủ nghĩa nhân đạo của Nguyễn Du: xót xa cho những giá trị tinh thần bị chà đạp. Hình ảnh thơ mang ý biểu trưng sâu sắc. Ngôn ngữ trữ tình đậm chất triết lí.


Bài tham khảo:

  • Mở bài:

Bài thơ “Độc Tiểu Thanh kí” nằm ở cuối tác phẩm “Thanh Hiên thi tập”. Bài thơ nằm trong mạch cảm hứng chung của Nguyễn Du về những người phụ nữ tài sắc mà bất hạnh, đồng thời gắm tâm sự của nhà thơ về số phận của bản thân có chỗ tương đồng với số phận những người phụ nữ tài sắc.

  • Thân bài:

Tiểu Thanh có sắc, lại có tài (thơ phú văn chương) thế nhưng cuộc đời của nàng lại gặp quá nhiều bi kịch (phải làm lẽ, bị dập vùi, trước tác bị đốt dở dang). Số phận hẩm hiu, đau khổ của nàng chính là lí do khiến Nguyễn Du cảm thương chia sẻ. Đồng thời cũng từ bi kịch của Tiểu Thanh, nhà thơ suy nghĩ về định mệnh nghiệt ngã của những người có tài văn chương, nghệ thuật.

Cảnh vật tang thương. Vườn hoa ở Tây Hồ đã thành gò hoang hết cả. Thương một đời dâu bể, nhà thơ thương người đàn bà bạc mệnh. Nhà thơ đọc “mảnh giấy tàn” (nhất chỉ thư) đứng lặng trước cửa sổ điếu nàng Tiểu Thanh.

Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư,
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư.

(Tây Hồ cảnh đẹp hoá gò hoang,
Thổn thức bên song mảnh giấy tàn)

Nhan sắc (son phấn) và tài năng (văn chương) đều bị vùi dập. Son phấn có thần, sau khi chết người ta còn xót thương tiếc nuối. Văn chương còn có số mệnh gì mà người ta còn bận lòng về những bài thơ sót lại sau khi bị đốt? Nhà thơ thương xót cho nhan sắc và tài năng của Tiểu Thanh bị hãm hại, chôn vùi:

Chi phấn hữu thần liên tử hậu,
Văn chương vô mệnh lụy phần dư

(Son phấn có thần chôn vẫn hận,
Văn chương không mệnh đốt còn vương)

Hai câu thơ đối nhau làm nổi bật nhan sắc và tài năng bị vùi dập, thể hiện tình thương của nhà thơ. Đúng là “Câu thơ còn đọng nỗi đau nhân tình” (Tố Hữu).

Nhà thơ suy ngẫm về “hận sự” và “kì oan” trong xã hội. Mối hận xưa nay hỏi trời mà vẫn khó. Cái oan lạ vì nết phong nhã, tự mình ta lại buộc lấy mình. Ta như kẻ cùng hội cùng thuyền với kẻ mắc nỗi oan lạ vì nết phong nhã ấy. Nỗi đau thương và bế tắc dày vò nhà thơ và đó cũng là nỗi đau và bế tắc của đời người:

Cổ kim hận sự thiên nan vấn,
Phong vận kỳ oan ngã tự cư.

(Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi,
Cái án phong lưu khách tự mang)

Trong câu thơ dịch, chữ “nỗi hờn” (nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi) cha diễn đạt được hết ý nghĩa của hai từ “hận sự”. Vậy mối hận “cổ kim” ở đây nghĩa là gì? Đó là mối hận của người xa (như Tiểu Thanh) và người thời nay (những người phụ nữ “hồng nhan bạc mệnh” đang sống cùng thời với Nguyễn Du, thậm chí cả những con người có tài năng thơ phú như nhà thơ Nguyễn Du nữa). Họ đều là những người đã gặp bao điều không may trong cuộc sống. Từ đó, nhà thơ của chúng ta cho rằng: Có một thông lệ vô cùng nghiệt ngã đó là ông trời luôn bất công với những con người tài sắc. Sự bất công ấy đâu chỉ đến với riêng người phụ nữ tài hoa bạc mệnh Tiểu Thanh mà còn là nỗi hận của bao người (những Khuất Nguyên, Đỗ Phủ, Nguyễn Trãi, Nguyễn ..). Nỗi hận ấy từ hàng trăm năm nay đâu có gì thay đổi. Bởi vậy nó như một câu hỏi lớn không lời đáp cứ treo lơ lửng giữa không trung đến “ông trời” cũng “không hỏi được”.

Phải hỏi trời vì hỏi người mãi mà chẳng được. Hỏi trời lại càng rất khó, thế thì “hận sự” không thể nào kể xiết. Bế tắc là vô hạn! Phong lưu, phong nhã là vẻ đẹp, là cốt cách sang trọng sao lại là kì oan? Nguyễn Du đã từng trải qua “10 năm gió bụi” trong cảnh tha phương, ốm đau không có thuốc, trôi giạt lênh đênh, tóc sớm bạc có lúc ông tự nhận mình thời trai trẻ cũng là kẻ có tài (tráng niên ngã diệc vi tài giả). Vì thế ông mới tự xếp mình vào “cùng hội cùng thuyền”, là khách phong lưu như Tiểu Thanh nên mới mang cái oan lạ như nàng. Thật là chua chát!

Hai câu kết ẩn chứa bao tâm sự. Tố Như hỏi hậu thế:

“Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?”

(Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa,
Người đời ai khóc Tố Như chăng?)

Sau 300 năm nàng Tiểu Thanh chết, đến điếu và khóc nàng. Liệu sau khi ta mất hơn300 năm, người đời ai khóc tố Như? Đó là lời tự thương đầy lệ. Nhà thơ tự thấy mình cô đơn bơ vơ, sầu tủi…

Giá trị nhân bản đặc sắc của bài thơ Độc Tiểu Thanh kí là ở chỗ Nguyễn Du đã đặt ra vấn đề về quyền sống của người nghệ sĩ. Từ sự thương xót và đồng cảm với Tiểu Thanh, nhà thơ muốn gửi gắm sự trân trọng của mình đến những người nghệ sĩ nói chung – những chủ nhân của những giá trị tinh thần. Bày tỏ sự cảm thông chia sẻ với họ là một dấu hiệu tiến bộ trong chủ nghĩa nhân bản của Nguyễn Tình thương yêu và sự quan tâm của nhà thơ lúc ấy đã vượt qua những giới hạn về không gian và thời gian. Nó không chỉ là sự quan tâm chia sẻ với những con người bất hạnh (những cảnh đói cơm, rách áo) mà hơn thế nữa còn là sự thương yêu và trân trọng con người nói chung.

“Độc Tiểu Thanh kí” mang cảm hứng nhân đạo sâu sắc. Nguyễn Du đã khóc một Đạm Tiên, một Thuý Kiều…. Ông đã dành cho nàng Tiểu Thanh bao niềm thương xót. Đến Tây Hồ trên đường đi sứ, cái tâm của ông lại hướng về nỗi đau khổ oan trái của một giai nhân bị dập vùi với bao “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Hai câu kết bài thơ phản ánh “nỗi đoạn trường” của nhà thơ để dân tộc ta “Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du”… như Tố Hữu đã nói. Nguyễn Du không chỉ dành sự quan tâm, thương xót cho những số phận tài hoa bạc mệnh nói chung mà còn đặt ra vấn đề quyền sông của những người nghệ sĩ, bày tỏ sự tôn trọng của nhà thơ với những người đã tạo ra giá trị văn hóa tinh thần. Đây là một dấu hiệu tiến bộ trong giá trị nhân đạo của Nguyễn Du.

  • Kết bài:

Với nghệ thuật sáng tạo ngôn từ, hình ảnh hàm súc cao độ, Độc Tiểu Thanh kí thể hiện nổi bật tâm trạng xót thương, day dứt của Nguyễn Du đối với nỗi oan của những người tài hoa bạc mệnh. Bài thơ giúp ta hiểu rõ quan niệm về con người trong sáng tác của Nguyễn Du đã toàn diện hơn: con người không chỉ cần điều kiện vật chất để tồn tại mà còn cần cả những giá trị tinh thần.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang