Thuyết minh Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh

thuyet-minh-bao-tang-thanh-pho-ho-chi-minh

Thuyết minh Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh

Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh là một di sản kiến trúc lịch sử của đô thị Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, nơi lưu giữ ký ức Sài Gòn xưa, chứa đựng trong đó lịch sử đầy tự hào của thành phố.

Bảo tàng tọa lạc tại số 65 Lý Tự Trọng, thuộc Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, trên một khu đất rộng gần 2 ha, giới hạn bởi các con đường Lý Tự Trọng, Pasteur, Lê Thánh Tôn và Nam Kỳ Khởi Nghĩa.

Khởi đầu, tòa nhà Bảo tàng được khởi công xây dựng vào năm 1885 và hoàn thành năm 1890 theo thiết kế của kiến trúc sư người Pháp Alfred Foulhoux với mục đích sử dụng làm Bảo tàng Thương mại để trưng bày sản phẩm Nam Kỳ. Tuy nhiên, ngay sau khi xây xong, tòa nhà lại được Phó Toàn quyền Đông Dương Henri Éloi Danel (1850 – 1898) dùng làm tư dinh. Về sau, tòa nhà được sử dụng hẳn làm dinh Phó Toàn quyền Đông Dương hay còn gọi là dinh Phó soái (trước năm 1911). Sau ông Danel, các vị Phó Toàn quyền người Pháp thay nhau tiếp tục làm chủ Dinh. Từ năm 1892 đến năm 1911, đã có thêm tất cả 14 vị Phó Toàn Quyền khác (trong số 14 vị này có một số vị đảm nhiệm chức vụ này 2 hay 3 lần) cư ngụ trong Dinh.

Trước năm 1975, dinh được sử dụng cho nhiều mục đích và cũng có nhiều lầm đổi tên: Dinh Thống đốc Nam Kỳ (1912 – 1945), Dinh Khâm sai Nam Kỳ (1945), trụ sở Ủy ban Hành chánh Lâm thời Nam bộ (1945), trụ sở Ủy ban Nhân dân Nam Bộ (1945), trụ sở Phái bộ Đồng minh (1945), trụ sở của Ủy viên Cộng hòa Pháp tại Nam Việt Nam (1945), trụ sở chính phủ Nam kỳ quốc (1947), Dinh Tổng trấn (sau đổi thành Thủ hiến) Nam phần (1948), Dinh Gia Long (1954), Dinh Quốc khách (1955), Dinh Quốc phó (1964–1965), trụ sở của Tối cao Pháp viện Việt Nam Cộng hòa (1966 – 1975).

Sau 1975, tòa nhà tạm thời không dùng cho mục đích cụ thể nào. Ngày 12 tháng 8 năm 1978, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định sử dụng tòa nhà này làm Bảo tàng Cách mạng Thành phố Hồ Chí Minh, đến ngày 13 tháng 12 năm 1999 thì đổi tên thành Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh như hiện nay.

Tổng diện tích của kiến trúc bao gồm một tòa nhà rộng hơn 1.700 m² gồm hai tầng của tòa nhà chính và tòa nhà ngang thiết kế theo phong cách cổ điển – phục hưng, kết hợp Âu – Á: mặt tiền của tầng lầu mang đường nét Tây phương, nhưng phần mái lại mang dáng dấp Á Đông. Bao quanh khu nhà là một khuôn viên vườn hoa có hình dạng như một hình thang bao quanh bởi bốn con đường đã kể trên.

Hai bên cửa chính có 2 cột trụ trang trí bằng hai tượng nữ thần Thương nghiệp và Công nghiệp. Ngay phần chóp trên mái tam giác ở mặt phía trước được trang trí bằng một tượng đầu người nghiêm trang. Hai bên trang trí bằng các họa tiết đắp nổi như cành dương liễu, tràng hoa lá bao xung quanh, rắn khoanh tròn, hình tượng con gà tượng trưng cho ban ngày và chim cú tượng trưng cho ban đêm ở hai góc, một vòng hào quang phía sau đầu tượng.

Nhiều họa tiết khác đắp nổi trên mái là sự kết hợp giữa các biểu tượng thần thoại Hi Lạp và hình tượng cây cỏ và thú vật vùng nhiệt đới như họa tiết thằn lằn và chim cao cẳng chuyển động bằng cách uống cong hoặc xòe cánh.

Năm 1943, Thống đốc Nam Kỳ Ernest Thimothée Hoeffel lại cho phá bỏ hai tượng nữ thần tại cửa chính của dinh để xây dựng một mái hiên.

Năm 1962, Dinh Độc Lập bị lực lượng đảo chính ném bom, Tổng thống Ngô Đình Diệm dời về dinh Gia Long và cho xây dựng hầm bí mật trong dinh.

Viện bảo tàng được bố trí 9 khu vực trung bày bao gồm:

  1. Phòng Thiên nhiên và Khảo cổ: Giới thiệu vị trí địa lý, địa chất, khoáng sản, địa hình, khí hậu, động, thực vật, hệ thống sông ngòi, đời sống của cư dân cổ cách đây 3000 – 2000 năm với những công cụ lao động.
  2. Phòng Địa lý và Hành chính Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh: Với sưu tập bản đồ, biểu đồ, hình ảnh, hiện vật phòng trưng bày khái quát quá trình hình thành và phát triển của Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh về mặt địa lý, hành chính.
  3. Phòng trưng bày Công nghiệp và Tiểu thủ Công nghiệp Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh.
  4. Phòng Thương cảng, Thương mại và Dịch vụ: Với hơn 527 hiện vật, 36 ảnh và 10 bản đồ, phòng trưng bày giới thiệu khái quát về vai trò trung tâm kinh tế của Sài Gòn đối với khu vực phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.
  5. Phòng Công nghiệp và Tiểu thủ Công nghiệp: Giới thiệu một số nghề thủ công truyền thống và đôi nét về công nghiệp tại Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20.
  6. Phòng Văn hóa Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh: Giới thiệu phong tục, tín ngưỡng, nghệ thuật và giáo dục của Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh.
  7. Phòng trưng bày Lịch sử đấu tranh cách mạng: Nêu bậc các phong trào đấu tranh chính trị từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam, với nhiều tấm gương hy sinh cho đến chiến dịch Hồ Chí Minh (1975), Phong trào đấu tranh của các nước trên thế ủng hộ nhân dân Việt Nam.
  8. Phòng Kỷ vật kháng chiến: Trưng bày những hiện vật, di vật đồng hành với cuộc sống và chiến đấu của các cán bộ, chiến sĩ và liệt sĩ trong 30 năm kháng chiến.
  9. Phòng Tiền Việt Nam: Giới thiệu 1.086 hiện vật bao gồm sưu tập tiền kim loại, tiền giấy, tiền thưởng qua các thời kỳ lịch sử ở Việt Nam.

Ngoài 9 phần trưng bày cố định vừa kể sơ lược ở trên, ở Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh còn có các phòng trưng bày chuyên đề, và ở bên ngoài tòa nhà còn khu trưng bày một số loại máy bay, xe và vũ khí, v.v…

Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh là nơi tái hiện lại phần lịch sử của Sài Gòn xưa, ghi dấu một quá khứ hào hùng, sống động của dân tộc, khơi dậy lòng tự hào và biết ơn với những hy sinh của thế hệ trước. Với những giá trị được gìn giữ, Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ là một di sản kiến trúc đô thị mà còn là một phần lịch sử đầy tự hào của đô thị Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh.

Bài văn tham khảo:

Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh (65 Lý Tự Trọng, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh) có diện tích gần 2ha, được giới hạn bởi bốn con đường ở bốn phía.

Công trình được khởi công xây dựng năm 1885 và hoàn thành năm 1890 theo thiết kế của kiến trúc sư người Pháp Alfred Foulhoux. Ban đầu, đây là Bảo tàng Thương mại – nơi trưng bày những sản vật trong nước. Nhưng khi xây xong, tòa nhà trở thành tư dinh của Phó Toàn quyền Đông Dương Henri Eloi Danel, sau này là dinh của các Phó Toàn quyền Đông Dương và cuối cùng là Thống đốc Nam Kỳ.

Trước năm 1975, do trải qua nhiều biến độn của lịch sử, tòa nhà đã nhiều lần thay tên đổi chủ. Sau 1975, tòa nhà tạm thời không dùng cho mục đích cụ thể nào. Năm 1978, tòa nhà này trở thành Bảo tàng Cách mạng Thành phố Hồ Chí Minh, đến năm 1999 đổi tên thành Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh.

Công trình Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh gồm tòa nhà chính 2 tầng với diện tích 1.700m2 và tòa nhà ngang phía sau. Bố cục kiến trúc đăng đối, mang phong cách cổ điển phục hưng với khối sảnh là điểm nhấn ở giữa, hai cánh trải dài hai bên cùng hàng cột ionic – một dạng thức kiến trúc kinh điển của châu Âu. Kiến trúc công trình có sự kết hợp Âu – Á: Mặt tiền mang nét Tây phương với nhiều phù điêu mang biểu tượng thần thoại Hy Lạp nhưng phần mái lại mang dáng dấp Á Đông. Do mục đích ban đầu của tòa nhà là Bảo tàng Thương mại nên hai bên cửa chính có 2 cột trụ trang trí tượng nữ thần Thương nghiệp và Công nghiệp. Năm 1943, Thống đốc Nam Kỳ Ernest Thimothée Hoeffel cho phá bỏ hai tượng này để xây dựng mái hiên như ngày nay.

Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh có 9 không gian trưng bày cố định, mỗi không gian là một câu chuyện xuyên suốt tiến trình lịch sử hình thành và phát triển của Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh thuộc các chủ đề: Thiên nhiên – Khảo cổ, Địa lý – Hành chính, Công nghiệp và Tiểu thủ Công nghiệp Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, Thương cảng, Thương mại và Dịch vụ, Công nghiệp và Tiểu thủ Công nghiệp, Văn hóa Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, Lịch sử đấu tranh cách mạng qua các thời kì, Kỷ vật kháng chiến, Tiền Việt Nam.

Đặc biệt, không gian “Văn hóa Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh” cho thấy sự phong phú, đa dạng về văn hóa – nét đặc thù của mảnh đất phương Nam. Nơi đây trưng bày những nét văn hóa tiêu biểu của các dân tộc: Việt, Chăm, Hoa, Khmer và sự hợp lưu văn hóa làm nên vùng đất Sài Gòn…

Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh là nơi nghiên cứu, trưng bày và giới thiệu về tự nhiên, lịch sử, văn hóa và con người của Thành phố Hồ Chí Minh, gắn liền với lịch sử và văn hóa đất nước Việt Nam. Hàng năm Bảo tàng thu hút hàng trăm nghìn lượt khách tham quan, nghiên cứu và học tập.

Năm 2015, Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh là một trong ba Bảo tàng của cả nước được công nhận là điểm tham quan hàng đầu Việt Nam do Tổng cục Du lịch Việt Nam bình chọn.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.