the-song-that-luc-bat

Thể Song thất lục bát.

Song thất lục bát.

Song thất lục bát là một thể thơ cách luật của Việt Nam, gồm có những đặc điểm chính sau đây:

a. Mỗi khổ thơ gồm bốn câu. Hai câu đầu bảy tiếng (song thất), câu thứ ba sáu tiếng (câu lục), câu thứ tư tám tiếng (câu bát).

Ví dụ:

Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu.
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai.

(Chinh phụ ngâm)

Trong quá trình phát triển, song thất lục bát có các dạng biến thể sau đây:

– Sự thay đổi trình tự các câu thơ: hai câu 6 và 8 chữ đứng trước hai câu 7 chữ (gọi là lục bát gián thất).

– Số chữ trong mỗi câu tăng lên, câu thơ kéo dài ra. Đa số trường hợp này thường rơi vào các bài thơ dân gian. Do ảnh hưởng của âm nhạc, những bài ca dân gian cần có thêm từ xen vào giữa các câu thơ.

Ví dụ:

Sông (cạn) biển cạn, lòng ta không cạn
Núi (lở) non mòn, ngãi bạn không quên.
Đường còn qua lại xuống lên
Ơn bạn bằng biển ngãi (ta) đền bằng non.

(Dân ca miền Nam Trung Bộ)

Ta có thể khôi phục lại nguyên dạng song thất lục bát nếu bỏ đi một số từ hay âm tiết trong khổ thơ trên.

b. Song thất lục bát có vần lưng kết hợp với vần chân.

Xét một khổ thơ theo sơ đồ sau:

1 2 3 4 5 6 7 (Câu thất)
1 2 3 4 5 6 7 (Câu thất)
1 2 3 4 5 6 (Câu lục)
1 2 3 4 5 6 7 8 (Câu bát)

– Chữ thứ năm của câu 2 bắt vần với chữ thứ bảy của câu 1 (vần trắc).
– Chữ thứ sáu của câu 3 bắt vẫn với chữ thứ bảy của câu 2 (vần bằng).
– Chữ thứ sáu của câu 4 bắt vần với chữ thứ 6 của câu 3 (vần bằng).

Câu 1 và câu có 2 vần lưng bắt với nhau, câu 2 và câu 3 có vần chân bắt với nhau, câu 3 và câu 4 có vần lưng bắt với nhau.

– Trong 2 câu 7 chữ, chỉ có chữ thứ 3, 5 và 7 cần theo đúng niêm luật.
– Trong câu 6 chữ, chỉ có chữ thứ 2, 4 và 6 cần theo đúng niêm luật.
– Trong câu 8 chữ, chỉ có chữ thứ 2, 4, 6 và 8 cần theo đúng niêm luật.
– Những chữ còn lại có thể chọn thanh bằng hay trắc tùy ý miễn sao đọc lên âm điệu nghe xuôi tai là được.

Từ đặc điểm này, có thể khẳng định: song thất lục bát có nguồn gốc dân tộc, không phải là sự kết hợp giữa thể lục bát của ta và thể Đường luật của Trung Quốc (những câu thơ Đường luật cũng bảy chữ nhưng chỉ có vần chân, không có vần lưng),…

Ví dụ:

Nhẽ trời đất thường khi gió bụi,
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên.
Xanh kia thăm thẳm tầng trên,
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này?

(Chinh phụ ngâm khúc – Đoàn thị Điểm) 

c) Nhịp điệu :

Hai câu bảy thường có nhịp : 3/4 hoặc 3/2/2.
Câu sáu có nhịp : 3/3/ hoặc 2/2/2.
Câu tám có nhịp : 4/4 hoặc 2/2 2/2.

Nhìn chung song thất lục bát là thể thơ tương đối tự do, có khả năng dồi dào trong diễn tả tư tưởng, tình cảm.

Là một thể thơ đặc biệt của người Việt, song thất lục bát cùng với lục bát rất được các tác giả ưa chuộng trong suốt thời kì văn học trung đại Việt Nam. Song thất lục bát phát triển rực rỡ ở nước ta vào cuối thế kỷ XVIII và có sức sống bền vững trong các thời kỳ văn học sau.. Nhiều tác phẩm tiêu biểu của văn học Việt Nam đã sử dụng thể thơ này như bản dịch Chinh phụ ngâm (Đoàn Thị Điểm), Ai tư vãn (Lê Ngọc Hân), Văn tế thập loại chúng sinh (Nguyễn Du), Cung oán ngâm khúc (Nguyễn Gia Thiều), Tự tình khúc (Cao Bá Nhạ), bản dịch Tì bà hành (Phan Huy Thực), Khóc Dương Khuê (Nguyễn Khuyến), Hải Ngoại huyết thư (Phan Bội Châu)v.v…

Sau khi phong trào Thơ mới xuất hiện, song thất lục bát không còn được các nhà thơ ưa chuộng nữa. Lưu Trọng Lư, Phạm Huy Thông, Hàn Mặc Tử có số ít bài song thất lục bát. Các tác phẩm thuộc thể thơ này ngày càng hiếm gặp, có lẽ một phần do những quy định về vần luật phức tạp và khó khăn của nó. Một số tác phẩm song thất lục bát tiêu biểu của thời kì hiện đại có thể kể đến: Bà má Hậu Giang, Ba mươi năm đời ta có Đảng (Tố Hữu)…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang