Nhà thơ Xuân Diệu cho rằng: “Một bài thơ hay là hay ở tình ý, hay ở chữ tiếng, hay ở sự việc, hay ở nhạc điệu”. Còn nhà văn Nguyễn Tuân lại cho rằng: “Thơ là mở ra được một cái gì đó mà trước câu thơ đó, trước nhà thơ đó vẫn như là bị phong kín”.
Anh (chị) hiểu hai ý kiến trên như thế nào? Hãy làm rõ cách hiểu của mình qua một vài bài thơ Mới đã học, đã đọc.
1.Giới thiệu, dẫn dắt vấn đề cần nghị luận, trích nhận định.
2. Giải thích: Cả hai tác giả đều sành chữ nghĩa, sành thơ ca và đã có những nhận xét hay về thơ dựa trên đặc trưng của thơ.
a. Một bài thơ hay là hay ở tình ý, hay ở chữ tiếng, hay ở sự việc, hay ở nhạc điệu (Xuân Diệu)
– Xuân Diệu nổi tiếng với công việc “bếp núc” làm thơ. Từ sự trải nghiệm của chính mình, thi sĩ đã nêu lên những biểu hiện của thơ hay:
+ Thơ hay là hay ở tình ý:
- Thơ là tiếng nói của tình cảm cảm xúc mãnh liệt, là sự rung động chân thành của nhà thơ trước những vấn đề cốt thiết của cuộc sống, trước nụ cười hạnh phúc hay những giọt nước mắt cay đắng của thế nhân (Lê Quý Đôn: “Sông núi cỏ cây đều từ trong lòng mà ra”, “Thơ phát khởi từ trong lòng người ta”; Ngô Thì Nhậm: “Hãy xúc động hồn thơ cho ngọn bút có thần”,…)
- Trong thơ, cảm xúc mãnh liệt phải đi liền với tư tưởng lớn lao, ý tứ sâu sắc. Thi phẩm phải mang giá trị nhân đạo, nhân văn cao cả, hướng con người tới chân – thiện – mĩ.
+ Thơ hay là hay ở sự việc: Nếu như văn xuôi thường phản ánh cuộc sống một cách khách quan, bộn bề với nhiều biến cố, sự kiện, thì sự việc trong thơ phải được chọn lọc, tiêu biểu, cô đọng, hàm súc.
+ Cái hay của thơ kết đọng ở chữ tiếng: “Ngôn ngữ là yếu tố thứ nhất của văn học” (Mácxim Gorki). Ngôn ngữ thơ là thứ ngôn ngữ của cảm xúc, được gọt giũa, trau chuốt, gợi hình, gợi cảm. Nhà thơ tài năng phải tạo nên được những “thần cú”, “nhãn tự”, ẩn chứa những lớp trầm tích ý nghĩa sâu xa. Sáng tạo ngôn từ là sự khổ công, dày vò ghê gớm đối với nhà thơ (Đố Phủ: “Ngữ bất kinh nhân tử bất hưu”).
+ Thơ hay là hay ở nhạc điệu: Cổ nhân nói “Thi trung hữu nhạc”. Nhạc điệu được tạo nên từ cách hiệp vần, ngắt nhịp, phối thanh, những khoảng trống, khoảng trắng giữa câu chữ, từ sự hòa hợp, hô ứng giữa nhạc điệu của ngôn từ và nhạc điệu tâm hồn thi sĩ.
⇒ Tóm lại, Xuân Diệu đã đưa ra những tiêu chuẩn cụ thể để đánh giá một bài thơ hay, dựa trên những đặc trưng về nội dung và hình thức của thơ.
b. Thơ là mở ra được một cái gì đó mà trước câu thơ đó, trước nhà thơ đó vẫn như là bị phong kín (Nguyễn Tuân)
– Nguyễn Tuân cho rằng: Thơ hay là thơ “mở ra được một cái gì đó mà trước câu thơ đó, trước nhà thơ đó vẫn như là bị phong kín”. Có nghĩa là, thơ hay phải giàu sức gợi, ám ảnh lòng người, mở ra cho người đọc những trường liên tưởng bay bổng. Cổ nhân đã nói, trong thơ “ý tại ngôn ngoại”, “ngôn tận nhi ý bất tận”. Thi phẩm hay luôn có sự hàm súc, dư ba, khiến cho người đọc phải suy nghĩ, trăn trở. Thơ thường kiệm lời nhưng lại đặt ra được những vấn đề có ý nghĩa nhân sinh sâu sắc.
– Để thi phẩm có được sức gợi lớn lao đó, nhà thơ phải thể hiện được một cái nhìn mới mẻ, đầy tính khám phá, phát hiện về cuộc đời, in đậm cá tính sáng tạo của người nghệ sỹ. Đây vừa là lương tâm, trách nhiệm của nhà thơ, vừa là yêu cầu sống còn của nghệ thuật. Tuy nhiên sự khám phá sáng tạo những giá trị thẩm mĩ mới đâu chỉ là độc quyền của thơ mà của mọi lĩnh vực nghệ thuật.
⇒ Như vậy, hai ý kiến trên không mâu thuẫn mà bổ sung cho nhau, đem đến cho người đọc những tiêu chuẩn để đánh giá một bài thơ hay dựa trên những đặc trưng của thơ. Một bài thơ hay phải mang vẻ đẹp toàn bích, là “một khám phá về nội dung và phát hiện về hình thức” (Lêônít Lêônốp)
3. Chứng minh:
– Đây là kiểu đề mở, vì vậy phần chứng minh sẽ thỏa sức cho học sinh sáng tạo.
– Ở phần này, bài làm phải đạt được những yêu cầu sau :
+ Chọn đúng được những bài thơ hay, đặc sắc trong phong trào thơ Mới lãng mạn của các tác giả : Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính,….
+ Phân tích theo đặc trưng thể loại, bám sát vào những yếu tố: thi tứ, thi từ, thi ảnh, nhạc điệu…, gắn bài thơ với hoàn cảnh ra đời, thời đại văn học, phong cách tác giả…. Chú ý phân tích định hướng để làm sáng tỏ :
- Cảm xúc chân thành, mãnh liệt.
- Những tầng bậc ý nghĩa sâu xa.
- Nhấn mạnh những khám phá, phát hiện mới mẻ của thi sĩ thể hiện qua thi phẩm trên các phương diện nội dung và nghệ thuật và phong cách.
4. Đánh giá chung:
– Những ý kiến trên đúng nhưng chưa đủ vì chưa đề cập đến tứ thơ, một phương diện quan trọng của đặc trưng thơ.
– Bài học cho người cầm bút : Nhà thơ phải có trái tim ấm nóng, biết rung động chân thành trước cuộc đời, thêm vào đó là tài năng sáng tạo và công phu lao động nghệ thuật. Chỉ khi nào dấu ấn sáng tạo riêng của người nghệ sĩ chạm đến được những nỗi niềm, những khát vọng, những rung động thẩm mỹ của tất cả mọi người, mọi thời đại, hướng con người đến Chân – Thiện – Mĩ thì mới tạo nên tầm khái quát và chiều sâu nhân đạo cho bài thơ, đưa thi phẩm bất tử trong lòng người đọc.
– Yêu cầu với độc giả : Tinh tế trong thẩm bình, sâu sắc trong cảm nhận, phải xuất phát từ câu chữ của bài thơ để đồng điệu, tri âm với tác giả, tránh thoát ly văn bản hoặc dung tục hóa văn chương.
- Nghị luận: “Câu thơ hay là câu thơ giàu sức gợi” (Lưu Trọng Lư)
- Làm sáng tỏ nhận định “Vào thơ hay, dù là điệu kiên cường hay làn êm ái đều là vào thế giới của cái đẹp”