thuyet-minh-dia-diem-du-lich-hoi-an

Thuyết minh về phố cổ Hội An

Thuyết minh phố cổ Hội An

  • Mở bài:

Mấy ai mà chẳng muốn được một lần ngắm nhìn những cảnh vật trên những con sông yên tĩnh có những dòng nước lơn tơn gợn sóng xanh đến những khu phố nhộn nhip, những phiên chợ tấp nập người qua lại, cùng với những tiếng rao trong dãy hàng quán bên vỉa hè. Những hình ảnh đó gợi nhớ đến phố cổ Hội An – một đô thị cổ vừa nhộn nhịp, xôn xao lại vừa yên tĩnh, thoáng mát. Nó làm cho du khách tham quan như tôi phải có một ấn tượng sâu sắc, một cảm giác bình yên và hạnh phúc khó tả.

  • Thân bài:

Phố cổ Hội An là một đô thị cổ nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam, Việt Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 30 km về phía Nam. Nhờ những yếu tố địa lý và khí hậu thuận lợi, Hội An từng là một thương cảng quốc tế sầm uất, nơi gặp gỡ của những thuyền buôn Nhật Bản, Trung Quốc và phương Tây trong suốt thế kỷ XVII và XVIII. Đô thị Hội An là một điển hình của các cảng lớn ở Đông Á vẫn còn được bảo tồn nguyên vẹn.

Phần lớn những ngôi nhà ở đây là những kiến trúc truyền thống đầy cổ kính, ai nhìn vào cũng phải có cảm giác như đang đứng trong thời của các vua chúa, có niên đại từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19, phần bố dọc theo những dãy phố nhỏ hẹp. Nằm xen kẽ giữa các ngôi nhà phố, những công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng minh chứng cho quá trình hình thành, phát triển và lịch sử đầy huyền ảo của đô thị. Không những vậy, Hội An còn là sự pha trộn của nhiều truyền thống, văn hóa ở khắp nơi trên thế giới, vì thế tôi thường gọi nó là “vùng đất lai”.

Các hội quán, đền miếu mang dấu tích của người Hoa nằm bên những ngôi nhà phố truyền thống của người Việt và những ngôi nhà mang phong cách kiến trúc Pháp. Bên cạnh những giá trị văn hóa qua các công trình kiến trúc, Hội An còn lưu giữ một nền văn hóa phi vật thể đa dạng và phong phú. Cuộc sống của cư dân phố cổ với những phong tục tập quán, sinh hoạt tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian, lễ hội văn hóa vẫn rất nhộn nhịp và đang mỗi ngày phát triển thêm đa dạng. Hội An được xem như một bảo tàng sống về kiến trúc và lối sống đô thị.

Hội An được biết đến là một miền đất cổ mang đậm nét văn hóa thời xưa. Do có đặc điểm địa lý thuận lợi nên từ hơn 2000 năm trước, mảnh đất này đã tồn tại và phát triển nhưng vẫn còn giữ lại nhiều nét hoang sơ như những ngày đầu tiên Hội An vừa mới được sinh ra. Chắc hẳn, Hội An là một vùng đất cát lợi, nơi long mạch giao thoa, khí thiêng hội tụ, trên rừng có trầm hương, dưới viển có ngọc quý, là đường đi lối về của doanh thương.

Từ thuở xa xưa, kẻ buôn người bán ở các nước Chà Và, Champa, Xiêm La, Ấn Độ, Trung Hoa,… đã tìm đến nơi đây trao đổi phẩm vật. Phải đâu nơi đây có gì quý hiếm mà vì khí thiêng tỏa sáng, từ xa cũng có thể nhìn thấy được mà tìm đến vậy.

Do những biến động của lịch sử, trong khoảng thời gian vài thế kỷ, vùng đất này cũng đã bị lãng quên. Nhờ môi trường sông nước thuận lợi, cộng với nhiều yếu tố hình thành các vùng đất đai khác, từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19, đô thị – thương cảng Hội An lại được tái sinh và phát triển thịnh vượng. Từ năm 1585 khi chúa Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa và Quảng Nam (năm 1570) cùng con trai là chúa Nguyễn Phúc Nguyên mở mang đất đai, phát triển kinh tế Đàng Trong thì Hội An trở thành một thương cảng quốc tế sầm uất của cả nước và cả khu vực Ðông Nam Á thời đó.

Từ cuối thế kỷ 19, do chịu sự tác động của nhiều yếu tố bất lợi, “cảng thị thuyền buồm” Hội An suy thoái dần và mất hẳn, nhường vai trò lịch sử của mình cho ” cảng thị cơ khí trẻ” ở Ðà Nẵng. Nhưng cũng nhờ đó, Hội An đã tránh khỏi được sự biến dạng của một thành thị trung – cận đại dưới tác động của đô thị hóa hiện đại để bảo tồn cho đến ngày nay một quần thể kiến trúc đô thị cổ hết sức độc đáo, tuyệt vời.

Nổi bậc giữa phố cổ là xác hội quán, trong đó nhà cổ Tấn Ký là địa điểm được biết đến nhiều nhất. Được xây dựng từ cuối thế kỷ XVIII, đây là một trong những địa điểm lâu đời ở Hội An, nó có tuổi đời gần 200 năm. Hầu như nhà cổ vẫn giữ nguyên được lối kiến trúc độc đáo vốn có và vẫn giữ được nét đẹp riêng. Với phong cách kiến trúc độc đáo kết hơp 3 văn hóa: Trung – Nhật – Việt, các hoa văn và họa tiết đều được các nghệ nhân Làng Mộc Kim Bồng khắc họa theo phong cách triết lý phương Đông.

Hội quán Triều Châu (hay còn gọi là Chùa Ông Bổn) là một trong số địa điểm luôn được nhắc đến trong danh sách các điểm đến ở Hội An. Nơi đây được xem là một trong những công trình kiến trúc cổ nhất tại thành phố này. Sở hữu kiến trúc đặc sắc, Hội Quán Triều Châu ấn tượng du khách như tôi với những đường nét chạm khắc rất tinh tế và họa tiết sắc nét trên những mô hình gỗ vững chắc. Bên cạnh đó, nghệ thuật đắp nổi hoa văn bằng sành, sứ cũng được áp dụng xây dựng công trình này để tăng thêm vẻ đẹp và tạo nên tính nghệ thuật cho nó.

Ngoài ra còn có hội quán Quảng Đông cũng nổi tiếng chẳng thua gì Triều Châu (hay còn gọi là Hội quán Quảng Triệu) được khởi công xây dựng vào năm 1885. Hội quán sở hữu kiến trúc khá hài hoà bởi sự kết hợp ăn ý giữa các chất liệu đá, gỗ cùng với những họa tiết trang trí tinh tế, công phu, tinh xảo, mang lại cho công trình một nét uy nghiêm, lộng lẫy. Trong Hội quán Quảng Đông có một hồ nước lớn, đắp nổi theo hình con rồng uốn lượn uyển chuyển.

Nhà thờ tộc Trần được xem là một trong những nhà thờ lâu đời và cổ nhất với hàng trăm năm tuổi. Quan sát từ bên ngoài, nhà thờ tộc Trần như một ngôi nhà cổ kính với kiến trúc bằng gỗ. Tiến vào trong, quan sát sẽ thấy gian cúng ở ngay giữa và có ba cửa, với cửa chính nằm ở giữa dành cho các bậc lớn như ông bà và chỉ mở vào những dịp hay lễ hội quan trọng, còn hai cửa bên để dành cho nam tộc, nữ tộc.

Xưởng thủ công mỹ nghệ Hội An quy tụ được nhiều các nghệ nhân tài hoa, khéo léo ở hầu hết các ngành nghề thủ công truyền thống của Hội An và Quảng Nam như làm gốm, sơn mài, dệt vải,…

Đến đây, bạn sẽ được chiêm ngưỡng cách các nghệ nhân tỉ mỉ tạo nên những tác phẩm mỹ nghệ tinh xảo và chọn mua những sản phẩm về làm kỉ niệm. Không những vậy mà còn được quan sát cách mà những người thợ lành nghề tỉ mỉ trong công việc để làm nên một sản phẩm, và du khách còn có dịp tham gia vào một số công đoạn sản xuất, tự tay mình làm để có những trải nghiệm thực tế và thú vị về công việc ở xưởng.

Khung cảnh vào buổi chiều của phố cổ Hội An, một khung cảnh ảo diệu và lặng lẽ, vài tia nắng vàng xen kẽ từng góc phố cùng những người đi về nhà sau một ngày làm việc tuy mệt mỏi nhưng có một chút yên bình, thanh thản hoặc những du khách đang say mê với những danh lam, công trình ở vùng đất cổ kính này. Nằm ngay trung tâm phố cổ Hội An và vắt ngang dòng sông Hoài thơ mộng, Chùa Cầu có kiểu mái che độc đáo được làm bằng gỗ với những hoạ tiết trang trí mang phong cách kiến trúc có nguồn gốc từ “xứ sở hoa anh đào” nên còn có tên gọi khác là “Cầu Nhật Bản”.

Hội An sẽ mang đến cho ta một bãi biển với dòng nước tươi mát, những đợt sóng đùa vui cùng nhau, lăn tăn từng đợt đập vào bờ, đó là bãi biển Cửa Đại.

Cửa Đại là bãi biển hấp dẫn thu hút nhiều du khách ở Hội An với làn nước xanh màu ngọc bích bên bãi cát trắng trải dài trắng mịn màng. Bạn không chỉ được hoà mình vào làn nước mát và không gian mát mẻ sảng khoái mà còn được thưởng thức những món ăn hải sản tươi ngon ở biển Cửa Đại. Các nhà hàng, khách sạn và trung tâm du lịch xung quanh biển đều phát triển nhộn nhịp để phục vụ cho nhu cầu nghĩ dưỡng và du lịch của du khách.

Nếu đã tham quan biển Cửa Đại và bạn lại muốn có trải nghiệm mới thì hãy đến với top 25 bãi biển đẹp nhất châu Á, tôi chắc rằng biển An Bàng sẽ không khiến bạn thất vọng. làm biết bao du khách say đắm bởi dòng nước biển trong veo và bãi cát dài rực rỡ dưới ánh nắng vàng long lanh. Khám phá bãi biển An Bàng, bạn sẽ cảm thấy vô cùng sảng khoái và thư giãn trong không gian yên tĩnh và thanh bình như xua tan đi mọi bộn bề của cuộc sống.

  • Kết bài:

Đến Hội An một lần để nhớ mãi nét cổ kính của phố cổ nghìn năm lưu giữ trong mình dấu ấn lịch sử. Khi những thành phố hiện đại tấp nập mọc lên, việc gìn giữ vẻ đẹp cổ xưa của Hội An quả thực không dễ dàng gì. Hi vọng rằng, Hội An sẽ mãi tỏa sáng nơi dải đất miền trung, tiếp tục mang đến cho du khách muôn phương những trải nghiệm tuyệt vời.


Tham khảo:

Di tích kiến trúc nghệ thuật phố cổ Hội An

Phố cổ Hội An nằm ở vùng hạ lưu ngã 3 sông Thu Bồn, thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Ðà Nẵng 28km về phía Nam; phía Ðông giáp biển Ðông; phía Nam giáp huyện Duy Xuyên; phía Tây và Bắc giáp huyện Ðiện Bàn.

Thương cảng Hội An được hình thành khoảng khoảng thế kỷ XV – XVI, thịnh đạt trong thế kỷ XVII – XVIII, nhưng trước đó rất lâu, vùng đất Hội An đã nằm trong địa bàn phân bố của văn hóa tiền Sa Huỳnh, Sa Huỳnh và còn là một cảng thị trọng yếu của Chămpa (từ thế kỷ II – XV). Từ khoảng cuối thế kỷ XV, khu vực Hội An đã có dân cư Đại Việt tới sinh sống, lập làng, người Việt đã sáng tạo ra nhiều ngành nghề phù hợp với điều kiện tự nhiên và xã hội nơi đây. Cuối thế kỷ XVI – XVII, người Hoa và người Nhật đã đến đây định cư, giúp cho hoạt động thương nghiệp ở Hội An phát triển mạnh. Với vị trí địa lý thuận lợi cũng như bối cảnh kinh tế, xã hội, văn hóa Đàng Trong phát triển tương đối ổn định, Hội An nhanh chóng trở thành đô thị/thương cảng phồn thịnh trong nhiều thế kỷ.

Thời thịnh đạt, Hội An là trung tâm mậu dịch lớn nhất của Đàng Trong và là một trong những thương cảng sầm uất của vùng biển Đông Nam Á. Tàu thuyền của Nhật Bản, Trung Quốc, các nước vùng biển Đông Nam Á và một số nước châu Âu hàng năm cập bến mở hội chợ ở đây từ 4 đến 6 tháng liền. Nhiều kiều dân nước ngoài, nhất là người Hoa, Nhật, đã được chúa Nguyễn cho phép ở lại lập phố, mở cửa hàng buôn bán, được sống theo phong tục riêng. Thế kỷ XVII, Hội An có “phố Nhật”, “phố Khách”, có thương điếm Hà Lan… và trở thành một trung tâm giao lưu kinh tế rộng lớn, một Đô thị – Thương cảng có tầm cỡ quốc tế.

Theo lịch sử xây dựng và phát triển, các di tích phân bố theo những trục đường truyền thống (nhỏ và hẹp), vừa mang đậm sắc thái địa phương, vừa thể hiện rõ sự giao lưu hội nhập văn hoá mạnh mẽ với các nước phương Đông và phương Tây.

Những di tích kiến trúc trong phố cổ Hội An đều mang đậm dấu ấn xưa cũ vốn có. Kiểu nhà ở phổ biến nhất trong khu vực này thường có mặt bằng dạng hình ống, các nếp nhà liên tiếp nối nhau bởi nhà cầu và sân trời, theo một thứ tự gần như thống nhất, gồm: nhà – sân – nhà. Các nhà đều được làm khung gỗ, xung quanh có tường gạch (một số nếp nhà có vách gỗ). Kết cấu đỡ mái khá đa dạng, như chồng rường – giả thủ, cột trốn – kẻ chuyền, kèo cầu – cánh ác, chồng đấu – con son,  đặc biệt có kết cấu “vì vỏ cua” ở hiên, mái thường lợp ngói máng (kiểu âm dương), tường hồi bít đốc có bờ dải uốn lượn mềm mại (kiểu long đình). Trên kiến trúc thường được chạm khắc trang trí các đề tài truyền thống, với các thủ pháp tạo hình như chạm nổi, chạm thủng, kênh bong. Đặc biệt, trước nhà có hai mắt cửa gỗ, được gắn trên bạo cửa ra vào chính.

Hội An cũng từng là một trung tâm Phật giáo của Đàng Trong  từ khá sớm, với phần nhiều chùa theo dòng Tiểu thừa. Chùa trong phố cổ thường có dạng mặt bằng hình chữ quốc. Hai hành lang chạy dọc cùng với nếp chùa chính ôm lấy sân gạch vuông. Chùa không chỉ thờ Phật, mà còn kết hợp thờ Thánh. Ngoài ra, một số chùa còn từng được sử dụng làm Hội quán, không thuần túy mang tính chất tôn giáo. Chùa ở ngoài khu vực phố cổ thường có mặt bằng hình chữ nhị hoặc chữ đinh. Văn bia trong các chùa phần lớn đều ghi niên đại khởi dựng chùa từ đầu thế kỷ XVIII – XIX, nhưng qua nhiều lần tu sửa, niên đại của các kiến trúc gỗ trong nhiều chùa hiện nay chỉ vào khoảng từ nửa đầu thế kỷ XIX trở về sau.

Hội quán của người Hoa ở Hội An xưa thường được kết hợp ngay trong các ngôi chùa lớn của khu phố cổ. Niên đại khởi dựng khoảng thế kỷ XIX.

Chiếc cầu cổ duy nhất còn lại ở Hội An ngày nay là chùa Cầu, còn có tên gọi khác là cầu Nhật Bản. Cầu có kiến trúc gỗ rất đặc biệt. Trên cầu có một ngôi chùa thờ Bắc Đế Trấn Vũ, vì vậy thường gọi là chùa Cầu. Tên chữ của cầu là Lai Viễn kiều, do chúa Nguyễn Phúc Chu đặt năm 1719. Đây là một di tích tiêu biểu của Hội An.

Ngoài các kiến trúc tiêu biểu trên, trong khu phố cổ Hội An còn có di tích mộ cổ, với nhiều loại hình của người Việt, Hoa, Nhật và mộ của người phương Tây. Trong số mộ của người Việt, đáng chú ý nhất là mộ của họ Trần, có niên đại vào cuối thế kỷ XVIII – Mộ hình mu rùa, bằng hỗn hợp vôi, cát, mật mía; bia mộ bằng đá sa thạch hoặc cẩm thạch. Giếng cổ cũng là loại hình di tích khá độc đáo hiện còn tồn tại ở Hội An, với hệ thống liên hoàn, nằm sâu trong quần thể khu phố cổ, dọc theo bờ Bắc của sông Thu Bồn.

Ngoài những giá trị văn hóa vật thể, phố cổ Hội An còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa phi vật thể, với các lễ hội đang được bảo tồn và phát huy cùng các làng nghề thủ công truyền thống, các món ẩm thực… làm cho Hội An ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách.

Hiện nay, phố cổ Hội An – một di sản thế giới ở Việt Nam đã thực sự trở thành nguồn lực của sự phát triển kinh tế – xã hội ở Hội An, có đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – du lịch dịch vụ, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nhân dân địa phương, qua đó cũng tạo ra những điều kiện thuận lợi để tái đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị di tích một cách bền vững…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang