phan-tich-y-nghia-qua-trinh-bien-hoa-cua-nhan-vat-tam-trong-truyen-tam-cam

Phân tích ý nghĩa quá trình biến hóa của nhân vật Tấm trong truyện cổ tích “Tấm Cám”

Phân tích ý nghĩa quá trình biến hóa của nhân vật Tấm trong truyện cổ tích “Tấm Cám”

  • Mở bài:

Tấm Cám thuộc thể loại truyện cổ tích thần kì. Quá trình hóa thân của Tấm phản ánh sâu sắc những mâu thuẫn trong gia đình, đặc biệt là mối quan hệ mẹ kế – con chồng; cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, cùng ước mơ cái thiện thắng cái ác của người Việt Nam.

  • Thân bài:

Cũng như các truyện cổ tích khác, nhân vật Tấm có một số phận đáng thương: mồ côi cha mẹ, phải ở với dì ghẻ cay nghiệt và bất công. Tính cách hiền lành, nhường nhịn và nhân hậu. Chính những điều ấy lại khiến Tấm bị mẹ con Cám ganh ghét, thường xuyên tước đoạt ở Tấm những giá trị tốt đẹp.

Trong truyện, nhân vật Tấm có tất cả năm lần hóa thân. Lần thứ nhất, sau khi trở thành hoàng hậu, nhân ngày giỗ cha Tấm, mẹ con Cám lừa Tấm leo lên cây cau rồi chặt cây cau, Tấm chết hóa thành chim vàng anh bay về với nhà vua. Lần thứ hai, Cám giết chim vàng anh (Tấm), Tấm lại hóa thành cây xoan đào. Lần thứ ba, Cám chặt cây xoan làm khung cửi, Tấm hiện thân qua tiếng kêu của con ác bằng gỗ trên khung cửi. Lần thứ tư, Cám đốt khung cửi, đem tro nén ra vườn, Tấm ẩn mình trong quả thị và từ quả thị bước ra, trở lại làm người (“trẻ đẹp hơn xưa”) giúp bà lão bán nước dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm, gói bánh, têm trầu.

Từ những lời nói và hành động của Tấm, có thể thấy : tuy Tấm đã chết nhưng dưới những hình thức khác nhau cô vẫn luôn ở bên cạnh vua, chăm lo cho vua, đặc biệt là Tấm không để cho Cám (kẻ đã giết hại mình, lừa vua) được sống một cách thanh thản, yên bình bên vua. Bất chấp việc mẹ con Cám tìm mọi cách để tận diệt, Tấm vẫn tái sinh dưới các dạng thức sống khác nhau và lại trở về, lúc dạy bảo, lúc trêu ngươi, lúc đe dọa Cám. Lần biến hóa cuối tuy diễn ra ngoài cung vua nhưng lại là lần Tấm trở lại làm người chuẩn bị cho một bước ngoặt mới quan trọng: về làm vợ vua, trừng trị mẹ con Cám.

Đằng sau quá trình biến hóa này của Tấm, nhân gian muốn khẳng định những phẩm chất tốt đẹp ở Tấm. Cô Tấm hiền lành, nhẫn nhịn là thế, vậy mà có sức sống thật mãnh liệt, có sức trỗi dậy thật phi thường trước sự vùi dập, hãm hại của mẹ con Cám. Qua cô Tấm, dân gian muốn khẳng định sức sống mãnh liệt của con người, của cái thiện (không một lực lượng thù địch nào có thể tiêu diệt được); con người không chịu khuất phục, đầu hàng cái ác, cái xấu, sẽ chiến đấu đến cùng để bảo vệ công lý.

Quá trình biến hóa của Tấm có ảnh hưởng sâu sắc triết lí phật giáo, vốn đã ăn sâu trong đời sóng tinh thần của dân gian. Bởi chết oan khuất nên linh hồn Tấm không thể siêu thoát mà ở lại nhân gian, tiếp tục tìm kiếm và đòi lại công bằng cho mình. tấm hóa thành chim (con vật),đem tiếng hót tố cáo kẻ bất nhân. Rồi nàng hóa thành cây xoan, thành khung cửi (vật vô tri) tiếp tục đem âm thanh ai oán vạch mặt kẻ dối trá. Sau lại biến thành tro bụi (cát bụi), thành quả thị thơm (hương thơm), rồi cuối cùng bước ra thành người. Tấm đã đi hết các kiếp luân hồi để trở lại làm người ngay trong hiện kiếp. Quá trình ấy có sự tiếp sức của sức mạnh siêu nhiên (bụt)

Thế nhưng, chính sức sống mãnh liệt của Tấm là nguyên nhân quan trọng nhất tạo nên chiến thắng cuối cùng chứ không phải sự phù trợ từ các lực lượng siêu tự nhiên (Bụt) mới là yếu tố quan trọng nhất tạo nên chiến thắng cuối cùng. Chiến thắng trong truyện cổ tích là chiến thắng của niềm mơ ước chứ không phải là chiến thắng trong cuộc đời thực. Vì thế nhân vật chính luôn luôn nhận được sự phù trợ từ các lực lượng siêu tự nhiên. Nếu không có sự phù trợ của Bụt thì Tấm không có ngày được gặp vua.

Một điểm đáng lưu ý, Bụt chỉ xuất hiện Tấm khi cô đang là một cô gái ngây thơ, trong trắng và yếu đuối. Giai đoạn biến hóa về sau của Tấm, ta không thấy Bụt xuất hiện nữa. Vai trò của Bụt chấm dứt khi Tấm thực sự bước vào cuộc đấu tranh giành lại sự sống. Tính tích cực, chủ động của nhân vật Tấm thể hiện ở điểm này và đó cũng chính là cơ sở để dân gian khẳng định: chính sức sống mãnh liệt của con người, của cái thiện mới là nguyên nhân quan trọng nhất tạo nên chiến thắng cuối cùng.

Mỗi lần biến hóa là một lần cô Tấm hiện hữu với vẻ đẹp và sự tươi mới : chim vàng anh, cây xoan đào (một loài xoan quý, gỗ màu hồng), quả thị “mùi thơm ngát tỏa ra khắp nơi” và từ quả thị bước ra, Tấm trở lại làm người “trẻ đẹp hơn xưa”. (Cái khung cửi không phải do Tấm biến hóa thành mà là “Cám sai thợ chặt hai cây xoan đào lấy gỗ đóng khung cửi”, Tấm chỉ hiện ra qua tiếng “cót két” của khung cửi).

Cô Tấm biến thành quả thị và bước ra từ quả thị là một chi tiết mang tính thẩm mĩ cao. Đó là vẻ đẹp bình dị của cô Tấm. Không cao sang quyền quý, nhưng cũng không lam lũ, nhếch nhác. Đó là vẻ đẹp tươi mới, tràn trề nhựa sống. uả thị “mùi thơm ngát tỏa ra khắp nơi”, Tấm “trẻ đẹp hơn xưa”.

Tấm bước ra từ quả thị, trở lại làm người kết thúc một đoạn đời đau khổ đã qua để bắt đầu một cuộc sống mới mà ở đó kẻ ác, kẻ hãm hại mình sẽ phải trả giá.

Đó là vẻ đẹp nhân văn: “ở hiền gặp lành”. Tấm trở lại làm người, làm vợ vua, người tốt cuối cùng cũng được hưởng cuộc sống hạnh phúc. Chi tiết cũng khẳng định vẻ đẹp đậm đà bản sắc dân tộc: miếng trầu cánh phượng mà Tấm têm. Tấm hóa thành quả thị “mùi thơm ngát tỏa ra khắp nơi”, “từ quả thị chui ra một cô gái thân hình nhỏ bé như ngón tay” thể hiện vẻ đẹp kỳ ảo với trí tưởng tượng bay bổng của dân gian.

Tất nhiên những lần biến hóa ấy là không thể có trong cuộc đời thực, nó chỉ có trong thế giới của cổ tích. Từ đó ta nhận ra một đặc trưng cơ bản nào của thể loại truyện cổ tích nhất là cổ tích thần kỳ luôn có sự xuất hiện của yếu tố kỳ ảo.

Hành động trả thù của Tấm và quan niệm, thái độ sống của nhân dân. Tấm là nhân vật văn học do nhân dân lao động sáng tạo ra để thể hiện quan niệm, thái độ của mình về cuộc sống. Cái tư tưởng cốt lõi mà dân gian muốn gửi đến người nghe, đọc là : thiện luôn thắng ác, “ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác”. Với suy nghĩ như thế, dân gian không cho rằng hành động của Tấm là độc ác thậm chí là cần thiết đối với Cám tức là kẻ ác cần bị trừng trị đích đáng.

“Hiền” trong quan niệm của dân gian là hiền đức. Người hiền luôn sống đứng với đạo lí làm người, bảo vệ cái tốt và quyết liệt chống lại, tiêu diệt cái ác. Hiền không đồng nghĩa với nhút nhát, sợ hãi, chịu khuất phục trước cái ác, cái xấu.

Qua cuộc đời, số phận và những lần biến hóa của nhân vật Tấm, câu chuyện chỉ rõ mâu thuẫn và xung đột trong gia đình phụ quyền thời cổ (dì ghẻ với con chồng), đặc biệt là mâu thuẫn giữa cái thiện và cái ác, khẳng định triết lí “thiện, ác tương báo” của nhân gian. Tác phẩm khẳng định cái thiện luôn chiến thắng trước cái ác, cái ác trước sau cũng sẽ phải trả giá đích đáng, “ác giả ác báo”, cái thiện sẽ được tôn vinh “ở hiền gặp lành”.

Việc Tấm chết đi sống lại nhiều lần, cuối cùng cũng đã tìm lại được hạnh phúc mà không phải đợi đến kiếp sau như thuyết luân hồi của nhà Phật đã cho thấy quan niệm sống của nhân dân lao động xưa về hạnh phúc. Hạnh phúc không tồn tại ở đâu đó xa xôi, trừu tượng mà có ngay ở cõi đời này. Người bình dân xưa không tìm hạnh phúc ở cõi nào khác mà tìm và giữ hạnh phúc thực sự ngay ở nơi trần thế.

  • Kết bài:

Cái kết thúc có hậu, nhân vật Tấm được đền đáp, được xem là biểu hiện cao nhất của ước mơ về một xã hội lý tưởng. Xã hội mà nhân dân ước mơ qua truyện cổ tích này là một xã hội công bằng, công lý được thực hiện. Tức là người lao động chăm chỉ, hiền lành, tốt bụng sẽ được hưởng hạnh phúc; kẻ tham lam, độc ác, giết người sẽ bị trừng trị thích đáng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang