qua-truyen-ngan-ben-que-hay-lam-ang-to-y-kien-van-chuong-gay-cho-ta-nhung-tinh-cam-ta-khong-co-luyen-cho-ta-nhung-tinh-cam-ta-san-co

Qua truyện ngắn Bến quê của Nguyễn Minh Châu, hãy làm sáng tỏ ý kiến: Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện cho ta những tình cảm ta sẵn có.

Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện cho ta những tình cảm ta sẵn có. Qua truyện ngắn Bến quê của Nguyễn Minh Châu, hãy làm sáng tỏ ý kiến.


  • Mở bài:

– Văn học nuôi dưỡng tâm hồn, tư tưởng, tình cảm của con người. Văn học là nhân học trước hết nhấn mạnh đến mục đích của văn học là giúp con người hiểu được chính mình, nâng cao niềm tin vào bản thân và làm nảy sinh trong con người một khát vọng hướng tới chân lí, biết đấu tranh với cái xấu, biết tìm tòi và hướng tới cái đẹp của con người và cuộc sống. Như vậy, ngoài chức năng nhận thức, văn học còn có chức năng nuôi dưỡng tâm hồn, trí tuệ, tình cảm, đạo đức cho con người. Văn học luyện cho người đọc thói quen cảm thụ tinh tế, mài sắc khả năng nhận ra cái thật, cái giả, cái thiện, cái ác trong cuộc sống. Nói như Nguyễn Đình Thi: “Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện cho ta những tình cảm ta sẵn có”. Truyện ngắn Bến quê của Nguyễn Minh Châu là minh chứng rất rõ ràng cho chức năng ấy.

  • Thân bài:

1. Giải thích ý kiến:

– “Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có”: tức là tác phẩm văn chương có khả năng gieo mầm những tình cảm mới trong tâm hồn con người khi tiếp cận tác phẩm.

–  “Văn chương luyện cho ta những tình cảm ta sẵn có”: tức là chính văn chương sẽ giúp cho những tình cảm trong tâm hồn con người trở nên đẹp hơn, tinh hơn, sâu sắc và bền vững hơn.

– Vấn đề đặt ra từ nhận định đề cập tới giá trị và chức năng của văn học. Văn chương không chỉ gieo trên mảnh đất tâm hồn những mầm giống mới mà chính văn chương đã giúp đời cây tình cảm xanh hơn, đơm hoa kết trái.

– Ý kiến của Hoài Thanh đã đề cập đến vấn đề cơ bản của văn chương đó là giá trị và chức năng của văn học. Bởi mỗi tác phẩm văn học đưa độc giả tới những chân trời mới với những cuộc đời, số phận mới, đem lại cho ta những tình cảm mới mà ta chưa gặp trong đời. Văn chương đi từ chân trời của một người đến chân trời của nhiều người. Văn chương vừa phản ánh cuộc sống ở vẻ bề ngoài vừa khám phá chiều sâu, phát hiện ra giá trị thẩm mỹ để nâng con người lên, “có khả năng thanh lọc, thanh tẩy” (Arixtot) tâm hồn con người.

2. Chứng minh qua việc cảm nhận về nhân vật Nhĩ trong tác phẩm “Bến quê” của tác giả Nguyễn Minh Châu.

– Nguyễn Minh Châu là một trong số những “người mở đường tinh anh và tài năng” (Nguyên Ngọc) của nền văn học Việt Nam hiện đại. Hàng loạt những truyện ngắn của ông thể hiện sự trăn trở, day dứt về thế sự, về con người thời hậu chiến để vươn tới giá trị nhân bản bền vững.

– Tác phẩm Bến quê (1985) chứa đựng những suy ngẫm, trải nghiệm sâu sắc của nhà văn về con người và cuộc đời, đã làm thức tỉnh ở người đọc sự trân trọng những vẻ đẹp và giá trị bình dị, gần gũi của gia đình, quê hương qua nhân vật trung tâm Nhĩ.

– Tác phẩm đã khơi dậy và làm bền vững hơn những hạt ngọc ẩn tiềm trong tâm hồn mỗi người: tình cảm gia đình, quê hương, cuộc sống qua cảm xúc của nhân vật Nhĩ.

+ Bối cảnh nảy sinh cảm xúc: Suốt đời Nhĩ đã từng đi không sót một xó xỉnh nào trên trái đất, nhưng những ngày cuối đời bị cột chặt vào chiếc giường bệnh, Nhĩ đã ân hận, xót xa và bừng tỉnh nhận ra bao điều giản dị mà thiêng liêng.

+ Tình cảm với quê hương qua cảm nhận của Nhĩ về vẻ đẹp của cảnh vật nơi bến quê: Phân tích hình ảnh: màu sắc của những bông bằng băng cuối mùa, của bầu trời thu, của dòng sông Hồng, vẻ trù phú của bãi bồi bên kia sông… để thấy một “chân trời gần gũi” mà “xa lắc” vì Nhĩ chưa hề bao giờ đi đến.

+ Tình cảm với gia đình qua cảm nhận của Nhĩ về vợ, về con trai. Phân tích chi tiết: tấm áo, lời nói cử chỉ, hành động của vợ Nhĩ; hành động chăm sóc bố của Tuấn, cảm nhận về con của Nhĩ…  để thấy nhận thức của nhân vật về người vợ tảo tần, thầm lặng hi sinh vì chồng, tình yêu con của Nhĩ.

+ Tình cảm với những người xung quanh qua cảm nhận của Nhĩ về những đứa trẻ ngoan ngoãn và sự thăm hỏi động viên của cụ Khuyến.

+ Tình cảm với cuộc đời qua cảm nhận của Nhĩ về thời gian đời người ngắn ngủi và khát khao được đặt chân sang bãi bồi bên kia sông. Phân tích hình ảnh: màu sắc hoa bằng lăng, tiếng những tảng đất lở ở bờ sông bên này, thái độ miễn cưỡng và hành động xem phá cờ thế của cậu con trai… để thấy được cuộc sống có biết bao điều bình dị mà “con người ta trên đường đời thật khó tránh được những cái điều vòng vèo hoặc chùng chình”.

– Tác phẩm đã lay thức ở người đọc những triết lí muôn thuở về quê hương, gia đình, cuộc sống, đời người qua những chiêm nghiệm của nhân vật Nhĩ.

+ Phải biết trân quý gia đình với những người thân yêu. Bởi gia đình là bến đỗ bình yên của mỗi con người.

+ Phải biết trân trọng những cảnh vật quê hương thân thuộc vì đó là máu thịt, tâm hồn của mỗi chúng ta.

+ Phải luôn biết gìn giữ những giá trị bền vững, bình thường và sâu sắc của cuộc sống.

+ Đời người ngắn ngủi biết bao, đừng sa vào những điều vòng vèo, chùng chình để hướng tới những giá trị đích thực vốn giản dị, gần gũi và bền vững của cuộc sống.

– Nghệ thuật biểu hiện:

+ Những tình cảm của nhân vật được tác giả thể hiện bằng một nghệ thuật viết văn già dặn: sáng tạo tình huống nghịch lý giàu giá trị nhận thức để nhân vật có cái nhìn đa diện, nhiều chiều về bản thân, con người, cuộc sống.

+ Những diễn biến tâm lí của nhân vật được thể hiện qua nét mặt, cử chỉ, lời nói, qua cái nhìn của nhân vật trước ngoại cảnh; sử dụng nhiều hình ảnh và chi tiết nghệ thuật mang ý nghĩa biểu tượng…

3. Đánh giá, mở rộng.

– Truyện ngắn “Bến quê” là một minh chứng cho ý kiến của Hoài Thanh: văn chương làm đẹp thêm tình người, hướng con người đến chân, thiện, mỹ. Bằng việc lựa chọn tình huống nghịch lí, sử dụng những hình ảnh biểu tượng, ngôn ngữ và giọng điệu giàu chất suy tư, nhà văn không chỉ đem đến cho người đọc chất ngọc tâm hồn mà còn làm cho thứ ngọc sẵn có của tâm hồn trở thành bảo ngọc.

– Tác phẩm như là tiếng chuông cảnh tỉnh cho mỗi người: hãy biết thương yêu, hãy biết chia sẽ, hãy biết nâng niu những gì mình đang có.

– Ý kiến của Hoài Thanh có ý nghĩa với cả người sáng tác và người tiếp nhận. Muốn văn chương có khả năng thanh lọc tâm hồn con người, nhà văn không chỉ có tài mà cần có một “tấm lòng nhân đạo từ trong cốt tủy”.

  • Kết bài:

– Rõ ràng, tác phẩn văn học đã “gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện cho ta những tình cảm ta sẵn có”. Bởi thế, trong sáng tác, nhà văn luôn tìm kiếm những điều mới mẻ, “khơi những nguồn chưa ai khơi và tìm kiếm những gì chưa có” để mang đến cho người đọc nhận thức và cảm xúc mới mẻ nhất, từng bước hoàn thiện bản thân mình.

Nghị luận: Bắt rễ ở cuộc đời hằng ngày của con người, văn nghệ lại tạo được sự sống cho tâm hồn con người…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang