»» Nội dung bài viết:
Suy nghĩ về vấn đề đạo đức và tác phong của học sinh hiện nay.
- Mở bài:
Bồi dưỡng và rèn luyện đạo đức, hoàn thiện nhân cách, nhân phẩm tốt đẹp cho học sinh là nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mọi thời đại. Thế nhưng, hiện nay, tình trạng vấn đề đạo đức, tác phong của học sinh hiện nay đang có dấu hiệu xuống cấp trầm trọng, trở thành mối lo ngại của các nhà quản lí giáo dục và người giáo dục trong cả nước.
- Thân bài:
Đạo đức là gì?
Đạo đức là một nhân tố quan trọng để đánh giá con người chúng ta. Đạo đức là các chuẩn mực về hành vi ứng xử được con người quy ước thành nguyên tắc giao tiếp trong xã hội. Đạo đức được biểu hiện qua hành động, lối sống và vẻ đẹp tâm hồn của con người.
Có thể nói đạo đức là cái tốt, cái đúng ở bên trong con người được biểu hiện ra bên ngoài bằng lời nói, hành vi. Đạo đức là gốc bên trong được chuyển hóa thành lời nói và hành vi tốt đẹp bên ngoài. Tức là con người phải có nhận thức đúng, tốt về sự vật hiện tượng và từ đó có lời nói, hành vi tốt đẹp, đúng đắn với sự vật hiện tượng. Để có được nhận thức đúng cần phải có giáo dục. Đạo đức con người không phải có sẵn mà phải được giáo dục.
Tác phong là gì?
Tác phong là một hành vi ứng xử trong đời sống xã hội và trong công việc hằng ngày. Tác phong còn có thể quyết định tính cách của mỗi con người. Tác phong là lề lối, cách thức, phong thái đã trở thành nề nếp ổn định của con người được thể hiện trong tất cả các hoạt động như học tập, làm việc, lối sống tạo nên nét riêng biệt của từng cá nhân.
Hiện trạng đạo đức và tác phong của học sinh ngày nay.
Có thể nói rằng đạo đức và tác phong của học sinh hiện nay đang trên đà suy thoái nghiêm trọng. Nhiều học sinh hiện nay không còn như những người trước đây. Hiện tại là sự vô văn hoá, thiếu lễ độ, thiếu sự tôn trọng và không bao giờ nhận lỗi sai và sửa chữa, ngang bướng cãi lại. Đó là một điều không thể chấp nhận được.
Khi trong lớp học, một số thành phần học sinh hay quậy trong lớp. Làm những cử chỉ, hành động lời nói không nên nói. Không tôn trọng giáo viên đang trong tiết đang giảng bài. Và có một vài bạn cả gan chửi thề trong lớp và còn khi quá đáng hơn là chửi lại thầy cô giáo. Tác phong đi học lôi thôi lết thết không ra hệ thống gì cả. Còn coi thường nội quy nhà trường mang dép đi học, sơn móng tóc, để tóc kiểu hiện đại bây giờ.
Nhiều khi có một số bạn đi học mà cứ tưởng đi tiệc hay đi chơi vậy. Các bạn nữ thì đeo lên đánh phấn tô môi. Bạn nam thì tóc tai phản cảm, để kiểu xu hướng hiện nay. Quần áo bỏ ngoài quần, không đeo khăn quàng đỏ. Trong các tiết học, một số bạn thích làm mình thật nổi bật hoặc gây cười cho các bạn cùng lớp bằng cách tạo những trò thật lố bịch và còn khi rất mất dạy.
Hậu quả của việc suy thoái đạo đức và tác phong của học sinh.
Đạo đức học sinh suy thoái dẫn đến nạn bạo lực học đường nghiêm trọng. Cũng chỉ vì chúng ta thiếu đạo đức và tác phong không có nên mới sinh ra nhiều chuyện không đáng. Xung đột và bạo lực học đường trở thành vấn đề nóng bỏng ở nhiều trường học. Có trường hợp học sinh hẹn nhau để giải quyết cũng là do đạo đức tác phong mỗi người không có.
Hiện tượng học sinh mang và sử dụng điện thoại trong giờ học vẫn còn diễn ra. Học sinh trốn học, bỏ tiết, hút thuốc lá trong trường học là vấn đề làm đâu đầu nhà trường và các thầy cô giáo. Càng khuyên ngăn thì càng dẫn đến tình trạng đó. Và học sinh luôn bật chế độ nghe lỗ tai bên này đi qua lỗ tai bên kia. Nhiều khi không có thầy cô còn quay lưng nói xấu thầy cô. Đó là một điều đáng trách.
Học sinh ngày càng hay nói tục chửi thề, ngôn ngữ thiếu chuẩn mực, vô lễ, thiếu sự tôn trọng đối với thầy cô giáo. Hiện tượng gian lận trong thi cử trở nên phổ biến và khó ngăn chặn, gây ảnh hưởng đến vấn đề giáo dục và chất lượng giáo dục của nhà trường.
Giải pháp khắc phục.
Nhà trường cùng các thầy cô đã nghĩ ra nhất nhiều cách giáo dục và rèn luyện đạo đức, tác phong cho học sinh, hướng học sinh vào các hoạt đông học tập và rèn luyện hữu ích, xa rời cái xấu, hướng đến nhận thức toàn diện. Có nhận thức tốt mới có hành động đúng, là cơ sở để hướng đến một kết quả hoàn thiện.
Tăng cường hợp tác với cha mẹ học sinh. Tạo nề nếp lại cho học sinh khi còn có thể. Quan tâm học sinh hơn, nêu những cái xấu và thực hiện cái tốt. Sự trạng như hiện nay cũng một phần do xã hội quá thay đổi nhiều. Sự thích thú tò mò học sinh trỗi dậy. Vì thế phải ngăn chặn kịp thời đúng thời điểm. Đừng để nó đi quá xa hơn.
- Kết bài:
Có tác phong và đạo đức tốt đẹp thì nhiều người sẽ yêu thương quý mến ta hơn và dành sự tôn trọng đối với mình. Tin tưởng chúng ta nhiều hơn. Đạo đức chính là giá trị nền tảng quan trọng nhất của con người. Bác Hồ cũng đã từng nhắc nhở rằng thanh niên phải có đức, có tài; có tài mà không có đức thì sẽ gây họa cho xã hội. Bởi thế, giáo dục đạo đức trong sạch, vững mạnh cho học sinh là nhiệm vụ hàng đầu trong nhà trường hiện nay.
Bài tham khảo:
- Mở bài:
Đạo đức là một nhân tố quan trọng của nhân cách và được xem là khái niệm của mỗi con người , nó thuộc về vấn đề: tốt, xấu, đúng, sai, lành, ác, hiền, dữ, trong phạm vi: lương tâm con người, hệ thống phép tắt đạo đức và trừng phạt mà có khi còn được gọi là giá trị đạo đức. Đạo đức gắn liền với văn hóa, chủ nghĩa, triết học và pháp luật của xã hội.
- Thân bài:
Chúng ta nói một cách dễ hiểu, đạo đức là những khuynh hướng tốt trong tâm hồn mỗi con người, mà những khuynh hướng đó tạo nên những lời nói, hành vi bên ngoài phù hợp với những quy tắc xử sự của cộng đồng, xã hội khiến cho mọi người xung quanh được an vui, lợi ích và chuyển hóa .
Theo những tài liệu của sở giáo dục và đào tạo thành phố Hồ Chí Minh, đạo đức – hạnh kiểm học sinh trong trường phổ thông được đánh giá là tốt, khá và đạt yêu cầu trên 98%. Tuy nhiên, kết quả đánh giá này có đúng với tình hình thực tế trong xã hội hay không là vấn đề cần phải bàn thêm và đáng được mọi người quan tâm.
Bởi lẽ , hiện nay, đạo đức học sinh đang là vấn đề được dư luận xã hội bàn tán, quan tâm và mỗi người đều đánh giá khác nhau, mỗi ý kiến đều rất đúng: có khen ngợi, đồng tình ủng hộ và dĩ nhiên cũng phải có phê phán gay gắt. Số liệu của sở và các ý kiến khác nhau trong dư luận xã hội về đạo đức học sinh chỉ là đánh giá chung.
Đánh giá chung này khác hẳn là đánh giá riêng cho từng bậc học: mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và phổ thông trung học. Mỗi bậc học vấn đề đạo đức và môn đạo đức có nội dung phù hợp với lứa tuổi và cách đánh giá khác nhau. Nói như thế này không có nghĩa là xem nhẹ các đánh giá trên đối với từng bậc học, quan trọng nhất là bậc tiểu học – bậc nền tảng trong quá trình hình thành nhân cách con người, mà cần phải kiểm tra kĩ càng lại, trên cơ sở đó có biện pháp thực hiện nhiệm vụ giáo dục đạo đức học sinh tốt hơn, đáp ứng được sự đòi hỏi ngày càng cao và bền vững của xã hội phát triển .
Có thể nói đạo đức là cái tốt, cái đúng ở bên trong con người được biểu hiện ra bên ngoài, lời nói, hành vi. Đạo đức là gốc bên trong được chuyển hóa thành lời nói và hành vi tốt đẹp bên ngoài. Tức là con người phải có nhận thức đúng, tốt về sự vật hiện tượng và từ đó có lời nói, hành vi tốt đẹp, đúng đắn với sự vật hiện tượng . Để có được nhận thức đúng chúng ta cần phải có giáo dục. Đạo đức con người không phải có sắn mà phải được giáo dục. “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục tạo nên” (Hồ Chí Minh). Giáo dục nói chung và giáo dục đạo đức nói riêng phải được thực hiện ngay từ lúc nhỏ, ngay từ lứa tuổi tiểu học.
Có rất nhiều phương pháp giáo dục đạo đức cho trẻ tiểu học nhưng có lẽ trường tiểu học là nơi có thể làm tốt công tác giáo dục đạo đức. Như nhiều người đã biết, trẻ tiểu học dễ dàng học được điều tốt và cũng dễ dàng bị nhiễm điều xấu. Nếu ngay từ lúc này mà không có sự đầu tư, quan tâm về giáo dục đạo đức thì sau này rất khó cho việc hình thành nhân cách người sau này. Chính vì vậy môn học đạo đức con người và những hành vi ứng xử theo các chuẩn mực của xã hội. Nhà trường phải làm tốt chức trách này .
Đối với việc dạy học môn đạo đức, các thầy cô giáo trong trường tiểu học được tập huấn đối với phương pháp giảng dạy sao cho phù hợp với lứa tuổi. Đó là các phương pháp giảng dạy, nêu gương, tác động, thuyết phục, khích lệ. Trên cơ sở kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành, lời nói đi đôi với việc làm của giáo viên và học sinh. Để tiến hành giáo dục đạo đức có hiệu quả cao, mỗi nhà trường tiểu học thường xuyên kết hợp chặt chẽ giữa 3 môi trường hoạt động của học sinh là gia đình, nhà trường và xã hội .
Hình thức dạy học đạo đức trong nhà trường tiểu học rất phong phú và đa dạng, không chỉ đóng khung trong các phòng học với các giờ giảng dạy theo chương trình quy định mà còn đưa các nội dung, chủ đề giáo dục vào mọi hoạt động thực tiễn của cá nhân và tập thể học sinh tại trường lớp, ngoài xã hội qua các hoạt động ngoài giờ lên lớp như: sinh hoạt dã ngoại, lao động công ích, thể thao, văn nghệ, tham quan di tích lịch sử hoặc các hoạt động xã hội từ thiện như: giúp đỡ các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh liệt sĩ, các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, các trường ở vùng sâu vùng xa, cứu trợ đồng bào bị thiên tai lũ lụt.
- Kết bài:
Đạo đức và tác phong là vẻ đẹp đầu tiên của nhân cách con người. Mỗi học sinh cần phải kiên trì rèn luyện để trở thành người lịch sự, văn minh.
Nghị luận về tác hại của gian lận trong thi cử của học sinh ngày nay