thuyet-minh-cay-hoa-mai

Thuyết minh cây hoa mai vàng.

Thuyết minh về cây hoa mai (mai vàng).

  • Mở bài:

Trong ngày tết cổ truyền dân tộc, trong nhà không thể không có một cành hoa mai. Thiếu cảnh hoa mai vàng trong ngày tết đến xuân về là thiếu cả một niềm vui lớn. Hoa mai vàng từ lau đã gắn liền với cái tết Việt Nam như một biểu tượng của sự sum vầy và thịnh vượng.

  • Thân bài:

1. Nguồn gốc cây hoa mai vàng (ở Việt Nam).

– Cây hoa mai vàng vốn có nguồn gốc từ hoang dã. Theo các ghi chép, người Trung Quốc đã biết thuần hoa cây hoa mai khoảng 3000 năm trước. Sách “Trân hương bảo ngự” của Phí Cung Ấn đời Minh nói rằng: “Đắc Kỷ ái lãm hàn mai. Trụ tằng ngự tuyết đồng lãm chi”. Dịch ra có nghĩa là “Đắc Kỷ thích ngắm hoa mai trong giá lạnh. Trụ vương thường đội tuyết cùng ngắm.”

– Người Việt vốn biết cách thuần hóa loài cây này từ thuở đặt chân đến khai khẩn vùng đất này. Ban đầu, hoa mai thường nở vào dịp tết Nguyên Đán nên người Việt đem hoa vào nhà trang trí vào dịp Tết. Dần dà về sau, hoa mai trở thành một hình ảnh đặc trưng khi nhắc đến ngày tết của miền Nam Việt Nam.

2. Đặc điểm hình thái.

– Trên thế giới có ít nhất là 50 loài mai vàng phân bố rải rác ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới, song chủ yếu tập trung nhiều nhất ở Đông Nam Á và châu Phi. Ở nước ta, mai vàng phổ biến nhất là mai vàng năm cánh. Chúng thường tập trung phân bố ở các vùng đồng bằng. Ở các vùng núi Tây Nguyên và miền Trung còn có loài mai núi nhỏ, lá dày, hoa nở vào mùa xuân.

– Cây có dáng vẻ thanh cao, thuộc loại cây sống lâu năm. Chúng có thể sống và phát triển tốt tới hơn 100 năm.

– Gốc câu mai xù xì và nhiều cành nhiều nhánh. Thân mai cứng cáp, cành hơi giòn nhưng dễ tạo dáng.

– Lá đơn, mọc xen kẽ so le, phiến lá hình trứng thuôn dài, rìa lá hình răng cưa. Màu lá xanh biếc nhưng mặt dưới màu hơi ánh vàng.

– Hoa mai là loài hoa lưỡng tính, mọc ra từ nách lá, tạo thành từng chùm. Cấu tạo hoa mai thường có 5 cánh nhỏ, mỏng manh nhưng nhiều bông đặc biệt tới 9 – 10 cánh. Hoa thường nở trong 3 ngày sẽ tàn.

3. Ý nghĩa cây mai vàng trong đời sống con người.

– Một cành mai “đẹp” toàn diện phải hội đủ các yếu tố sau dây: có cành Văn lẫn Võ (nhánh ngang, nhánh đứng) tượng trưng cho sự phối hợp cương nhu, cành “Quân” (cảnh chủ) lẫn cành “Thần” (cành phụ, ngắn, dài) biểu hiệu cho nghi lễ, cành Phụ lẫn cành Tử (lớn, nhỏ) của tình cha con, hoa phải lưỡng phái, nghĩa là có nhụy đực lẫn nhụy cái nói lên sự cao quý của nghĩa phu thê. Người biết chơi hoa mai mua những nhánh có hoa còn phong nhụy, ước lượng làm sao để đến mùng một, mùng hai Tết thì hoa nở rộ. Những cành mai có dáng đẹp, với các hình dáng một gốc “lão mai” gốc to, da sần sùi, mọc rong rêu càng tốt, nhánh khẳng khiu và có thể có những hình thể như: Chân quỳ, Hạc bay, Phụng Hoàng,…

– Tính chất thanh nhã của loài hoa này đã di vào văn hóa của dân tộc Việt Nam. Nghệ thuật hội họa cũng chọn mai làm đề tài cho mùa Xuân hay cho ngày Tết. Thơ văn hay hội họa xoay quanh bốn loài cây quý, thường gọi là “tứ quý”: Mai, Lan, Cúc, Trúc mà hoa mai dẫn đầu. Các nhà nho thường trang trí bộ tranh họa ngày xưa nhiều kiểu khác nhau như mai bên hoa cúc, mai xen trong cành trúc hay mai lan song cặp,…

– Bên cạnh là những dòng thơ ngắn bằng Hán tự, nét chữ bay bướm, nói lên ý nghĩa cao quý của mùa Xuân về với chúng ta. Phải chăng hoa mai đã phô sắc diễm kiều, hoa mai đã đóng góp một sắc thái văn hóa độc đáo cho dân tộc Việt Nam. Sự rực rỡ của màu hoa mai nở rộ trong ba ngày Tết thêm màu lá non nẩy lộc tươi mát là điềm thịnh vượng, phát lộc, phát tài. Nó còn bao hàm ý nghĩa của sự hạnh phúc hay sung túc cho gia đình, đoàn thể hay một tổ chức thương mại nào đó nhân dịp đầu năm, khởi sự cho một chu kì mới của con người.

  • Kết bài:

Hoa mai vàng nở là điềm lành trong ngày tết cổ truyền của dân tộc. Một cành mai kiểng thể hiện cả một quan niệm triết lí nhân sinh uyên thâm của người Việt. Cành mai phải hội tụ đủ tính âm, dương, thượng, hạ, tả, hữu,ngũ hành tương sinh tương khắc mới gọi là cảnh mai đẹp. Người Việt yêu mai trước hết là yêu cái sắc hoa thanh nhã, biểu tượng của sự may mắn và thịnh vượng. Tiếp đó, thân mai rắn rỏi, sức sống phi thường là biểu tượng cho cốt cách của người quân tử không bao giờ chịu khuất phục trước gió sương khắc nghiệt.


Bài tham khảo 2:

Thuyết minh cây hoa mai (ngắn gọn).

  • Mở bài:

Mỗi dịp xuân về, ngàn hoa lại khoe sắc. Trong muôn ngàn loài hoa rực rỡ sắc hương ấy có một loài hoa rất dỗi quen thuộc với người Việt Nam: hoa mai vàng.

  • Thân bài:

Mai vàng thuộc họ hàng mai, vốn là một loài cây hoang dã, mọc nơi núi rừng với dáng vẻ tự nhiên mà quyến rũ. Trải qua thời gian cùng với nhu cầu thưởng ngoạn, trao gởi tâm linh, con người đã phát hiện, thuần dưỡng và xem mai như một người bạn thân thiết, tao nhã.

Mai có dáng vẻ thanh cao. Thân cây mềm mại, lá xanh biếc, dịu dàng, hoa tươi, rực rỡ. Mai thường trút lá vào mùa đông và ra hoa vào mùa xuân. Hoa nở thành từng chùm, có cuốn dài treo lơ lửng trên cành, thoảng mùi thơm e ấp, kín đáo. Mỗi nụ hoa thường có năm cánh. Cá biệt có hoa tới những chín, mười cánh. Dân gian vẫn tin rằng năm mới nhà nào có cành mai như vậy là dấu hiệu của điềm lành, của một năm thịnh vượng, an khang.

Mai thuộc loại dễ trồng và cũng dễ chăm sóc. Người ta thường trồng mai bằng cách chọn những hạt mai nhín mẩy, phơi khô rồi đem gieo vào đất ẩm, có thể gieo trong chậu hoặc ngoài vườn. Nó ưa đất ẩm và ánh sáng nhưng không chịu được úng. Vì vậy cần trồng cây mai nơi cao ráo và phải thường xuyên tưới nước cho cây.

Nếu trồng trong chậu thì cần chú ý bón phân và thay đất hàng năm. Nếu chăm dóc tốt thì khoảng 5-7 năm mai có thể cho hoa. Để có một chậu hoa đẹp thường chú ý cắt nhánh, uống cành, tạo thế để có được những chậu mai có hình dạng độc đáo, mang ý nghĩa sâu sắc, đậm chất triết lí Á Đông.

Để mai ra hoa đúng vào ba ngày Tết, người trồng mai thường phải chú ý trút lá và canh thời tiết. Năm nào thời tiết nắng ấm thì trút lá trước Tết khoảng hai mươi lăm ngày. Năm nào rét đậm thì phải trút lá sớm hơn.

Từ lâu cây mai đã đi vào đời sống tinh thần của người Việt Nam. Tương truyền rằng chúa Nguyễn Hoàng lúc di dân vào miền Nam lòng vẫn không nguôi nỗi nhớ thương cành đào xứ Bắc nên mỗi độ xuân về lại dùng cành mai thay thế. Có lẽ thú chơi mai ngày Tết của người Việt ra đời từ đó.Đối với người Việt Nam, nhất là người miền Trung và miền Nam, mai thường là một thứ hoa thường không thể thiếu trong ngày Tết. Ba ngày xuân, ai cũng muốn có một cành mai đẹp trong nhá, vừa để tô điểm sắc xuân, vừa để cầu mong những điều tốt đẹp.

Cùng với hoa đào miền Bắc, hoa mai trở thành hiện thân của mùa xuân phương Nam. mai, trúc, cúc, tùng là biểu tượng của bốn mùa: xuân, hạ, thu, đong. Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Du đã viết: “Nghêu ngao vui thú yên hà. Mai là bạn cũ, hạc là người quen”. Mai là biểu tượng của người quân tử, là bạn tâm giao của những người thanh lịch, tao nhã.

  • Kết bài:

Mai là một cây quý của người Việt Nam. Hiểu biết về cây mai sẽ giúp chúng ta khám phá ra bao điều thú vị để từ đó càng thêm yêu quý, nâng niu trân trọng và biết cách làm tôn vinh giá trị của mai, góp phần làm cho ngàn hoa của xứ sở luôn rực rỡ sắc hương.


Bài tham khảo 3:

Giới thiệu cây hoa mai vàng.

Cây mai có nguồn gốc từ Trung Quốc. Theo sách “Trân hương bảo ngự” của Phí Cung Ấn, đời Minh chép rằng: “Đắc Kỷ ái lãm hàn mai, Trụ tằng ngự tuyết đồng lãm chi”. Nghĩa là Đắc Kỷ thích ngắm hoa mai trong giá lạnh. Trụ vương thường đội tuyết cùng ngấm. Như vậy, cách đây đã hơn 3000 năm, cây mai đã có mặt trên đất nước Trung Quốc. Người Trung Quốc vốn nặng tình với mai từ lâu lắm và xem Mai, Tùng, Cúc thuộc nhóm “Tuế tàn tam hữu”. Ý nói chịu được tuyết lạnh chẳng khác bật trượng phu khí tiết vững vàng, chịu được mọi nghịch cảnh và không bao giờ khuất phục bạo quyền.

Mai thường trút lá vào mùa đông và ra hoa vào mùa xuân. Hoa nở thành từng chùm, có cuốn dài treo lơ lửng trên cành, thoảng mùi thơm e ấp, kín đáo. Mỗi nụ hoa thường có năm cánh. Cá biệt có hoa tới những chín, mười cánh. Dân gian vẫn tin rằng năm mới nhà nào có cành mai như vậy là dấu hiệu của điềm lành, của một năm thịnh vượng, an khang.
Cây mai có đến ba cái rễ lớn to bằng tay người lớn, tạo thành thế chân kiềng nâng hẳn gốc mai lên trên mặt đất. Xung quanh là những rễ phụ tua tủa cắm xuống nền đất của chậu. Gốc mai thường được tạo dáng uốn lượn. Thân mai cứng cáp, mảnh khảnh, vỏ cây xù xì, thường được uốn mềm mại để tạo thế.

Phổ biến nhất là  mai vàng hay huỳnh mai. Cây được trồng hay mọc tự nhiên ở rừng còi hoặc rừng thưa. Đây là họ mai cao tới 6 mét, thường trổ vào thời gian tết, hoa mọc thành chùm và có cuống dài treo lơ lửng bên cành. Hoa màu vàng, có mùi thơm nhẹ, e ấp kín đáo. Vỏ cây có vị đắng, được dùng làm thuốc khai vị. Mai vàng còn có tên là Nam Chi, do thông thường trên một cành mai những hoa ở hướng Nam nở trước.

Mai Tứ Quý hay Nhị độ mai, mai đỏ, thường được trồng làm kiểng. Lá dầy và cứng, bìa có răng, hoa 5 cánh vàng, nhiều tiểu tụy, trổ quanh năm. Đây cũng thuộc họ mai vàng nhưng sau khi cho hoa,  cây lại còn cho quả màu đỏ nhạt và bóng như ngọc.

Mai trắng còn có tên gọi khác là Chi mai, Bạch mai. Cây cao tới 25 mét, thân thẳng, vỏ cây có màu hơi đỏ khi bị tróc, thường được trồng, khác với mai vàng và mai đỏ đẹp do sắc nhưng mùi thơm nhẹ, không mấy ai nhận thấy được. Bạch mai có cánh trắng nhỏ rất thơm, trái có hột cứng.

Chơi hoa mai là cả một nghệ thuật. Khi chọn giống mai, không nên chọn cây nhiều nụ. Hoa có nở đẹp và lâu bền hay không còn tùy vào khả năng nuôi dưỡng của cành, cây, nhất là trong điều kiện chưng bình. Hãy chọn cành hoặc cây mai có nụ vừa phải và phân bố đẹp trên cả cành. Các nụ hoa phải đủ “bụ bẫm” để nở kịp ba ngày Tết. Nên chọn mai có tỉ lệ cành và số lượng hao hợp lý.

Chọn cây mai chắc gốc là điều tiên quyết và rất quan trọng bởi gốc rẽ quyết định sức khỏe của cây mai. Nên chọn giống cây có bông hoa mai đẹp, to, tròn, cánh hoa mịn, đều nhau, không có cánh hoa bị tật. Màu sắc và độ to của hoa rất đa dạng, tùy vào sở thích mỗi người mà chọn lựa cho phù hợp, chứ đó không phải là tiêu chí chọn hoa mai đẹp.

Khi trồng mai, cần đảm  bảo đủ ánh sáng dành cho cây mai vàng. Khi trồng nên chọn vị trí có ánh sáng thật nhiều (ánh nắng trực tiếp) có từ 6 giờ chiếu sáng trở lên, nếu trồng ở sân thượng thì bảo đảm yêu cầu về ánh sáng. Để cây phát triển khỏe mạnh, tốt tươi, cần bổ sung đất phân, thay đất, cắt rễ già, tỉa cành, tỉa hoa, nụ, quả cho mai vàng.

Cây hoa mai có ý nghĩa tô điểm cho các gia đình trong ngày Tết, mang lời chúc tốt lành, an khang, thịnh vượng, mang đến không khí xuân phương Nam vui tươi, đầm ấm. Từ xa xưa, cây mai, hoa mai trở thành biểu tượng quen thuộc trong nghệ thuật xưa, tượng trưng cho những gì thanh cao, cao quý:

“Mai cốt cách, tuyết tinh thần”

 (Truyện Kiều, Nguyễn Du)

“Nhất sinh đê thủ bái mai hoa” 

(Cao Bá Quát)

“Chớ tưởng đêm tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai”

(Mãn Giác thiền sư)

Biểu cảm về cây hoa mai trong ngày tết cổ truyền dân tộc

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang