Thơ Hồ Chí Minh chứa đựng nhiều tình cảm cao đẹp. Qua 2 bài thơ Tức cảnh Pác Bó và Ngắm trăng, hãy chứng minh làm sáng tỏ nhận định trên
- Mở bài:
“Tức cảnh Pác Bó” và “Ngắm trăng” là hai thi phẩm xuất sắc của Hồ Chí Minh. Đọc bài thơ nào của Bác ta cũng đều bắt gặp một tình yêu thương tha thiết dành cho thiên nhiên và con người.
- Thân bài:
Đến với thơ của Hồ Chí Minh dù ở bất cứ hoàn cảnh nào ta cũng cảm thấy chan chứa một tình yêu tha thiết. Có khi tình yêu ấy hòa vào thiên nhiên để cùng sống với nó và vượt qua mọi gian khổ để thực hiện công việc lớn lao – giải phóng dân tộc qua bài “Tức cảnh Pác Bó” có khi lại bắt gặp Bác đang đối diện với ánh trăng qua song sắt nhà tù khắc nghiệt qua bài “ Ngắm trăng”.
Tình yêu thiên nhiên là một trong những vẻ đẹp của con người Hồ Chí Minh.
Đọc bài “ Ngắm trăng” thiên nhiên đến với người trong một hoàn cảnh đặc biệt giữa chốn lao tù. Dù bị xiềng xích mất tự do nhưng khi gặp lại ánh trăng thì người tù vẫn đón nhận nó một cách tự do – một thi nhân tìm đến với cái đẹp.
Trước ánh trăng sáng, Tâm trạng của Người trở nên bối rối. Người nghĩ đến hoàn cảnh thực tại, thấy thiếu thốn mọi thứ để có thể hòa mình với vầng trăng theo đúng nhã thú của người xưa. Thế nhưng, dù không có gì nhưng trong lòng người có một tình yêu tha thiết dành cho cảnh đẹp đem nay:
“Trong tù không rượu cũng không hoa,
Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ”.
Hiện thực thiếu thốn của nhà tù không thể ngăn cản tâm hồn bác tìm đến với vầng trăng. Có thể thấy, tình cảm của Người đối với trăng không bao giờ thay đổi. Trăng đối với Người không chỉ là hiện thân của cái đẹp của vũ trụ mà còn là người bạn hiền, là tri âm tri kỉ. Trong Nhật kí trong tù, trăng đã nhiều làn xuất hiện, lúc nào cũng hiền dịu, chân tình:
“Trăng gió đêm Thu gợn vẻ sầu
Chẳng được tự do mà thưởng nguyệt
Lòng theo vời vợi mảnh trăng Thu”
(Trăng thu)
Bác coi trăng như là hình ảnh lý tưởng để vươn tới Lúc bị lính áp giải, tay chân bị trói, tưởng không còn để ý gì được đến ngoại cảnh, vậy mà bằng những cảm quan cực nhạy của tâm hồn nhà thơ, Bác vẫn có cái nhìn mới về trăng:
“Chòm sao đưa nguyệt vượt lên ngàn”
(Giải đi sớm)
“Khóm chuối trăng soi càng thấy lạnh”
(Đêm lạnh)
Giữa bốn phía xà lim lạnh lẽo, Hồ Chí Minh thi sĩ chỉ biết làm bạn với trăng và mượn trăng để giãi bày tâm trạng, chia sẻ nỗi niềm. Trăng trong Nhật ký trong tù của Bác là biểu hiện của khát khao vươn tới tự do bay khắp nhân gian để tỏa sáng.
Đêm nay, vầng trăng ấy lại tìm đến. Trước vẻ đẹp trong sáng của ánh trăng, người chiến sĩ cách mạng đã quên bản thân mình là thân tù. Hướng ra ngoài đối diện tâm đàm với ánh trăng.
“Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ,
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”.
Dù bị giam cầm, xiềng xích, người tù vẫn chủ động hướng ra ngoài cửa ngục để đón nhận trăng, chiêm ngưỡng vẻ đẹp lung linh sáng ngời, quên hẳn đi cái cùm gông đang đè nặng lên thân xác. Xiềng xích có thể trói một thân xác chứ không thể trói một tâm hồn tự do. Chính sự say mê thiên nhiên ấy đã mang đến người những phút giây thanh thản đến tuyệt vời. Và thật lạ, như cảm động trước tình người, vầng trăng cũng nhòm qua khe cửa đến tâm sự với người một cách tự nhiên. Có thể nói có thể sống hòa mình với thiên nhiên là nếp sống cao đẹp của chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đọc bài thơ “Tức cảnh Pác Bó” ta hiểu hơn về tình yêu thiên nhiên tha thiết và khát vọng giải phóng dân tộc của Người. Những ngày mới trở về nước, phong trào cách mạng rất cần đến Bác. Mọi hoạt động cách mạng phải hoàn toàn bí mật, Bác sống và làm việc ở hang Pác Bó – Cao Bằng, điều kiện ăn ở vô cùng gian khổ: phải ngủ trong hang đá, phải ăn cháo bẹ với rau măng, Bác lại bị sốt rét liên miên, phải làm việc trên một bàn đá chông chênh. Thế mà Bác vẫn vui, vẫn bằng lòng đôi khi còn xem đó là cái thú lâm tuyền như người xưa.
“Sáng ra bờ suối, tối vào hang,
Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng.
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng”
Bài thơ được viết trong những ngày Bác hoạt động cách mạng bí mật ở Pác Bó – Cao Bằng. Lức áy, cuộc sống gian khổ “cháo bẹ rau măng” nhưng Bác vẫn thấy vui sướng khi được sống trên quê hương mình và chấp nhận khó khăn để vượt qua.
Nếu không vì dân vì nước thì làm sao Bác có thể hóm hỉnh mà gọi cuộc đời cách mạng như thế là “sang” kết thúc bài thơ mở ra bao điều thú vị. Một chứ thôi đã nói lên tất cả tấm lòng vì dân, vì nước, vì công cuộc giải phóng dân tộc vĩ đại mà không quản ngại khó khăn, không nề hà gian khổ, hi sinh.
- Kết bài:
“Tức cảnh Pác Bó” và “Ngắm trăng” vừa thể hiện phong thái ung dung, tự tại, tinh thần lạc quan yêu đời của Bác trong nghịch cảnh, ý chí sắt đá của người chiến sĩ cách mạng kiên trung, vừa thể hiện tình yêu thiên nhiên thiết tha, đức hi sinh cao cả vì nhân dân, đất nước của Bác Hồ vĩ đại.