Suy nghĩ của em về truyền thống Tôn sư trọng đạo của dân tộc ta

suy-nghi-cua-em-ve-truyen-thong-ton-su-trong-dao-678

Suy nghĩ của em về truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta.

I. Mở bài:

– Giới thiệu về truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, sự tiếp nối của truyền thống đó ngày nay.

II. Thân bài:

1. Giải thích:

–  “tôn sư”: tôn vinh người thầy. Người học trò thì phải biết tôn trọng, kính trọng và đề cao vai trò của người thầy trong quá trình học tập và trong cuộc sống.

– “trọng đạo’’: coi trọng đạo học. Người học trò phải biết tôn trọng, lễ phép, kính trọng người thầy, vì người thầy đã giảng dạy, truyền dạy cho chúng ta biết thế nào là đạo nghĩa, đạo đức, đạo học làm người và những tri thức khác về mọi mặt của đời sống tự nhiên, đời sống xã hội,…

 “Tôn sư trọng đạo” hàm chứa một ý nghĩa sâu sắc. “Tôn sư trọng đạo” là kính trọng và đề cao vai trò của người thầy, coi trọng việc học hành, mở rộng kiến thức và tầm hiểu biết, coi trọng đạo lí làm người, đề cao nhân nghĩa. “Tôn sư trọng đạo” gắn bó mật thiết với sự nghiệp trồng người để nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài…

2. Bàn luận:

– Chúng ta phải biết ghi ơn và tôn kính người thầy vì đây là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, là biểu hiện của lòng biết ơn cao cả và đạo lí làm người tốt đẹp.

– Chúng ta phải biết ghi ơn và tôn kính người thầy vì mỗi thầy cô giáo đều có công ơn giúp ta trưởng thành hơn trên con đường học vấn:

+ Thầy cô giáo là người nâng đỡ, truyền đạt tri thức, chắp cánh nâng đỡ con người trong hành trình dài rộng của cuộc đời

+ Thầy cô giáo dạy ta cách sống, cách làm người, hướng con người tới những giá trị sống tốt đẹp

+ Thầy cô giáo dành cho học trò tình yêu thương như mẹ cha, là những người bạn luôn bên cạnh chia sẻ với học trò mỗi lúc buồn vui hay hạnh phúc

– Biết ơn thầy cô giáo là nét đẹp trong cách sống của con người, là biểu hiện của một người thực sự có văn hóa.

– Chúng ta luôn tự hào với truyền thống và phẩm chất cao đẹp của các bậc thầy xưa, các thầy lớp trước mà danh tiếng lưu truyền mãi mãi như thầy Lê Văn Hưu, thầy Chu Văn An, Nguyễn Phi Khanh đời nhà Trần, thầy Trần Ích Phát đời nhà Lê, thầy Nguyễn Bỉnh Khiêm đời nhà Mạc. Thế kỷ XIX có thầy Cao Bá Quát, thầy Nguyễn Đình Chiểu lấy việc dạy người cao hơn dạy chữ. Đầu thế kỷ XX có thầy Nguyễn Thức Tự đã dạy dỗ học trò hầu hết thành đạt trở thành những chí sĩ yêu nước như cụ Phan Bội Châu, Ngô Đức kế, Đặng Thái Thân, Lê Văn Hân,… Chúng ta quên sao được thầy giáo Nguyễn Tất Thành người đã khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, cùng với các học trò xuất sắc như: Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp đã làm rạng rỡ non sông đất nước ta.

– Để phát huy truyền thống “Tôn sư trọng đạo” trong một thời đại mới, gia đình, nhà trường và xã hội cần tập trung giáo dục về đạo đức, tư tưởng cho thế hệ học sinh.

* Liên hệ mở rộng:

Ngày nay có rất nhiều người học trò đang ngồi trên ghế nhà trường, được học nhiều bộ môn của các thầy cô giảng dạy nhưng họ không ý thức được vấn đề cần phải tôn trọng, kính trọng, lễ phép với người thầy và coi trọng đạo học mà thầy truyền giảng. Điều ấy thật đáng chê trách.

Nhưng cũng có rất nhiều người học trò đã và đang hiểu và thực hành câu thành ngữ và cũng đang bước trên con đường thành đạt trong cuộc sống, trong khoa học,…

III. Kết bài:

– Khẳng định sự đúng đắn, ý nghĩa, giá trị giáo dục, vai trò, tầm quan trọng và những tác động tích cực của câu thành ngữ “Tôn sư trọng đạo”.

– Liên hệ bản thân.


Tham khảo:

  • Mở bài:

Tôn sư trọng đạo vốn là truyền thống quý báu và có từ lâu đời của dân tộc ta. Chính truyền thống này đã tạo nên  tinh thần hiếu học, đề cao tri thức, làm nên một nền văn hóa mẫu mực và lối ứng xử nhã nhặn, lịch thiệp của người Việt.

  • Thân bài:

Tôn sư trọng đạo là gì?

“Tôn sư trọng đạo” là tôn trọng, kính yêu và biết ơn đối với những người làm thầy giáo, cô giáo ở mọi lúc mọi nơi, coi trọng những điều thầy dạy, coi trọng và làm theo đạo lí mà thầy đã dạy mình. Người biết tôn sư trọng đạo luôn có thái độ, tình cảm, hành động làm vui lòng thầy cô giáo, biết đền ơn đáp nghĩa, làm những điều tốt đẹp xứng đáng với sự dạy dỗ của thầy cô.

“Tôn sư trọng đạo” không chỉ là vấn đề đạo đức mà còn là một truyền thống văn hóa vô cùng tốt đẹp của nhân dân ta. “Tôn sư” ở đây chỉ sư tôn trọng, kính yêu người làm nghề dạy học; “trọng đạo” là coi trọng những chuẩn mực đạo đức, những đạo lý làm người.

Tại sao phải biết tôn sư trọng đạo?

Thầy cô giáo là người định hướng, dẫn dắt thế hệ trẻ từng bước nắm bắt tri thức và chân lý thời đại. Nếu không có sự chỉ dạy của thầy cô giáo thì mọi sách vở dù hay đến đâu nếu không có thầy giáo hướng dẫn thì không phát huy hết tác dụng đối với thế hệ trẻ.  Thầy cô giáo là những người đi khai sáng trí tuệ, mở mang tri thức, thắp sáng ngọn lửa tâm hồn cho học sinh. Quả thực đúng như câu nói “không thầy đố mày làm nên“.

Thầy cô giáo còn là những người bồi dưỡng nền tảng đạo đức, nhân cách, nhân phẩm cho mỗi học sinh, hướng học sinh đạt đến các giá trị tốt đẹp của chân, thiện, mỹ, trở thành con người tốt đẹp. Bởi thế, khi ta đến được con đường vinh quang thì hãy luôn ghi nhớ công ơn của thầy cô và đền đáp lại thật xứng đáng.

Không chỉ dừng ở việc ta lễ phép, kính trọng thầy cô mà ta cần thực hiện tốt những lời thầy cô dạy, chăm chỉ rèn luyện để trở thành công dân tốt. Khi đó, không chỉ riêng ta cảm thấy vui mà những người dạy dỗ ta còn vui hơn gấp trăm lần vì họ đã đào tạo được thế hệ tương lai có ích cho xã hội. Dù phải đứng trước bao nhiêu khó khăn của cuộc sống, những người thầy, người cô vẫn đang ngày đêm lo lắng, nghiền ngẫm để truyền thụ cho học sinh những tri thức quý giá nhất, vậy thì họ rất xứng đáng được mọi người kính trọng và ghi nhớ công ơn.

Việt Nam ta đã chọn ngày 20-11 hằng năm làm ngày nhà giáo Việt Nam, ngày này cũng là dịp để học sinh bày tỏ tình cảm, tấm lòng của mình cho thầy cô. “Tôn sư trọng đạo” là một truyền thống đạo đức vô cùng tốt đẹp của dân tộc ta, nó còn thể hiện ở việc những người được thế hệ trước truyền nghề dù có đi đến bất kì nơi đâu thì trong sâu thẳm tâm thức của họ đề có sự biết ơn, ghi lòng tạc dạ công lao của các bậc tiền bối – những người sáng lập ra nghề và truyền lại cho họ. Truyền thống quý báu trên cần được quan tâm đặc biệt và để đạt được điều đó thì mỗi người cần chăm chỉ học tập, tu dưỡng đạo đức, luôn sống trọn nghĩa đúng như câu: “Nhất tự vi sư bán tự vi sư”.

  • Kết bài:

“Tôn sư trọng đạo” không chỉ là đạo lí mà còn là chân lí ở đời. Phía sau mỗi học trò giỏi là một thầy cô giáo giỏi. Phía sau những học trò tốt là những thầy cô giáo tốt. Con người không ai tự nhiên đạt được thành công mà họ đều phải trải qua thời gian nỗ lực, cố gắng thành công, mà họ đều phải trải qua thời gian nỗ lực, cố gắng rất nhiều và người có công to lớn trong việc giúp ta có thêm kiến thức chính là những người thầy luôn âm thầm dõi theo từng bước đi của ta.

Suy nghĩ về vai trò của người thầy qua câu tục ngữ: Không thầy đố mày làm nên

7 Trackbacks / Pingbacks

  1. Suy nghĩ về lòng kính trọng thầy cô giáo - Theki.vn
  2. Nghị luận về lòng tôn trọng người khác - Theki.vn
  3. Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ: "Uống nước nhớ nguồn" - Theki.vn
  4. Ý nghĩa của từ "Văn" và việc "học Văn'' qua câu tục ngữ: "Tiên học lễ, hậu học văn" - Theki.vn
  5. Cảm nghĩ về ý nghĩa câu tục ngữ: Thương người như thể thương thân - Theki.vn
  6. Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ: Ăn quả nhớ kẻ trồng cây - Theki.vn
  7. Suy nghĩ về ý nghĩa của lòng biết ơn - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.