»» Nội dung bài viết:
Soạn bài: Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học (truyện) – Ngữ văn 9, Kết nối tri thức
Yêu cầu:
– Giới thiệu khái quát tác phẩm truyện cần phân tích (nhan đề, tác giả, thể loại), nêu nhận xét chung của người viết về tác phẩm.
– Làm rõ được nội dung chủ đề tác phẩm.
– Phân tích được những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm truyện (cốt truyện, nghệ thuật xây dựng nhân vật, nghệ thuật kể chuyện, không gian và thời gian, ngôn ngữ người kể chuyện, ngôn ngữ đối thoại và độc thoại của nhân vật,…), tập trung vào những yếu tố nghệ thuật nổi bật của tác phẩm.
– Triển khai hệ thống luận điểm chặt chẽ; sử dụng lí lẽ, bằng chứng xác đáng từ tác phẩm để làm sáng tỏ ý kiến nêu trong bài viết.
– Khẳng định được ý nghĩa, giá trị của tác phẩm.
Phân tích bài viết tham khảo
Văn bản “Nốt nhạc trầm trên đỉnh non cao”
1. Giới thiệu và nêu nhận xét khái quát về tác phẩm.
– Nguyễn Thành Long (1925 – 1991) là nhà văn có sở trường về truyện ngắn và bút kí.
– Lặng lẽ Sa Pa – một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất của ông […]. Truyện có sức hấp dẫn bởi tình huống truyện độc đáo, nhân vật được xây dựng bằng bút pháp lí tưởng hóa, không khí truyện thấm đẫm chất thơ, ẩn chứa những thông điệp sâu xa.
2. Phân tích nội dung chủ đề của tác phẩm.
– Chủ đề 1: Sự cống hiến, hi sinh lặng thầm của những con người lao động nhỏ bé, bình dị.
+ Phân tích các đặc điểm của nhân vật anh thanh niên.
– Chủ đề 2: giới hạn của nghệ thuật trước cuộc đời.
+ Phân tích suy nghĩ của nhân vật ông họa sĩ.
3. Phân tích những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm.
– Phân tích nghệ thuật kể chuyện độc đáo:
+ Tình huống truyện bất ngờ.
+ Nghệ thuật tạo dựng không khí truyện.
+ Nghệ thuật xây dựng nhân vật.
4. Khẳng định giá trị và ý nghĩa của tác phẩm.
– Lặng lẽ Sa Pa là truyện ngắn tiêu biểu, giàu sức gợi.
– Khẳng định sức sống của tác phẩm trong lòng bạn đọc cho đến ngày nay
Thực hành viết theo các bước
1. Trước khi viết
a. Lựa chọn đề tài
Trong chương trình Ngữ văn cấp Trung học cơ sở, em đã được học nhiều tác phẩm truyện thuộc truyện truyền kì, truyện thơ Nôm, truyện ngắn hiện đại,… Hãy lựa chọn một tác phẩm mà mình thích để phân tích. Em có thể phân tích toàn bộ tác phẩm, hoặc chỉ lựa chọn một đoạn trích, một khía cạnh tiêu biểu. Các tác phẩm truyện thơ Nôm tường có dung lượng tương đối dài, bởi vậy em nên lựa chọn trích đoạn biểu đạt một nội dung trọn vẹn, có độ dài vừa phải. Chẳng hạn, với Truyện Kiều, em có thể phân tích đoạn miêu tả vẻ đẹp của chị em Thúy Kiều, đoạn Kiều thề nguyền cùng Kim Trọng, đoạn Kiều ở lầu Ngưng Bích hay đoạn Thúc Sinh từ biệt Thúy Kiều,… Đói với những tác phẩm truyện truyền kì hay truyện ngắn hiện đại có dung lượng vừa phải, em có thể phân tích trọn vẹn tác phẩm hoặc lựa chọn một khía cạnh tiêu biểu để phân tích, chẳng hạn: bi kịch của người phụ nữ trong Chuyện người con gái Nam Xương hoặc hình tượng các cô gái thanh niên xung phong trong truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi,…
b. Tìm ý
Ví dụ: Viết bài văn nghị luận một tác phẩm truyện (truyện truyền kì, truyện thơ Nôm, truyện hiện đại).
Để tìm ý cho bài văn phân tích một tác phẩm truyện, em cần đặt ra và trả lời các câu hỏi như:
– Nội dung chủ đề của tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích) là gì? Có thể phân tích chủ đề ấy như thế nào?
Làm rõ nội dung chủ đề là một yêu cầu cơ bản của bài văn phân tích tác phẩm truyện.
– Tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích) có những nét đặc sắc gì về nghệ thuật? Những nét đặc sắc đó đem đến hiệu quả thẩm mĩ như thế nào?
Bên cạnh đặc trưng chung của thể loại truyện, mỗi tác phẩm ra đời trong các thời kì khác nhau, thuộc các thể loại truyện khác nhau sẽ có những đặc điểm riêng. Với truyện truyền kì, khi phân tích đặc sắc về hình thức nghệ thuật, em cần chú ý các yếu tố cốt truyện, nghệ thuật xây dựng nhân vật, không gian, thời gian nghệ thuật, chi tiết,… đặc biệt là tác dụng của các yếu tố nghệ thuật. Với truyện thơ Nôm, em cần tập trung làm rõ sự kết hợp giữa yếu tố tự sự với yếu tố trữ tình. Đối với truyện ngắn hiện đại, em cần chú ý đến các vấn đề như ngôi kể, cốt truyện, ngôn ngữ, nghệ thuật kể chuyện mang đặc trưng của thời hiện đại,… Em không nhất thiết phải phân tích tất cả các nét đặc sắc nghệ thuật trong tác phẩm, mà nên đi sâu khai thác những yếu tố tiêu biểu, hơn nữa cần chú ý làm nổi bật những yếu tố thể hiện đặc trưng thể loại.
– Tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích) có giá trị, ý nghĩa gì?
Sau khi phân tích, em cần nêu được thông điệp mà tác giả gửi gắm và giá trị nghệ thuật của tác phẩm
c. Lập dàn ý
Em cần sắp xếp các ý đã tìm được thành một dàn ý chặt chẽ, hợp lí. Có thể tổ chức theo nhiều cách khác nhau (phân tách nội dung và nghệ thuật: phân tích nội dung trước, nghệ thuật sau hoặc ngược lại; phân tích theo các vấn đề chính trong tác phẩm truyện). Gợi ý:
– Mở bài: Giới thiệu tác phẩm truyện (nhan đề, tác giả,, thể loại) và nêu ý kiến khái quát về tác phẩm.
– Thân bài:
+ Phân tích nội dung chủ đề của tác phẩm truyện (phân tích hiện thực đời sống; hình tượng con người; tư tưởng, tình cảm của nhà văn…), có lí lẽ và bằng chứng.
+ Phân tích những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm (cốt truyện, ngôi kể, tình huống, nghệ thuật xây dựng nhân vật, ngôn ngữ, không gian, thời gian,…) và hiệu quả thẩm mĩ của nó, có lí lẽ và bằng chứng.
– Kết bài: Khẳng định ý nghĩa, giá trị của tác phẩm truyện.
2. Viết bài
– Triển khai bài viết trên cơ sở dàn ý đã lập. Tuy vậy, nội dung bài viết có thể có thay đổi so với dàn ý nếu cần thiết.
– Chú ý đảm bảo yêu cầu của kiểu bài nghị luận phân tích tác phẩm văn học, bám sát đặc trưng thể loại truyện:
+ Tổ chức hệ thống luận điểm hợp lí, mỗi luận điểm cần được phân tích, chứng minh bằng các lí lẽ và bằng chứng thuyết phục, tránh kể lại văn bản.
+ Tập trung vào những nét nổi bật của tác phẩm, tạo điểm nhấn cho bài viết.
Bài viết tham khảo.
Truyện thơ Nôm được coi là một sáng tạo nghệ thuật đặc sắc của nhân dân ta. Nhắc đến truyện thơ Nôm – một thể loại gắn bó sâu sắc với những người dân lao đồng bình dị – thì thật thiếu xót khi không kể đến tác phẩm Lục Vân Tiên của thi nhân Nguyễn Đình Chiểu. Đặc biệt, đoạn trích Lục Vân Tiên đánh cướp, cứu Kiều Nguyệt Nga, người đọc vô cùng ấn tượng, cảm phúc trước đức tính, tài năng của Lục Vân Tiên qua ngòi bút tài hoa của nhà thơ:
“Vân Tiên ghé lại bên đàng,
Bẻ cây làm gậy nhắm làng xô vô.
Kêu rằng: “Bớ đàng hung đồ,
Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân”.
…
Nay đà rõ đặng nguồn cơn,
Nào ai tính thiệt hơn so làm gì.
Nhớ câu kiến nghĩa bất vi,
Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”.
Lục Vân Tiên là tác phẩm truyện thơ Nôm được Nguyễn Đình Chiểu sáng tác vào những năm 50 của thế kỉ 19. Đây được coi là áng thơ đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong sự phát triển của thể loại truyện thơ Nôm. Tác phẩm viết về cuộc đời nhiều bất trắc của người anh hùng Lục Vân Tiên, từ đó làm nổi bật những tấm gương tốt, khuyên con người nên học hỏi những phẩm chất, đức tính của những người như Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga. Đoạn trích Lục Vân Tiên đánh cướp, cứu Kiều Nguyệt Nga thuộc phần đầu của tác phẩm, từ câu 123 đến câu 180, kể lại sự việc Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga khỏi bọn cướp và thể hiện sự dũng cảm, không màng dang lợi của chàng.
Mở đầu đoạn trích, nhà thơ đã kể lại cuộc đụng độ giữa Lục Vân Tiên và toán cướp.
“Vân Tiên ghé lại bên đàng,
Bẻ cây làm gậy nhắm làng xông vô.
…
Phong Lai chẳng kịp trở tay,
Bị Tiên một gậy thác rày thân vong”.
Đây là trận đấu không cân bằng về số lượng, bởi một bên chỉ có Lục Vân Tiên, bên còn lại là mấy mươi tên cướp hung hãn; cũng không cân bằng về vũ khí, bởi chàng chỉ có trên tay cánh cây nhỏ “Bẻ cây làm gậy nhắm làng xông vô”, còn bọn cướp lại gươm giáo đầy đủ. Nguyễn Đình Chiểu xây dựng hoàn cảnh đặc biệt, vừa để Lục Vân Tiên rơi vào thế khó, nhưng cũng để chàng tự bộc lộ sự gan dạ của mình.
Bằng bút pháp xây dựng hình tượng nhân vật điêu luyện, thi nhân đã xây dựng hai hình tượng vô cùng đối lập: Lục Vân Tiên và tướng cướp Phong Lai. Phong Lai được miêu tả có ngoại hình “mặt đỏ phừng phừng”, lời nói thì hàm hồ, hống hách, thách thức, như muốn “ăn tươi nuốt sống” Lục Vân Tiên: “Thằng nào dám tới lẫy lừng vào đây”. Trong khi đó, Lục Vân Tiên lại rất bình tĩnh bẻ cành cây làm gậy, khuyên bọn cướp không nên làm điều ác “Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân”. Chàng thật sự không muốn gây chiến với bọn cướp, nhưng nếu gặp điều không hay, chàng sẵn sàng diệt trừ cái ác.
Điều làm nên sự thu hút trong đoạn thơ này là trận chiến ác liệt, không cân sức giữa Lục Vân Tiên và bọn cướp. Nguyễn Đình Chiểu tập trung miêu tả những cú đánh tài nghệ, sự dũng mãnh của Lục Vân Tiên. Chàng “tả đột hữu xông”, “khác nào Triệt Tử phá vòng Đương Dang”. Chàng tấn công mạnh mẽ, tung hoành bốn phương, như một người anh hùng đang phá vòng vây của ngàn kẻ địch. Những đòn tấn công nhanh, mạnh của chàng khiến cho Phong Lai và thuộc hạ của hắn chịu đau đớn, mất mát, thất bại thảm hại “Lâ la bốn phía vỡ tan”, “quăng gươm giáp”, “tìm đàng chạy ngay”. “Phong Lai chẳng kịp trở tay”, “Bị Tiên một gậy thác rày thân vong”. Phong Lai ban đầu hùng hổ, huênh hoang thế, nhưng cuối cùng, chỉ bị duy nhất một đòn của của Lục Vân Tiên, mà cũng chết không kịp nhắm mắt. Bọn cướp còn lại như rắn mất đầu, sợ hãi bỏ chạy tứ phía, tìm đường thoát thân. Lục Vân Tiên quả thật quá tài giỏi, binh pháp hơn người! Chỉ với một cành cây bẻ vội bên đường mà chàng đã dọn được ngay bọn cướp hung hãn, mà trong mắt chàng lại chỉ là “lũ kiến chòm ong”.
Sau trận chiến ác liệt, Lục Vân Tiên gặp người mình đã cứu – Kiều Nguyệt Nga. Khi này, Kiều Nguyệt Nga bày tỏ sự cảm kích và mong muốn được báo ơn chàng:
“Dẹp rồi lũ kiến chòm ong,
Hỏi:”Ai than khóc ở trong xe nầy?”
…
Gẫm câu báo đức thù công,
Lấy chi cho phỉ tấm lòng cùng ngươi”.
Trước hết, Kiều Nguyệt Nga xưng danh, nêu lên những lí do khiến mình bị đẩy vào tình thế nguy cấp, gặp bọn tàn ác này
“Thưa rằng: “Tôi Kiều Nguyệt Nga,
Con nầy tì tất tên là Kim Liên.
…
Chẳng qua là sự bất bình,
Hay vầy cũng chẳng đăng trình làm chi”.
Qua lời giới thiệu, ta có thể thấy Kiều Nguyệt Nga là cô tiểu thư danh giá, có bố làm chức quan tri phủ. Lần này nàng gặp nạn, cũng bởi do không muốn làm sai lời cha, sang miền Hà Tây để “định bề nghi gia”. Nguyễn Đình Chiểu đã xây dựng hình tượng một Kiều Nguyệt Nga vô cùng ngoan ngoãn, hiếu thảo, lại ăn nói tế nhị, lịch sự, dịu dàng, âu cũng để khuyên dạy con người cũng nên có những phẩm chất đó.
Gặp được ân nhân, Kiều Nguyệt Nga nóng lòng muốn đèn báo ơn, bởi với nàng, đây là điều theo lẽ tự nhiên.
“Trước xe quân tử tạm ngồi,
Xin chi tiện thiếp lạy rồi sẽ thưa.
…
Gẫm câu báo đức thù công,
Lấy chi cho phỉ tấm lòng cùng ngươi”.
Nàng vốn là một cô tiểu thư, có địa vị cao trong xã hội, nhưng lại xưng “tiện thiếp”, gọi Lục Vân Tiên – một người dân bình thường- là “quân tử”. Nàng đã hạ thấp mình xuống, như một cách để cảm kích, trân trọng ân nhân của mình. Không những thế, Kiều Nguyệt Nga còn “lạy” và “thưa” với người anh hùng kia. Nhà thơ đã sử dụng từ ngữ rất khéo léo trong việc miêu tả cách xưng hô và hành động của Kiều Nguyệt Nga, như để bày tỏ đậm nét hơn sự mang ơn của nàng.
Kiều Nguyệt Nga mong muốn Lục Vân Tiên theo mình đến Hà Khê, để có thể lấy của cải, vật chất trả ơn cho chàng. Nàng cho rằng mình nên báo đáp ân nhân như thế, bởi thân nàng “liễu yếu đào tơ”, không giúp gì được chàng, mà đang trên đường đi, “của tiền chẳng có bạc vàng cũng không”. Không những chỉ muốn lấy vàng bạc để trả ơn, nàng lại thấy công ơn của Lục Vân Tiên quá to lớn, không có cái gì hơn để “phỉ tấm lòng cùng ngươi”. Nàng đau đáu, sợ ân nhân sẽ thiệt, biết ơn sâu sắc đến người đã cứu giúp mình lúc hoạn nạn. Nhân vật Kiều Nguyệt Nga như một biểu hiện của đạo lý “báo đức thù công” – một quan niệm mà Nguyễn Đình Chiểu tâm đắc và tuân theo đến cùng.
Đáp lại sự báo đáp của Kiều Nguyệt Nga, Lục Vân Tiên lại không nhận, cho rằng cứu người là việc đương nhiên:
“Vân Tiên nghe nói liền cười
Làm ơn há dễ trông người trả ơn
…
Nhớ câu kiến nghĩa bất vi,
Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”.
Lục Vân Tiên quan niệm rằng, trách nhiệm của người anh hùng là trừng trị cái xấu, cái ác, không nên soi xét đến hơn thiệt. Đây là quan niệm rất đúng đắn và nhân văn, bởi khi đã cứu người thì tâm người đó phải sáng, không bao giờ màng đến danh lợi. Người nào mà giúp người với tâm thế muốn được trả ơn, thế là “phi anh hùng”. Quan niệm về người anh hùng của Nguyễn Đình Chiểu đã phẩn nào có sự tiến bộ hơn so với các nhà Nho xưa, không chỉ dừng lại ở “Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài” hay không cần có “Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao” như nhân vật Từ Hải trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, mà còn cần có tấm lòng rộng mở, không đòi hỏi sự mang ơn của người khác, sẵn sàng xả thân vì cái tốt.
Như vậy, đoạn trích trở nên hấp dẫn không chỉ nhờ những đức tính tốt đẹp của Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga, mà nó còn thu hút người đọc bởi nghệ thuật xây dựng nhân vật độc đáo, sự kết hợp khéo léo giữa ngôn ngữ kể chuyện và ngôn ngữ đối thoại, ngôn từ sắc bén, tinh tế. Ngoài ra, chính thể thơ lục bát cùng nhịp thơ nhẹ nhàng đã làm đoạn trích nói riêng và cả tác phẩm Truyện Lục Vân Tiên nói riêng trở nên dễ nhớ, dễ thuộc và đi sâu vào tâm trí người đọc.
Tóm lại, đoạn trích Lục Vân Tiên đánh cướp, cứu Kiều Nguyệt Nga đã làm sáng rõ hơn những tấm gương tốt, với những phẩm chất như anh dũng mạnh mẽ, biết mâng ơn người ân nhân của mình. Tác phẩm như một cuốn sách đạo làm người của Nho giáo, hướng con người đến cái thiện, tránh xa cái ác. Và những quan niệm ấy vẫn thật cần thiết cho đến tận ngày nay.
3. Chỉnh sửa bài viết
Đọc lại bài viết, căn cứ vào yêu cầu của bài văn phân tích một tác phẩm truyện và dàn ý đã lập để chỉnh sửa các phần. Việc chỉnh sửa cần chú ý các vấn đề sau:
– Nếu thiếu các thông tin giới thiệu tác giả, tác phẩm (đoạn trích) thì cần bổ sung.
– Nếu việc phân tích nội dung chủ đề và các yếu tố nghệ thuật đặc sắc của tác phẩm chưa đủ rõ, chưa chính xác thì cần chỉnh sửa.
– Nếu các luận điểm chưa chặt chẽ, lí lẽ và bằng chứng chưa đạt yêu cầu, thiếu sức thuyết phục thì cần chỉnh sửa.
– Điều chỉnh dung lượng các ý để đảm bảo bài viết có bố cục hợp lí.
– Rà soát và chỉnh sửa lỗi chính tả, diễn đạt để đảm bảo chuẩn mực về ngôn ngữ.