Thuyết minh tháp Bà Ponagar
- Mở bài:
Nha Trang là một trong những thành phố du lịch biển nổi tiếng bậc nhất ở nước ta, được mệnh danh là hòn ngọc bên bờ biển Đông, Viên ngọc xanh vì giá trị thiên nhiên, vẻ đẹp cũng như khí hậu của nó. Trước đây, vùng đất Nha Trang vốn thuộc về vương quốc Chiêm Thành, do đó nơi đây vẫn còn lưu giữ các di tích của người Chăm. Một trong những di tích nổi bậc nhất là tháp Bà Ponagar, một công trình kiến trúc mang tính nghệ thuật và tâm linh độc đáo của người Champa xưa.
- Thân bài:
Tháp Bà Ponagar là tên thường gọi của ngôi đền thờ Yang Po Inư Nagar hay Yang Pô Ana Gar (Inư, Ana trong tiếng Chăm, Eđê, Jarai theo âm cổ gốc có nghĩa là Mẹ) (tên đầy đủ là Po Inư Nagar, hay còn gọi là Po ANagar). Ngôi đền nằm trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ cao khoảng 10-12 mét so với mực nước biển, ở cửa sông Cái (xóm Bống của sông Nha Trang) tại Nha Trang, cách trung tâm thành phố khoảng 2 km về phía bắc, nay thuộc phường Vĩnh Phước. Tên gọi Tháp Bà Po Nagar là tên của ngọn tháp lớn nhất.
Đền thờ Yang Po Inư Nagar hay Yang Pô Ana Gar được xây dựng trong thời kỳ đạo Hindu (Ấn Độ giáo) đang cường thịnh khi Chăm Pa trong giai đoạn có tên gọi là Hoàn Vương quốc, vì thế tượng nữ thần có hình dạng của Uma, vợ của Shiva.
Những cấu trúc xây dựng còn sót lại có niên đại sớm nhất, đền được xây dựng vào thời gian trước thế kỉ IX. Các thời đại sau đó, các vị vua liên tục xây thêm các đền tháp, quần thể đền đài không ngừng được mở rộng. Những bia ký còn sót lại ở Po Nagar cho người ta thấy được dấu vết của một quốc gia hùng mạnh đã từng tồn tại trong quá khứ.
Tổng thể kiến trúc của quần thể tháp Po Nagar gồm 3 tầng, đi từ dưới lên trên. Tầng thấp nằm ngang mặt đất bằng là ngôi tháp cổng mà nay đã không còn nữa, chỉ còn những bậc thang bằng đá dẫn lên tầng giữa. Tầng giữa là nơi để khách hành hương nghỉ giải lao và sắm sửa lễ vật trước khi lên dâng cúng ở các điện bên trên. Tầng trên cùng là nơi các tháp được xây dựng, ngay trước mặt ngôi tháp chính. Những bậc thang từ lâu đã không hề được sử dụng. Bậc thang bằng đá ong. Ở tầng trên, vốn có hai dãy tháp được bao quanh bởi bốn bức tường đá mà nay chỉ còn lưu lại tường phía tây và nam.
Theo dấu tích, có nhiều dãy tháp ở trước và sau tháp chính, chạy chạy song song với nhau. Các tháp và cả các bức tường bao lại được xây dựng theo kiểu tháp của người Chăm, gạch xây rất khít mạch, không nhìn thấy chất kết dính. Lòng tháp rỗng tới đỉnh, cửa tháp quay về hướng đông. Mặt ngoài thân tháp có nhiều gờ, trụ, đấu. Trên đỉnh các trụ, thường đặt gạch trang trí hoa văn hình vòm tháp, trông như chiếc tháp nhỏ đặt lên một tháp lớn. Trên thân tháp còn có nhiều tượng và phù điêu bằng đất nung, trong đó có hình Po Nagar, thần Tenexa, các tiên nữ, các loài thú: nai, ngỗng vàng, sư tử…
Tháp thờ chính (tháp Po Nagar, mà ta hay gọi là tháp Bà) ở dãy trước khá lớn. Tháo được xây 4 tầng, cao khoảng 23 mét, mỗi tầng đều có cửa, tượng thần và hình thú bằng đá, ở 4 góc có 4 tháp nhỏ.
Nguyên thủy chính là tháp thờ thần Parvati, vợ của Shiva. Tháp chính thờ thần Po Nagar (Umar), vợ của thần Siva. Tượng nữ thần (cao 2,6 m) tạc bằng đá hoa cương màu đen (trước đó là gỗ trầm hương, và xa hơn nữa là bằng vàng) ngồi trên bệ đá uy nghiêm hình đài sen, lưng tựa phiến đá lớn hình lá bồ đề. Đây là một kiệt tác về điêu khắc Chămpa, là sự kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật tượng tròn và chạm nổi. Người Pháp đã lấy mất đầu tượng, nay chỉ còn đầu tượng bằng xi măng vẽ mặt. Rải rác quanh di tích còn có một số tượng người, tượng thú… Trên đỉnh tháp có tượng thần Shiva cưỡi trâu thần Nandin, và các tượng linh vật như chim Thiên Nga, dê, voi v.v.
Mặt ngoài tường tháp lại được trang trí bởi những hình điêu khắc vào đá vô cùng tinh xảo với đủ kiểu dáng. Cửa chính ở phía đông dẫn vào một tiền sảnh, ở hai bên cửa có hai trụ đá được khắc truyền ký, đỡ một phiến đá hình thuẫn có khắc hình nữ thần Durga đang múa giữa hai nhạc công. Bên trong tháp tối và lạnh. Cuối tháp có một bệ thờ bằng đá bên dưới tượng Bà Po Nagar với mười cánh tay. Hai bàn tay dưới đặt trên hai đầu gối, các bàn tay khác thì cầm những vật dụng như đoản kiếm, mũi tên, chùy và cây lao ở bên phải và chuông, đĩa, cung và tù và ở bên trái.
Bên cạnh tháp chính về phía nam khoảng 20 mét là một ngôi tháp khác nhỏ, được cho là tháp thờ thần Shiva. Cách tháp này cũng về hướng nam là một tháp còn nhỏ hơn. Bên trong tháp không có bệ thờ mà chỉ có một linga (thạch trụ), và đây là tháp thờ thần Ganesa, thân người đầu voi, con của Shiva.
Trải qua mưa nắng của thời gian, tháp bị hư hại. Thời Pháp thuộc, trường Viễn Đông Bác Cổ đã tổ chức tu sửa: dùng gạch xây lại nhiều phần và đắp một số tượng lên thân tháp. Trong thời kỳ chiến tranh, nhiều hiện vật bị mất cắp.
Tín ngưỡng thờ Thiên Y A Na mang đậm dấu ấn văn hóa của người Việt với truyền thuyết và quá trình huyền thoại hóa riêng, tồn tại cộng sinh, song hành với tục thờ Mẹ xứ sở của đồng bào Chăm. Di tích Tháp Bà Ponagar là trung tâm của tín ngưỡng này.
Tháp Ponagar chính là một thành tựu tiêu biểu nhất về nghệ thuật xây dựng kiến trúc đền tháp, nghệ thuật điêu khắc, bia ký và tôn giáo, tín ngưỡng, một chứng tích rõ ràng cho sự ảnh hưởng lớn mạnh của Hindu giáo đối với người Chăm và sau này là người Việt.
Hàng năm, tại Tháp Bà Ponagar, lễ hội tháp Bà được tổ chức trọng thể từ ngày 20-23 tháng Ba (Âm lịch). Đây chính là điểm hội tụ các giá trị truyền thống của quá trình giao lưu văn hóa Việt – Chăm trong lịch sử. Lễ hội nhằm tưởng nhớ công ơn của Thiên Y Ana Thánh Mẫu (người Chăm gọi là Po Inư Nagar), người mẹ xứ sở đã có công dạy người dân cách làm ăn như trồng lúa, dệt vải, chăn nuôi, sinh sống. Lễ hội Tháp Bà đã được Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia vào năm 2012.
Trong suốt những ngày diễn ra lễ hội, Người Chăm, người Kinh ở khắp nơi, mang theo lễ vật, hành hương về Tháp Bà Ponaga Nha Trang, thành tâm bày tỏ lòng biết ơn đối với một người phụ nữ đã có công chỉ dạy dân lành biết cách làm ăn, sinh sống bằng nghề nông. Đây cũng là một cơ hội để bà con trở về với cội nguồn, giáo dục thế hệ trẻ biết sống có đạo lý, góp phần bồi đắp những truyền thống văn hóa tốt đẹp cho các thế hệ. Thông qua lễ hội còn góp phần giới thiệu nét đẹp tín ngưỡng thờ Mẫu trong dân gian ở Khánh Hòa đến mọi người.
- Kết bài:
Tháp Bà Ponagar là di tích lịch sử – văn hoá, là công trình tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc dân tộc Chăm trên đất Việt. Tháp Bà Ponagar được xem là khu thánh địa linh thiêng đối với cả người Chăm và người Việt, cũng như một số dân tộc khác. Những dấu tích còn lại của tháp Bà Ponagar ngày nay là minh chứng cho sự trường tồn của một nền văn minh cổ đã trải qua biến thiên hàng nghìn năm lịch sử. Điều này cho thấy tầm quan trọng và giá trị nhân văn của kiến trúc xây dựng cũng như vốn quý văn hóa của dân tộc Chăm-pa trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam.