“Thơ là bà chúa của nghệ thuật” (Xuân Diệu)
- Mở bài:
Sóng Hồng từng viết: “Thơ là thơ nhưng đồng thời là họa, là nhạc, là chạm khắc theo một cách riêng”. Lời nhận định ấy khiến tôi không khỏi hoài băn khoăn. Mọi lĩnh vực nghệ thuật tuyệt mỹ trên thế gian này như hội họa, âm nhạc, điêu khắc,…phải chăng đều phải khuất phục trước một nghệ thuật đã đạt đến tuyệt đỉnh – thơ! Dường như thơ đã nắm trọn chiếc ngai vàng quyền quý trong thế giới nghệ thuật nói trung và trong văn học nói riêng.Phải chăng vì lẽ đó mà nhà thơ Xuân Diệu đã từng nhận định: “Thơ là bà chúa của nghệ thuật”.
Từ lâu, nhiều nhà phê bình văn học đã đi tìm một định nghĩa cho “Thơ”, nhưng không có một định nghĩa nào thỏa đáng cả, mặc dù thơ ca đã có từ lâu, trải qua nhiều bước thăng trầm, tiến hóa theo đà phát triển của nhân loại,… Nhưng suy xét cho cùng, thơ là một sự đúc kết hoàn hảo của tác phẩm nghệ thuật, được xét trên hai phương diện: nội dung và hình thức. Sở dĩ Xuân Diệu trao cho thơ một chiếc vương miện hào nhoáng vì người tôn thờ thơ ca như một đấng sinh linh, đã bước vào cuộc đời sáng tác của biết bao thi sĩ tựa một vị chúa trời, không một lĩnh vực nghệ thuật nào có thể sánh ngang với sức mạnh hoàn hảo của thơ ca.
Một tác phẩm hội họa có phối hợp khéo léo những gam màu đến đâu, một bản giao hưởng với những nốt nhạc du dương, sâu lắng đến đâu hay những tác phẩm điêu khắc có hoàn hảo đến đâu,…cũng đều phải cúi mình trước ánh hào quang của thơ và ca tụng thơ bằng hai tiếng: “bà chúa”! Phải chăng, qua lời nhận định của mình, Xuân Diệu muốn nhắn gửi đến nhân loại rằng: thơ là một vẻ đẹp hoàn hảo nhất về mặt nội dung cũng như hình thức của văn học.
Lời nhận định của Xuân Diệu là vô cùng xác đáng. Thơ ca từ lâu vốn đã là một nữ hoàng, mà tác phẩm nghệ thuật là một vị cha giáo, người đã trao cho nữ hoàng ấy một vương miện, trước lời ca tụng hân hoan của những nghệ sĩ và độc giả ngồi trên hàng ghế giáo đường. Tất cả đều kính cẩn nghiêng mình trước uy quyền của ngài – bà chúa về nội dung! Nội dung trong thơ chủ yếu là bày tỏ cảm xúc. Nếu như tự sự dùng để tường thuật lại một câu chuyện làm ta như bước vào từng diễn biến của sự việc, nghị luận dùng để nêu lên một ý kiến, bày tỏ một quan điểm trước sự đồng tình của bạn đọc, kịch nghệ trình bày những xung đột của xã hội thực tại thì thơ ca giúp ta nói lên điều mà con tim thốt ra.
Voltaire nói: “Thơ là âm nhạc của tâm hồn”. Còn Diệp Tiếp cho rằng: “Thơ là tiếng lòng”. Chẳng phải thơ ca đã bật lên những cảm xúc mãnh liệt nhất qua từng con chữ sao? Những cảm xúc ấy đời nào là thứ tình cảm kêu gào, khóc cười ồn ào bên ngoài, mà là những rung động tâm hồn bên trong, là những tình cảm giày vò trái tim mà nhà văn muốn bày tỏ. Thứ tình cảm mãnh liệt ở đây là con thuyền mà thi sĩ cho lặn xuống tận đáy thâm tâm, lắng nghe những xao động mà tâm hồn thốt lên: đau đớn, sướng vui,…tất cả đều được thể hiện trong thơ ca. Phải chăng Bằng Việt cũng đã lặn sâu xuống đáy lòng của mình để vớt lên những tình cảm biết ơn, thương yêu nhắn gửi cho người bà rằng: “Cháu thương bà biết mấy nắng mưa!” (Bếp lửa)
Không chỉ riêng cảm xúc mãnh liệt của thi sĩ nhắn gửi trong thơ mới tôn vinh thơ ca lên ngồi hàng ghế của “bà chúa”. Nội dung trong thơ còn là những cảm xúc sâu sắc được soi sáng dưới lý tưởng của xã hội. Vào những năm 1930, những năm thực dân Pháp xả súng không ngừng trên đất Việt, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời-một ánh sáng soi chiếu cho quân dân ta đứng lên chống lại ách nô lệ của quân thù. Tố Hữu cũng không ngoại lệ-một anh thanh niên mười tám tuổi, trẻ trung, bồng bột, nhiệt huyết cũng bước theo tia sáng ấy:
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim”
(Từ ấy)
Hai câu thơ như một tình cảm hân hoan bùng nổ của một người lính non tay súng, vừa giác ngộ lý tưởng cách mạng cao đẹp. Tập thơ “Từ ấy” đã là minh chứng cho bước chân của thơ ca được dẫn dắt theo một lý tưởng xã hội, cụ thể là lý tưởng Cộng sản của nhân dân Việt Nam.
Vị cha giáo mang tên “tác phẩm nghệ thuật” sau khi trao vương miện cho “bà chúa của nghệ thuật”, người đã đọc cho nhân loại nghe một kinh thánh, nội dung rằng: thơ ca mang đến cho con người những tình cảm được dẫn dắt bởi tư tưởng cao quý.
Đúng vậy, để lên ngồi hàng ghế của nữ hoàng, thơ ca ắt hẳn phải chứa đựng những tình cảm cao đẹp theo một tư tưởng. Tư tưởng ấy phải chăng là những tư tưởng của nhà thơ mà đồng thời cũng là những tư tưởng của bạn đọc. Lạ thay, thơ là tiếng lòng của một người, vậy mà sao khi ta ngâm, ta lại tìm thấy chính mình trong ấy, tâm hồn mình như hòa quyện vào tâm hồn của thi sĩ:
“Biển bướm đỏ rào rào trong gió mát
Lá non xanh như suối chảy trên trời
Phượng, phượng hỡi! Cớ sao mà man mác
Mỗi mùa hè run rẩy với triều môi.”
(Phượng mười năm – Xuân Diệu)
Ai mà không trải qua một thời áo trắng, ai mà không một là ngồi dưới gốc cây phượng già, không nhìn ngắm những mùa hoa đỏ rợp sân trường, không tiếc nuối những tuổi hè vội vã qua đi. Thế cớ sao đọc lại những dòng thơ man mác nỗi buồn của Xuân Diệu, ta như sống lại những ngày bên gốc phượng, nỗi rung động khi từ biệt áo trắng cứ lại day dứt lên trong lòng? Ấy phải chăng là sức mạnh của “bà chúa” thơ ca đem lại không? Không chỉ mang đến cho tâm hồn người viết cũng như người đọc những tình cảm nồng nàn, thơ ca còn mang lại cho con người những bài học về nhân sinh. Một trong những chức năng văn học là giáo dục con người, mang đến cho con người những bài học về cuộc sống, về đối nhân xử thế, v.v…
Thơ ca cũng vậy, “bà chúa” của chúng ta cũng gửi gắm những bài học đạo đức cần thiết qua từng câu thơ ngắn gọn. Một trong số ấy là những bài học về tấm lòng ân nghĩa thủy chung. Thái độ sống tích cực ấy được nhà thơ Nguyễn Duy nhắc nhở bạn đọc qua tác phẩm “Ánh trăng”:
“Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng là bể
như là sông là rừng
Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình.”
Phải chăng nhà thơ đã thức tỉnh khi bất giác nhìn lên ánh trăng xưa, bao nhiêu ngày tháng, bao nhiêu kỉ niệm cứ hối hả ùa về như tiếng riết rống vẫy gọi từ quá khứ, như những tiếng chuông vang vọng muốn chất vất lương tâm của tác giả. Một vầng trăng tình cờ gặp một kẻ vô ơn, một con người lãng quên, giờ đây cũng không thể trốn chạy quá khứ và lừa dối chính mình được nữa. Nhưng hãy nhìn xem, ánh trăng vẫn mãi sáng trên trời cao như một tấm gương soi chiếu lương tâm tác giả, để con người tìm lại chính mình, tìm lại những vẻ đẹp vĩnh cửu, bất biến. Trăng cứ mãi tròn trịa, bao dung như tấm lòng thủy chung.
Cái im lặng vô tình của ánh trăng là một khoảng lặng nghiêm khắc nhưng bình dị, gần gũi, độ lượng biết bao. Làm cho kẻ vô tình ngày một sám hối, thức tỉnh chính mình, hồi sinh những ngày tháng tươi đẹp gắn bó với ánh trăng bất biến. Cái giật mình của tác giả phải chăng cũng là của bạn đọc chúng ta? Bài thơ “Ánh trăng” như một tiếng kêu gọi thức lương tâm, đâu chỉ riêng của nhà thơ, mà còn là bài học triết lý sâu sắc cho bất cứ ai đang lãng quên những kỉ niệm tốt đẹp của quá khứ, và sẽ lặn lội tìm về cái ánh sáng bất biến ấy của mảnh trăng trong bài thơ.
Không chỉ là “bà chúa” về mặt nội dung, thơ ca còn là “bà chúa” về mặt hình thức. Mayacovxki từng nói:
“Phải phí tổn nghìn cân quặng chữ
Mới thu về một chữ mà thôi,
Một chữ ấy làm cho rung động
Triệu trái tim trong hàng triệu năm dài.”
Thơ là một nghệ thuật thuộc phương thức trữ tình, mà phương thức trữ tình thường ngắn gọn và hàm súc. Thế nên một nhà thơ cũng đã từng nói “Thơ là y tại ngôn ngoại”. Nhiều khi thơ ca chỉ bộc lộ những cảm xúc nhất định, kéo dài sẽ đơn điệu và nhàm chán chăng? Có thể đấy là lý do vì sao mà thơ đòi hỏi sự súc tích, sự dồn nén ý nghĩa gói nặng trịch trong mấy câu chữ ít ỏi.
Lưu Trọng Lư nói: “Một câu thơ hay là một câu thơ có sức gợi”. Và Tố Hữu cho rằng: “Thơ chỉ bật ra trong tim khi cuộc sống đã thật tràn đầy”. Điển hình như lời thốt lên của đứa cháu từ niềm trân trọng, biết ơn chi chợt nhận ra một vật nhỏ bé đơn sơ lại có một sức mạnh phi thường: “Ôi kì lạ và thiêng liêng-bếp lửa!” (Bếp lửa – Bằng Việt)
Chỉ với hai từ “thiêng liêng” và “kì lạ”, Bằng Việt đã dồn nén bao nhiêu tầng ý nghĩa về hình tượng bếp lửa! Bếp lửa kì lạ và vì đấy là một bếp lửa hay là tình yêu nồng nàn giữa bà và cháu? Là một vật nhỏ bé đơn sơ hay là những bài học truyền thống tốt đẹp mà ngàn đời người bà gìn giữ, truyền dạy cho cháu trưởng thành, bài học về sự chia sẻ, về tình yêu làng, yêu quê hương, đất nước? Bếp lửa thiêng liêng là vì ở đấy là một ngọc lửa âm ỉ cháy để nấu xôi gạo, khoai sắn hay là ngọn lửa trong tim người cháu, soi sáng dẫn lối để cháu trưởng thành? Là ngọn lửa để sưởi ấm tấm thân hay để sưởi ấm cho tinh thần dân tộc truyền lại từ lâu đời, là ngọn lửa đại diện cho hai số phận cụ thể hay biết bao con người trên mảnh đất Việt Nam?
Qua những từ ngữ chắt lọc mà nhà thơ sử dụng, bạn đọc nhận ra hình tượng bếp lửa quả là một hình tượng chất chứa biết bao cảm xúc và hàm ý cô đọng. Không chỉ những từ ngữ chọn lọc và đắt giá mới có thể dồn nén bao tâm trạng của thi sĩ mà đó còn là những khoảng lặng. Nhiệm vụ thiêng liêng cao cả của thơ là bày tỏ cảm xúc, mà cảm xúc mà thi sĩ dồn nén có khi không cần phải nói ra, mà với sự suy nghĩ sâu xa mơ hồ của độc giả cũng có thể giải mã cảm xúc của nhà thơ – chính sự dồn nén bí ẩn ấy là những khoảng lặng. Khoảng lặng phải chăng đơn thuần chỉ là những khoảng trắng giữa các con chữ hay giữa cách ngắt nhịp, dấu ba chấm, cách phối âm, vần điệu hay tiến xa hơn là những giây phút mà nhà văn có thể nghẹn lại, cố tình nuốt trọn nỗi xúc động để bạn đọc vớt lên? Đấy có lẽ cũng chính là nỗi nhớ nghẹn ngào trong cổ họng về thực tại xa cách của hai bà cháu:
“Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu,
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả,
Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở:
– Sớm mai này, bà nhóm bếp lên chưa?…”
(Bếp lửa – Bằng Việt)
Dòng thơ bị cắt đôi bởi một dấu chấm. Cũng chỉ cần một dấu chấm nhỏ nhoi đó thôi mà tác giả cũng đã gợi ra cho bạn đọc biết bao liên tưởng. Đấy là cảm xúc đứt đoạn, cái nghẹn lại trong cổ họng. Một dấu chấm biểu hiện cho sự chia cắt của thực tại, cũng là một dấu chấm kết thúc của dòng chảy kí ức ngừng lại, quay về với hiện tại đầy đủ, ấm no nhưng thiếu bếp lửa, thiếu tình thương yêu săn sóc của bà. Khoảng lặng trong bài thơ chẳng hiện hữu trên từng con chữ, mà hiện hữu trong tâm trí bạn đọc, như mở ra biết bao dòng liên tưởng, như Nguyễn Tuân đã nhận định: “Thơ như mở ra những điều trước câu thơ đó trước nhà thơ đó vẫn còn như bị phong kín”
Như đã nói, âm nhạc – một trong những nghệ thuật tinh hoa nhất của thời đại cũng phải ngước nhìn “bà chúa của nghệ thuật”. Vì bởi lẽ, thơ ca cũng như một bản nhạc của cuộc sống. Khi đọc thơ, ta nghe từng câu thơ như chất chứa một bản nhạc vậy. Thơ được cấu tạo bởi ngôn từ nghệ thuật. Mà chính những ngôn từ ấy đều có vỏ bọc ngữ âm. Chính nhờ sự vận dụng khéo léo và nhuần nhuyễn ngữ âm của nhà thơ đã làm câu thơ bỗng trở nên uyển chuyển, giàu tính nhạc. Thế nên, thơ là “bà chúa của nghệ thuật” cũng khiến cho âm nhạc cũng phải nghiêng mình kính cẩn, Xuân Diệu cũng từng nhận định: “Thơ là tiếng gọi đàn”. Đúng vậy, thơ và nhạc có rất nhiều điểm tương đồng. Nói vậy có nghĩa: một số bài thơ đã được phổ nhạc, những bài hát đó luôn làm rung động trái tim người nghe, tiêu biểu là bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải, có cách ngắt nhịp vô cùng uyển chuyển, làm câu thơ giàu âm điệu vô cùng:
Mọc/giữa dòng sông xanh
Một/ bông hoa tím biếc
Ơi/ con chim chiền chiện
Hót chi/ mà vang trời
Từng giọt/ long lanh rơi
Tôi đưa tay/ tôi hứng
…
Ta làm/ con chim hót
Ta làm /một nhành hoa
Ta nhập /vào hòa ca
Một nốt trầm/ xao xuyến”
Xuyên suốt bài, giọng thơ mang một âm hưởng nhẹ nhàng, tha thiết. Thanh Hải đã vận dụng khéo léo cách ngắt nhịp1/4,2/3 tạo nên một giai điệu du dương, truyền cảm đúng chất của dân ca Huế. Hơn nữa, bài thơ phối thanh bằng làm cho cảm xúc trầm lắng, dịu nhẹ. Giọng thơ càng vang xa hơn như khúc nhạc chào xuân tươi vui nhờ âm ơi được tiếp nối liên tục của vần “ơi”. Không những vậy, hình ảnh “một nốt trầm” như lắng lại trong lòng người đọc, để rồi “xao xuyến”, đấy là khi bạn đọc tìm thấy sự đồng cảm, bồi hồi khi một nốt trầm cất lên. Tất cả những âm hưởng mà tác giả mang lại đã tạo nên một làn điệu dân ca sông Hương núi Ngự đậm đà, sâu lắng,…Chính vì lẽ đó mà bài thơ được phổ nhạc. Bài hát mùa xuân nho nhỏ đã lấy âm hưởng tuyệt diệu của thơ, kết hợp với nền nhạc êm ái, du dương.
Mayacovxki cũng từng nhận định: “Làm thơ là cân một phần nghìn miligram quặng chữ”. Đúng vậy, “bà chúa của nghệ thuật” đã dẫn đầu về việc sử dụng ngôn từ đắt giá. Một trong những nguyên liệu mà thơ ca sử dụng là ngôn từ nghệ thuật. Việc sử dụng từ ngữ trong bài thơ cũng quan trọng không kém gì việc phối màu cho một bức tranh hay chọn lọc hình khối cho một bản kiến trúc. Từ ngữ trong thơ phải được thi sĩ chọn lọc thật kĩ lưỡng, sao cho thật chính xác. Chính vì sự đong đếm từ ngữ tinh luyện mà tác phẩm “Truyện Kiều” của Nguyễn Du đã sở hữu một giá trị bền lâu. Chẳng hạn khi miêu tả hai bức chân dung của chị em Thúy Kiều, đại thi hào họ Nguyễn đã chọn lọc từ ngữ vô cùng đắt giá:
“Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da”
Và
“Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”
Cũng đều là miêu tả hai tuyệt sắc giai nhân, cũng đều lấy thiên nhiên ra làm chuẩn mực so sánh, mà sao đối với Thúy Vân lại là “thua,nhường” và Thúy Kiều lại là “ghen – hờn”? Hai cặp từ đối lập ấy phải chăng là những đường chỉ hồng mà Nguyễn Du dùng để thêu dệt? Người thêu lên hai bức tranh của hai nàng mỹ nhân “mai cốt cách, tuyết tinh thần” hay thêu lên hai bức chân dung số phận khác nhau? Đối với Thúy Vân, thi sĩ cho thiên nhiên nhường nhịn, không tranh chấp, việc sử dụng từ “thua” và “nhường” đã gợi cho bạn đọc hình dung ra được cuộc sống êm đẹp và bình lặng của nàng. Nhưng còn Thúy Kiều, cặp từ “ghen – hờn” mà nhà thơ sử dụng phải chăng đã tiên đoán được số mệnh trắc trở, cơ cực của nàng qua nỗi ghen tức, lòng đố kị của thiên nhiên trước vẻ đẹp kiều diễm, mặn mà mà nàng sở hữu?
Qua lời nhận định của Xuân Diệu về vẻ đẹp hoàn hảo của thơ ca về nội dung cũng như hình thức, ta đã hiểu thêm được phần nào giá trị mà thơ ca đem lại cho nhân loại. Để gìn giữ sức sống của thơ ca mãi luôn trường tồn với thời gian cũng như tiếp thêm nguồn cảm hứng cho nhà thơ tiếp tục sáng tác, bạn đọc nên trân trọng những tác phẩm thơ hay, đọc và ngâm thơ với một thái độ tích cực, nghiền ngẫm và say mê. Đồng thời các nhà thơ cũng nên trau dồi vốn sống, trải nghiệm thực tế, áp dụng những hình ảnh đẹp từ đời sống vào trong thi ca, để kho tàng thơ văn Việt Nam ngày một phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc.
- Kết bài:
“Thơ ca là bà chúa của nghệ thuật” sẽ mãi là một nữ hoàng thống trị thế giới nghệ thuật nói chung và văn học nói riêng. Lời nhận định sâu sắc của Xuân Diệu đã khẳng định giá trị bền vững của thơ ca xuyên suốt quá trình trưởng thành của nhân loại, nuôi nấng con người trưởng thành hơn trong dòng đời tất bật, hối hả… để từ đó, một trong số những con người trưởng thành ấy lại trở thành những người thắp lên ngọn đuốc bất tử của thơ ca.