Biểu cảm về cây hoa mai trong ngày tết cổ truyền dân tộc

cay-hoa-mai-trong-ngay-tet-co-truyen-dan-toc-van-mau-6

Biểu cảm về cây hoa mai trong ngày tết cổ truyền dân tộc.

  • Mở bài:

Người Việt Nam ta vốn rất yêu hoa mến cảnh. Trong không gian sống lúc nào cũng có cây xanh che bóng, hoa nở trên cành. Vườn cây chim chóc líu lo, bướm ong rập rờn tìm mật. Lại thêm dòng nước róc rách chảy, gió lùa trên khe đá càng làm cho cuộc sống thêm phần thơi thả. Đặc biệt, trong vườn xuân không thể nào thiếu hình ảnh cây hoa mai. Hoa mai nở rộ trong ngày tết cổ truyền dân tộc đem đến cho ta biết bao cảm xúc cao đẹp. Nó nhắc nhở ta nhớ về cội nguồn dân tộc và tình yêu đối với cuộc sống.

  • Thân bài:

Cây hoa mai gắn bó với làng quê ruộng vườn xứ sở Việt Nam từ bao đời nay. Từ thuở mới khai thiên lập địa, mở mang miền đất này, cây mai đã gắn bó với con người. Thật đẹp đẽ biết bao khi buổi sớm thức dậy đã thấy mai vàng nở rộ một góc sân nhà. Mới đêm qua thôi, từng búp nụ còn e ấp trên cành, thân cây gầy guộc không hứa hẹn tươi xanh. Thế mà sáng ra, một tòa sắc hoa vàng đã ngự trị cả không gian. Hoa mai kết chùm rung rinh trước gió. Những cánh hoa xinh tựa như những ngón tay bé xíu vẫy gọi ánh trời.

Hoa mai thường có năm cánh. Một vài loài hoa mai có thể có nhiều cánh hơn. Những cánh hoa vàng mỏng manh kết dính ở tâm đài hoa rồi vươn ra bốn phía. Hoa mai đã nở là vươn ra hết mình chứ không khép nép như hoa hồng hay hoa cúc. Nhị hoa bé xíu rung rinh dưới nắng. Buổi sớm sương nhiều đọng trên nhị hoa. Khi ánh nắng lên, cả chùm hoa long lanh như giát ngọc.

Cây mai cũng có nhiều loại. Loại chỉ nở hoa vào mùa xuân gọi là mai xuân. Có loại nở hoa hai lần trong năm gọi là nhị độ mai (mai nở hai lần). Nước ta có cả hai loại mai này. Cho nên dù đi đến đâu, dù đang ở mùa nào ta vẫn thường thấy hoa mai lác đác nở trong vườn gọi về khí xuân. Dù là loài mai nào thì cứ đến độ đầu xuân hoa mai lại nở. Khắp cả đất trời, hoa mai vàng dệt nên bầu trời xuân. Từ khu vườn bé nhỏ, đến đồi núi từng cao, đâu có mai, nơi đó xuân tươi dào dạt, thắm tươi.

Cây mai vàng rễ cắm sâu trong lòng đất, không bị ngã trước gió bão. Cây mai vẫn sống bền bỉ theo năm tháng vươn mình ươm chồi nẩy lộc như con người Việt Nam dù ở đâu cũng gìn giữ đạo lí ân nghĩa và cội nguồn văn hóa tốt đẹp của tổ tiên. Đời đời người nông dân vẫn kiên trì với ruộng vườn, giữ gìn nếp sống ân tình, thủy chung. Họ cũng kiên trung, rắn rỏi như mai. Trong cuộc sống lao động bình dị vẫn luôn nuôi dưỡng trong tâm hồn tình yêu hoa cảnh. Nó không làm cuộc sống khá hơn những sẽ dễ chịu hơn.

Hoa mai vàng rực rỡ, hòa lẫn trong chồi non lộc biếc trong ngày đầu xuân là biểu tượng ước mơ, khát vọng và niềm tin vững chắc của con người vào một năm mới an khang thịnh vượng. Đó không phải là một niềm tin tâm linh vong viễn. Mà là nét đẹp của một nền văn hóa trọng tình, thuần mỹ của dân tộc ta. Sắc vàng tươi non phơn phớt của hoa mai điểm tô cho không gian thêm rực rỡ. Chồi non xanh tươi làm cho bức tranh ngày xuân tràn đầy sức sống mới trong những ngày đầu năm.

Cây mai sống qua bao năm tháng với thời tiết khắc nghiệt vẫn âm thầm chịu đựng dẽo dai. Xuân về dâng cho đời bông hoa xinh lộc tốt. Hình ảnh đó xứng đáng là nét tượng trưng cho phẩm đức nhẫn nại và sự hy sinh cao cả của tổ tiên trong quá trình lao động xây dựng quê hương và duy trì bản sắc văn hóa dân tộc. Một nhành mai vàng thắm sân nhà trong ngày đầu xuân thể hiện ước mơ một năm sung túc, ăn lành, là khát vọng vươn đến điều chân thiện trong cuộc sống. Với một cành mai thôi, dân tộc ta đã kí thác trong nó cả một triết lí nhân sinh sâu sắc.

Hoa mai nhanh nở chóng tàn như đời người vội đến vội đi. Cái đẹp lúc nào cũng mong manh, dễ vỡ. Tất cả mọi cái tươi đẹp trên cuộc đời này sớm muộn gì cũng bị phủ nhận bởi quy luật sanh diệt khắc nghiệt và tàn nhẫn để trở về với chân tâm không sanh không diệt tìm đến được hạnh phúc vĩnh hằng. Thế nhưng, cái sức sống mãnh liệt kiên cường của nó luôn làm con người ta khâm phục và quý trọng nhiều hơn.

Mai tượng trưng cho sức sống bất diệt. Hoa mai không bảo giờ chịu khuất phục trước hoàn cảnh. Thân mai gầy guộc cứng cỏi. Từ lâu, nó được ví như cốt cách thân hạc xương mai của người quân tử giản dị mà thành cao, trần tục mà siêu thoát, mong manh mà bền bỉ phi thường. Thân mai mỏng manh, thon gọn cũng được ví với nét đẹp duyên dáng của người phụ nữ: “mai cốt cách, tuyết tinh thần” (Truyện Kiều – Nguyễn Du).

Mỗi năm một lần, hoa mai nở rồi lại tàn. Nó khiến người ta phải chờ đợi, phải ngóng trông. Truyền thống vui xuân, đón tết của người Việt vốn tao nhã, thanh cao. Truyền thống ấy lại gắn với hình ảnh mai vàng lại càng thêm cao quý. Hoa mai là tinh túy của đất trời. Chỉ khi khí trời ấm lại, hoa mới nở. Bởi vậy, người yêu mai hẳn là người có tấm lòng hiền hòa, bao dung và thanh khiết lắm.

  • Kết bài:

Khép lại một nụ hoa là kết thúc một hành trình này để đi vào một hành trình khác. Có thể tươi đẹp hơn hoặc khốc liệt hơn. Cây hoa mai chứa đựng nét đẹp tâm hồn bình dị của con người từ bao đời. Nó nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm trong cuộc sống, tình yêu cái đẹp và sự hạn hữu của đời người trong cõi phù sinh nghiệt ngã.


Tham khảo.

Cảm nghĩ về hình ảnh cây hoa mai trong ngày tết cổ truyền dân tộc.

  • Mở bài:

Nhân dân vốn rất yêu hoa mai, hoa đào. Ngày tết, trong nhà lúc nào cũng có một chậu hoa mai vàng trang nghiêm giữa nhà. Hay ít ra cũng là chậu cúc nhỏ, hoặc lay ơn, hoặc thược dược trang trí không gian hành lang, đốc kệ. Nhà ông tôi cũng có cây mai thật lớn được trồng bên gốc sân. Mấy hôm nay, ông ra sức chăm tưới mong cây mai ra hoa đúng giao thừa.

  • Thân bài:

Thật là cây không phụ lòng người thành tâm. Mùng một tết, khí trời ấm áp, hoa mai bắt đầu nở. Mới hôm qua búp nụ còn e ấp trên cành, sáng ra đã thấy một toà hoa vàng rực rỡ trước sân. Ông đứng nhìn cây, tay còn cầm bình nước, mỉm cười tâm đắc bảo: “Quý nhất là mai. Quả thực đẹp hết xẩy. Đẹp hơn cả cây mai nhà bác Quyến nhà ta rồi”.

Cây mai ấy ông tôi đã trồng từ rất lâu rồi. Ngày tôi còn nhỏ, tôi đã thấy cây mai ở vườn. Lúc ấy, nó mới cao ngang đầu tôi, cành lá còn non nớt nhưng đã đơm hoa lưa thưa được mấy xuân rồi. Bẵng đi một thời gian, tôi không để ý đến, cây đã âm thầm lớn lên. Lúc ông tôi đánh cây trồng vào gốc sân, chỗ cây đang đứng bây giờ thì cây mai đã trưởng thành, gốc cây bụ bẫm, cành lá sum xuê rồi. Ông nói, mai đã đủ sức ra đều hoa, ông đánh trồng vào đây cho tiện chăm bón. Chỉ độ từ giờ đến tết cây khoẻ sẽ cho ra nhiều hoa.

Ông tôi là người trồng cây kiểng có nhiều kinh nghiệm nên hiểu cây rất rõ. Sau đó, ông cắt hết cành lá, chỉ giữ lại một vài cành rạo thế. Từ cây mai phủ tràn tán lá, giờ nó trụi lủi khiến tôi tiếc ngẩn ngơ. Tôi cứ lo sợ không có lá cây mai chắc sẽ chết mất. Nhưng tôi biết, ông làm thế là có cái lí của ông. Ông yêu mai như yêu chính mình,  đời nào ông lại làm hại nó chứ.

Quả thực, năm ấy, cây mai ra hoa rực rỡ chưa từng có. Khắp các cành cành nhánh chin chít hoa là hoa khiến cây vàng rực như chiếc đèn lồng khổng lồ. Chen lẫn trong đám hoa là búp nụ chưa nở. Chắc nó đang chờ đợi đến lượt mình khoa sắc. Không có gì phải vội khi mùa xuân còn kéo dài.

Tôi có dịp quan sát hoa mai thật kĩ. Mỗi bông hoa có năm cánh, xếp đều tăm tắp trên đài hoa. Đài hoa cứng cáp nâng đỡ toàn bộ bông hoa. Nhụy hoa bé xíu nép mình bên cánh hoa. Hoa mai khiêm nhường, nhũn nhặn, mau nở chóng tàn là dấu hiệu của thời gian tàn phai không chờ đợi một ai. Nhìn hoa mai nở rồi tàn ta không khỏi giật mình nhận ra những gì tươi đẹp thường rất mong manh, dễ vỡ.

Rực rỡ trong mấy ngày xuân rồi lặng im, vắng bóng, thế mà cây mai, hoa mai luôn được con người tôn quý. Có thể nói, trong các loài cây và hoa, cây mai, hoa mai chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống văn hoá con người Việt Nam, nhất là trong ngày tết cổ truyền dân tộc. Đã thành thông lệ, ngày tết, nhà nào cũng sắm sửa một cành mai vàng ở trong nhà. Hoa mai không chỉ tô điểm cho không gian tết mà còn tượng trưng cho sự thịnh vượng, an lành. Ông tôi thường bảo rằng một cành mai có đủ cả hoa vàng, lộc non và búp nụ sẽ mang lại cho con người niềm tin về một năm vượng phát, dư dả và bình yên.

Hoa vốn là biểu tượng của cái đẹp của đất trời và nó càng đẹp hơn khi con người gắn cho nó ước mơ, khát vọng và niềm tin thánh thiện vào cuộc sống. Bởi thế, chẳng có hoa nào xấu, chỉ là con người chưa nhìn thấy đẹp ẩn tàng bên trong nó mà thôi. Hoa mai cũng thế. Mùa xuân đâu chỉ có hoa mai nở và thế gian đâu thiếu hoa vàng nhưng cái cách hoa mai nở, hoa mai tàn không khỏi khiến người ta xao xuyến, bồi hồi, ngưỡng vọng và tôn vinh, xem đó là cái đẹp mong manh nhưng trường cửu, hủy diệt rồi tái sinh, mềm mại mà cứng rắn vô cùng.

  • Kết bài:

Chẳng ai đem phân chất một mùi hương và như thế cũng chẳng ai đi phân tách hình thức của cái đẹp và nội dung của nó. Ý nghĩa của cây hoa mai trong ngày tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam là không thể thay thế được, không thể so sánh được. Ngày sau, khi vào dịp tết, có thể người ta sẽ không còn chưng hoa mai, không còn trồng mai, nhưng hình ảnh hoa mai vàng lung linh trên bàn thờ tổ tiên mãi mãi là hình ảnh còn nhớ mãi, không bao giờ mờ phai trong kí ức của con người.

Cảm nghĩ về vẻ đẹp của cây hoa mai

16 bình luận

11 Trackbacks / Pingbacks

  1. Biểu cảm về vẻ đẹp cây hoa mai - Theki.vn
  2. Kể lại những ngày tết thật ý nghĩa mà em đã trải qua - Theki.vn
  3. Cảm nghĩ về một loài cây em yêu thích nhất - Theki.vn
  4. Kể về niềm vui của em trong những ngày vui tết cùng gia đình - Theki.vn
  5. Thuyết minh về loài hoa mai - Theki.vn
  6. Miêu tả cây mai ngày tết - Theki.vn
  7. Thuyết minh thú chơi hoa mai, hoa đào ngày tết của người Việt Nam - Theki.vn
  8. Cảm nghĩ của em về ngày tết cổ truyền dân tộc - Theki.vn
  9. Thuyết minh cây hoa mai - Theki.vn
  10. Cảm nghĩ về vẻ đẹp của cây hoa mai - Theki.vn
  11. Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội (một sản phẩm văn hóa truyền thống trong cuộc sống hiện tại) (Bài 2, Ngữ văn 8, tập 1, Kết Nối Tri Thức) - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.