Ý nghĩa của từ “Văn” và việc “học Văn” qua câu tục ngữ: Tiên học lễ, hậu học văn

y-nghia-cua-tu-van-va-viec-hoc-van-qua-cau-tuc-ngu-tien-hoc-le-hau-hoc-van

Ý nghĩa của từ “Văn” và việc “học Văn” qua câu tục ngữ: “Tiên học lễ, hậu học văn”

  • Mở bài:

Ngày xưa cha ông ta thường khuyên nhủ con cháu Tiên học lễ, hậu học văn” nghĩa là “Trước nhất phải học những điều lễ nghĩa, đạo đức sau đó là học văn hóa trí thức“. Như vậy đạo đức là cái nền, rồi sau mới là những nguồn kiến thức muôn màu của trí khôn loài người. Tuy nhiên, ở xã hội xưa, “Văn” chủ yếu được giới hạn trong lĩnh vực văn chương nghệ thuật. Thời ấy những tinh hoa của mọi thứ kiến thức chưa có sự phân ranh như sau này.

  • Thân bài

Tri thức là vô tận và chuyển hóa không ngừng, sáng kiến này là tiền đề cho các phát minh khác, phát minh nọ làm nảy sinh sáng kiến kia, hỗ trợ nhau, đan xen vào nhau, lý thuyết sau bổ sung cho lý thuyết trước hoặc phủ nhận lý thuyết trước. Vì thế giá trị của tri thức cũng ảnh hưởng của thời gian, nó cũng bị lão hóa theo thời gian. Tốc độ phát triển càng nhanh thì sự lão hóa tri thức, nghĩa là lão hóa Văn càng nhanh.

 Văn hóa được bắt nguồn từ chữ La tinh “Cultus” mà nghĩa gốc là gieo trồng, được dùng theo nghĩa Cultus Agri là “gieo trồng ruộng đất” và Cultus Animi là “gieo trồng tinh thần” tức là “sự giáo dục bồi dưỡng tâm hồn con người”. Theo nhà triết học Anh Thomas Hobbes (1588-1679): “Lao động dành cho đất gọi là sự gieo trồng và sự dạy dỗ trẻ em gọi là gieo trồng tinh thần”.

Văn có tính phổ quát toàn cầu. Nhờ mạng thông tin và tốc độ nhanh của các phương tiện in ấn, giao thông, thế giới đã được thu hẹp lại, do đó tri thức – tức là Văn – được chuyển tải nhanh và phố biến rộng rãi khắp hành tinh, được tiếp nhận và sử dụng ở tất cả mọi nơi. Đó là tài sản chung của nhân loại. So với Lễ về mặt này thì Văn có tính phổ quát hơn, trong khi Lễ vẫn giữ nét đặc thù địa phương.

Văn là một loại hàng hóa đặc biệt có giá trị kinh tế cao. Trong kỷ nguyên tri thức và nền kinh tế tri thức, Văn là tài sản vô giá của con người. Từ Văn, người ta tạo ra được của cải vật chất, nắm được Văn – nghĩa là nắm được tri thức – là nắm được chìa khóa của nền kinh tế hiện đại. Vì thế, Văn có tính thực dụng cao, nó mang lại lợi ích thực tiễn cho đời sông cá nhân cũng như cộng đồng. Tóm lại, chữ Văn ngày nay phải được hiểu một cách sâu rộng hơn, thực tiễn hơn, nó bao gồm nhiều phạm trù, nhiều lĩnh vực trong đời sông cá 1 nhân cũng như xã hội.

Như đã nói trên, Văn đồng nghĩa với tri thức, nên học Văn chính là việc tiếp thu tri thức của cả nhân loại để trở thành người có kiến thức, có năng lực chuyên môn rồi mang cái sở học ấy thể nghiệm vào cuộc sông, hẹp thì nuôi sống được bản thân, giúp đỡ được gia đình, rộng thì giúp ích cho Tổ quốc, cho nhân loại. Vì thế việc học Văn cốt đạt hai mục tiêu ấy.

Trước hết, học Văn để mở mang trí tuệ. Con người khi sinh ra không một ai là đã nắm bắt ngay được tri thức, có đầy đủ sự hiểu biết. Con người phải được dạy dỗ, phải học hỏi thì mới hiểu biết, như một câu châm ngôn đã khẳng định: “Muốn biết phải học”. Xưa, Khổng Tử đã nói: “Bất học Văn, vô dĩ ngôn” (Chẳng học văn (chữ) thì chẳng biết gì mà nói) và “Nhân bất học, bất tri lý” (Người không học thì không biết lý lẽ phải trái gì cả). Danh nho Hãn Văn Công cũng nói: “Người không có học, không hiểu việc xưa nay, chẳng khác chi con trâu, con ngựa mà mặc áo”. Người không có tri thức thì vô dụng, không làm nên việc gì cả, nhất là ở kỷ nguyên này.

Vì vậy, phải học Văn để phát triển trí tuệ, để mở rộng kiến thức bản thân, từ đó mới có khả năng giao tiếp, thích ứng với cuộc sống rồi khi trưởng thành mới có đủ năng lực để làm việc và tạo dựng cuộc sống và hòa nhập với xã hội. Người xưa đã nói: “Ấu nhi học, tráng nhi hành” (Lúc nhỏ thì học, khi lớn thì làm) khối lượng tri thức là vô hạn và đa dạng nên việc học Văn là một quá trình tiên tiến, liên tục và lâu dài, từ lúc nhỏ đến khi trưởng thành và mãi mãi về sau, suốt cả đời. Khởi đầu là những kiến thức cơ bản, sau đó nâng cao dần, rồi đến chuyên ngành, chuyên khoa, liên ngành… và còn tiếp tục cập nhật hóa, hoàn bị hóa để thích nghi với ngành nghề, công việc.

Chúng ta học Văn để trở thành người hữu dụng. Học Văn để biết thôi chưa đủ, mà còn phải biết vận dụng vào thực tiễn, vào cuộc sông. Nói gọn lại, học Văn để biết và biết để làm, thể hiện đúng câu châm ngôn: “Học đi đôi với hành, lý thuyết gắn liền với thực tiễn” hoặc như danh nho Vương Dương Minh đã nói: “Tri hành hợp nhất” (Biết và làm phải đi đôi với nhau). Cái khó của việc học Văn không phải là ở chỗ học nó mà ở chỗ vận dụng nó như thế nào để đem tri thức đã tiếp thu được vào cuộc sống sao cho nó hiệu quả, vì rằng tri thức mà không đem vận dụng vào cuộc sông, phục vụ cho chính bản thân mình cũng như cho nhân quần xã hội thì đó chỉ là tri thức chết, không có lợi cho ai cả.

Học Văn mà không “hành” thì văn ấy chỉ là “hư Văn”, cái học ấy chỉ là cái học từ chương khoa cử, sáo rỗng, phù phiếm cũng vô dụng mà thôi. Người học Văn đúng đắn, nghĩa là Chính Văn không những phải biết vận dụng sở học vào thực tiễn, vào nghề nghiệp mà còn nâng cao hơn, phát huy rộng rãi hơn các tri thức tiếp thu được, từ đổ sáng tạo ra những tri thức mới, những phát minh mới để đến lượt mình, góp phần làm giàu thêm kho tàng tri thức nhân loại.

Muốn đạt hiệu quả cao trong việc học Văn, người học cần thực hiện các yêu cầu căn bản sau: Cần xác định đúng đắn mục tiêu học tập: Xuất phát từ nhận thức đúng về sự cần thiết và lợi ích của việc học, có như thế người học mới tìm thây sự hứng thú, say mê trong học tập, vì quá trình học tập mang tính tự giác hơn là tính cưỡng chế. Có thích học, vui học thì việc học mới có tiến bộ.

Hoạt động học tập là quá trình vận động tự thân, năng động và đa dạng: Học từ gia đình, nhà trường đến xã hội, học mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh, mọi người, mọi phương tiện, từ thế giới sinh động xung quanh, lời giảng của thầy cô, đến sách vở. Người học phải hình thành cho mình một thói quen ham thích đọc sách vì phần lớn tri thức nhân loại được lưu trữ trong sách vở.

Có đọc sách mới tiếp xúc được với những tư tưởng cao đẹp, mới thấy được sự vĩ đại của trí tuệ con người, với nguồn trí thức vô tận không bao giờ cạn kiệt. Nếu không chịu đọc sách hoặc không tìm thấy được niềm say mê với sách thì không phát triển được tri thức. Kiến thức tiếp thu được sẽ rất hạn hẹp, người học sẽ vào đời bằng một tâm hồn trống rỗng, hệ thống kiên thức chắp vá cùng với một thói quen lười biếng tệ hại.

Làm chủ tri thức và vận dụng tri thức: Từ khát vọng chiếm lĩnh tri thức, người học sẽ tự mình tìm tòi khám phá để phát hiện ra chân lý, nắm bắt được trí tuệ của nhân loại. Người học còn phải suy nghĩ về mọi ý nghĩa, quán triệt mọi mặt vì tri thức có tính đa dạng, để tiến lên làm chủ tri thức, biến tri thức của nhân loại thành của mình. Làm chủ tri thức rồi, người học cần phải kết hợp với quá trình tư duy để vận dụng tri thức vào thực tiễn, thể nghiệm trong cuộc sống, thổi vào tri thức một luồng sinh khí để biến nó thành sinh động, phục vụ cho đời sống con người.

Không bao giờ ngừng học tập và không bao giờ ngừng suy nghĩ. Tri thức nhân loại là vô tận và nó cũng liên tục đổi mới không ngừng nghỉ. Vì thế việc học là không cùng, càng trẻ lại càng phải học nhiều để tích lũy những kiến thức, khi lớn tuổi thì vừa làm, vừa học tiếp.

Học để làm tốt hơn và làm cũng là để học trong thực tiễn. Cố nhân có nói “Ấu bất học, Lão hà vi” (Trẻ không học, lớn biết làm gì?). Có thì giờ là phải học, không được chờ kết quả của hiện tại. Đừng bao giờ mơ ước đến một cái gì nếu trong hiện tại mà không học, không làm gì cả! Cũng đừng bao giờ bằng lòng với số vốn tri thức ít ỏi mà mình có được vì sự học không bao giờ đủ được và sự bằng lòng với hiện tại là khởi đầu cho sự thoái hóa. Không cập nhật hóa tri thức, không bổ sung tri thức, nó sẽ bị lão hóa và con người không còn thích nghi với đời sống thực tại được nữa, sẽ trở thành vô dụng rồi bị đào thải. Sự học phải được kéo dài suốt đời và chỉ chấm dứt “khi nào nấm mồ của con người đã được đắp xong” như lời của Khổng Tử dạy các môn đệ của mình.

  •  Kết bài : 
“Văn học là nhân học”. “Cốt tủy của văn học chính là tình thương”. Việc học văn là để làm người tốt chứ không phải là tìm kiếm sự giàu có. Bởi vậy, hãy không ngừng khát khao chiếm lĩnh tri thức, hãy không ngừng chinh phục nó. Muốn thế, người học phải có một ý chí kiên trì để quyết tâm thực hiện con đường đã chọn nhưng đồng thời cũng phải có một nghị lực vững mạnh để đi hết con đường đó, biến ý chí thành hiện thực.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.