ren-kĩ-nang-viet-bai-van-nghi-luan-ve-van-de-xa-hoi-dat-ra-trong-tac-pham-van-học

Rèn kĩ năng viết bài văn nghị luận về vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học

Rèn kĩ năng viết bài văn nghị luận về vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học

+ Bước 1:  Giải thích, làm rõ vấn đề cần nghị luận nếu thấy cần thiết.
+ Bước 2: Phân tích vai trò, ý nghĩa của vấn đề xã hội được đề cập.
+ Bước 3: Chỉ ra những biểu hiện đa dạng phong phú của vấn đề xã hội đó trong đời sống hiện nay.
+ Bước 4: Nêu được những suy nghĩ cá nhân của người viết về vấn đề xã hội đó.

1. Rèn kĩ năng viết mở bài:

– Cách 1. Giới thiệu vấn đề cần bàn luận rồi khẳng định vấn đề đó không chỉ là câu chuyện/ tình tiết được đề cập trong một tác phẩm văn học cụ thể mà còn là một vấn đề có ý nghĩa với xã hội hiện nay.

– Cách 2. Giới thiệu về tác phẩm văn học có liên quan, khẳng định một phương diện quan trọng làm nên giá trị nội dung của tác phẩm chính là vấn đề có ý nghĩa xã hội được tác giả đề cập. Sau đó nêu rõ vấn đề xã hội đó là gì.

2. Rèn kĩ năng viết thân bài:

– Mỗi đoạn văn là sự triển khai hoàn chỉnh một nội dung đã được xác định từ khi lập dàn ý.

– Bám sát dàn ý để viết thân bài là kĩ năng học sinh đã được rèn luyện khá nhiều, do đó  bài viết này chỉ tập trung trình bày về cách cách liên kết, việc tổ chức điểm nhìn cho bài văn trong khi viết.

+ Dùng từ ngữ để liên kết 

++ Nếu muốn nối các đoạn có quan hệ thứ tự để làm rõ tính hệ thống của việc sắp xếp ý trong bài, ta có các từ ngữ liên kết như: trước tiên, trước hết, thoạt nhiên, tiếp theo, sau đó, cuối cùng, một là, hai là, bắt đầu là…

++ Nếu cần nối các đoạn văn được triển khai theo quan hệ song song (có điểm tương đồng về vai trò trong bài văn) ta có thể dùng các từ liên kết như: một mặt, mặt khác, ngoài ra, bên cạnh đó, cũng vậy,…

++ Nếu cần nối các đoạn văn có quan hệ tăng tiến (đoạn sau nhấn mạnh, phát triển nội dung của đoạn trước) ta có thể sử dụng các từ liên kết như: hơn nữa, thậm chí, không chỉ/ mà còn…

++ Nếu cần nối các đoạn văn có quan hệ tương phản (để làm rõ những luận điểm có nội dung khác nhau, nhất là việc chuyển ý từ chính đề sang phản đề trong bài nghị luận xã hội) ta có thể sử dụng những từ nối kết như: nhưng, tuy nhiên, tuy vậy, thế nhưng, trái lại, ngược lại, …

++ Nếu cần nối các đoạn văn có quan hệ nhân quả, ta có thể sử dụng các từ liên kết như: bởi vậy, do đó, vì thế cho nên…

++ Nếu cần chuyển ý sang một đoạn văn có ý nghĩa tổng kết ý nghĩa của các đoạn trước đó; ta có thể dùng các từ liên kết như: tóm lạị, chung quy, tổng kết lại, tựu trung lại, có thể khẳng định…

+ Tổ chức điểm nhìn cho bài văn:

++Điểm nhìn bên trong: Viết bằng cảm xúc, ấn tượng của bản thân.

++Điểm nhìn bên ngoài: Người viết đóng vai một người đang tìm hiểu để phân tích, đánh giá về vấn đề cần nghị luận một cách khách quan.

3. Rèn kĩ năng viết kết bài:

– Kết bài bằng cách tóm lược: Là kiểu kết bài mà ở đó người viết tóm tắt quan điểm, tổng hợp những ý chính đã nêu ở thân bài. Cách kết bài này dễ viết hơn và thường được sử dụng nhiều hơn.

– Kết bài bằng cách bình luận mở rộng và nâng cao: Là kiểu kết bài trên cơ sở quan điểm chính của bài viết, bằng liên tưởng, vận dụng, người viết phát triển, mở rộng nâng cao vấn đề.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang