suy-nghi-ve-vai-tro-cua-nguoi-thay-qua-cau-tuc-ngu-khong-thay-do-may-lam-nen

Suy nghĩ về vai trò của người thầy qua câu tục ngữ: Không thầy đố mày làm nên

Suy nghĩ về vai trò của người thầy qua câu tục ngữ: “Không thầy đố mày làm nên”

  • Mở bài:

Dân tộc ta vốn có truyền thống hiếu học, đề cao đạo học và đạo lí làm người. Bởi thế, người thầy có một vị trí cao trong xã hội, được mọi người kính trọng, tin tưởng và tôn quý, hình thành nên truyền thống tôn sư trọng đạo từ bao đời nay. Người thầy có vai trò quyết định sự thành bại ở mỗi con người. Khẳng định điều đo, nhân dân có câu: “Không thầy đố mày làm nên”.

  • Thân bài:

Nếu chúng ta nhìn nhận nó dưới góc độ của nghĩa đen thì chúng ta chỉ nghĩ rằng nội dung của nó là đề cao việc học tập và vai trò của người thầy. Phải có thầy chỉ bảo người học sinh mới có thể làm nên sự việc. Đề cao vai trò và ơn đức của người thầy còn có nhiều tục ngữ khác như: “Trọng thầy mới được làm thầy”;  “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”; “Mấy ai là kẻ không thầy / Thế gian thường nói đố mày làm nên”,…

Hiểu một cách sâu sắc, “thầy” ở đây không phải chỉ đơn thuần là người dạy văn hóa ở trường mà là tất cả những dạy bảo ta về nhân cách, về cuộc đời. Thầy là người đã có công truyền đạt kinh nghiệm hiểu biết cho chúng ta.  Còn “học” ở đây không phải là học chữ mà là học toàn diện. “Mày” là người được chỉ bảo, được dìu dắt.

Rõ ràng, người thầy luôn đóng vai trò to lớn trong thành công của mỗi con người. Chính nhờ có thầy truyền đạt tri thức, chỉ dạy đạo lí ở đời mà con người mới có hiểu biết, sống đúng đắn với luân lí ở đời, xây dựng cuộc sống cao đẹp, văn mình và hạnh phúc. Hãy tưởng tượng, một xã hội không có thầy giáo, khống có ai gìn giữ cương luật, không có trường học, con người không ai đi học thì đạo đức sẽ bị phỉ báng, con người trở nên thô bạo và tàn nhẫn như thế nào?

Tổng thống Nam Phi Man-de-la cũng đã từng nói: “Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà người ta có thể sử dụng để thay đổi cả thế giới”. Điều đó khẳng định tri thức là sức mạnh. Và cũng có nghĩa là chính người thầy với kiến thức, tài năng và đức độ của mình đủ sức rèn luyện và đào tạ ra những con người có đủ sức mạnh để làm thay đổi thế giới này.

Kiến thức kinh nghiệm dù lớn hay nhỏ, dù thế nào đi chăng nữa thì nó không phải tự nhiên mà có, phải được đúc kết từ nhiều năm. Không có thầy, không có người đi trước chí bảo thì không ai có thể trau dồi cho mình một lượng kiến thức để mình phát triển thành một người toàn diện.

Câu chuyện “Người thầy đầu tiên”, một tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Chyngyz Aytmatoy là một minh chứng rõ ràng rằng một người thầy giỏi sẽ có ảnh hưởng đến rất nhiều con người. Nếu không có thầy giáo  Đuy-sen đầy nhiệt tâm và quả cảm đó thì cô bé An-tư-nai đâu trở thành một người toàn diện như thế. An-tư-nai sẽ không có cơ hội để hiểu biết thế giới quanh mình, dù cô thông minh thật đấy. Người thầy ấy bằng cả sự hi sinh và máu của mình để chuẩn bị tương lai cho một cô học trò.

Con người dù có thông minh đến thế nào đi chăng nữa thì họ vẫn không thể phủ nhận rằng thành tựu mà họ đạt được là có vai trò của người thầy.Đó dường như là quy luật. Thành tựu càng lớn thì vai trò người thầy càng được thể hiện rõ nét và cao hơn. Đằng sau một người học trò giỏi luôn có một người thầy giỏi.

Chúng ta có thể thấy được điều này qua tiểu sử và những gì mà các nhà bác học đã để lại. Không ai có thể bác bỏ rằng các nhà bác học như Niu-tơn, người đã tìm ra những phát minh vĩ đại, hay Lai-bơ-nít, người khởi xướng ra máy tính điện tử hiện đại – ấy không phải là thiên tài. Nhưng, họ không thể một mình đi đến thành tựu của mình mà không có sự chỉ dẫn của những người đi trước. Đặc biệt là thầy của họ rất giỏi nữa là khác.

Chúng ta không thể tìm thấy một ví dụ nào để có thể phủ nhận vai trò của người thầy. Dù là những thiên tài khoa học như E-di-son, New-ton, Fa-ra-day; những chính trị gia lỗi lạc như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Abraham Lincoln, thánh Gangdhi, Hồ Chí Minh; những nhà văn kiệt xuất như Nguyễn Du, Vichto Huygo, Banzac,… cũng đều được giáo dục bởi những người thầy. Nếu không có những người thầy ấy, có thể họ vẫn thành công nhưng không thể trở nên vĩ đại như thế.

Tuy nhiên, câu tục ngữ “Không thầy đố mày làm nên” có phần tuyệt đối hóa vai trò của người thầy đối với thành công của mỗi con người. Trong cuộc sống, có biết bao con người đã tự mình học tập và vươn tới thành công. Với ý chí chí và nghị lực phi thường, họ lấy bản thân làm trung tâm, tự phát hiện như cầu học tập và làm chủ quá trình học tạp của mình. Họ lấy sách vở làm bầu bạn, công việc làm thực nghiệm và xem cuộc sống là một người thầy nghiêm khắc và vĩ đại. Thế nhưng, cũng phải nhìn nhận, đó là những cá nhân hiếm hoi trong hàng tỷ con người. Không có cách nào khác tốt hơn để phát triển giáo dục và tri thức của một đất nước ngoài việc rèn luyện và đào tạo những người thầy giỏi. Chí có những tinh hoa mới có thể tạo ra những tinh hoa.

Bởi thế, chúng ta cần nhận thức một điều là phải hiểu đúng ý nghĩa của câu tục ngữ. Nhất là “thầy” chúng ta cần có cái nhìn đúng về từ này. “Thầy” là người dạy ta nhân cách, hiểu biết, chỉ bảo ta những điều tốt đẹp. Là người dẫn ta đến với những tương lai tươi sáng.

Với trình độ ngày càng phát triển của khoa học ngày nay thì việc trang bị kiến thức đầy đủ, đòi hỏi sự hiểu biết cao là điều kiện cơ bản của sự phát triển xã hội. Và cũng là dịp để chúng ta tiếp thu những tinh hoa văn hóa của khoa học hiện đại. Bởi thế, chúng ta cần phải vực dậy những ý thức, những tình cảm tốt đẹp ấy. Đây là một việc làm thiết thực nhất mà chúng ta có thể góp phần bảo vệ truyền thông và phẩm chất tốt đẹp cua mình nói riêng và cho cả dân tộc nói chung.

  • Kết bài:

“Không thầy đố mày làm nên” là một lời khuyên sâu sắc, thể hiện sâu sắc truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta; đồng thời có giá trị định hướng về phương pháp học tập, giúp con người vươn tới thành công.

»»» Xem thêm:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang