thuyet-minh-tac-gia-nguyen-du-va-tac-pham-truyen-kieu.png

Thuyết minh về tác giả Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều

Thuyết minh về tác giả Nguyễn Du và tác phẩm “Truyện Kiều”.

I. Tác giả Nguyễn Du:

1. Thân thế Nguyễn Du:

Nguyễn Du (1765 – 1820), tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, quê ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Nguyễn Du sinh trưởng trong một gia đình đại quý tộc phong kiến, nhiều đời làm quan lớn và có truyền thông văn chương.

Cha là Nguyễn Nghiễm từng giữ chức Tể tướng 15 năm. Anh là Nguyễn Khản cũng là một đại quan trong triều. Mẹ là Trần Thị Tần, một người phụ nữ Kinh Bắc có tài xướng ca.

Quê hương Nguyễn Du là vùng đất địa linh, nhân kiệt, hiếu học và trọng tài. Gia đình Nguyễn Du có truyền thống học vấn uyên bác, có nhiều tài năng văn học. Gia đình và quê hương chính là “mảnh đất phì nhiêu” nuôi dưỡng thiên tài Nguyễn Du.

2. Cuộc đời Nguyễn Du:

Thời thơ ấu, Nguyễn Du sống trong nhung lụa. Lúc gia đình còn thịnh vượng, Nguyễn Du là một cậu ấm được chăm sóc và giáo dục rất chu đáo. Ông thường xuyên vào triều cùng cha, cùng chơi và học tập với các công nương quý tử. Cuộc sống giàu sang thuở thiếu thời vốn không có gì xa lạ với ông.

Năm 10 tuổi, cha Nguyễn Du qua đời. Hai năm sau, mẹ Nguyễn Du cũng mất. Mới 13 tuổi, Nguyễn Du mồ côi cả cha lẫn mẹ nên ông phải ở với người anh khác mẹ là Nguyễn Khản. Thế nhưng, lúc này cuộc sống của Nguyễn Du vẫn rất sung túc. Thời gian này, ông có cơ hội dùi mài kinh sử, đọc nhiều sách vở.

Năm 19 tuổi, Nguyễn Du thi đỗ tam trường rồi làm một chức quan nhỏ ở tận Thái Nguyên. Chẳng bao lâu, phong trào Tây Sơn nổ ra, nhà Lê sụp đổ. Kể từ đây, cuộc đời Nguyễn Du bắt đầu gặp những sóng gió trong cơn quốc biến ba đào, chịu cảnh gia biến, nhà tan cửa nát, anh em chia lìa, phiêu bạt khắp nơi.

Bị nhà Tây Sơn truy bắt, Nguyễn Du đành lánh về quê vợ ở Thái Bình. Ông lẩn trốn ở đây hơn 10 năm. Sau vợ ông mất, ông lại về Hà Tĩnh. Có lúc lên Bắc Ninh, nhiều nhất là thời gian ông sống không nhà ở kinh thành Thăng Long.

Sớm mổ côi cha mẹ nên Nguyễn Du đã phải trải qua cuộc sống khổ sở, cơ cực như dân thường, nhiều lúc ông lâm vào cảnh đói không cơm, sốt không áo, ốm không thuốc, thậm chí không chốn nương thân. Sống gần gũi với nhân dân, ông đã tiếp xúc với nhiều cảnh đời và số phận bất hạnh, khổ đau. Những biến động lớn lao của gia đình và xã hội đã tác động sâu sắc tới con người cùng sự nghiệp sáng tác của ông.

Năm 1802, nhà Nguyễn phục hưng, Nguyễn Du lại được mời ra làm quan. Từ đây, ông đem hết tài năng và sức lực của mình cống hiến cho sự nghiệp xây dựng nước nhà. Con đường hoạn lộ cũng hết sức thuận lợi.

Sau khi ra làm quan, ông được cử đi sứ nên đã có dịp tiếp xúc với nền văn hoá Trung Hoa rực rỡ, phong phú và đa dạng, gây cho ông cảm hứng viết nên những tác phẩm bất hủ sau này.

II. Sự nghiệp văn học.

Sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Du bằng cả chữ Hán và chữ Nôm đạt tới tầm cỡ của một thiên tài văn học.

Về chữ Hán: ông có ba tập thơ: Thanh Hiên Thi Tập, Bắc Hành Tạp Lục, Nam Trung Tập Ngâm, với tổng số 243 bài.

Về chữ Nôm: nhiều bài văn tế, thơ ca và nổi tiếng nhất là Truyện Kiều – một truyện thơ xuất sắc. Truyện Kiều của Thi hào Nguyễn Du được xem là một kiệt tác xuất sắc nhất của nền văn học Việt Nam từ xưa đến nay.

Tháng 12/1964, Hội đồng Hòa bình thế giới đã ra quyết nghị tổ chức kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Nguyễn Du (1765 – 1965), cùng với 8 danh nhân văn hóa trên toàn thế giới. Đây là sự ghi nhận với những cống hiến của Đại thi hào Nguyễn Du cho nền văn học Việt Nam và sự phát triển của văn hóa nhân loại.

Ngày 25/10/2013, tại kỳ họp lần thứ 37 của Đại Hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) họp ở Paris đã chính thức vinh danh Đại thi hào Nguyễn Du cùng với 107 danh nhân văn hóa toàn thế giới.

II. Kiệt tác văn học “Truyện Kiều”.

1. Nguồn gốc xuất xứ “Truyện Kiều”:

“Truyện Kiều” có tên gọi là “Đoạn trường tân thanh”. Nguyễn Du viết “Truyện Kiều” dựa trên cuốn tiểu thuyết “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc). Tuy vậy, phần sáng tạo của Nguyễn Du là rất lớn. Từ câu chuyện cảm động về cuộc đời và số phận của nhân vật Thúy Kiều, Nguyễn Du đã viết nên một kiệt tác mang đậm tính nhân văn cao cả, thể hiện tình yêu thương con người vô hạn của nhà thơ. Nghệ thuật ngôn ngữ sắc xảo; phương thức xây dựng hình tượng nhân vật điển hình, tài nghệ tả cảnh, tả tình,… của Nguyễn Du đều đạt tới trình độ điêu luyện, hiếm có. So với “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân, “Truyện Kiều” có những giá trị vượt trội, khẳng định một tài năng lớn, một nhà nhân đạo vĩ đại.

2. Tóm tắt nội dung “Truyện Kiều”:

Thuý Kiều là người con gái tài sắc sinh ra trong một gia đình trung lưu nền nếp. Trong một lần du xuân, Thuý Kiều tình cờ gặp Kim Trọng, một chàng thư sinh tài tử. Hai người nhanh chóng yêu nhau rổi hẹn ước thề nguyền sẽ kết duyên.

Tưởng rằng tình yêu đôi trẻ sẽ đi đến hạnh phúc, nào ngờ tai bay vạ gió từ đâu ập đến khiến cho gia đình tan nát, tình yêu chia lìa. Tai họa đã đột ngột ập đến Vương gia trong lúc người thiếu nữ còn đang thổn thức với mối tình đầu. Trong hoàn cảnh bi đát như vậy, Kiều đành phải đi đến quyết định bán mình để chuộc cha, nhưng nàng không quên lời hẹn ước trăm năm  với Kim Trọng trước khi chàng về Liêu Dương để chịu tang chú. Thuý Kiều đã nhờ cậy Thuý Vân thay mình trả lời hẹn ước với Kim Trọng.

Từ đó, nàng trải qua 15 năm lưu lạc chịu không biết bao nhiêu cực khổ và tủi nhục. Hai lần bị đẩy vào lầu xanh, nhiều lần bị đánh đập tàn tệ, bị lừa gạt. Nhiều lần nàng toan tự vẫn để không còn thống khổ tủi nhục nữa nhưng không thành. Tưởng rằng khi gieo mình xuống sông Tiền Đường sẽ chấm dứt được cuộc đời trầm luân nhưng số phận khắc nghiệt vẫn không buông tha cho nàng.

Cuộc đoàn tụ với gia đình sau 15 năm xa cách trong hờn hờn tủi tủi. Thuý Kiều đã trở về đoàn viên với gia đình. Nhưng nàng chính là người sợ việc đoàn viên hơn ai cả. Trong việc tái ngộ này, Thuý Vân chính là người đầu tiên đã lên tiếng vun vào cho chị. Nhưng trong đêm gặp lại ấy, Thuý Kiều đã tâm sự với Kim Trọng. Nàng ghi nhận tấm lòng của Kim Trọng nhưng tự thấy mình không còn xứng đáng với chàng nữa. Tuy từ chối việc kết hôn với Kim Trọng, song Kiều nguyện rằng hai người sẽ trở thành bạn tri kỷ.

3. Giá trị nội dung và nghệ thuật:

a. Về nội dung:

– Truyện Kiều là một bài ca về tình yêu tự do về ước mơ công lí.

Truyện Kiều là bài ca về tình yêu tự do, trong sáng, thuỷ chung. Mối tình giữa Thuý Kiều và Kim Trọng là mối tình đẹp đẽ giữa trai tài, gái sắc. Tình yêu của họ không bị địa vị, tiền tài làm cho vẩn đục. Đặc biệt hơn nữa đó là mối tình chân thật và táo bạo hiếm có xưa nay.

Truyện Kiều là tiếng nói về công lí chính nghĩa của nhân dân. Từ Hải là hình ảnh người anh hùng lí tưởng của nhân dân mà Nguyễn Du đã hết sức chú tâm xây dựng. Từ Hải chống lại triều đình không ngoài khát vọng tự do ngang dọc. Hồ Tôn Hiến đã giết chết Từ Hải bằng âm mưu thâm độc, nhưng hình ảnh đạp đỗ của Từ Hải vẫn sống mãi trong lòng quần chúng bị áp bức.

– Truyện Kiều là tiếng khóc của kiếp người khổ đau nơi trần thế.

Truyện Kiều là tiếng khóc cho những mối tình tan vỡ, là tiếng khóc cho tình cốt nhục bị lìa tan, là tiếng khóc cho nhân phẩm và quyền sống của con người bị chà đạp. Truyện Kiều còn là tiếng khóc của chính Nguyễn Du trước cảnh ngộ đầy bi kịch của một thiếu nữ tài sắc bậc nhất mà lại bị giày vò, đày đọa bởi xã hội phong kiến vạn ác. Tiếng khóc trong Truyện Kiều vừa là tiếng kêu thương về quyển sống của con người trong xã hội phong kiến, vừa thể hiện tấm lòng nhà thơ hiểu thấu mọi cung bậc của nỗi đau nhân thế.

– Truyện Kiều là bản cáo trạng đanh thép tố cáo bộ mặt xấu xa, tàn ác của xã hội phong kiến bất nhân đương thời đã chà đạp lên nhân cách, nhân phẩm và tước đoạt quyền sống của con người.

Cũng với tiếng khóc đau đớn chứa đựng tinh thẩn nhân đạo sâu xa, Truyện Kiều còn là lời tố cáo mạnh mẽ hiện thực đen tối của xã hội phong kiến.

– Truyện Kiều thể hiện cái nhìn nghiêm khắc của Nguyễn Du đối với đồng tiền.

Vì tiền, nhiều kẻ trở nên tham lam, vỗ liêm sỉ: Thằng bán tơ; bọn sai nha đầu trâu mặt ngựa; viên quan xử kiện vì tiền mà đổi trắng thay đen, tôn Mã Giám Sinh, mụ Tú Bà, gã Sở Khanh kiếm chác trên nỗi tủi nhục của các cô gái lẩu xanh; bọn Ưng Khuyển đốt nhà; bắt cóc, giết người vì tiền. Cả một xã hội chạy theo đồng tiền phục vụ cho điều tận ác.

– Truyện Kiều là tiếng nói “hiểu đời, hiểu người” của Nguyễn Du.

Giá trị của kiệt tác “Truyện Kiều” không chỉ ở nội dung và nghệ thuật mà còn thể hiện ở chiều sâu hiểu biết về con người, ở sự thông cảm, bao dung đối với con người của Nguyễn Du. Ông như hiểu hết mọi điều uẩn khúc trong đời sống tình cảm của con người, nhìn rõ chỗ mạnh chỗ yếu, thậm chí cả chỗ tầm thường của từng nhân vật. Ông miêu tả nhân vật với cảm xúc xót xa, thương cảm hoặc khinh bỉ hoặc đầy căm phẫn.

b. Về nghệ thuật:

– Nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật chân thực, sống động. Các nhân vật của Nguyễn Du vừa có nét riêng nổi bật, vừa có nét điển hình, đặc biệt là về tâm lí. Chỉ cần một đôi nét miêu tả chính xác, tài tình là tác giả đã thể hiện đúng thần thái của nhân vật ấy.

– Truyện Kiều là mẫu mực của nghệ thuật tự sự và trữ tình. Nguyễn Du có biệt tài kể chuyện và giới thiệu nhân vật một cách ngắn gọn và sinh động. Chỉ bằng vài câu thơ, ông đã giúp người đọc hiểu được tinh huống, tính cách, tâm trạng của từng nhân vật. Nguyễn Du đã biến thể thơ lục bát truyền thống của dân tộc trở thành một hình thức thơ trang nhã và hấp dẫn.

– Ngôn ngữ Truyện Kiểu trong sáng, phong phú, trau chuốt và giàu giá trị biểu cảm. Ngôn ngữ dân gian kết hợp nhuần nhuyễn với ngôn ngữ bác học. Lời thơ tuy được viết cách đây hai trăm năm nhưng đến nay đọc vẫn thấy mới mẻ. Ngôn ngữ nhân vật được cá tính hoá cao độ, nhân vật nào ngôn ngữ ấy, không thể lẫn lộn.

4. Đánh giá:

– “Truyện Kiều” đã phản ánh sâu sắc hiện thực xã hội đương thời với bộ mặt tàn bạo của tầng lớp thống trị và số phận đau khổ của những con người bi áp bức, đặc biệt là bi kịch của người phụ nữ. Qua đó, tác giả thể hiện niềm thương cảm sâu sắc trước nỗi đau của con người và lên án, tố cáo những thế lực tàn bạo. Đồng thời bày tò sự trân trọng đối với khát vọng tự do, hạnh phúc và khát vọng công lí, chính nghĩa.

– “Truyện Kiều” có giá trị nội dung và nghệ thuật đạt tới trinh độ xuất sắc, điêu luyện, thể hiện tài năng bậc thầy của thi hào Nguyễn Du. Truyện Kiều xứng đáng là đỉnh cao chói lọi của thơ ca dân tộc.

– “Truyện Kiều” được xem là kiệt tác có giá trị và tầm ảnh hưởng lớn nhất của nền văn học Việt Nam từ xưa đến nay. Cho đến nay kiệt tác “Truyện Kiều” đã được dịch ra hơn 20 ngôn ngữ khác nhau với rất nhiều bản dịch.


Tham khảo:

Giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp văn chương của thi hào Nguyễn Du và kiệt tác văn học “Truyện Kiều”.

  • Mở bài:

Nguyễn Du (1765- 1820) là nhà thơ, danh nhân văn hóa thế giới. “Truyện Kiều” là kiệt tác văn học, là viên ngọc quý hiếm có trong lịch sử văn học nước ta và thế giới.

  • Thân bài:

Nguyễn Du (1765- 1820), tên chữ Tố Như; Hiệu là Thanh Hiên. Cha là Nguyễn Nghiễm (1708- 1775) từng giữ chức tể tướng. Mẹ là Trần Thị Tần (1740-1778), người con gái xứ Kinh Bắc, có tài hát xướng và thuộc nhiều ca dao, làn điệu quan họ. Dòng họ Nguyễn Tiên Điền có hai truyền thống lớn. Thứ nhất, đây là dòng họ khoa bảng, danh vọng lớn. Thứ hai, đây là dòng họ có truyền thống văn hóa, văn học được duy trì qua nhiều đời. Dòng họ, gia đình Nguyễn Du có nhiều người tài hoa, đỗ đạt cao, tiếng tăm phủ khắp đất nước.  Dân gian tương truyền câu ca dao ngợi ca:

Bao giờ Ngàn Hống hết cây
Sông Rum hết nước họ này hết quan.

Quê cha Nguyễn Du ở Hà Tĩnh, một vùng đất thuộc khúc ruột miền trung khổ nghèo, nơi có sông Lam, núi Hồng, sơn thủy hữu tình, đất học, đất khoa bảng lâu đời. Quê mẹ ở Bắc Ninh, một xứ sở hào hoa, cái nôi của dân ca quan họ. Nguyễn Du sinh ra và lớn lên ở kinh thành Thăng Long nghìn năm văn hiến. Bởi thế, ông đã sớm tiếp cận với tri thức từ lúc còn nhỏ tuổi. Quê vợ Nguyễn Du ở Thái Bình, nơi ông từng có một thời gian sống gắn bó với người dân ở đây, thấu hiểu tận cùng nỗi khổ của nhân tình thế thái. Tất cả tạo tiền đề thuận lợi cho sự tổng hợp nghệ thuật ở thiên tài Nguyễn Du.

I. Cuộc đời gian truân, chìm nổi của Nguyễn Du.

Nguyễn Du xuất thân trong gia đình quyền quý nên tuổi nhỏ đã được sống trong nhung lụa, giàu sang tột bậc. Nhưng năm lên 10 tuổi, Nguyễn Du mồ côi cha. Năm 13 tuổi, ông mồ côi mẹ và sống nhờ người anh cả. Lúc còn cha mẹ, nguyễn Du có dịp học tập, dùi mài kinh sử, hiểu biết về cuộc sống phong lưu, xa hoa của giới quý tộc phong kiến

Năm 18 tuổi (1783), Nguyễn Du đỗ Tam trường kì thi hương, giữ chức quan võ ở Thái Nguyên. Làm quan chưa được bao lâu, đến năm 24 tuổi (1789), Phong trào Tây Sơn nổ ra, nhà Nguyễn bị diệt, triều đại Tây Sơn hình thành, Nguyễn Du phải sống lẩn trốn ở quê vợ hơn 10 năm ròng rã, chịu không biết bao nhiêu khổ cực. Trong khoảng thời gian ấy, nhờ sống gần với nhân dân, ông học hỏi ngôn ngữ nghệ thuật dân gian. Tiếp cận với chữ Nôm đã hình thành phong cách ngôn ngữ sáng tác bằng chữ Nôm của Nguyễn Du và dẫn đến sự ra đời của kiệt tác truyện Kiều) sau này.

Năm 37 tuổi (1802), sau khi phong trào Tây Sơn thất bại, nhà Nguyễn Phục hưng, Nguyễn Du bất đắc dĩ ra làm quan cho nhà Nguyễn. Với tài năng lỗi lạc, đường công danh của Nguyễn Du không ngừng thăng tiến, giữ nhiều trọng trách. Đây cũng là thời kỳ sáng tác khá nhiều

Năm 48 tuổi (1813), Nguyễn Du giữ chức Chánh sứ, được triều đình tin tưởng cử đi Trung Quốc. Trong chuyến đi ấy, ông nâng cao tư tưởng xã hội và thân phận con người

Năm 55 tuối (1820), dù đã nhiều lần từ chối nhưng Nguyễn Du lại được triều đình phí thác đi xứ Trung Quốc lần 2. Nhưng chưa kịp lên đường thì ông mất tại kinh thành.

Với tài năng lỗi lạc và tấm lòng thương người vô hạn, Nguyễn Du được tôn vinh là người có học vấn uyên bác và tấm lòng nhân đạo cao cả. Ông là đại thi hào của dân tộc, là danh nhân văn hóa thế giới (1965).

II. Sự nghiệp văn học vĩ đại của thiên tài Nguyễn Du.

a. Sáng tác bằng chữ Hán: 3 tập thơ:

– “Thanh Hiên thi tập”, “Nam trung tạp ngâm”: Thể hiện tâm trạng đau buồn, day dứt nhưng đã cho thấy rõ khuynh hướng quan sát, suy ngẫm về cuộc đời, về xã hội của tác giả.

“Bắc hành tạp lục”: Đạt giá trị cao nhất trong toàn bộ thơ chữ Hán.

* Nội dung: Phê phán chế độ phong kiến Trung Hoa chà đạp lên cuộc sống con người. Ca ngơi, đồng cảm với những anh hùng, nghệ sĩ tài hoa, cao thượng Trung Hoa. Cảm thông với những thân phận nghèo khổ, người phụ nữ tài hoa, bạc mệnh. Các tác phẩm thể hiện tư tưởng, tình cảm, nhân cách của Nguyễn Du.

b. Sáng tác bằng chữ Nôm:

“Đoạn trường tân thanh” (thường gọi là Truyện Kiều) gồm 3.254 câu thơ theo thể lục bát.

“Văn chiêu hồn” (tức Văn tế thập loại chúng sinh), còn có tên gọi khác là Văn chiêu hồn, Văn tế chiêu hồn.

“Thác lời trai phường nón”, gồm 48 câu, được viết bằng thể lục bát. Nội dung là thay lời anh con trai phường nón làm thơ tỏ tình với cô gái phường vải.

“Văn tế sống Trường Lưu nhị nữ”, gồm 98 câu, viết theo lối văn tế, để bày tỏ nỗi uất hận vì mối tình với hai cô gái phường vải khác.

* Nhận xét: Nguyễn Du là nhà thơ nhân đạo lỗi lạc với tấm lòng sâu sắc, bao dung, đồng thời ông đã dùng ngòi bút phê phán hiện thực mạnh mẽ, sắc bén. Những sáng tác của Nguyễn Du là sự kết tinh những thành tựu chữ Hán và chữ Nôm của dân tộc, tổng hợp tinh hoa của nhiều thể loại văn học để sáng tác Truyện Kiều. Nguyễn Du đã có công lớn trong việc đưa ngôn ngữ văn học Tiếng Việt lên trình độ điêu luyện, cổ điển. Từ đó ông đáng được suy tôn danh hiệu Đại thi hào dân tộc và Danh nhân văn hóa thế giới.

III. Giới thiệu kiệt tác văn học “Đoạn trường tân thanh” (thường gọi là Truyện Kiều).

1. Nguồn gốc:

“Truyện Kiều” gồm 3254 câu thơ lục bát, bắt nguồn từ Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc). Từ cốt truyện “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân với tài năng nghệ thuật bậc thầy, nhất là với tấm lòng nhân đạo bao la, Nguyễn Du đã sáng tạo ra một kiệt tác văn chương bất hủ.

2. Sự sáng tạo kiệt xuất của Nguyễn Du trong “Truyện Kiều”.

a. Về nội dung:

+ Bằng tài năng và tâm huyết của mình, Nguyễn Du đã sáng tạo nên một tác phẩm mới, với một cảm hứng mới, một cách nhận thức và lí giải hiện thực mới và gửi gắm vào đó tâm sự của con người thời đại ông. Nếu “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân chỉ là một tác phẩm vô danh, tầm thường thì “Truyện Kiều” được coi là kiệt tác của nền văn học trung đại Việt Nam.

+ Từ câu chuyện tình của Thanh Tâm Tài Nhân, Nguyễn Du đã tạo nên một “Khúc ca mới đứt ruột” (Đoạn trường tân thanh), nhấn vào nỗi đau bạc mệnh và gửi gắm những cảm xúc về nhân sinh của nhà thơ trước “những điều trông thấy”.

+ “Truyện Kiều” là tiếng khóc cho số phận con người: khóc cho tình yêu trong trắng, chân thành bị tan vỡ; khóc cho tình cốt nhục bị lìa tan; khóc cho nhân phẩm bị chà đạp; khóc cho thân xác con người bị đày đọa.

+ “Truyện Kiều” là lời tố cáo mãnh mẽ, đanh thép: tố cáo các thế lực đen tối trong xã hội phong kiến, phanh phui sức mạnh làm tha hoá con người của đồng tiền. Bị ràng buộc bởi thế giới quan trung đại, Nguyễn Du tuy cũng lên án tạo hoá và số mệnh, nhưng bằng trực cảm nghệ sĩ, ông đã vạch ra đúng ai là kẻ chà đạp quyền sống của con người trong thực tế.

+ “Truyện Kiều” là bài ca đắm say về tình yêu tự do và ước mơ công lí.

b. Về nghệ thuật:

+ Nguyễn Du chủ động lược bỏ các tình tiết về mưu mẹo hiểm độc, về báo oán tàn bạo, đồng thời thêm vào các tình tiết thể hiện nghĩa tình giwuax con người với con người, đề cao công lí và chính nghĩa.

+ Được viết bằng thể lục bát truyền thống, với một ngôn ngữ chau chuốt, tinh vi, chính xác đến trình độ cổ điển, trong một truyện thơ Nôm, Nguyễn Du thể hiện nội tâm nhân vật một cách tài tình.

+ Nghệ thuật xây dựng nhân vật điển hình.

+ Nghệ thuật kể chuyện, dẫn chuyện độc đáo.

+ Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ đạt đến tinh xảo.

* Đánh giá:

– “Truyện Kiều” là kiệt tác số một của văn học dân tộc Việt nam, di sản văn học của nhân loại, là một “tập đại thành” của truyền thống nghệ thuật văn, hoá Việt nam, tiêu biểu cho cảm hứng nhân đạo chủ nghĩa, vừa là niềm thương cảm sâu sắc, là tấm lòng “nghĩ tới muôn đời”, vừa là thái độ nâng niu, trân trọng những giá trị nhân bản cao đẹp của con người.

– Trong “Văn chiêu hồn”, Nguyễn Du cất tiếng khóc than cho mười kiếp người nhỏ bé, đáng thương nhất trong xã hội (những tiểu nhi tấm bé, những phụ nữ, kĩ nữ tài hoa bạc mệnh, những học trò nghèo, những người hành khất, những người dân lao động lam lũ “đòn gánh tre chín dạn hai vai”,…)

2. Một vài đặc điểm về nội dung và nghệ thuật của thơ văn Nguyễn Du

a. Về nội dung:

– Nội dung nổi bật nhất trong những sáng tác của Nguyễn Du là sự đồng cảm sâu sắc với cuộc sống của con người (Đạm Tiên, Thúy Kiều, Tiểu Thanh, người ca nữ Long Thành, những ca nhi, kĩ nữ…)

+ Cảm thông cho số phận của người ăn mày:

“Một mẹ cùng ba con
Lê la bên đường nọ
Đứa bé ôm trong lòng
Đứa lớn tay mang giỏ
Trong giỏ đựng những gì
Mớ rau lẫn tấm cám
Nửa ngày bụng vẫn không”.

(Những điều trông thấy)

+ Xót thương nàng Đạm Tiên:

“Nổi danh tài sắc một thì
Xôn xao ngoài ngõ thiếu gì yến anh
Kiếp hồng nhan có mong manh
Nữa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương
Người mà đến thế thì thôi
Đời phồn hoa cũng là đời bỏ đi”.

+ Nhỏ lệ khóc thương cuộc đời của Thúy Kiều:

“Hết nạn nọ đến nạ kia
Thanh lâu hai lượt thanh y hai lần
Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”.

+ Ngậm ngùi trước ông lão hát rong mù ở đất Long Thành:

“Miệng sùi nước bọt, tay mỏi rã rời
Ngồi xuống, xếp đàn, nói rằng hát đã xong
Hết lòng hết sức đàn gần một trống canh
Vậy mà chỉ được năm sáu đồng”.

+ Cảm thương người kĩ nữ xướng ca:

“Cũng có kẻ lỡ làng một tiết
Liều tuổi xanh bán nguyệt buôn hoa
Ngẩn ngơ khi trở về già
Ai chồng con nấy biết là cậy ai.
Sống đã chịu một đời phiền não
Thác lại nhờ hớp cháo lá đa
Đau đớn thay phận đàn bà
Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu!”

Tất cả những con người đau khổ trong thế gian này đều có chỗ đứng trong sáng tác của Nguyễn Du. Đó là những con người nhỏ bé, bất hạnh. Đặc biệt là đối với người phụ nữ, Nguyễn Du đã dành một sự trân trọng lớn lao đối với họ. Tác phẩm của nguyễn Du thể hiện tình thương yêu cao cả đối với con người, tố cáo xã hội phong kiến bất công, tàn bạo (“Phản chiêu hồn”, “Sở kiến hành”, “Truyện Kiều”)

+ Ông xót thương khi nhìn thấy mẹ con người ăn mày đói khát và bọn quan lại ăn uống no nê, thừa mứa:

“Ai vẽ bức tranh này
Dâng lên nhà vua rõ”.

+ Ông cay nghiến những kẻ bất nhân vì đồng tiền bất nhân đã chà đạp lên số phận con người:

“Trong tay đã sẵn đồng tiền
Dẫu lòng đổi trắng thay đen khó gì”.

+ Ông cảm ghét tận xương tủy bọn quan tham:

“Một ngày lại thói sai nha
Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền”.

– Ông ca ngợi vẻ đẹp của con người, ca ngợi tình yêu tự do, đề cao quyền sống và hạnh phúc của con người:

+ Vẻ đẹp của Từ Hải:

“Râu hùm hàm én mày ngài
Vai năm tấc rộng thân mười thước cao
Đường đường một đấng anh hào
Côn quyền hơn sức lược thao gồm tài.
Đội trời đạp đất ở đời
Họ Từ tên Hải vốn người Việt Đông”.

+ Vẻ đẹp của Kim Trọng, Thúy Kiều, Thúy Vân…

“Cửa ngoài vội rủ rèm the
Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình
Nàng rằng khoảng vắng đêm trường
Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa”.

(Truyện Kiều)

→ Tác phẩm của Nguyễn Du mang giá trị nhân đạo, sâu sắc, mới mẻ. Ông là người đầu tiên trong văn học đặt vấn đề về người phụ nữ tài hoa nhưng bạc mệnh.

b. Về nghệ thuật:

– Thành công ở nhiều thể loại thơ ca: ngũ ngôn cổ thi, ngũ ngôn luật, thất ngôn luật, ca, hành.

– Sử dụng thơ lục bát, thơ song thất lục bát chữ Nôm đạt tới tuyệt đỉnh.

– Kết hợp nhuần nhuyễn, sáng tạo ngôn ngữ bình dân và bác học.

– Sử dụng thơ lục bát, thơ song thất lục bát chữ Nôm đạt tới tuyệt đỉnh. Ví dụ trong truyện Kiều, Nguyễn Du tả tiết trời mùa xuân vô cùng đẹp chỉ bằng câu thơ lục bát:

“Cỏ non xanh rợn chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”.

– Ngôn ngữ bình dân được Nguyễn Du sử dụng rất nhiều, nhất là trong truyện Kiều: sử dụng nhiều thành ngữ, tục ngữ, từ trong sinh hoạt hằng ngày.Khi miêu tả Tú Bà:

“Thoắt trông lờn lợt màu da
Ăn chi to lớn, đẫy đà làm sao”.

– Ngôn ngữ bác học: Những đoạn tả Kiều, Từ Hải, Kim Trọng,..

Ví dụ tả vẻ đẹp Kiều:

“Làn thu thủy, nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”.

Tả Từ Hải:

“Râu hùm hàm én mày ngài
Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao”.

  • Kết bài:

Nguyễn Du là một thiên tài văn học, đại thi hào dân tộc, là danh nhân văn hóa thế giới. Nguyễn Du và “Truyện Kiều” mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc ta.


* Tham khảo:

Thuyết minh kiệt tác văn học “Truyện Kiều”.

1. Nguồn gốc và hoàn cảnh sáng tác.

“Truyện Kiều” là tên gọi thông thường theo tên nhân vật chính trong tác phẩm, còn lúc sáng tác, Nguyễn Du đặt tên cho tác phẩm của mình là “Đoạn trường tân thanh” nghĩa là “Tiếng nói mới về một nỗi đau đến đứt ruột”. “Đoạn trường tân thanh” được sáng tác không phải do nhà thơ đơn thuần tưởng tượng, hư cấu để viết ra, mà ông viết dựa theo cốt truyện một tiểu thuyết chương hồi bằng văn xuôi của Trung Quốc, có tên là “Kim Vân Kiều truyện” (truyện về Kim Trọng, Thúy Vân, Thúy Kiều) của một tác giả hiệu là Thanh Tân Tài Nhân.

Trong thời đại của Nguyễn Du các nhà thơ sáng tác thường dựa theo một tác phẩm của Trung Quốc như thế. Nói chung, Nguyễn Du dựa khá sát vào tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân khi viết lại “Truyện Kiều”. Những nhân vật trong Truyện Kiều của ông đều là những nhân vật lấy từ Kim Vân Kiều truyện; những tình tiết, biến cố, cốt truyện trong Truyện Kiều hầu hết đều có trong “Kim Vân Kiều truyện”. Nhưng cái đặc sắc của Nguyễn Du là tuy dựa vào tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân nhưng lại hết sức sáng tạo. Điều đó quyết định ở chỗ Nguyễn Du không phải nhằm chuyển dịch tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân sang tiếng Việt, mà ông tái tạo, bổ sung vào đó những điều mà ông từng day dứt, trăn trở, và với tài năng nghệ thuật tuyệt vời của mình, ông đã thể hiện lại bằng ngôn ngữ dân tộc và thể thơ dân tộc, cho nên tác phẩm của Nguyễn Du có sức sống mãnh liệt hơn và có chiều sâu trí tuệ mà nguyên tác của Thanh Tâm Tài Nhân không có được.

“Đoạn trường tân thanh” được sáng tác không phải do nhà thơ đơn thuần tưởng tượng, hư cấu để viết ra, mà ông viết dựa theo cốt truyện một tiểu thuyết chương hồi bằng văn xuôi của Trung Quốc, có tên là “Kim Vân Kiều truyện” (truyện về Kim Trọng, Thúy Vân, Thúy Kiều) của một tác giả hiệu là Thanh Tân Tài Nhân.

Trong thời đại của Nguyễn Du, các nhà thơ sáng tác thường dựa theo một tác phẩm của Trung Quốc như thế. Nói chung Nguyễn Du dựa khá sát vào tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân khi viết lại Truyện Kiều: cụ thể là những nhân vật trong Truyện Kiều của ông đều là những nhân vật lấy từ “Kim Vân Kiều truyện”; những tình tiết, biến cố, cốt truyện trong “Truyện Kiều” hầu hết đều có trong “Kim Vân Kiều truyện”. Nhưng cái đặc sắc của Nguyễn Du là tuy dựa vào tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân nhưng lại hết sức sáng tạo. Điều đó quyết định ở chổ Nguyễn Du không phải nhằm chuyển dịch tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân sang tiếng Việt, mà ông tái tạo, bổ sung vào đó những điều mà ông từng day dứt, trăn trở. Với tài năng nghệ thuật tuyệt vời của mình, ông đã thể hiện lại bằng ngôn ngữ dân tộc và thể thơ dân tộc, cho nên tác phẩm của Nguyễn Du có sức sống mãnh liệt hơn và có chiều sâu trí tuệ mà nguyên tác của Thanh Tâm Tài Nhân không có được.

2. Giá trị kiệt xuất của Truyện Kiều.

a. Giá trị nội dung:

– “Truyện Kiều” là truyện về cuộc đời của một người con gái bất hạnh có tên là Vương Thúy Kiềụ Người con gái ấy có tài, có sắc, xuất thân trong một gia đình bình thường, lớn lên nàng yêu một chàng trai là Kim Trọng, nhưng rồi tai họa đã xảy đến cho gia đình: cha và em của nàng bị bắt, bị đánh đập, nhà cửa bị cướp phá sạch sành sanh. Thúy Kiều không có cách nào để cứu nguy cho gia đình, nàng buộc lòng phải bán mình cho người khác để lấy tiền chuộc cha và em; từ đó cuộc đời nàng trải qua không biết bao nhiêu là tai họa: nàng bị lừa lọc phải hai lần làm kỹ nữ ở nhà chứa, làm lẽ, đi ở…

Có thể nói một câu chuyện thê thảm về vận mệnh của một người con gái như thế, bản thân nó đã có sức xúc động lớn. Nhưng dưới ngòi bút của Nguyễn Du, câu chuyện thê thảm ấy lại không thuần túy là vận mệnh của một người con gái, hay nói cách khác là thông qua vận mệnh của một người con gái nhà thơ đã nói lên vận mệnh của con người nói chung trong một xã hội bất công tàn bạo. Nhà nghiên cứu Hoài Thanh cho rằng vấn đề đặt ra trong Truyện Kiều của Nguyễn Du là vấn đề quyền sống của con người trong xã hội phong kiến.

b. Giá trị nghệ thuật:

– “Truyện Kiều” không những có nội dung sâu sắc, mà nghệ thuật của nó cũng đạt đến một thành tựu rực rỡ. Nói đến thành công trong nghệ thuật Truyện Kiều trước hết người ta thường nói đến thành công của nhà thơ trong việc vận dụng tiếng Việt và thể thơ lục bát của dân tộc. Trong “Truyện Kiều” có sự kết hợp sức nhuần nhuyễn giữa ngôn ngữ bác học và ngôn ngữ bình dân. Truyện Kiều có không ít từ Hán Việt và điển cố lấy trong sách vở với lối diễn đạt đài các, qúy phái, nhưng tất cả đều được sử dụng có liều lượng, đúng nơi, đúng lúc, nên đều hợp lý. Mặt khác trong Truyện Kiều lại có nhiều lời ăn tiếng nói hằng ngày, ca dao tục ngữ nhưng tất cả cũng được sử dụng có chọn lọc tinh vi, khéo léo, kết hợp hài hòa với ngôn ngữ bác học. Thể thơ lục bát trong Truyện Kiều được nhà thơ khai thác triệt để khả năng biểu hiện của nó, tinh tế, giản dị mà có âm vang, có thể diễn đạt được nhiều sắc thái của cuộc sống và những nét tinh vi, tế nhị trong tình cảm của con người.

Một thành công nữa cũng hết sức quan trọng trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du là nghệ thuật dẫn truyện và nghệ thuật miêu tả, bao gồm miêu tả con người lẫn miêu tả thiên nhiên, cảnh vật. Nhà thơ thường miêu tả rất tiết kiệm. Chỉ cần một vài câu thơ ông đã có thể khắc họa rõ nét được ngoại hình của một nhân vật hay dựng lên được một bức tranh phong cảnh. Nhưng tuyệt diệu nhất của nghệ thuật miêu tả trong “Truyện Kiều”miêu tả nội tâm nhân vật. Có thể nói trong văn học cổ không có một nhà thơ thứ hai nào thành công trong việc miêu tả nội tâm của nhân vật như Nguyễn Du, nhất là nội tâm của nhân vật Thúy Kiều.

Có thể nói, chính nhờ chiều sâu nhân bản ở nội dung của tác phẩm lại được thể hiện với nghệ thuật tuyệt vời nên Truyện Kiều của Nguyễn Du sống mãi với thời gian. Nhưng dưới ngòi bút của Nguyễn Du, câu chuyện thê thảm ấy lại không thuần túy là vận mệnh của một người con gái, hay nói cách khác là thông qua vận mệnh của một người con gái nhà thơ đã nói lên vận mệnh của con người nói chung trong một xã hội bất công tàn bạo. Nhà nghiên cứu Hoài Thanh cho rằng vấn đề đặt ra trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du là vấn đề quyền sống của con người trong xã hội phong kiến. Nhà thơ Chế Lan Viên thì viết:

“Chạnh thương cô Kiều như đời dân tộc,
Sắc tài sao mà lại lắm truân chuyên…”

Khi viết tác phẩm của mình Nguyễn Du không hoàn toàn ý thức hết những điều ông đã trình bàỵ Với một quan niệm truyền thống, ông cắt nghĩa những bất hạnh của Thúy Kiều là do mâu thuẫn giữa Tài và Mệnh: Thúy Kiều nhiều tài, nên số phận của Thúy Kiều bi thảm; và ông chủ trương để giải quyết những mâu thuẩn ấy, con người phải thực hiện chữ Tâm, phải “tu tâm”. Chính quan niệm như vậy nên nhà thơ đã viết ở phần mở đầu tác phẩm “Trăm năm trong cõi người ta / Chữ Tài, chữ Mệnh khéo là ghét nhau”.  Và ở phần kết thúc, ông viết “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”. Có điều quan niệm là như thế, nhưng khi tái hiện cuộc sống vào tác phẩm, Nguyễn Du đã hết sức trung thực, nên thực tế vấn đề đặt ra trong tác phẩm của ông có ý nghĩa sâu sắc hơn rất nhiều so với những gì mà ông đã phát biểu.

c. Giá trị nhân đạo.

– Cảm hứng chủ đạo của Nguyễn Du trong Truyện Kiều là cảm hứng về thân phận con người. Con người sẽ sống như thế nào giữa một xã hội bất công, tàn bạo. Khi xây dựng nhân vật Thúy Kiều, nhà thơ muốn thể hiện ở nhân vật này tất cả những gì là ưu tú, là tinh hoa của con người. Thúy Kiều không phải chỉ có tài sắc thông thường như các cô gái khác trong văn học cổ, mà Thúy Kiều là tuyệt đỉnh của tài sắc; và không phải chỉ có tài sắc, mà Thúy Kiều còn có ý thức sâu sắc về cuộc sống của mình và của xung quanh. Có thể nói Nguyễn Du muốn xây dựng nhân vật Thúy Kiều như một tượng trưng cho tất cả những gì là đẹp, là tinh hoa của con người. Một nhân vật như thế lẽ ra phải được sống một cuộc đời tốt đẹp, hạnh phúc, nhưng vì nàng sống trong một xã hội bất công, tàn bạo nên cuối cùng những phẩm chất cao qúy nhất của nàng lại trở thành những tai họa đối với nàng. Do có tài có sắc, Thúy Kiều đã trở thành miếng mồi ngon cho cái xã hội đó xâu xé.

– Nguyễn Du là một nhà thơ nhân đạo chủ nghĩa sâu sắc, ông hết lòng thương yêu và trân trọng con người mà phải thể hiện những cảnh con người bị vùi dập trong tác phẩm, nên ngòi bút của ông nhiều khi phẫn nộ và nhiều khi lại cay đắng, chua xót. Mộng Liên Đường chủ nhân nhận xét: Nguyễn Du viết Truyện Kiều như có máu rỏ lên đầu ngọn bút, nước mắt thấm qua tờ giấy. Cố nhiên đã yêu thương con người thì phải chống lại những lực lượng chà đạp con người. Về phương diện này có thể nói “Truyện Kiều” là một bản cáo trạng lên án đanh thép tất cả những lực lượng chà đạp con người. Trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, chà đạp Thúy Kiều không phải một vài con người cá biệt nào mà là cả một xã hội, từ kẻ đại diện cho cái xã hội ấy như bọn quan lớn, quan bé, gia đình quan lại, đến bọn thừa hành như đám nha lại, rồi những kẻ sống bằng nghề buôn bán nhan sắc của phụ nữ…

– Trong cái xã hội này, sau thế lực của bọn qúy tộc là thế lực của đồng tiền. Đồng tiền thực sự đã trở thành một tai họa đối với con ngườị Đồng tiền chi phối việc xử kiện của bọn quan lại; đồng tiền đã biến những nho sĩ như Mã Giám Sinh, Sở Khanh thành những tên ma cô dắt gái; đã biết Thúc Sinh thành một kẻ ăn chơi trác táng… Đồng tiền có thể mua bán cả cái trinh tiết thiêng liêng của người phụ nữ… Sống trong một xã hội như vậy những kẻ xấu, bất lương thì tha hồ lộng hành, còn người tốt, lượng thiện thì không có chỗ để tồn tại. Thúy Kiều bị dày vò đủ đường mà chỉ có một người duy nhất dám bênh vực nàng là Từ Hải, thì cái xã hội ấy lại coi Từ Hải là giặc, và cuối cùng bằng một sự phản bội xấu xa đã giết chết Từ Hảị Trong Truyện Kiều, Từ Hải bị giết và sau đó Thúy Kiều tự tử trên sông Tiền Đường là những kết thúc bi thảm nhưng không thể khác được. Việc Thúy Kiều được cứu sống, rồi được tái ngộ Kim Trọng với biết bao chua xót, bẽ bàng ở cuối truyện không hề làm giảm ý nghĩa tố cáo của tác phẩm, mà đúng như nhà thơ Xuân Diệu nhận xét, nó là “bản cáo trạng cuối cùng” của tác phẩm này.

Có thể nói chính nhờ chiều sâu nhân bản ở nội dung của tác phẩm lại được thể hiện với nghệ thuật tuyệt vời nên “Truyện Kiều” của Nguyễn Du sống mãi với thời gian.

Suy nghĩ về nhân vật Thúy Kiều và giá trị nhân đạo của Truyện Kiều

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang