»» Nội dung bài viết:
Suy nghĩ về vấn đề rèn luyện đạo đức của học sinh hiện nay.
- Mở bài:
Ở mỗi thời đại khác nhau, các chuẩn mực đạo đức được xã hội công nhân cũng khác nhau. Đạo đức là một trong hai nhân tố căn bản làm nên giá trị con người. Bởi thế, việc rèn luyện và bồi dưỡng đạo đức ở con người là nhiệm vụ rất quan trọng. Đặc biệt là đối với lứa tuổi học sinh.
- Thân bài:
Đạo đức là gì?
Theo triết học, đạo đức là một hình thái ý thức xã hội, là tổng hợp các quy nguyên tắc, chuẩn mực xã hội. Nhờ đó con người tự giác điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với lợi ích và hạnh phúc của con người, với tiến bộ xã hội, trong các mối quan hệ cá nhân với cá nhân và cá nhân với xã hội.
Hiểu một cách đơn giản, đạo đức là những quy định, những chuẩn mực ứng xử của con người với người khác, với công việc với thiên nhiên và môi trường sống, được nhiều người thừa nhận và tự giác thực hiện.
Ngoài những phẩm chất cao đẹp như: đức tính khiêm nhường, khoan dung, dũng cảm, trung thực,… các phẩm chất cao quý khác của con người như: lòng thương người, lòng tự trọng, lòng hiếu thảo,… cũng được gọi là đạo đức con người.
Tại sao học sinh sống phải rèn luyện và thực hành đạo đức?
Con người sống rất cần có đạo đức. Không chỉ người tốt cần rèn luyện và thực hành lối sống có đạo đức mà bất kì ai trong xã hội cũng cần làm việc ấy. Bởi các chuẩn mực đạo đức được xã hội quy định nhằm đảm bảo cho con người hành động đúng mực, làm cho cuộc sống hiền hòa, công bằng và góp phần xây dựng trật tự, kỉ cương trong xã hội. Rèn luyện đạo đức từng ngày là nhiệm vụ cần thiết của mỗi con người trong cuộc sống này.
Người có đạo đức tốt đẹp, nhân cách cao cả luôn được mọi người tôn trọng và tin tưởng trong cuộc sống. Bởi họ luôn sống và hành động đúng theo các nguyên tắc, chuẩn mực mà xã hội đã quy định nhằm mang đến những lợi ích nhất định cho bản thân và cho tất cả mọi người. Người có đạo đức luôn hướng đến người khác, sống vì người khác. Không bao giờ họ ích kỉ, tham lam hay vụ lợi cho cá nhân.
Sống có đạo đức tâm hồn sẽ được than thản, an vui và lạc quan trong cuộc sống này. Cuộc sống của họ luôn tràn đầy ý nghĩa tốt đẹp và niềm tin tưởng hướng đến tương lai. hãy luôn dành cho người khác tình yêu thương chân thực bởi chính tình yêu thương làm nên hạnh phúc ở con người.
Đạo đức là kim chỉ nam giúp con người hành động đúng đắn và là động lực tiến bộ của con người. Sống có đạo đức giúp ta tránh được những sai lầm trong công việc và đời sống. Không những thê, còn tránh được tệ nạn xã hội và đóng góp nhiều hơn trong nhiệm vụ xây dựng và phát triển xã hội.
Xây dựng nền tảng đạo đức ở học sinh như thế nào?
Xây dựng và bồi dưỡng đạo đức ở con người là nhiệm vụ quan trọng nhất. Như Bác Hồ đã từng nói: “Người có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Người có tài mà không có đức là kẻ phá hoại”. Bởi thế, rèn luyện và thực hành lối sống đạo đức là trách nhiệm của mỗi con người.
Trước hết là chăm chỉ học tập tốt và rèn luyện nhân cách, nhân phẩm cho bản thân mình trở thành người hữu ích cho xã hôi. Mỗi học sinh sau này phải là một công dân tốt, có đạo đức trong sáng, vững mạnh, góp sức mình xây dựng quê hương đất nước.
Rèn luyện đạo đức là một hành động tự giác, tự nguyện. Tự giác thực hiện những chuẩn mực đạo đức, quy định của cộng đồng, tập thể chúng ta sẽ cảm thấy thoải mái và được mọi người tôn trọng, quý mến.
Không những luôn tuân thủ những chuẩn mực xã hội, chấp hành luật pháp, học sinh cần thực hiện rèn luyện đạo đức về mọi mặt. Trong học tập, phải phấn đấu học tập hiệu quả, nghiêm túc. Lấy học tập làm mục đích của hành động và luôn ưu tiên cho nhiệm vụ ấy. Trong quan hệ với bạn bè phải hòa đồng, đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Trong quan hệ với thầy cô giáo phải biết kính trọng, lễ phép. Trong mối quan hệ với gia đình phải hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; giữ gìn và phát huy truyền thống gia tộc mình.
Học sinh cần phải có tình yêu thương con người. Chính tình yêu thương con người dẫn ta đến với mọi người, gắn mình với tập thể. Thực hành lối sống vị tha, đề cao tình nghĩa. Đồng thời kiên quyết chống lại cái xấu và hiện tượng suy thoái trong đạo đức con người.
Trên cơ sở tiếp thu nền tảng đạo đức tốt đẹp của dân tộc, học sinh cũng cần phải tiếp thu các giá trị đạo đức trong thời địa mới. Những giá trị nào của truyền thống mà còn đúng đắn, tích cực thì phát huy mạnh mẽ. Những giá trị nào đã lạc hậu, không phù hợp nữa thì mạnh bỏ đi. Những giá trị đạo đức mới mẻ, tiến bộ cần tiếp nhận một cách nghiêm túc. Giá trị đạo đức trong thời đại mới phải là những giá trị đã được thử thách và khẳng định qua thời gian và phù hợp với đời sống dân tộc.
Con người không có đạo đức như bông hoa không có hương thơm, mặt trời không có ánh sáng, cây cối không có màu xanh. Sống không có đạo đức không những không làm việc gì có ích mà còn gây hại trong cuộc sống này.
Phê phán:
Trong cuộc sống, vẫn còn có nhiều học sinh không chăm lo rèn luyện và bồi dưỡng đạo đức của bản thân. Họ sống buông thả, tùy tiện, bất chấp đạo lí. Họ thường dễ sa nạn vào tệ nạn xã hội, vi phạm luật pháp và thất bại trong cuộc sống. Những người như thế thật đáng chê trách.
Bài học nhận thức và hành động:
Chính đạo đức trong sáng, vững mạnh và cao đẹp làm nên giá trị con người. Mỗi học sinh phải biết rèn luyện, bồi dưỡng đạo đức để trở thành người hữu ích, mai này đem sức mình xây dựng quê hương, đất nước.
- Kết bài:
“Không bao giờ có một người thực sự vĩ đại mà lại không phải là một người thực sự đạo đức” (Benjamin Franklin). Đức tính đáng quý nhất ở con người là giản dị. Hãy bồi dưỡng đạo đức tốt đẹp cho bản thân để có thể xây dựng cuộc sống thành công và thực sự hạnh phúc.
Bài tham khảo:
- Mở bài:
Dân tộc ta vốn rất chú trọng xây dựng nền tản đạo đức trong xã hội. Người có đạo đức luôn được tôn trọng và ngợi ca. Thế nhưng, ngày nay, khi nền kinh tế thị trường phát triển cao, nền tảng đạo đức ấy lại suy thoái trầm, đặc biệt là ở lứa tuổi học sinh. Hiện tượng suy thoái đạo đức của học sinh ngày nay gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục con người, đến đời sống của con người, ảnh hưởng đến trật tự, an ninh đất nước.
- Thân bài:
Đạo đức là hệ thống các quy tắc, tiêu chuẩn, chuẩn mực xã hội tốt đẹp do con người quy ước với nhau mà nhờ đó con người tự nguyện điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với lợi ích của cộng đồng, xã hội. Thực tế cho thấy, trong đời sống xã hội đã có những biểu hiện xem nhẹ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, chạy theo thị hiếu không lành mạnh. Cuộc đấu tranh giữa cái tiến bộ và cái lạc hậu, giữa lối sống lành mạnh trung thực, có lý tưởng…với lối sống ích kỉ, thực dụng…đang diễn ra hàng ngày. Bên cạnh những hệ giá trị mới được hình thành trong quá trình hội nhập, những cái tiêu cực cũng đang xâm nhập vào đạo đức, lối sống của nhiều tầng lớp nhân dân.
Để chuẩn bị cho hành trang vào đời, các bạn không chỉ mang theo vốn kiến thức được học mà phải là người có đạo đức tốt, xứng đáng cương vị là một sinh viên, hay nói đúng hơn “trước khi thành tài thì phải thành nhân”. Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã từng nói: “có tài mà không có đức thì là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm gì cũng khó” qua đó cũng đủ hiểu Người coi trọng như thế nào về đạo đức lối sống .Yếu tố đó không những quyết định kết quả học tập mà quyết định đến tương lai và cuộc đời của mỗi bạn. “Giới trẻ là tương lai của giáo
Tình trạng giới trẻ sống buông thả, không coi trọng giá trị đạo đức đã và đang diễn ra ở nhiều nơi. Hiện tượng học sinh lười học, gây gỗ, trấn lột xảy ra thường xuyên. Ngày càng có nhiều học sinh có thái độ vô lễ, không xem trọng thầy cô giáo. Tình trạng yêu sớm ở lứa tuổi học sinh trở nên phổ biến. Ma túy có nguy cơ xâm nhập vào trường học. Tình trạng bạo lực học đường không ngừng tăng cao, đến mức đang báo động trong nhiều năm qua. Đáng lo ngại hơn nữa đó là hiện tượng sinh viên, học sinh gây bạo lực đối với giáo viên cũng gia tăng.
Một số đông bạn trẻ đang chạy theo vòng xoáy của “văn hóa tốc độ”. Từ những sách báo không lành mạnh, đến những băng đĩa phim sex được trao cho nhau cách dễ dàng, từ những quán Karaoke buổi tối đến những vũ trường, quán bar thâu đêm, rồi vào những ngôi nhà nghỉ. Mặt khác, tình trạng đua xe cũng là một trong những vấn đề nổi cộm đang được diễn ra ở nhiều nơi. Tình trang các trường hợp trộm cướp tài sản ở lứa tuổi học sinh có chiều hướng gia tăng.
Đã có rất nhiều bài viết chỉ ra các nguyên nhân dẩn đến việc xuống cấp đạo đức của học sinh, sinh viên. Có ý kiến cho rằng do gia đình thiếu sự quan tâm, chưa kết hợp với nhà trường trong giáo dục đạo đức của các em. Nhưng trong thực tế, không phải trường hợp học sinh vi phạm đạo đức nào cũng ở trong hoàn cảnh gia đình không quan tâm.
Nền kinh tế xã hội phát triển ngày càng cao và sự bùng nổ thông tin, dẫn đến việc một bộ phận gia đình khá giả chiều chuộng con mình, tạo nên sự đua đòi trong các em. Điện thoại di động, Internet, phim ảnh của các Website đen đã tác động không nhỏ đến nhận thức, lối sống và cách hành xử của học sinh, làm hư hỏng học sinh bởi bản tính tò mò, hiếu động của tuổi mới lớn.
Luật pháp chưa nghiêm, chưa đủ sức mạnh răn đe. Hình thành nhân cách, đạo đức một con người đâu chỉ giáo dục trong nhà trường phổ thông là đủ. Nhân cách của mỗi cá nhân trong xã hộ ít nhiều đều bị chi phối bởi cách mà xã hội đó đang hành xử với nhau. Nếu được sống trong một môi trường nghiêm minh về pháp luật, chuẩn mực về đạo đức, mọi người hành xử với nhau một cách có tình có lý, chắc chắc đó sẽ là một môi trường giáo dục lý tưởng trong việc hình thành nhân cách đạo đức của học sinh.
Do sức ép về lao động, việc làm khiến cho không ít các bậc làm cha, làm mẹ mải miết mưu sinh hoặc chỉ lo làm giàu mà thiếu quan tâm việc giáo dục đạo đức cho con cái, hoặc giao phó nhiệm vụ ấy cho nhà trường và xã hội.
Do cuộc sống có quá nhiều hiện tượng tiêu cực mà các học sinh hàng ngày phải chứng kiến. Nhà trường thường xuyên giáo dục các em về tính trung thực, phải biết vươn lên bằng chính đôi chân của mình. Nhưng trong thực tế các em lại chứng kiến có quá nhiều người lớn không trung thực nhưng vẫn “thành đạt”. Tệ nạn sử dụng bằng giả hay mua bằng, gian dối trong báo cáo thành tích, sự thiếu nghiêm minh của pháp luật tác động lên các em hàng ngày trách sao các em không thiếu niềm tin với những điều học được trong nhà trường.
Một nguyên nhân không kém phần quan trọng đó chính là chương trình giảng dạy đạo đức ở các cấp học chưa đủ sức hình thành và hoàn thiện nhan cách, nhân phẩm tốt đẹp cho học sinh. Chương trình học tập chỉ lý thuyết suông, thiếu kỷ năng sống, lại không tạo được dấu ấn để tác động hình thành nhân cách học sinh. Những bài học ý nghĩa, gần gũi với đời sống không được chú trọng mà thay bằng những bài học quá trừu tượng. Phương pháp giáo dục đạo đức theo kiểu giáo điều không còn phù hợp nữa, cần phải đưa học sinh vào các xử lý tình huống thực tế.
Để khắc phục tình trạng suy thoái đạo đức của học sinh ngày nay, cần phải thường xuyên chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng, lối sống trong sạch, lành mạnh cho học sinh, sinh viên. Đây là giải pháp cơ bản nhằm xây dựng, hình thành nhân cách con người. Hình thành lối sống trong sạch, lành mạnh, những hành vi đạo đức trong sáng phù hợp với các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và thời đại.
Phải kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục, rèn luyện đạo đức, lối sống cho học sinh. Đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng cùng chăm lo giáo dục, rèn luyện đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, hình thành phẩm chất cao đẹp.
Giáo dục đạo đức trong nhà trường cần giảm thiểu những vấn đề cao xa, lớn lao, thay vào đó cần kiên trì bồi đắp lòng nhân ái, tính trung thực, lòng tự trọng, nếp nghĩ và lối sống lành mạnh, trọng đạo lý, sống có kỷ luật. Chương trình sách giáo khoa giáo dục công dân bậc phổ thông cần phải có những thay đổi từ nội dung đến phương pháp truyền đạt. Những giá trị đạo đức, ứng xử trong đạo lý của người Việt Nam cần phải được chuyển tải trong những tình huống cụ thể, gần gũi để học sinh dễ tiếp cận, dễ nhớ. Cần dạy cho học sinh những giá trị đạo đức cơ bản của con người thay cho quá nhiều kiến thức triết học, hàn lâm, thiếu vắng việc hình thành những thói quen đạo đức và kỹ năng sống phù hợp với những chuẩn mực xã hội.
Giáo dục lý tưởng, đạo lý làm người là nội dung giáo dục hàng đầu trong nhà trường hiện nay và phải đặc biệt coi trọng. Cần quan tâm định hướng tạo môi trường thuận lợi để h ọc sinh, viên phấn đấu, rèn luyện, trưởng thành. Rèn luyện học sinh, sinh viên theo các chuẩn mực đạo đức cách mạng. Kịp thời biểu dương, nhân rộng cách làm hay và kiên quyết uốn nắn những thiếu sót, lệch lạc, những biểu hiện lệch chuẩn trong đạo đức, lối sống của thanh niên.
Gia đình là nơi lưu giữ các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc, là môi trường đầu tiên hình thành đạo đức cho học sinh. Trong gia đình, ông bà, cha mẹ phải thật sự mẫu mực, làm gương về đạo đức, yêu thương, chăm lo bồi dưỡng thế hệ trẻ. Mỗi gia đình cần giữ gìn đạo đức, nề nếp gia phong, phát huy các giá trị đạo đức truyền thống, làm cho các giá trị đó ngày càng toả sáng, góp phần bồi dưỡng tư tưởng tình cảm cao đẹp cho thế hệ trẻ.
Phát huy vai trò của học sinh, sinh viên trong tự học tập, tự tu dưỡng đạo đức lối sống là biện pháp quan trọng giúp họ nhanh chóng tiến bộ, trưởng thành. Trước hết phải hình thành cho học sinh nhu cầu, động cơ phấn đấu, rèn luyện đúng đắn, làm cho mỗi người có ý thức làm chủ, ham học hỏi, cầu tiến bộ, vươn lên tự khẳng định mình. Cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để học sinh, sinh viên phấn đấu, rèn luyện; đồng thời phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá kết quả, định hướng phấn đấu cho học sinh. Quan tâm đáp ứng những nhu cầu chính đáng của học sinh về vật chất, tinh thần; giao nhiệm vụ phù hợp với sở trường, năng khiếu đặc điểm tâm, sinh lý của họ sẽ tạo điều kiện tốt để thanh niên rèn luyện đạo đức, lối sống.
Mỗi học sinh phải xác định rõ trách nhiệm trước Tổ quốc và nhân dân, sống có lý tưởng, có hoài bão, khát khao vươn tới cái mới, cái tiến bộ. Bản thân mỗi người tự giác rèn luyện, biết tự kiềm chế, biết vượt qua những cám dỗ và tiêu cực xã hội, những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, thực dụng, lợi mình hại người. Phải tự tin vào chính mình, giữ vững niềm tin trong cuộc sống, vào các giá trị chân, thiện, mỹ; vượt qua mọi khó khăn gian khổ như Bác Hồ đã dạy: “gian nan rèn luyện mới thành công”.
Đã đến lúc xã hội cần nhìn nhận vấn đề đạo đức học sinh, sinh viên trong nhà trường hiện nay với một tinh thần trách nhiệm và nghiêm túc. Cần phải đổi mới hoàn toàn cách thức mà lâu nay chúng ta đã dùng để giáo dục đạo đức học sinh, sinh viên. Bản thân giáo dục đã mang tính xã hội hóa, nhà nước cần tạo điều kiện để toàn dân tham gia vào công tác giáo dục học sinh, sinh viên. Điều quan trọng là cần có một môi trường xã hội lành mạnh, mọi người sống tuân thủ pháp luật và tôn trọng những giá trị đạo đức xã hội.
- Kết bài:
Giáo dục là quốc sách hàng đầu, thì việc giáo dục đạo đức học sinh chính là trang đầu của quốc sách ấy. Vai trò của Giáo dục thật sự quan trọng và có thể ảnh hưởng đến sự tồn vong của một dân tộc. Thực hiện tốt một số giải pháp giáo dục rèn luyện đạo đức cho học sinh là góp phần đào tạo, giáo dục thế hệ tương lai của đất nước.