cac-phuong-phap-tran-thuat-trong-van-ban-ngu-van-12

Phương thức trần thuật trong văn bản truyện Ngữ văn 12.

Phương thức trần thuật trong: Vợ chồng A Phủ, Vợ Nhặt, Rừng xà Nu, Những đứa con trong gia đình, Chiếc thuyền ngoài xa (Ngữ văn 12).

I. Các phương thức trần thuật.

1. Trần thuật từ ngôi thứ nhất do nhân vật tự kể chuyện (lời trực tiếp).

2. Trần thuật từ ngôi thứ ba của người kể chuyện tự giấu mình.

3. Trần thuật từ ngôi thứ ba của người kể chuyện tự giấu mình, nhưng điểm nhìn và lời kể lại theo giọng điệu của nhân vật trong tác phẩm (lời nửa trực tiếp).

II. Phương thức trần thuật trong tác phẩm truyện.

1. Truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài.

– Thành công của truyện ngắn Vợ chồng A Phủ không những ở mặt nội dung mà còn ở mặt nghệ thuật. Một trong những phương diện quan trọng về mặt nghệ thuật cần được đề cập đến chính là phương thức trần thuật. Trong tác phẩm tự sự, trần thuật là thành phần lời nói của tác giả, người trần thuật. Có thể thấy phương thức trần thuật của tác phẩm Vợ chồng A Phủ  được thể hiện ở những điểm sau:

– Phương thức trần thuật được thể hiện ở ngôi kể và giọng điệu.

+ Người kể ở ngôi thứ ba, hóa thân vào nhân vật.

+ Nhịp kể chậm, giọng trầm lắng, đầy sự cảm thông, thương cảm đối với nhân vật chính. Giọng trần thuật nhiều chỗ hòa vào dòng ý nghĩ và tiếng nói bên trong nhân vật tạo ra sự đồng cảm giữa người kể và nhân vật.Các tình tiết truyện liên tục biến đổi, hấp dẫn mà không hề bị rối nhờ sự đan xen giữa hiện tại và quá khứ.

+ Giọng trần thuật của truyện hòa nhập tư tưởng truyện và nội dung của từng đoạn.

– Ngôn ngữ kể chuyện đậm văn hóa vùng miền, biểu hiện:

+ Khung cảnh mùa xuân được diễn tả thật sinh động.

+ Cảnh xử kiện đối với A Phủ diễn ra ở nhà thống lý Pá Tra.

– Phương thức trần thuật được thể hiện trong việc xây dựng nhân vật.

+ Cách giới thiệu khéo léo, ngắn gọn mà gây ấn tượng mạnh về lai lịch của nhân vật.

+ Nhân vật Mỵ rất ít hành động nhưng hành động của nhân vật lặp đi lặp lại như điệp khúc.

+ Chân dung nhân vật được khắc họa gây ấn tượng lắng đọng (cúi mặt, mặt buồn, mặt buồn rười rượi, lùi lũi,…).

– Phương thức trần thuật còn được thể hiện ở yếu tố thời gian.

+ Thời gian thực tế gắn liền với thời gian trần thuật đã góp phần không nhỏ trong việc khai thác diễn biến nội tâm của nhân vật. Điều này được thể hiện khá rõ ở: Đêm tình mùa xuân, đêm đông Mỵ cởi trói cứu A Phủ.

+Chính yếu tố thời gian này giúp người đọc dễ dàng nhận ra câu chuyện được kể theo phương pháp lắp ghép với một trình tự nhất định cho phép nhà văn đi sâu vào nội tâm nhân vật.

– Phương thức trần thuật còn được thể hiện ở sự tương tác giữa các nhân vật với chủ thể trần thuật.

+ Giới thiệu nhân vật.

+ Miêu tả chân dung.

+ Ngoại cảnh tái hiện tâm trạng nhân vật.

+ Đối thoại, độc thoại.

2. Truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân.

– Tác phẩm “Vợ nhặt”, ngoài cách xây dựng tình huống truyện độc đáo thì phương thức trần thuật của Kim Lân cũng không kém phần hấp dẫn. Có thể nói nghệ thuật kể chuyện tự nhiên mà hấp dẫn.

– Cách dẫn dắt câu chuyện tự nhiên, giản dị mà chặt chẽ. Kim Lân đã chọn phương thức trần thuật khách quan theo tâm lý nhân vật:

+ Mở đầu tác phẩm là cảnh Tràng đưa người vợ nhặt về nhà trước sự ngạc nhiên của mọi người.

+ Trong sự ngạc nhiên của mọi người và bản thân, Tràng nhớ lại câu chuyện nhặt được vợ.

+ Tiếp đó mạch tự sự chảy xuôi cho đến thời điểm kết thúc. Với mạch tự sự theo diễn biến tâm lý nhân vật, Kim Lân đã tạo cho tác phẩm một mạch trần thuật rất tự nhiên hấp dẫn. Có thể nói dạng cấu trúc trần thuật này đã góp phần rất lớn vào việc biểu hiện ý nghĩa nhân văn của tác phẩm: Cuộc sống khủng khiếp đến mức khiến con người nghĩ rằng mình không thể có được  hạnh phúc ngay cả khi nó trở thành hiện thực.

– Ngôn ngữ kể chuyện mộc mạc, giản dị, gắn với khẩu ngữ nhưng được chắt lọc kỹ lưỡng. Do đó tạo được sức gợi đáng kể.

3. Truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành.

Phương thức trần thuật trong tác phẩm thể hiện qua một số khía cạnh sau:

– Cốt truyện Truyện “Rừng xà nu” có 2 câu chuyện đan cài vào nhau: Chuyện về cuộc đời Tnú và chuyện về cuộc nổi dậy của dân làng Xô-Man.

+ Câu chuyện được kể như là một hồi tưởng trong một đêm Tnú được nghỉ phép về thăm làng. Đây chính là hồi tưởng của cụ Mết và hồi ức của Tnú. Tiếng cụ Mết vẫn trầm và nặng. Ông cụ vụng về trở tay lau một giọt nước mắt. Bỗng nhiên ông cụ nói to lên: Tnú không cứu được vợ con. Tối đó Mai chết.Còn đứa con thì đã chết rồi.Thằng lính to béo đánh một cây sắt vào ngang bụng nó, lúc mẹ nó ngã xuống, không kịp che cho nó. Nhớ không, Tnú, mày cũng không cứu sống được vợ mày. Còn mày thì chúng nó bắt mày, trong tay mày chỉ có hai bàn tay trắng, chúng nó trói mày lại…

+ Chuyện đời Tnú được cụ Mết kể bên bếp lửa nhà ưng cho dân làng nghe.

– Quan điểm người kể chuyện: có sự đan xen giữa quan điểm tác giả và quan điểm nhân vật:

+ Đoạn mở đầu kể theo quan điểm của tác giả.

+ Phần sau tác giả trao quyền kể lại cho nhân vật cụ Mết, cụ Mết đã kể lại toàn bộ câu chuyện về cuộc đời Tnú cho dân làng nghe.

– Cách kể trang trọng như muốn truyền cho các thế hệ con cháu những trang sử thi oai hùng của cả cộng đồng trong những ngày Đồng Khởi “Ông già bà già thì biết rồi. Thanh niên có đứa biết đứa chưa rõ. Còn lũ con nít thì chưa biết… Tnú, anh Tnú của chúng mày về rồi đó… anh Tnú mà tau đã kể cho chúng mày nghe bao nhiêu lần rồi đó… Đêm nay tau kể chuyện nó cho cả làng nghe, để mừng nó về thăm làng. Người Strá ai có cái tai, ai có cái bụng thương núi, thương nước, hãy lắng mà nghe, mà nhớ. Sau này tau chết rồi, chúng mày phải kể lại cho con cháu nghe…”.

– Giọng trần thuật gợi nhớ lối kể “khan” (trường ca) của các dân tộc Tây Nguyên.

+ Bên bếp lửa dưới mái nhà ưng.

+ Câu chuyện của Tnú là chuyện thời hiện đại nhưng vẫn được kể như câu chuyện lịch sử với giọng điệu và ngôn ngữ trang trọng của sử thi, với thái độ chiêm ngưỡng qua một “khoảng cách sử thi” đối với những con người và sự kiện được kể lại.

– Điều đó đã thể hiện chất sử thi hùng tráng của câu chuyện.

+ Nghệ thuật xây dựng truyện: “Rừng xà nu” là một truyện ngắn nhưng có sức chứa như một bản trường ca về chủ nghĩa anh hùng của nhân dân Tây Nguyên được viết khoảng mươi trang bằng nghệ thuật độc đáo. Các yếu tố truyện càng lúc càng mở rộng tạo ấn tượng sâu sắc cho người đọc.

Rừng xà nu có hai câu chuyện lồng vào nhau, với nhiều tình tiết, sự kiện được diễn ra trong một khoảng thời gian khá dài. Để dồn chứa một dung lượng khá lớn như vậy vào một truyện ngắn, tác giả đã lựa chọn cách kể hợp lí : câu chuyện của một đời người, một làng được kể kể trong một đêm, qua lời kể của một già làng. Cách kể chuyện ấy rất thích hợp với nội dung và tính chất của truyện, lại gợi liên tưởng đến cách kể khan của các dân tộc Tây Nguyên. Đây cũng chính là một đặc điểm về nghệ thuật tự sự, yếu tố quan trọng tạo nên thành công tác phẩm.

– Ở phần đầu và cuối truyện là thời gian hiện tại gắn với sự việc Tnú về thăm làng chỉ trong một đêm và sáng hôm sau lại ra đi. Phần giữa, cũng là phần chính của truyện, chủ yếu tái hiện lại những sự việc thuộc thời gian quá khứ. Nhưng đôi lúc mạch kể lại quay lại quay lại hiện tại bằng việc miêu tả cảnh dân làng nghe cụ Mết kể về chuyện Tnú, cùng những lời trực tiếp của cụ Mết, của Tnú. Cách phối hợp các lớp thời gian như vậy làm cho truyện mở ra được nhiều sự kiện, biến cố, tái hiện được cả một giai đoạn lịch sử trong một dung lượng câu chữ không lớn cua một truyện ngắn. Đồng thời lại kéo gần quá khứ về với thời gian hiện tại, giúp người đọc hình dung một cách cụ thể, sinh động về những sự việc và con người được kể như đang hiện diện trước mắt.

– Phù hợp với thời gian như trên, truyện sử dụng phối hợp điểm nhìn của hai người kể chuyện : người kể chuyện ở ngôi thứ ba vô hình và người kể là cụ Mết. Trong phần chính của truyện, lời kể ở ngôi thứ ba lại nương theo câu chuyện về Tnú do cụ Mết kể cho dân làng nghe, xen kẽ với những lời trực tiếp của cụ Mết. Lời cụ Mết thường chỉ để khởi đầu cho mỗi chặng, dẫn mạch kể ở những biến cố tạo bước ngoặt.

4. Truyện ngắn Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi.

– Với tác phẩm Những đứa con trong gia đình, Nguyễn Thi đã chọn phương thức trần thuật men theo dòng hồi tưởng của nhân vật Việt – một chiến sĩ trẻ bị thương nặng trên chiến trường, bị lạc đồng đội, nhiều lần ngất đi tỉnh lại. Nghĩa là tác giả đã trao ngòi bút cho nhân vật tự kể, dựa theo  điểm nhìn của nhân vật.

– Chọn cách trần thuật này vừa thể hiện sự sáng tạo về hình thức nghệ thuật vừa góp phần đắc lực trong việc thể hiện tư tưởng chủ đề của tác phẩm.

+ Thứ nhất, vì câu chuyện được kể theo những kí ức chợt đến chợt đi, nhớ chuyện này lại xen lẫn chuyện kia nên trật tự kể bị xáo trộn. Vách ngăn giữa các khoảng thời gian quá khứ và hiện tại dường như bị cất bỏ. Song câu  chuyện vẫn rõ ràng mạch lạc. Người đọc không chỉ cảm nhận được một nhân vật Việt mà còn cảm nhận cả truyền thống gia đình nông dânNam bộ. Đó là chú Năm, ba má, chị Chiến và cả đồng đội của Việt nữa. Tỉnh dậy lần thứ nhất, Việt bò đi tìm đồng đội.Tỉnh dậy lần thứ hai, trời mưa, tiếng ếch nhái kêu, Việt nhớ chuyện soi ếch “…bao giờ chú Năm cũng qua”. Thế là Việt nhớ về chú Năm và cuốn sổ gia đình. Lần ba, Việt nghe tiếng trực thăng, tiếng súng nổ, anh nhận ra mình đã ba ngày nằm tại  chiến trường. Nghe tiếng cu gù gù, chiếc ná thun hiện về, gợi anh nhớ  những kỉ niệm về người mẹ bao dung, vị tha, khổ đau, hiên ngang, bất khuất. Lần thứ tư, mẹ vẫn  còn thoảng trong đầu…mưa làm Việt tỉnh hẳn, nhận ra mình đơn độc. Việt sợ ma. Súng nổ âm ĩ, Việt nhớ anh Tánh và đồng đội. Việt cố bò đi về phía tiếng súng nhưng cũng không khó bằng chuyện hai chị  em dành nhau đi tòng quân… Câu chuyện thật hợp lí, lôgic.

+ Thứ hai, khi để cho nhân vật tự kể, câu chuyện trở nên hấp dẫn, chân thực về những đứa con trưởng thành trong khói lửa chiến tranh. Việt vừa là anh giải phóng quân gan dạ, dũng cảm vừa là cậu thanh niên còn rất trẻ con, vô tư…

+ Thứ ba, nhà văn để nhân vật tự kể, trang văn đậm chất trữ tình. Đời sống nội tâm của nhân vật được khai thác triệt để vừa cụ thể vừa tinh tế, phức tạp…

+ Thứ tư, nhân vật được đặt trong một tình huống đặt biệt: đơn độc giữa  chiến trường, đối diện với cái chết, đối diện với chính bản thân mình, Việt đã nghĩ nhiều nhất đến những người thân trong gia đình. Bởi gia đình là  nguồn cội, là cứu cánh, là chỗ dựa tinh thần để con người vượt qua những trở lực của nghịch cảnh để hướng về phía trước. Qua đó nhà văn khẳng định sự gắn bó giữa tình cảm gia đình với tình yêu nước, giữa truyền thống gia đình với truyền thống dân tộc tạo nên sức mạnh to lớn của con người ViệtNam, dân tộc Việt Nam trong kháng chiến chống Mĩ cứu nước.

– Nhờ những lợi thế của cách trần thuật như đã nói trên, câu chuyện về đề tài chiến tranh đã thể hiện rõ tài năng nhiều mặt của Nguyễn Thi. Và tác phẩm Những đứa con trong gia đình trở thành tác phẩm xuất sắc.

– Tác dụng của phương thức trần thuật này:

+ Làm cho câu chuyện dù không có gì đặc sắc cũng trở nên mới mẻ, hấp dẫn. Tác phẩm đậm chất trữ tình, tự nhiên vì được kể bằng con mắt, tấm lòng và ngôn ngữ, giọng điệu của nhân vật.

+ Tạo điều kiện cho nhà văn thâm nhập sâu vào thế giới nội tâm của nhân vật để dẫn dắt câu chuyện.

+ Diễn biến câu chuyện linh họat, không phụ thuộc vào trật tự thời gian tự nhiên, có thể xáo trộn không gian với thời gian, từ những chi tiết ngẫu nhiêncủa hiện thực chiến trường mà gợi nên những dòng hồi tưởng, liên tưởng phong phú , bất ngờ song vẫn hợp lý: quá khứ khi gần, khi xa, chuyện này bắt sang chuyện nọ…

→ Trần thuật theo dòng hồi tưởng khiến câu chuyện về Những đứa con trong gia đình vốn được hình thành từ chuỗi những chuyện tưởng chừng như rời rạc, vụn vặt …à trở nên mạch lạc, sáng rõ. Các nhân vật hiện lên vừa cụ thể  rõ nét; vừa tiêu biểu cho những thế hệ người nông dân Nam Bộ và cho cả dân tộc ta trong kháng chiến chống ngoại xâm…

5. Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu.

Chiếc thuyền ngoài xa là truyện ngắn xuất sắc của Nguyễn Minh Châu tiêu biểu cho hướng tiếp cận đời sống nhìn từ góc độ thế sự của nhà văn ở giai đoạn sáng tác sau 1975. Sở dĩ tác phẩm có được thành công ấy không chỉ ở nội dung sâu sắc mà còn ở những yếu tố nghệ thuật đặc sắc: sáng tạo tình huống truyện mang tính chất khám phá phát hiện kết hợp với việc xây dựng những hình ảnh biểu tượng giàu ý nghĩa, đặc biệt làm nên sự hấp dẫn, lôi cuốn người đọc là phương thức trần thuật. Phương thức ấy được thể hiện cụ thể ở tác phẩm qua những yếu tố sau:

– Chọn ngôi kể điểm nhìn trần thuật thích hợp.

– Câu chuyện được kể qua sự phát hiện và cảm nhận của nhân vật Phùng. Phùng là một phóng viên nhiếp ảnh được cử đi thực tế để chụp một bức ảnh thuyền và biển cho bộ lịch nghệ thuật.

+ Sau nhiều ngày “phục kích” anh đã chụp được một cảnh thuyền và biển tuyệt đẹp. Thế nhưng, ngay liền sau đó anh lại chứng kiến một bi kịch trên con thuyền đó: cảnh người đàn ông đánh vợ một cách tàn nhẫn, người đàn bà cam chịu, nhẫn nhục, đứa con thương mẹ sẵn sàng đánh bố… Ba ngày sau Phùng lại chứng kiến cảnh tượng trên một lần nữa.

+ Sau đó tại tòa án huyện, qua câu chuyện của người đàn bà hàng chài, Phùng nhận thức được bao nghịch lí của đời thường, về thân phận của con người, về những mặt khuất lấp của đời sống, về mối quan hệ giữa nghệ thuật với cuộc đời…

– Cách chọn ngôi kể và điểm nhìn nghệ thuật như trên đã làm cho câu chuyên trở nên chân thực, gần gũi, tự nhiên, tạo được sự đồng cảm ở người đọc, đồng thời qua Phùng – nhân vật tư tưởng – nhà văn gián tiếp bày tỏ quan điểm nghệ thuật của mình.

– Giọng điệu trần thuật biến đổi linh hoạt theo diễn tiến tình tiết giàu kịch tính. Sau đây là một số tình tiết trong phần đầu câu chuyện:

+ Tình tiết 1: Khi nghệ sĩ Phùng sau giây phút thăng hoa của tâm hồn như “vừa khám phá thấy cái chân lí của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”, lại bất ngờ chứng kiến một cảnh hoàn toàn trái ngược. Giọng điệu trần thuật biến đổi diễn tả khoảnh khắc bừng ngộ trước sự thật nghiệt ngã “ngay lúc ấy…”, “bất giác tôi nghe…” để rồi sau giây phút bàng hoàng, khi chứng kiến cảnh tượng lão đàn ông đánh vợ, người nghệ sĩ đã “kinh ngạc”. “Thế rồi chẳng biết từ bao giờ tôi đã vứt chiếc máy ảnh chạy nhào tới”.

+ Tình tiết 2: Sau khi đánh vợ, lão đàn ông bỏ đi, người mẹ vừa đau đớn vừa nhục nhã, xấu hổ, bà đã ôm chầm lấy đứa con “rồi lại buông ra, chắp tay vái lấy vái để rồi lại ôm chầm lấy”. Còn đứa con lúc này “chẳng hề hé răng, như một viên đạn bắn vào người đàn ông và bây giờ xuyên qua tâm hồn người đàn bà làm rỏ xuống những dòng nước mắt”. Thế rồi “bất ngờ người đàn bà buông đứa trẻ ra, đi thật nhanh ra khỏi bãi xe tăng, đuổi theo lão đàn ông. Cả hai người lại trở về chiếc thuyền” trả lại cho bãi biển vẻ hoang sơ muôn thưở của nó. Và “như trong một câu chuyện cổ đầy quái đản, chiếc thuyền lưới vó đã biến mất”.

– Cách thức trần thuật như trên đã làm cho câu chuyện sinh động và hấp dẫn bởi các tình tiết được diễn ra liên tiếp nhau, li kì, giàu kịch tính, lôi cuốn người đọc thêm tò mò, muốn khám phá tiếp những bí ẩn của câu chuyện.Mặt khác, giọng điệu trần thuật ở đây còn khơi gợi ở người đọc những cảm xúc, những suy tư sâu lắng về sự thật đa diện, muôn màu của cuộc đời.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang