Số phận nhân vật “Mỵ Châu” và “thân phận tình yêu” trong chiến tranh
Truyền thuyết sở ldĩ có sức mê hoặc có lẽ là nhờ cái lõi lịch sử đã được khúc xạ qua lời kể của nhiều thế hệ, được bao bọc trong một không khí huyền thoại, để rồi kết tinh thành những hình tượng nghệ thuật đặc sắc, vừa nhuốm màu sắc thần kì vừa thấm đẫm cảm xúc đời thường. Truyền thuyết Truyện An Dương Vương và Mỵ Châu – Trọng Thủy là một truyền thuyết như thế, với một hình tượng nghệ thuật đầy ám ảnh: Mỵ Châu.
Sự tồn tại của am thờ Mỵ Châu và giếng Ngọc trong quần thể di tích lịch sử văn hóa lâu đời ở làng Cổ Loa, huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội dù trải qua bao thăng trầm biến động của lịch sử và tự nhiên, đã nói lên sức sống lâu bền của hình tượng nhân vật này trong lòng nhân dân. Sự tồn tại bền bỉ ấy của hình tượng Mỵ Châu , rõ ràng, không chỉ bằng lòng bao dung rộng lượng của các thế hệ. Nghĩa là, nhân dân còn có một cách đánh giá khác về nàng.
Cái lõi lịch sử của truyền thuyết Truyện An Dương Vương và Mỵ Châu – Trọng Thủy chính là câu chuyện giữ nước và bi kịch mất nước của An Dương Vương. Sự sụp đổ của cơ đồ Âu Lạc chính là bài học lịch sử đắng cay. Trong bài học lịch sử đó, Mỵ Châu trở thành một “tội nhân” : “Kẻ nào ngồi sau ngựa chính là giặc đó”. Nhưng, “Mỵ Châu chết ở biển, máu nàng chảy xuống nước, trai sò ăn phải đều biến thành hạt châu”. Và, người đời sau mò được ngọc ở biển Đông, đem rửa ở nước giếng nơi Trọng Thủy tự vẫn, thì ngọc càng trong sáng thêm. Ngọc, trong quan niệm dân gian, là quý, là đẹp, là thanh cao. Nếu chỉ bằng lòng xót thương và bao dung, chỉ để tha thứ cho cái tội “làm giặc” của nàng, nhân dân sẽ không sáng tạo nên một hình ảnh đẹp trong ngần đến thế.
- Phân tích truyền thuyết “An Dương Vương và Mỵ Châu – Trọng Thủy”
- Hãy đóng vai Mỵ Châu trong truyền thuyết “Truyện An Dương Vương và Mỵ Châu-Trọng Thủy” kể lại chuyện về cuộc đời mình
Ta hãy hình dung, nàng là công chúa Âu Lạc, được gả cho Trọng Thủy là hoàng tử của Triệu Đà. Ngoài nghĩa vợ chồng của một thời “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy’, còn có cái tình bắt nguồn từ sự tương xứng của “trai tài gái sắc” chăng ? Mà, cái tình của một người con gái vừa đến độ thiếu nữ đã nếm mùi vị của tình yêu, sao lại không nồng nàn tha thiết? Và hiển nhiên, nó gắn liền với khát khao hạnh phúc.
Đáng thương thay, cái tình ấy, lại bị biến thành phương tiện của mưu đồ chiến tranh. Cuộc hôn nhân của nàng, ngay từ đầu đã nằm trong mưu đồ ấy. Trọng Thủy cũng lợi dụng cái tình của Mỵ Châu mà lấy cắp nỏ thần. Câu nói của Trọng Thủy trong giây phút biệt ly trước khi trở về phương Bắc: “Tình vợ chồng không thể lãng quên, nghĩa mẹ cha không thể vất bỏ. Ta nay trở về thăm cha, nếu như đến lúc hai nước thất hòa, Bắc Nam cách biệt, ta lại tìm nàng, lấy gì làm dấu?” đã chứa đựng mầm họa chiến tranh. Nhưng vì tin, vì yêu, Mỵ Châu chỉ thấy cái mầm li biệt của yêu đương. Hạnh phúc vừa mới nhen lên, “hương lửa đương nồng”, Mỵ Châu làm sao đành cam tâm chấp nhận li biệt?
Và thế là, nàng và mối tình của nàng trở thành nạn nhân của chiến tranh. Khi Mỵ Châu rắc lông ngỗng dọc đường chạy loạn, lòng nàng chắc chắn không hề nhuốm chút mặc cảm phản bội. Dấu lông ngỗng trắng đường mang trong nó ước mong đoàn tụ, sum họp của một người vợ trong chiến tranh. Thương cho người phụ nữ bồng con chờ chồng đến hóa đá, thì sao không thể không thương cho tình cảnh người vợ li biệt chồng trong loạn lạc, rải dấu để ước ao sum vầy? Suy cho cùng, đó cũng chính là khát vọng hạnh phúc ngàn đời của con người trên thế gian này.
Chiến tranh bao giờ cũng có sức hủy diệt tàn khốc. Nó không chỉ phá hủy làng mạc, thành quách lâu đài và những thành quả vật chất khác của con người. Nó còn hủy diệt những khát vọng chân chính. Mỵ Châu đã không thể đoàn tụ với Trọng Thủy. Đã đành, chuyện hôn nhân của nàng là nguyên nhân của sự sụp đổ cơ đồ Âu Lạc. Nhưng tại sao ta lại không thể thông cảm với nàng, khi câu chuyện hôn nhân của nàng một lần nữa chứng minh một chân lí muôn thuở: trong chiến tranh, thân phận tình yêu bao giờ cũng nhuốm màu bi kịch. Tình yêu, cũng như những thành quách lâu đài, dưới bàn chân tàn bạo của chiến tranh, làm sao có thể vẹn nguyên.
Mỵ Châu chính là một sự gửi gắm của nhân dân về ước vọng ngàn đời: ước vọng hòa bình, để tình yêu có thể đơm hoa kết trái, để những người con gái yêu chân thành và khát khao hạnh phúc có thể tránh khỏi đớn đau.