»» Nội dung bài viết:
Qua bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng, hãy làm rõ ý kiến: Thơ là thơ, đồng thời là hoạ, là nhạc, là chạm khắc theo một cách riêng (Sóng Hồng)
- Mở bài:
“Phải phí tổn nghìn cân quặng chữ / Mới thu về một chữ mà thôi / Một chữ ấy làm cho rung động / Triệu trái tim trong hàng triệu năm dài” (Maiacôpxki). Thơ là tập hợp những tinh hoa tâm hồn và ngôn ngữ. Thơ là cái thật, cái đẹp của tâm hồn được chắt lọc, gọt giũa bằng nghệ thuật ngôn từ. Người nghệ sĩ phải dùng bàn tay tài hoa và lăng kính nghệ thuật để biến ngôn ngữ đời sống thành ngôn ngữ văn học. Nhà thơ, để tạo nên một tác phẩm độc đáo cần trải qua quá trình lao động nhọc nhằn, như người đào vàng, tìm ngọc, đãi từ kho quặng chữ thô ráp lấy một viên ngọc chữ nghĩa tinh khôi. Nhiều khi khát cháy trên sa mạc ngôn từ vẫn chưa tìm được thứ báu vật thiêng liêng ấy. Nhiều “phu chữ” cả một đời luôn trăn trở: “Chữ chẳng làm kinh động lòng người chết chẳng yên” (Đỗ Phủ).
Với chất liệu phi vật thể (ngôn từ), thơ ca đã tạo cho mình thế mạnh riêng, là nơi gặp gỡ, giao thoa của nhiều bộ môn nghệ thuật. Bàn về vấn đề này, thi Sĩ Sóng Hồng cho rằng: Thơ là thơ đồng thời là hoạ, là nhạc, là chạm khắc theo một cách riêng. Qua việc phân tích những biểu hiện của chất thơ, chất nhạc, chất hoạ, chất điêu khắc trong Tây Tiến – bài thơ tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật Quang Dũng – chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về nhận định mang tính lí luận này.
- Thân bài:
1. Giải thích ý kiến.
– Thơ là thơ. Thơ trước hết phải là chính nó, nghĩa là phải mang đầy đủ những đặc trưng riêng khác với bất kì loại hình nghệ thuật nào: truyện, kịch… Thơ là phương thức trữ tình, là tiếng nói của tình cảm, cảm xúc được thể hiện bằng một cấu tạo ngôn ngữ đặc biệt.
+ Thơ là họa: Họa có nghĩa là hội họa, đặc trưng ngôn ngữ thơ giàu tính tạo hình, thơ có thể gợi lên trong tâm trí người đọc những hình ảnh, chi tiết sống động, chân thực như bản thân sự sống vốn có, “thi trung hữu hoạ”.
+ Thơ là nhạc: Nhạc là âm nhạc. Ngôn ngữ thơ giàu nhạc tính. Tính nhạc của thơ thể hiện ở: thể thơ, cách gieo vần, ngắt nhịp, thanh điệu,… “thi trung hữu nhạc”. Nhạc là cỗ xe chở hồn thi phẩm (Hoàng Cầm).
+ Thơ còn là chạm khắc: Chạm khắc là điêu khắc. Cũng vì tính tạo hình, ngôn ngữ thơ ca có khả năng tạo dựng hình khối, đường nét sống động, chân thực.
+ Một cách riêng: Phong cách nghệ thuật của mỗi nhà thơ.
+ Thơ đồng thời là họa, là nhạc, là chạm khắc theo một cách riêng: Thơ – hoạ – nhạc – chạm khắc đều là những loại hình nghệ thuật, song có sự khác biệt, trước hết là chất liệu xây dựng hình tượng nghệ thuật để phản ánh đời sống. Chất liệu của thơ ca là ngôn ngữ – chất liệu phi vật thể có những đặc trưng riêng – vì vậy tác động nhận thức không trực tiếp bằng các loại hình nghệ thuật khác song sức gợi mở của nó lại hết sức dồi dào, mạnh mẽ. Nó tác động vào liên tưởng con người và khơi dậy những cảm nhận cụ thể về màu sắc, đường nét, âm thanh, hình khối.
→ Sóng Hồng đã khẳng định tính chất kì diệu của thơ ca: thơ là thơ nhưng thơ còn có màu sắc, đường nét của hội hoạ, thanh âm của âm nhạc và hình khối của chạm khắc (điêu khắc). Thơ cất tiếng nhờ nhạc, đẹp lên nhờ hoạ và kiêu hãnh vì được thể hiện bằng nét chạm khắc. Tuy nhiên, tất cả những biểu hiện ấy phải được thể hiện theo “một cách riêng” nghĩa là nhà thơ phải có phong cách nghệ thuật độc đáo. (Cũng như nhận xét của Biêlinxki “Bản thân văn học là toàn bộ nghệ thuật” hay “Thơ là kết tinh của cái đẹp trong mọi hình thức nghệ thuật”).
2. Chứng minh nhận định qua bài Tây Tiến của Quang Dũng.
a. Tác giả Quang Dũng và bài thơ “Tây Tiến”.
– Quang Dũng là người nghệ sĩ đa tài. Thơ Quang Dũng hồn hậu, phóng khoáng, lãng mạn và hào hoa.-
– Tây Tiến (1948) là bài thơ tiêu biểu cho đời thơ Quang Dũng, thể hiện sâu sắc phong cách nghệ thuật của nhà thơ. Bài thơ đươc in trong tập Mây đầu ô. Xuyên suốt bài thơ là nỗi nhớ: nỗi nhớ da diết về những người động đội và những ngày tháng, những kỉ niệm không thể nào quên của chính tác giả trong đoàn quân Tây Tiến, gắn với vùng đất miền Tây hùng vĩ, hiểm trở và thơ mộng. Nỗi nhớ ấy đã đánh thức mọi ấn tượng, kí ức để kết tinh thành những hình ảnh sống động.
b. Chất thơ trong bài thơ Tây Tiến.
– Bài thơ thể hiện cảm xúc mãnh liệt của Quang Dũng: nỗi nhớ đơn vị cũ, nhớ thiên nhiên núi rừng, con người Tây Bắc.
– Ngôn ngữ thơ hàm súc, đa nghĩa, có tính biểu cảm cao.
c. Tây Tiến cũng là bài thơ giàu chất họa, chất nhạc và điêu khắc.
– Chất hoạ: Bức tranh thiên nhiên, núi rừng Tây Bắc hùng vĩ, hoang sơ, bí ẩn, dữ dội, mà mĩ lệ thơ mộng trữ tình. Nét vẽ gân guốc, khoẻ khoắn tái hiện thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, dữ dội, hiểm trở hoang sơ. Nét vẽ nhẹ nhàng, nhoè mờ kiểu tranh lụa lại làm hiện lên thiên nhiên Tây Bắc thơ mộng, trữ tình, ấm áp (dẫn chứng).
– Chất nhạc: phép đối, điệp âm, sử dụng từ láy, cách ngắt nhịp, phối thanh Bằng – Trắc… . Kết cấu ấy tạo nên giọng điệu gân guốc, mạnh mẽ khi nói về con đường hành quân gập ghềnh, trắc trở; giọng điệu êm đềm man mác khi nói về thiên nhiên thơ mộng trữ tình; giọng thơ vui tươi, khoẻ khoắn khi tái hiện kỉ niệm về tình quân dân thắm thiết trong đêm liên hoan (dẫn chứng).
+ Đường nét của điêu khắc: chạm khắc bức tượng đài về hình tượng người lính Tây Tiến sống động, chân thực, mang vẻ đẹp lẫm liệt, kiêu hùng, hào hoa, lãng mạn mà bi tráng (dẫn chứng).
d. Bài thơ Tây Tiến thể hiện phong cách riêng, độc đáo của Quang Dũng.
– Bút pháp lãng mạn và tinh thần bi tráng, hồn thơ bay bổng và ngôn ngữ sáng tạo, tinh tế, tài hoa.
3. Đánh giá chung.
– Ý kiến đúng đắn, có giá trị của Sóng Hồng đã khẳng định sức sống và vẻ đẹp kì diệu của thơ ca: đặc trưng của ngôn ngữ thơ (tính chính xác, tính hình tượng, tính nhạc) khiến nó mang trong mình đặc điểm của các loại hình nghệ thuật khác.
– Bài thơ Tây Tiến với vẻ đẹp kì diệu là minh chứng rõ nét cho điều đó. Tác phẩm tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật Quang Dũng, xứng đáng là một trong những thi phẩm xuất sắc của nền thi ca cách mạng Việt Nam.
– Để sáng tác được những bài thơ hay, nhà thơ không chỉ cần cảm xúc mãnh liệt, chân thành mà còn cần có tài năng trong việc sử dụng từ ngữ, hình ảnh, thanh điệu, nhịp điệu thật độc đáo để tạo được phong cách riêng của mình. Mỗi độc giả cần phải là người đọc “đồng sáng tạo” với nhà thơ.
- Kết bài:
– Tóm tại, thơ là kết quả của sự thăng hoa cảm xúc, là sản phẩm tinh thần của nhà thơ. Mỗi bài thơ là sự kết tinh vốn văn hoá, thể hiện cái nhìn về cuộc đời và biểu hiện những trạng thái xúc cảm của người sáng tác. Ngôn ngữ là yếu tố đầu tiên của tác phẩm văn học. Trong sự lao động của nhà thơ có sự lao động về ngôn ngữ, trong sự giày vò của sáng tạo nghệ thuật có sự giày vò về ngôn từ. Thành công của tác phẩm một phần lớn là nhờ khả năng ngôn ngữ của tác giả. Với các đặc trưng: tính chính xác, tính hình tượng, tính tinh luyện, hàm súc kết hợp với tính nhạc phong phú của tiếng Việt, thơ là thơ đồng thời là hoạ, là nhạc, là chạm khắc theo một cách riêng.
– Tuân thủ nghiêm ngặt điều đó, với Tây Tiến, Quang Dũng trở thành một trong những nhà thơ lưu danh hậu thế. Cũng như vậy, mỗi nghệ sĩ trong sáng tạo cần ghi nhớ: để sáng tác được những bài thơ hay, nhà thơ không chỉ cần cảm xúc mãnh liệt, chân thành mà còn cần có tài năng trong việc sử dụng từ ngữ, hình ảnh, thanh điệu, nhịp điệu thật độc đáo để tạo được phong cách riêng của mình. Nếu “Nhà thơ như con ong biến trăm hoa thành mật ngọt/ Một mật ngọt thành đòi vạn chuyến ong bay” (Chế Lan Viên) thì mỗi độc giả hãy là người đồng sáng tạo với nhà thơ, đừng quên lời nhắc nhở của Phôntan: “Bạn ơi hãy học suy nghĩ bằng trái timVà hãy học cảm xúc bằng lý trí”.
Nghị luận: Thơ là thơ, đồng thời là hoạ, là nhạc, là chạm khắc theo một cách riêng (Sóng Hồng)