suy-nghi-con-nguoi-den-voi-cuoc-song-tu-nhieu-nga-duong

Suy nghĩ: Con người đến với cuộc sống từ nhiều nẻo đường, trên muôn vàn cung bậc phong phú. Nhưng tiêu điểm mà con người hướng đến vẫn là con người – Đặng Thai Mai

Suy nghĩ: “Con người đến với cuộc sống từ nhiều nẻo đường, trên muôn vàn cung bậc phong phú. Nhưng tiêu điểm mà con người hướng đến vẫn là con người” – Đặng Thai Mai

  • Mở bài:

Văn học được kết tinh bởi những tâm hồn tư tưởng và tình cảm tốt đẹp xúc cảm của nhà văn thường bắt nguồn và nảy nở từ những điều thầm kín, bé nhỏ ẩn sâu trong đời sống tâm tư, tình cảm của con người. Họ góp nhặt niềm vui, nỗi buồn, những eo le, bất hạnh để rồi cất lên tiếng nói riêng lời bênh vực an ủi cho những kiếp người lầm than, cơ cực hoặc là cất lời ca vui mừng trước những thay đổi tiến bộ của xã hội loài người. Có thể nói “văn học mang tính chất nhân văn”, cái “nhân”, là yếu tố cốt lõi để làm nên một tác phẩm nghệ thuật. Từ đó nó gợi cho chúng ta nhớ tới tâm niệm của nhà văn, nhà phê bình văn học Đặng Thai Mai: “Con người đến với cuộc sống từ nhiều nẻo đường trên muôn vàn cung bậc phong phú. Nhưng tiêu điểm và con người hướng đến vẫn là con người”.

  • Thân bài:

Con người sống trên đời vất vả học hành, bon chen, mưu sinh luôn không ngừng tích cực sáng tạo ra cái mới, cái hay, cái đẹp bởi vì nhiều mục đích khác nhau, có người vì mưu sinh, có người muốn làm giàu, có người muốn đóng góp cho xã hội khẳng định bản thân… Mỗi người đi trên một con đường riêng, có lựa chọn khác nhau, đắn đo rồi tâm huyết nhiều vấn đề, ở nhiều phương diện khác nhau. Chung quy vẫn hướng đến phát triển loài người theo chiều hướng tốt đẹp nhất, “con người đến với cuộc sống từ nhiều nẻo đường”. Đó là những nẻo đường muôn màu, muôn vẻ, có đoạn bằng phẳng lại có đoạn gập ghềnh khúc khuỷu.

Đời người không có ai đi trên con đường đầy hoa hồng, có những lúc khó khăn, gian nan vất vả, gõ cửa ập đến đến hoàn toàn không báo trước, từ đó mà “cung bậc cảm xúc” của con người có thể đổi thay, mỗi người mỗi vẻ muôn hình vạn trạng. Văn học đó là tư tưởng đi tìm cái đẹp trong ánh sáng là thi sĩ. Người nghệ sĩ phải quan sát cuộc sống qua thật nhiều lăng kính khác nhau, tìm kiếm trong sự sâu thẳm, âm thầm ấy những gì tinh túy nhất của cuộc sống, khai thác thật tinh tế, chân thật chính xác cái phong phú của đời người.

Mỗi người xuất thân từ một vùng quê khác nhau mang vẻ đẹp và đặc trưng riêng, mang chủng tộc, màu da, ngôn ngữ, tiếng nói khác nhau, có người giàu ,kẻ nghèo, người khốn cùng lầm than, cơ cực, có người da trắng da màu… Thế nhưng dù họ là ai, dù đến và đi trên nẻo đường nào, con người cũng xứng đáng được trân trọng. “Văn chương có loại đáng thờ và không đáng thờ, loại không đánh thờ là loại chuyên chú ở văn chương, loại đánh thờ là loại chuyên chú ở con người” và “một nghệ sĩ chân chính phải là một nhà nhân đạo từ trong cốt tủy” (Sê – Khốp). Tóm lại đối tượng văn học là con người, chân lý mà vẫn học hướng tới cũng là con người.

Trong văn học trung đại, thi sĩ thường mượn vẻ đẹp tươi tắn, mỹ lệ của thiên nhiên để giãi bày về những tâm tư, tình cảm, suy nghĩ của mình về nghệ thuật tả cảnh, ngụ tình quen thuộc. Người nghệ sĩ đã gửi gắm vào thiên nhiên biết bao uẩn khúc khiến cho người đọc phải suy ngẫm, phải thốt lên tiếng nói đồng cảm dành cho những mảnh đời khốn cùng, bế tắc trong xã hội. Thi hào đã từng viết trong Truyện Kiều:

“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.

(Truyện Kiều)

Người chinh phụ trong tác phẩm “Chinh Phụ Ngâm” của Đặng Trần Côn có lúc cảm thấy cảnh vật vô hồn, thê lương nhưng có khi lại cảm nhận cả khoảng không gian và cảnh vật như đang hối thúc, giục giã, đổi thay không tìm thấy đâu sự đồng cảm giữa con người với thiên nhiên:

“Cảnh buồn người thiết tha lòng,
Cành cây sương đượm, tiếng trùng mưa phun”.

Bao trùm các sáng tác của Nguyễn Du và chủ nghĩa nhân đạo từ kiệt tác “truyện kiều”. “Đọc Tiểu Thanh Kí”, đến “Văn Tế thập loại chúng sinh”. Tất cả cho ta thấy, niềm thương cảm của đại thi hào đối với con người mênh mông biết chừng nào. Nội dung quan trọng hàng đầu trong các tác phẩm của Nguyễn Du là sự cảm thông sâu sắc của tác giả đối với cuộc sống và con người, đặc biệt là những con người nhỏ bé, bất hạnh, người phụ nữ, người ăn mày, những ca nhi, kỹ nữ… vốn bị xã hội cũ coi rẻ, được ông nói đến bằng cả tấm lòng yêu thương, trân trọng. Những khái quát của thi sĩ về cuộc đời, về thân phận con người thường mang tính triết lý cao và thấm đẫm cảm xúc. Sáng tác của Nguyễn Du gắn chặt với tình đời, tình người bao la:

“Đau đớn thay phận đàn bà,
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”.

Đứng như Hoài Chân đã từng phát biểu: “Cốt lõi của lòng nhân đạo là lòng yêu thương. Bản chất của nó là chữ tâm đối với con người”. Nguyễn Minh Châu từng nhận định, nhà văn tồn tại ở trên đời trước hết để làm công việc giống như kẻ nâng giấc cho những con người bị cùng đường tuyệt lộ, bị cái ác, hoặc số phận đen đủi dồn đến chân tường, những con người cả tâm hồn và thể xác bị hắt hủi và đọa đầy đến ê chề, hoàn toàn mất hết niềm tin vào con người và cuộc đời nhà văn tồn tại ở trên đời để bênh vực cho những con người không có ai để bênh vực. Nhà văn phải là người đi tìm gắng đi tìm những hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn của con người (Nguyễn Minh Châu)

Trong kho tàng văn chương có hàng ngàn hàng vạn tác phẩm, có những tác phẩm được coi là kiệt tác, được lưu danh muôn thuở, có những tác phẩm lại đang phai dần theo thời gian, là thi sĩ anh muốn có nét chấm phá trong sự nghiệp muốn hướng tới cốt lõi chân, thiện, mỹ. Trước hết người nghệ sĩ phải hướng ngòi bút của mình tới những người cùng khổ; gửi vào tác phẩm một lá thư, một thông điệp, một lời nhắn nhủ; lắng nghe tâm tư nỗi lòng của một tâm hồn héo uá, cô đơn, từ đó hãy viết, viết bằng máu tủy, bằng trái tim; chuyền cho độc giả cảm xúc, cảm nhận, suy tư, trăn trở của anh; nhen nhóm ngọn lửa nhân đạo, đồng cảm vào trái tim của họ.

Để vực dậy trong họ tình yêu thương, theo Nam Cao: “nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối”. Nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than, nghệ thuật xuất phát từ chính cuộc đời những cuộc mưu sinh bươn trải, tưởng chừng bình dị mà thật phi thường. Có lẽ, từ chính những điều bình dị ấy dưới lũy tre xanh, cây đa, giếng nước, túp lều tranh.

Nam Cao đã xây dựng nên hình ảnh Lão Hạc – một hình mẫu nông dân chất phát, giàu đức hi sinh, điển hình của làng quê Việt Nam ngày nào, đã cảm động biết bao trước hình ảnh một ông lão gầy gò, lam lũ, ăn củ khoai, củ sắn qua ngày để dành tiền cho con trai. Người đọc đã ngậm ngùi biết bao trước hoàn cảnh khốn cùng của ông lão trước sự dằn vặt lương tâm khi Lão bán con chó vàng. Và rồi tất cả những vỡ òa ra thành tiếng khóc, làng xót thương khi cuộc đời đã đẩy lão đến đường cùng chết là phải ăn bả cho tự tử, lão chết trong sự đau đớn tột cùng cả về thể xác lẫn tinh thần.

Trở lại với nhận định của Đặng Thai Mai ông khẳng định tiêu điểm mà con người hướng đến vẫn là con người, mỗi người có một ước mơ khác nhau, sống với mục đích khác nhau, người làm thơ, người là làm văn cũng vậy, mỗi thi nhân có một phong thái cách rất khác nhau có một cái nhìn khác nhau nhưng chung quy ai cũng hướng ngòi bút của mình để con
người họ dùng tiếng nói ngò bút của mình để kết nối những trái tim đến với trái tim, những mảnh đời bất hạnh tới sự nhân ái, sẽ chia.

“Một người vì mọi người” và để rồi “mọi người cũng vì một người”, chúng ta sống trước hết là vì người khác, hãy sống cho đi mà không cần nhận lại. Chính Hữu là nhà thơ quân đội ông chủ yếu viết về người lính và dành riêng cho họ một tình cảm ưu ái, trân trọng. Từ thực tế gian nan, máu lửa tình đồng đội đồng chí sáng chói trong rừng sâu âm u, lạnh lẽo.

“Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh,
Sốt run người, vừng trán ướt mồ hôi.

Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay!

Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.”

(Đồng chí)

“Con người sống vì con người, hướng tới con người”, thông điệp đó đã chuyển đi sâu sắc, len lỏi từng bóng cây, khe núi. Đọc truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long ta thấy cái lặng lẽ chỉ là bề ngoài giấu kín, nhịp sống sôi động mà âm thầm trên núi cao chót vót của những người lao động thầm lặng hết lòng vì dân, vì nước. Qua nhân vật anh thanh niên từ những gì anh nói, anh suy nghĩ về công việc đã thấy được cuộc sống lặng lẽ mà không hề cô độc. Bởi sự gắn bó của họ với đất nước, với mọi người. Từ đó ta chợt nhận ra rằng có lẽ trong cuộc sống chung quanh đang có rất nhiều người âm thầm làm việc, vì đất nước, vì tương lai phát triển loài người theo chiều hướng tốt đẹp.

  • Kết bài:

Trong văn chương có những niềm hạnh phúc, trong nỗi đau tột cùng lại có ánh sáng hiu hắt đang nhen nhóm giữa mưa giông, bão tố. Là thi sĩ dù đi trên nẻo đường nào, dù tâm đắc về đề tài gì, xin anh hãy dành hết tâm huyết của mình khai thác các khía cạnh khác nhau của cuộc sống loài người. Hãy cất lên tiếng nói, tiếng bênh vực kẻ yếu, để họ có niềm tin, có hi vọng vào tương lai tươi sáng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang