“Người dân xưa rất giàu tình. Nhưng họ cũng là người nặng nghĩa. Trong quan hệ tình cảm, tình và nghĩa thường đi đôi với nhau”.
Qua những bài ca dao đã học và đọc anh/chị hãy làm sáng tỏ nhận định trên.
Bài văn tham khảo:
Dân tộc Việt Nam đã trải qua biết bao gian nan cay cực, bao thăng trầm và bể dâu nhưng tâm hồn con người vẫn sáng trong tươi mát, vẫn dạt dào niềm tin, vẫn rạo rực đắm say trong tình yêu đôi lứa và thiết tha gắn bó với quê hương gia đình. Tất cả những cung bậc tình cảm đó đã được thăng hoa trong kho tàng ca dao, trong dòng sông diệu kì đó. Dòng sông đã dưỡng nuôi và tắm mát tâm hồn ta, thấm đẫm vào lời ru nôi của mẹ để vỗ về xoa dịu mọi nỗi đau, hàn gắn vết thương lòng. Người dân xưa chân chất bình dị, rất giàu tình và cũng hết sức nặng nghĩa, trong quan hệ tình cảm, tình và nghĩa thường đi đôi với nhau. Điều đó đã được phản ánh chân tình và sâu sắc trong vườn hoa văn học dân gian mà đặc biệt là ca dao – dân ca rất trữ tình, dung dị.
Đến với ca dao nói chung không thể không nhắc đến những câu ca dao tình nghĩa. Nó đã phản ánh ước mơ, những khát khao mong chờ, những oán trách và hờn giận. Tình và nghĩa trở thành suối nguồn vô tận của ca dao. Đúng là người bình dân rất giàu tình. Đó là tình yêu quê hương đất nước, tự hào, kiêu hãnh về lịch sử hào hùng cảu cha ông:
Rủ nhau xem cảnh Kiếm hồ
Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn
Đài nghiêng, tháp bút chưa mòn
Hỏi ai gây dựng nên non nước này?
Tình yêu quê hương, một tình cảm lớn lao và mãnh liệt, cuộn trào tha thiết trong huyết mạch của người dân xưa. Họ yêu đất nước này tươi đẹp, yêu những phong cảnh hữu tình. Để rồi một mai chia xa tình cảm yêu thương ấy hóa thành nỗi nhớ không nguôi:
Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương
Nhớ ai dãi nắng dầm sương
Nhớ ai tát nước bên đường hôm nào
Chàng trai đi xa, trái tim nóng bỏng vẫn hướng về quê nhà nghèo khổ, những món ăn thôn quê đạm bạc dân dã mà mặn mà biết bao. Tất cả ùa về với nỗi nhớ sáng trong thanh khiết vô ngần. Tình cảm ấy cứ rộn ràng rạo rực trong trái tim anh, tình yêu đôi lứa hòa quyện vào tình yêu quê hương thật hài hòa dung dị, mộc mạc chân chất mà cũng cao đẹp lạ kì.
Và tiếng “tình” còn được cất lên da diết trong tình cảm mẫu tử thiêng liêng:
Gió mùa thu mẹ ru con ngủ
Đêm năm canh chầy, mẹ thức đủ vừa năm.
Tình cảm của mẹ mới ấm áp ngọt ngào làm sao! Thật bao la và vĩnh cửu. Đó là tình cảm thương yêu tha thiết mặn nồng, là sự hi sinh âm thầm và lặng lẽ của mẹ cho cuộc đời con. Bên cạnh tình mẹ mênh mông sâu đậm ấy là tình chị em gắn bó, chở che:
Em tôi buồn ngủ buồn nghê
Con tằm đã chín, con dê đã mùi
Con tằm đã chín để lại mà nuôi
Con dê đã mùi làm thịt em ăn
Thật chân quê, thôn dã, lời lẽ giản dị tự nhiên mà vẫn toát lên tình cảm thương yêu, sự vỗ về, âu yếm của người chị. Tình cảm phong phú của người dân xưa còn được thể hiện sắc nét trong quan hệ vợ chồng lứa đôi:
Chồng em áo rách em thương
Chồng người áo gấm xông hương mặc người
Tấm lòng thủy chung của người phụ nữa thật đáng trân trọng biết bao. Tình cảm vợ chống thật sâu đậm, son sắt. Đó là cái tình cao quý và cũng thật thiêng liêng. Trong chuỗi dài tình cảm của người dân xưa thì đạo lí làm con, làm trò luôn được nhắc đến một cách sâu sắc và cảm động:
Ngày nào em bé cỏn con
Bây giờ em đã lớn khôn thế này
Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy
Nghĩ sao cho bỏ những ngày ước ao
Và đặc biệt nhất, phong phú nhất là tình cảm lứa đôi, tình yêu mãnh liệt:
Thuyền về có nhớ bến chăng
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền
Hay
Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi
Những lời tâm tình tế nhị dễ thương, thông minh và dí dỏm bộc lộ tình yêu thiết tha sậu nặng, luôn dạt dào triền miên. Đó còn là một tình cảm thánh thiện và chân thành, rất đỗi nồng nàn sôi nổi:
Tình anh như nước dâng cao
Tình em như dải lụa đào tẩm hương
Trong cái tình đong đầy ấy, cái nghĩa cũng thật nặng biết nhường nào. Nghĩa và tình thương đi đôi với nhau trong các mối quan hệ, đôi khi nghĩa còn thay thế và làm nền tảng cho tình:
Đường dài ngựa chạy biệt tăm
Người thương có nghĩa trăm năm cũng về.
Hay
Con chim nho nhỏ, cái lông nó đỏ, cái mỏ nó vàng
Nó kêu người ở trong làng
Đừng ham lãnh lụa phụ phàng vải bo
Ở đây, nghĩa luôn được người dân xưa coi trọng, có nghĩa thì mới có tình, đó là một lối sống cao đẹp. Người xưa nếu phụ tình thì sẽ phụ nghĩa:
Có oản anh tình phụ xôi
Có cam phụ quýt, có người phụ ta
Có quán tình phụ cây đa
Ba năm quan đổ cây đa hãy còn
Có mực anh tình phụ son
Có kẻ đẹp tròn anh phụ nhân duyên
Có bạc anh tình phụ tiền
Có nhân ngãi mới anh quên em rồi
Chính vì quá giàu tình, nặng nghĩa nên người dân xưa mới tỏ thái độ chê trách đối với những kẻ vô tình, bạc bẽo khi đã giàu sang thì quên nghĩa phụ tình:
Cha mẹ bảo ưng em đừng mới phải
Em nở lòng nào bạc ngãi bỏ anh
Lời thơ như tiếng kêu xé lòng, chua chát của người dân xưa, họ quá nặng nghĩa nên thật đớn đau, xót xa khi bị phụ tình.
Không chỉ trong tình yêu nan nữ mà trong quan hệ vợ chồng nghĩa và tình cũng thường sóng đôi:
Muối ba năm muối hãy còn mặn
Gừng chín tháng gừng hãy còn cay
Đạo nghĩa cang thường chớ đổi đừng thay
Dẫu có làm nên danh vọng, rủi có ăn mày ta cũng theo nhau.
Đó là tình cảm hết sức cao đẹp, trong sáng và là đạo lí để làm người. Người dân xưa dựa vào đó để dựng những mối quan hệ, gắn bó, tốt đẹp:
Rủ nhau xuống bể mò cua
Đem về nấy quả mơ chua trên rừng
Em ơi chua ngọt đã từng
Non xanh nước bạc ta đừng quên nhau.
Cái tình để hai trái tim hòa cùng nhịp đập, để cùng nhau vượt qua gian khổ, khó khăn. Và cái nghĩa để tình cảm đừng phôi phai, để trái tim ấy đừng đổi sắc màu. Vì “Em ơi chua ngọt đã từng” Chúng ta đã cùng nhau sẻ chia buồn vui hạnh phúc thì giờ đây đừng bao giờ phụ tình, bạc nghĩa để cõi lòng ta tan nát và đớn đau. Vì thế nghĩa đã luôn đi đôi với tình, gắn kết và hòa quyện lẫn nhau, làm cho tình cảm thật chân thành và chung thủy. Tình cảm vợ chồng trai gái sẽ nồng nàn da diết hơn. Tiếng tình, nghĩa còn được cất lên khi nói về quan hệ mẫu tử, trong tình cảm thiết tha, gắn bó:
Anh tình em ngãi
Làm sao cho ở phải thì hơn
Công cha nghĩa mẹ Hoành Sơn nào tày.
Nghĩa và tình tuy hai mà một, tình yêu thương sẽ là cái nghĩa cao đẹp biết nhường nào.
Tóm lại, ca dao – dân ca đã phản ánh chân thật, đậm đà cái tình và cái nghĩa của người dân xưa. Mỗi bài ca dao đều toát lên vẻ đẹp ân tình, một quan niệm sống tốt đẹp, sống chung thủy, sắt son, sống để biết yêu thương, biết trân trọng. Đừng sống phũ phàng, bạc bẽo, hãy là:
Ta về ta tắm ao ta
Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn
Đó là tình cảm gắn bó thiết tha, là lòng tự hào quê cha đất mẹ, là những con người nặng tình nặng nghĩa. Người dân xưa tuy cuộc đời lam lũ, nhọc nhằn thế nhưng thế giới tâm hồn họ thì hết sức phong phú, tình cảm thì dạt dào, thánh thiện. Mỗi câu ca dao như cung đàn muôn điệu, thể hiện một cung bậc tình cảm khác nhau, có lúc thì ước mơ, khát vọng nồng cháy, đôi khi là lời tâm tình thủ thỉ, lối trách móc dễ thương và tất cả đều chan chứa tiếng tình nghĩa. Chúng sóng đôi, tỏa sáng lung linh làm đẹp cho đời, tỏa hương cho các mối quan hệ tình cảm. Đó là chân lí, đạo nghĩa muôn đời, là ánh sáng của tình yêu và hạnh phúc.
Ca dao – dân ca đã neo đậu vào lòng người thật nhẹ nhàng, sâu lắng. Những khúc hát tình nghĩa mãi du dương làm thổn thức trái tim bao người, xây đắp trong ta tình cảm sáng trong, thuần khiết, quan hệ thủy chung sâu sắc. Mỗi đóa hoa xuân rực rỡ ấy đã thanh lọc làm sáng đẹp hơn cho tâm hồn con người Việt Nam, để mỗi người tìm đến với cái “chân, thiện, mĩ” để mỗi lúc buồn đau thất bại ta lại tìm về tắm mát với dòng sông ca dao ngọt ngào mà da diết ấy.