Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng (Hồ Nguyên Trừng)

Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng (Hồ Nguyên Trừng)

Cụ tổ bên ngoại của Trừng[1], người họ Phạm, huý[2] là Bân, có nghề y gia truyền[3], giữ chức Thái y lệnh[4] để phụng sự Trần Anh Vương[5].

Ngài thường đem hết của cải trong nhà ra mua các loại thuốc tốt và tích trữ thóc gạo. Gặp kẻ bệnh tật cơ khổ, ngài cho ở nhà mình, cấp cơm cháo, chữa trị. Dẫu bệnh có dầm dề máu mủ, ngài cũng không hề né tránh. Bệnh nhân đến chữa tới khi khoẻ mạnh rồi đi. Cứ như vậy, trên giường không lúc nào vắng người.

Bỗng liền năm đói kém, dịch bệnh nổi lên, ngài lại dựng thêm nhà cho những kẻ khốn cùng đói khát và bệnh tật đến ở, cứu sống hơn ngàn người. Ngài được người đương thời trọng vọng[6].

Một lần, có người đến gõ cửa, mời gấp:

– Nhà có người đàn bà, bỗng nhiên nguy kịch, máu chảy như xối, mặt mày xanh lét.

Nghe vậy, ngài theo người đó đi ngay. Nhưng ra tới cửa thì gặp sứ giả do vương sai tới, bảo rằng:

– Trong cung có bậc quý nhân[7] bị sốt, vương triệu đến khám.

Ngài nói:

– Bệnh đó không gấp. Nay mệnh sống của người nhà người này chỉ ở trong khoảnh khắc. Tôi hãy cứu họ trước, lát nữa sẽ đến vương phủ[8].

Quan Trung sứ[9] tức giận nói:

– Phận làm tôi, sao được như vậy? Ông định cứu tính mạng người ta mà không cứu tính mạng mình chăng?

Ngài đáp:

– Tôi có mắc tội, cũng không biết làm thế nào. Nếu người kia không được cứu, sẽ chết trong khoảnh khắc, chẳng biết trông vào đâu. Tính mệnh của tiểu thần[10] còn trông cậy vào chúa thượng[11], may ra thoát. Tội tôi xin chịu.

Nói rồi, đi cứu người kia. Họ quả được cứu sống. Lát sau, ngài đến yết kiến[12], vương quở trách. Ngài bỏ mũ ra, tạ tội, bày rõ lòng thành của mình. Vương mừng nói:

– Ngươi thật là bậc lương y[13] chân chính, đã giỏi về nghề nghiệp lại có lòng nhân đức, thương xót đám con đỏ[14] của ta, thật xứng với lòng ta mong mỏi.

Về sau, con cháu của ngài làm quan lương y đến hàm ngũ phẩm, tứ phẩm[15] có tới hai ba vị. Người đời đều khen ngợi họ không để sa sút nghiệp nhà.

Chú thích:
[1] Tức Hồ Nguyên Trừng.
[2] Ở đây là tên của người đã chết, thường kiêng không nói đến.
[3] Truyền từ đời này sang đời khác trong phạm vi gia đình.
[4] Chức quan trông coi việc chữa bệnh trong cung vua.
[5] Tức Trần Anh Tông, làm vua từ năm 1293 đến năm 1314 (vương: vua; tước cao nhất trong triều đình ngày xưa).
[6] Hết sức coi trọng và ngưỡng mộ.
[7] Ở đấy có nghĩa là người ở bậc cao sang và được tôn kính.
[8] Nơi ở và làm việc của các bậc vua chúa, quý tộc phong kiến xưa.
[9] Một chức quan phục vụ công việc của triều đình.
[10] Người bề tôi ở bậc nhỏ, thấp, theo cách nói nhún nhường.
[11] Từ dùng để gọi vua chúa một cách tôn kính (thời phong kiến).
[12] Ra mắt người bề trên.
[13] Thầy thuốc giỏi.
[14] Dịch nghĩa hai từ “xích tử” mà ngày xưa vua chúa dùng để chỉ những người dân thường.
[15] Có chín bậc phẩm hàm. Cao nhất là nhất phẩm – phẩm hàm bậc nhất. Thấp nhất là cửu phẩm – phẩm hàm bậc chín. Trong mỗi phẩm hàm lại có hai loại: chính, tòng).

Nguồn: Hồ Nguyên Trừng, Nam Ông mộng lục, Ưu Đàm – La Sơn soạn dịch, chú giải, Nguyễn Đăng Na giới thiệu, NXB Văn học, Hà Nội, 1999

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang