Sự nghiệp văn học và đặc sắc nghệ thuật sáng tác của nhà văn Nam Cao
- Mở bài:
Nam Cao là một trong số những nhà văn hiện thực lớn nhất của nền văn học Việt Nam. Ông thuộc trong số những cây bút hiếm hoi của nền văn xuôi hiện đại có tư tưởng, phong cách và thi pháp sáng tạo riêng độc đáo, có những cách tân lớn lao góp phần quan trọng vào tiến trình hiện đại hóa nền văn học dân tộc. Sự nghiệp sáng tác của Nam Cao không dài, chỉ gói trọn trong 15 năm (1936 – 1951), gia tài văn chương Nam Cao để lại cho hậu thế không mấy đồ sộ song chúng đã thành “mẫu số vĩnh hằng” trong nền văn học dân tộc.
- Thân bài:
Sáng tác của ông đã vượt qua được những thử thách khắc nghiệt của thời gian, có sức sống mạnh mẽ trong lòng người đọc. Thời gian càng lùi xa, những tác phẩm của ông càng bộc lộ những tư tưởng nhân văn cao đẹp, ý nghĩa hiện thực sâu sắc và vẻ đẹp nghệ thuật điêu luyện, độc đáo. Đúng như nhà nghiên cứu Phong Lê đã nhận xét: “Sáng tác của Nam Cao là cả một kho trữ lượng bên trong, một kho của dư đầy…có thể đào xới vào rất nhiều tầng vỉa, và vẫn còn hứa hẹn nhiều vỉa mới”.
Nam Cao xuất hiện trên văn đàn từ 1936 bằng một số bài thơ, truyện ngắn chịu nhiều ảnh hưởng của văn học lãng mạn đương thời nhưng không mấy thành công và ít được chú ý. Chỉ đến 1940, khi viết truyện ngắn “Chí Phèo” Nam Cao mới thực sự xác định được hướng đi cho ngòi bút của mình. Và với khuynh hướng hiện thực chủ nghĩa tên tuổi và vị trí của Nam Cao mới thực sự được khẳng định. So với các nhà văn hiện thực phê phán như Nguyễn công Hoan, Ngô Tất Tố, Vũ trọng Phụng, Nam Cao là người đến muộn song với tài năng và sự nỗ lực của mình ông đã trở thành đại diện ưu tú nhất cho trào lưu văn học hiện thực phê phán 1930 – 1945 với quan điểm nghệ thuật phải gắn liền với hiện thực, phải “vị nhân sinh”.
Sáng tác của Nam Cao tập trung vào hai đề tài: người nông dân và người trí thức nghèo trước cách mạng tháng tám. Ở đề tài người nông dân Nam Cao đã dựng lên bức tranh chân thực về nông thôn Việt Nam trên con đường phá sản, bần cùng, không lối thoát, hết sức thê thảm vào những năm trước cách mạng. Và nổi lên trong bức tranh ấy là hình tượng những người nông dân hiền lành, lương thiện bị đẩy vào tình trạng tha hóa, lưu manh hóa, bị hủy hoại cả nhân hình và nhân tính:
- Chí Phèo
- Tư Cách Mõ
- Một bữa no
- Trẻ con không được ăn thịt chó
Những sáng tác về đề tài người trí thức của ông tập trung thể hiện những tấn bi kịch tinh thần của người trí thức tiểu tư sản có hoài bão, khát vọng, giàu tài năng nhưng lại bị gánh nặng áo cơn ghì sát đất, trở thành những mảnh “đời thừa”, những kiếp “sống mòn”. Nam Cao không chỉ dừng lại ở việc phản ánh tình trạng thê thảm của xã hội và con người trước cách mạng mà còn trực tiếp phân tích, cắt nghĩa, truy tìm nguyên nhân dẫn tới tình trạng đó.
Dù ở đề tài người nông dân hay người trí thức Nam Cao đều bộc lộ sự cảm thông, thương xót trước những đau khổ, bất hạnh của con người. Tác phẩm của ông là lời kết án đanh thép xã hội thực dân nửa phong kiến bất công chà đạp nhân phẩm của con người, đồng thời là tiếng kêu khẩn thiết: hãy cứu lấy nhân phẩm con người.
Về phương diện nghệ thuật Nam Cao đã đánh dấu sự cách tân ở nhiều mặt: kết cấu, nghệ thuật trần thuật, ngôn ngữ, nghệ thuật xây dựng nhân vật…góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy và hoàn thiện quá trình hiện đại hóa nền văn học dân tộc.
Nam Cao thường hướng ngòi bút của mình vào miêu tả những cái nhỏ nhặt, xoàng xĩnh cuộc sống hàng ngày, từ đó đặt ra những vấn đề có ý nghĩa xã hội to lớn, những triết lý sâu sắc về con người, cuộc sống, nghệ thuật. Sáng tác của Nam Cao trước cách mạng tập trung vào hai đề tài: đề tài người nông dân và đề tài người trí thức, những đề tài quen thuộc của văn học hiện thực phê phán. Tuy nhiên do biết đào sâu, biết tìm tòi nên tác phẩm của Nam Cao vẫn có khả năng khám phá hiện thực ở một chiều sâu mới, đặt ra những vấn đề hết sức mới mẻ. Qua những sáng tác về đề tài người nông dân Nam Cao đã dựng lên bức tranh chân thực về nông thôn Việt Nam nghèo đói , xơ xác, đầy những xung đột, mâu thuẫn, trong đó cuộc sống của người nông dân hiện lên hết sức bi thảm. Trong những tác phẩm của mình Nam Cao đã phản ánh chân thực, sâu sắc tình trạng khốn cùng của người nông dân Việt Nam trên con đường bần cùng hóa, phá sản, không lối thoát vào những năm 1940 – 1945.
Nếu như Nguyễn Công Hoan đã xây dựng khá thành công hình ảnh người nông dân điêu đứng, phá sản vì thủ đoạn tranh cướp ruộng đất của bọn địa chủ cường hào trong tiểu thuyết “Bước đường cùng”, Ngô Tất Tố với tiểu thuyết “Tắt đèn” nói lên số phận long đong, khốn khổ của những người nông dân Việt Nam trước cảnh sưu cao thuế nặng thì Nam Cao lại viết về số phận bi thảm, cùng cực của người nông dân qua cuộc sống hàng ngày của họ. Đó là những con người sống quẩn quanh, bế tắc trong cái đói, cái nghèo.
Biết bao người chết vì đói, vì ốm đau không có tiền thuốc thang. Anh đĩ Chuột trong truyện ngắn “Nghèo” buộc phải thắt cổ tự tử để đỡ gánh nặng cho vợ con: “Cái bộ xương bọc trong da giãy giụa như một con gà bị bẫy, sau cùng, nó chỉ còn giật từng cái chậm dưới sợi dây thừng lủng lẳng”. Lang Rận trong truyện ngắn cùng tên vất vưởng sống trong rách rưới đói nghèo, tủi nhục vì bị người ta khinh bỉ, làm nhục đã phải tìm đến cái chết một cách thê thảm thê thảm: “Ông thắt cổ bằng cái ruột tượng gốc của mụ Lợi. Cái mặt ông đọng máu sưng lên bằng cái thớt. Cái đầu ông nghẹo xuống như đầu một thằng bé khi nó dỗi trông thật là thiểu não”.
Cuộc đời lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên cũng là một chuỗi ngày dài đầy bất hạnh. Không đủ tiền cưới vợ cho con đến nỗi nó phẫn chí bỏ đi làm đồn điền cao su, lão Hạc phải sống mòn mỏi trong cô đơn, nghèo đói. Lão làm thuê, làm mướn để kiếm ăn qua ngày chứ nhất định không tiêu vào tài sản của con. Thế rồi ốm đau không còn sức để đi làm thuê nữa Lão Hạc đành phải tự kết liễu đời mình bằng một cái chết thật thảm khốc: “Lão tru tréo, bọt mép sùi ra, khắp người chốc chốc lại giật mạnh một cái, nẩy lên. Hai người đàn ông lực lưỡng phải ngồi đè lên người lão. Lão vật vã đến hai giờ đồng hồ mới chết. Cái chết thật là dữ dội”. Có thể nói qua những số phận bất hạnh, những cái chết thê thảm ấy Nam Cao đã phản ánh cuộc sống ngột ngạt, bế tắc, không lối thoát của những người nông dân Việt Nam trước cách mạng.
Viết về người nông dân, Nam Cao đặc biệt quan tâm đến vấn đề miếng ăn, vấn đề cái đói – điều mà nhiều cây bút hiện thực đã chú ý phản ánh. Song nếu như Ngô Tất Tố viết về cái đói là tiếng kêu khẩn thiết, cấp bách cứu đói cho người ông dân (Mớ rau trong hòm, Làm no, Cái ăn trong những ngày nước ngập) thì Nam Cao viết về cái đói, miếng ăn như một nỗi nhục nhã, ê chề làm hủy hoại cả nhân phẩm và nhân tính của con người.
Ông nhấn mạnh nỗi nhục hơn là nỗi khổ. Như nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh đã nhận xét: “Nếu như ở tác phẩm của Ngô Tất Tố là tiếng kêu cứu đói, thì ở tác phẩm của Nam Cao lại là tiếng kêu cứu lấy nhân cách, nhân phẩm, nhân tính của con người đang bị cái đói và miếng ăn làm cho tiêu mòn đi, thui chột đi, hủy diệt đi”. Bà cái Tý trong “Một bữa no” vì quá đói mà đành phải từ bỏ cả danh dự, lòng tự trọng và nhân cách của con người để mong kiếm một bữa no. Trong “Tư cách mõ”, miếng ăn cùng với sự xúc phạm của những người xung quanh đã biến anh cu Lộ từ một người nông dân thật thà thành một kẻ đê tiện, tham lam.
Như vậy qua những câu chuyện nhỏ nhặt, tầm thường, xoay quanh chuyện cái đói, miếng ăn Nam Cao đã phản ánh chân thực cuộc sống khốn khổ, bần cùng ở nông thôn Việt Nam trước cách mạng, cảm thông, thương xót trước nỗi cơ cực của những người nông dân đồng thời đặt ra những vấn đề mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc. Đó là lời kêu khẩn thiết hãy cứu lấy nhân phẩm con người.
Viết về người nông dân Nam Cao tập trung viết về tình trạng những con người hiền lành, lương thiện luôn bị lăng nhục, bị xúc phạm về nhân phẩm, bị đẩy vào tình trạng tha hóa, lưu manh hóa. Lộ trong “Tư cách mõ” vốn là người hiền lành, thật thà, chăm chỉ làm ăn, vậy mà chỉ vì sự nhục mạ, khinh ghét của những người xung quanh mà trở nên trơ trẽn, đê tiện, không còn biết xấu hổ, nhục nhã là gì.
Đề tài người trí thức tiểu tư sản khá quen thuộc đối với văn học Việt Nam 1930 – 1945 nhưng chỉ đến Nam Cao, với ngòi bút hiện thực tỉnh táo, nghiêm ngặt, với sự phân tích tâm lý sắc sảo, hình ảnh những nhân vật trí thức tiểu tư sản mới hiện lên thật cụ thể và sinh động qua những tấn bi kịch tinh thần dai dẳng, bế tắc. Viết về người trí thức tiểu tư sản Nam Cao đã tập trung xoáy sâu làm nổi bật tấn bi kịch tinh thần của họ. Đó là bi kịch của những trí thức nghèo có tài năng, hoài bão, khát vọng lớn lao nhưng bị hiện thực đói nghèo gánh nặng áo cơm ghì sát đất, không thực hiện được ước mơ của mình, luôn dằn vặt, đau đớn về tinh thần như Hộ trong “Đời thừa”, Thứ trong “Sống mòn”, Điền trong “Giăng sáng”.
Có thể nói những tác phẩm viết về đề tài người trí thức của Nam Cao đã thực sự trở thành tiếng khóc xót xa, ân hận về “cái chết của tâm hồn”, cái chết về tinh thần của cả một lớp người trong xã hội cũ, qua đó thể hiện tình trạng bế tắc, không lối thoát của những người trí thức tiểu tư sản, đồng thời phản ánh sâu sắc bầu không khí ngột ngạt của một xã hội đanh han rỉ và kiệt quệ về tinh thần, đang bị đe dọa nghiêm trọng trước thảm họa của đói rét và chiến tranh. Dù viết về đề tài người nông dân hay trí thức tiểu tư sản Nam Cao đều dựng lên bức tranh chân thực về xã hội Việt Nam trước cách mạng, đồng cảm, thương xót với những đau khổ, bất hạnh của con người. Đồng thời khẳng định phẩm chất của con người dù bị hoàn cảnh chà đạp, vùi dập. Đó chính là chủ nghĩa nhân đạo cao cả bao trùm sáng tác của ông.
Nguyễn Văn Hạnh khẳng định trong bài Nam Cao và khát vọng về một cuộc sống lương thiện,xứng đáng (in trong Nam Cao về tác gia và tác phẩm): “Chủ nghĩa nhân đạo của Nam cao không chỉ thể hiện ở lòng cảm thông, xót thương cho những người nghèo khổ, bất hạnh trong xã hội mà còn ở những trăn trở, dằn vặt không nguôi trước cuộc sống vô nghĩa, bế tắc, một chủ nghĩa nhân đạo bao giờ cũng đặt con người ở trung tâm cuộc sống, buồn cho con người mà vẫn tin ở con người, tin ở bản tính lành mạnh tốt đẹp của con người, nó đòi hỏi con người không được thụ động, buông xuôi, mà phải tích cực, chủ động, có ý thức trách nhiệm về cuộc sống của mình”.
Trong văn học truyền thống cốt truyện là vấn đề quan tâm hàng đầu của nhà văn bởi vì nó là yếu tố hàng đầu tạo nên sự hấp dẫn của tác phẩm. Các nhà văn cùng thời với Nam Cao vẫn hết sức coi trọng cốt truyện. Họ đều có ý thức xây dựng một cốt truyện với những tình tiết hấp dẫn, nhiều sự kiện, biến cố bất ngờ, tạo nên tính chất giàu kịch tính cho tác phẩm. Cốt truyện của “Tắt đèn” dồn dập những sự kiện, biến cố, rất căng thẳng và giàu kịch tính. Trong tác phẩm của Nam Cao cốt truyện có vai trò khiêm tốn hơn, ông không coi đó là yếu tố hàng đầu tạo nên sức hấp dẫn của tác phẩm. Trong nhiều tác phẩm của ông cốt truyện được hư cấu rất đơn giản, dường như không cần đến sự tổ chức, sắp xếp. Có nhiều truyện của Nam Cao không có cốt truyện.
Nếu như trong truyện của Nguyễn Công Hoan, Vũ trọng Phụng cốt truyện thường được xây dựng trên cơ sở miêu tả những hành động bên ngoài của nhân vật vào những thời điểm quan trọng, có tính chất bước ngoặt làm thay đổi cuộc đời, số phận nhân vật. Cuộc sống được miêu tả là những chuỗi biến cố, sự kiện, những tình huống ngẫu nhiên, đầy bất ngờ làm đảo lộn tất cả thì Nam Cao thường xây dựng cốt truyện trên cơ sở miêu tả những cuộc đấu tranh nội tâm của nhân vật.
Trong Giăng sáng, Đời thừa, Mua nhà, Nước mắt, Sống mòn…những sự kiện xuất hiện thường là nguyên nhân, là nguồn gốc của những cảm xúc, tâm trạng, suy nghĩ của nhân vật. Nhân vật bộc lộ thái độ, tư tưởng, tình cảm của mình chủ yếu là qua hành vi (cử chỉ, nét mặt, lời nói) và qua lời độc thoại nội tâm chứ chúng không có những hành động dứt khoát để làm nên những thay đổi bên ngoài. Sự vận động của hành động không phải diễn ra ở bên ngoài mà chủ yếu chỉ xảy ra ở bên trong, xảy ra trong thế giới nội tâm của nhân vật.
Ý thức được vai trò của người nghệ sĩ Nam Cao không chấp nhận tác phẩm của mình chỉ phản ánh được cái bề ngoài của xã hội, bề ngoài của hiện thực. Ông muốn thể hiện cuộc sống tự nhiên, chân thật, khách quan như nó vốn có với những cái hàng ngày bình thường, xoàng xĩnh, với tất cả những gì gần gũi, quen thuộc nên cốt truyện của ông thường được nới lỏng, được giãn ra chứ không chặt chẽ, tập trung như trong cốt truyện truyền thống.
Giăng sáng, Đời thừa, Một đám cưới…đều có khuynh hướng nới lỏng cốt truyện để cho những chi tiết, những cái vặt vãnh hàng ngày ùa vào tác phẩm. Tiểu thuyết “Sống mòn” từ đầu tới cuối chỉ viết về cuộc đời riêng tư của vài nhân vật với những cái vặt vãnh hằng ngày đang diễn ra xung quanh cuộc sống của nhân vật Thứ.
Mãi đến cuối tác phẩm mới có một biến cố thực sự thấp thoáng xuất hiện – chiến tranh thế giới thứ hai với những hồi còi báo động liên miên, những người dân thành phố lục tục chạy loạn, trường học bị đóng cửa…làm lay động những cuộc đời đang mòn mỏi bế tắc. Nhưng biến cố ấy vừa mới xuất hiện thì cuốn tiểu thuyết lại khép lại. Có thể nói đẩy cốt truyện xuống bình diện sau, xây dựng những cốt truyện chủ yếu được hình thành từ những hành động bên trong của nhân vật là một sự cách tân của Nam Cao, góp phần phát triển nền văn xuôi hiện đại Việt Nam.
Trong sáng tác của Nam Cao ta không chỉ gặp một kiểu kết cấu mà thường thấy xuất hiện nhiều kiểu kết cấu. Đối với ông kết cấu là con đường và phương tiện làm sâu sắc hơn tư tưởng của tác phẩm vì vậy ông đã tổ chức những kiểu kết cấu hợp lý, phóng túng mà chặt chẽ, tạo dựng những tình huống, xếp đặt các sự kiện, tổ chức hệ thống tính cách hợp lý, biến chúng trở thành những phương tiện để thể hiện tư tưởng của tác phẩm.
Trong nhiều truyện Nam Cao sử dụng kiểu kết cấu đi thẳng vào vấn đề trung tâm của tác phẩm (Chí Phèo, Tư cách mõ, Từ ngày mẹ chết…) Ngay từ những dòng đầu tiên của tác phẩm đã nói tới chi tiết, sự kiện thể hiện bản chất, vấn đề cốt lõi của câu chuyện và sau đó nhà văn mới quay lại phía sau, miêu tả quãng đời quá khứ của nhân vật. Mở đầu truyện Tư cách mõ Nam Cao nói thẳng vào vấn đề anh cu Lộ đã trở thành một thằng mõ điển hình, một thằng mõ chính tông rồi sau đó mới quay lại lý giải nguyên nhân khiến cho Lộ bị tha hóa: “Bây giờ thì hắn đã thành mõ hẳn rồi. Một thằng mõ đủ tư cách mõ chẳng chịu kém những anh mõ chính tông một tý gì: cũng đê tiện, cũng lầy là, cũng tham ăn…”.
Một số truyện của Nam Cao có kiểu kết cấu theo trình tự thời gian như “Nghèo”, “Ở hiền”, “Dì Hảo”…. Các sự kiện diễn ra trong cuộc đời của nhân vật đều được sắp xếp theo trật tự thời gian nhờ vậy mà người đọc dễ theo dõi sự phát triển số phận của nhân vật, đồng thời tạo ấn tượng sâu đậm theo dòng thời gian ấy cuộc sống của nhân vật càng chìm sâu hơn trong khổ đau, tủi cực.
Trong truyện của Nam Cao ta còn thấy xuất hiện kiểu kết cấu lắp ghép. Đây là kiểu kết cấu phổ biến trong điện ảnh. Sử dụng kiểu kết cấu này Nam Cao thường sắp xếp, tổ chức lại thời gian, tạo nên sự luân phiên giữa các cảnh với nhau. Những sự sắp xếp này làm cho những cảnh đời, những bức tranh hiện thực của đời sống lần lượt hiện ra.
Truyện ngắn “Chí Phèo”, tiểu thuyết “Sống mòn” thuộc kiểu kết cấu như thế. Những cảnh đời, những mảng hiện thực khác nhau, mới thoáng nhìn tưởng chẳng có liên hệ gì với nhau được tác giả sắp xếp, lắp ghép vào tác phẩm, cứ lần lượt xuất hiện như những cảnh trong phim, cùng tập trung thể hiện chủ đề, tư tưởng của tác phẩm, qua đó nhà văn phản ánh được tính chất phong phú, phức tạp của cuộc sống.
Hướng ngòi bút vào việc miêu tả thế giới tinh thần bên trong của nhân vật, Nam Cao thường xuyên lựa chọn kiểu kết cấu tâm lý. Có thể coi đây là kiểu kết cấu đặc trưng, cơ bản nhất trong tác phẩm của Nam Cao, đặc biệt là những sáng tác về chủ đề tiểu tư sản. Những truyện ngắn “Đời thừa”, “Giăng sáng”, “Nước mắt”, “Lão Hạc”, “Chí Phèo” và tiểu thuyết “Sống mòn” là những mẫu mực về kiểu kết cấu này.
Đó những kiểu kết cấu thường gặp trong sáng tác của Nam Cao, tuy nhiên trong một tác phẩm ông không chỉ sử dụng đơn thuần một kiểu kết cấu nào, mà thường kết hợp linh hoạt nhiều kiểu kết cấu phối hợp với nhau tạo nên một hệ thống hoàn chỉnh, trong đó có một kiểu kết cấu chính giữ vai trò chủ đạo. Có thể xem “Sống mòn” và “Chí phèo” là những tác phẩm tiêu biểu hơn cả cho cách tổ chức kết cấu như thế. Nếu nhìn bề ngoài ta thấy “Sống mòn” là sự nối kết của những câu chuyện tản mạn, rời rạc về những điều nhỏ nhặt, tầm thường trong cuộc sống tưởng như chẳng liên quan gì đến nhau nhưng nếu đọc kĩ thì lại thấy kết cấu của truyện hết sức chặt chẽ, lôgic.
Từ những câu chuyện vặt vãnh hằng ngày diễn ra xung quanh nhân vật Nam Cao đã nói lên cuộc sống tù túng, quẩn quanh, không lối thoát của người trí thức trước cách mạng, đồng thời thể hiện bi kịch tinh thần của người trí thức có ước mơ, hoài bão nhưng bị hiện thực xã hội chà đạp, đè nén dẫn đến tình trạng chết mòn về tinh thần, không có lối thoát. Đọc truyện “Chí Phèo” ta thấy xuất hiện nhiều kiểu kết cấu: kết cấu đi thẳng vào vấn đề trung tâm, kết cấu vòng tròn, kết cấu lắp ghép…góp phần tạo nên tính hấp dẫn của tác phẩm.
- Kết bài:
Tóm lại, sáng tác của Nam Cao thể hiện sự cách tân quan trọng trong nghệ thuật tổ chức kết cấu. Với mong muốn khám phá cuộc sống ở bề sâu ý nghĩa tư tưởng của nó ông thường cố gắng kết hợp nhiều kiểu kết cấu trong một tác phẩm để tạo cho tác phẩm nhiều lớp ý nghĩa. Chính điều này góp phần tạo nên sức hấp dẫn trong tác phẩm của Nam Cao.
- Con đường tha hóa của nhân vật Chí Phèo
- Phân tích bi kịch cuộc đời của nhân vật Chí Phèo
- Những đặc sắc nghệ thuật khó lặp lại trong truyện ngắn Chí Phèo
- Phân tích nhân vật Hộ trong truyện “Đời Thừa” của Nam Cao
- Phân tích tấn bi kịch tinh thần của Hộ trong “Đời thừa” của Nam Cao
- Phân tích nghệ thuật xây dựng nhân vật mang tính cách điểm hình trong “Đời thừa” của Nam Cao