tho-ca-la-cai-dep-di-tim

Nghị luận: Thơ ca là cái đẹp đi tìm

Nghị luận: Thơ ca là cái đẹp đi tìm.

  • Mở bài:

Có nhà mỹ học nói: mọi thể chế chính trị rồi sẽ qua đi, nhưng câu thơ đẹp thì vẫn còn. Điều đó đúng khi cái đẹp trong thơ phải gắn với đạo đức xã hội. E.Căng có lần nói đại ý: Lý tưởng của chân lý là của Trời còn lý tưởng của cái đẹp là Con người. Cái đẹp của con người bao giờ cũng gắn với cái đạo đức. Cái được nằm ở giai đoạn của cảm thụ tự nhiên còn cái sau là cái phải trở nên. Thơ ca lại càng như vậy, lý tưởng của nhà thơ, năng lượng thẩm mỹ của nhà thơ nằm ở sức hút nam châm mọi cảm thụ cái đẹp của người đọc. Thơ ca là cái đẹp đi tìm. Không có lý tưởng hoặc lý tưởng hời hợt, không bắt nguồn đời sống, quay lưng lại một số phận con người, thì mọi tìm kiếm cái đẹp cái mới của nhà thơ trở thành con số không.

  • Thân bài:

Thuở xa xưa, khi con người chưa biết gì đến thi ca và âm nhạc, họ thưởng thúc cuộc sống tươi đẹp qua những hình ảnh và tiếng vọng của thiên nhiên. Một hôm, họ thấy một con chim đang say sưa hót trên bầu trời. Tiếng hót trong trẻo vút cao lảnh lót. Bỗng con chim khép đôi cánh lại, bất ngờ lao vút vào bụi gai rậm và chết trên gai nhọn. Xúc động trước cảnh tượng đó con người cố tìm một cách biểu đạt thật cảm động những tình càm của mình. Và thế là, thơ ca ra đời từ đó.

Theo ý nghĩa đó, thơ ca chính là sự rung động của con người trước cái đẹp. Tiếng chim là âm thanh nổi bậc và quyến rũ nhất trong các âm thanh của tự nhiên. Tiếng chim réo rắt trên trời cao, tiếng chim thì thầm trong lá biếc đều mang đến cho ta cảm giác thanh bình thật dễ chịu, xua tan hết bao điều bực dọc và u uẩn đưa tâm hồn ta đến với sự thanh cao, giải thoát. Từ lúc biết lắng nghe tiếng hót của loài chim, con người mới cảm nhận được cái hay của âm thanh. Họ bắt đầu lắng nghe tiếng nước suối chảy và phát hiện ra ở đó một nhịp điệu. Họ cũng lắng nghe tiếng mưa rơi và cả những âm thanh dữ dôi nhất của tự nhiên và tìm thấy ở đó một niềm thích thú mạnh mẽ. Âm thanh đã thực sự thu hút con người và khiến họ biết rung cảm.

Thế nhưng, chỉ đến khi nhìn thấy con chim lao mình vào cành gai nhọn, cắt đứt sự sống và tiếng hót đầy say mê của nó, những rung động ấy mới chuyển hóa thành thơ. Thơ ca chính là nỗi đau thương của con người trước cuộc sống. Thơ ca là niềm cảm thông, đồng vọng, đồng cảm, xót thương, đau khổ,… kể cả niềm hụt hẫng của con người trước trước nghịch cảnh khổ đau, bất trắc.

Theo thần thoại Hy Lạp, Calliope được xem là nữ thần của thi ca. Bà là người đứng đầu trong 9 nữ thần nghệ thuật và khoa học. Calliope còn được xem là nữ thần của trí tuệ, tri thức, hùng biện và giai điệu. Nghĩa là, người Hy Lạp cổ đại cho rằng thơ ca đứng đầu trong các ngành nghệ thuật và năng lực của rất nhiều nguồn sức mạnh.

Thơ là tiếng nói đầu tiên tiếng nói thứ nhất của tâm hồn khi đụng chạm với cuộc sống. Thơ ca tự nó khởi phát chứ không phải do một năng lực được kí thác. Con người tự biết rung động  trước thiên nhiên và tìm cách biểu đạt nó ra bằng ngôn từ. Và từ muôn đời nay, dù xã hội có thế nào, thì thơ ca vẫn cất giữ trong nó ngọn lửa bất diệt sẵn sàng bùng cháy lên trong mọi hoàn cảnh. Những thi sĩ luôn là những người được kính trọng trong xã hội. Họ xuất thân từ nhiều tầng lớp, nhiều hoàn cảnh nhưng đối với con người họ là những vị thần sáng tạo, mang đến cho cuộc sống những vần thơ êm dịu, giúp họ vơi bớt nỗi đau và tìm thấy mình ở đâu đó trong câu thơ.

Có thể nói, hầu hết các bộ sử thi vĩ đại của nhân loại đều viết bằng lời thơ. Hai bộ đại sử thi Ấn Độ Ramayana hay Mahabharata là những bài thơ bất tận, kết tinh trí tuệ của rất nhiều con người qua nhiều thời đại. Người ta ví hai bộ sử thi này là túi khôn của người Ấn và hằng ngày mỗi người Ấn đều ca tụng nó. Những gì có trên Ấn Độ đều có trong hai bộ sử thi vĩ đại này. Người ta cũng kinh ngạc là làm sao khi chưa có chữ viết mà người Ấn Độ có thể lưu lại hai bộ sử thi ấy một cách nguyên vẹn qua mấy ngàn năm. Đó cũng là một câu hỏi khiến các nhà nghiên cứu phân vân. Một cách trả lời rất đơn giản đó là nó đã được viết bằng lời thơ chứ không phải là văn xuôi.

Tiếp đến là phải kể đến hai bộ sử thi cũng không kém phần đồ sộ của Hy Lạp: OdixeIlyat. Hai bộ sử thi đồ sộ thâu tóm toàn bộ cuộc chiến đấu của đoàn quan Hy Lạp chinh phục kẻ thù và cả những cuộc nội chiến. Odixe tiếp sau nội dung của Ilyat nhưng được viết dài hơn. Điểm chung nhất của các bộ sử thi là biểu hiện cái đẹp trong trạng thái rực rỡ nhất của con người và tự nhiên. Đó có thể là một vị anh hùng với sức khỏe và dáng dấp phi thường, trái tim bao dung, ý chí mãnh liệt, trí tuệ phi phàm. Đó có thể là một trận đánh vô cùng khốc liệt, diễn ra trong một thời gian dài ở thế trận dằng co, gây cấn và khi thắng bại phân tranh thì chiến trường hoang tàn đầy xác chết. Có thể nói ngôn ngữ sử thi luôn biểu hiện sự vật ở trạng thái tột bậc, phi thường, tráng lệ.

Người đời sau đọc sử thi, họ lại tiếp tục đi tìm cái đẹp được ẩn giấu sau lớp ngôn từ mềm mại ấy. Đã qua biết bao thời gian, biết bao cái mới được hình thành nhưng những giá trị cũ xưa luôn gây cho ta niềm hứng thú, say mê đến bất tận. Ta càng đọc càng thấy cha ông vĩ đại, thấy mình có trách nhiệm nhiều hơn trong nhiệm vụ giữ gìn, phát huy tiếp biến những giá trị vĩnh hằng ấy.

  • Kết bài:

Nhà thơ, bác sĩ Alice Sun-Cua (Philippinnes) thì cho rằng: Thơ luôn là món quà của tinh thần, để bước vào thế giới nội tâm. Cách trình bày có thể khác nhau, cách viết có thể khác nhau, nhưng các nhà thơ cùng nhau đi tìm vẻ đẹp, vì sự thật. Và đối với đa số, vì tình yêu. Nhận ra điều này, con đường cô đơn của người làm thơ trở thành có thể chia sẻ: Chúng ta có những mục đích, ước vọng chung, đặc biệt vì hòa bình trong và giữa các nước chúng ta

Bình luận: Thơ là rượu của thế gian (Huy Trực)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang