Thuyết minh về Ải Chi Lăng tỉnh Lạng Sơn
- Mở bài:
Nhắc đến Ải Chi Lăng là nhắc đến những trang sử chống xâm lăng hào hùng của dân tộc ta. Chính do địa hình hiểm trở, từ xa xưa Chi Lăng đã có một vị trí trọng yếu là cửa ngõ chính ở phía Bắc tổ quốc, là yết hầu của đất nước trong việc chặn đứng các cuộc viễn chinh xâm lược phương Bắc.
- Thân bài:
Ải Chi Lăng thuộc huyện Chi Lăng tỉnh Lạng Sơn. Ải Chi Lăng kéo dài 20km tính từ cầu Quan Âm Sông Hoá (thị trấn Chi Lăng) đến Đền Hổ Lai (xã Mai Sao) giữa hai dãy núi, một bên là dãy núi đá vôi Cai Kinh hay còn gọi Bảo Đài và một bên là dãy núi đất Thái Hoạ. Trong thung lũng Ải Chi Lăng còn nổi lên nhiều ngọn núi đá vôi nằm rải rác, đặc biệt nằm sừng sững về phía Bắc là dãy Núi Quỷ gồm bày ngọn núi đối diện với Núi Mặt Quỷ trong dãy Cai Kinh đã khép chặt vào trong con đường độc đạo và dòng sông Thương chảy ngoằn ngoèo nên được gọi là Quỷ Môn Quan. Quỷ Môn Quan (Cửa Ải Chi Lăng) là cửa ải xung yếu nhất trên con đường từ Ải Pha Lũy (Hữu Nghị Quan) đến Đông Quan (Hà Nội ngày nay) cách Ải Pha Lũy 60km.
Khu di tích Chi Lăng là một khu di tích rộng lớn nhờ bề dày lịch sử đấu tranh giữ yên bờ cõi nước nhà. Khu di tích gồm 52 điểm trải dài dọc thung lũng sông Thương, nằm trên địa bàn hai xã Quang Lang và Chi Lăng, cách Thủ đô Hà Nội khoảng 100km. Tại đây có các điểm di tích như: Thành Kai Kinh, cầu Quan Âm, núi Tay Ngai là những di tích thuộc thời kỳ chống thực dân Pháp. Tại khu vực địa phận Đồng Bành, có các địa danh như: Núi Bàn Cờ, Phố Sặt, Lân Ba Tài, chợ Cung…là hậu cứ của tất cả các trận đánh tại Chi Lăng trong lịch sử. Thêm vào đó, còn có các điểm di tích như: Thành Lũy, Lũy Ngõ Thề, Thành Kho, đầm lầy Mã Yên (nơi giết chết tướng giặc Liễu Thăng)…
Phía Bắc khu trung tâm, là các công trình quân sự kỳ vỹ do ông cha ta xây dựng. Đó là những chiến lũy hình thang, nối liền với các núi chắn ngang thung lũng. Từ Tây sang Đông là núi Mặt Qủy, núi Qủy, núi Nà Nông, núi Mă Sẳn cùng các di tích Thành Ngăn, Đấu Đong Quân, Vực Ải, bãi Hào… Ngoài ra Chi Lăng là vùng đất có nhiều di tích khảo cổ về nền văn hóa Hòa Bình, Bắc Sơn và có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, có địa chất, địa mạo phong phú, hấp dẫn, cảnh quan môi trường hùng vĩ tươi đẹp…
Ngay từ những buổi đầu của lịch sử đất nước, Chi Lăng đã gắn liền với sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc, đấu tranh chống các triều đại phong kiến phương Bắc xâm lược với các cuộc khởi nghĩa của người Ô Hư, Phu Nghiêm, Hai Bà Trưng… Với vị trí hiểm yếu, Cửa Ải Chi Lăng được coi là bức tường thành vững chắc của kinh thành Thăng Long trong việc chặn đứng các cuộc viễn trinh của quân giặc từ phương Bắc tràn sang.
Sử sách ghi rõ: “Mười người đi qua Qủy Môn Quan (Ải Chi Lăng) thì chín người không trở về”. Địa thế hiểm trở như vậy là do Ải năm ở vị trí đặc biệt nơi cửa ngõ phên dậu của đất nước, có con đường huyết mạch độc đạo từ biên giới phía Bắc vào nước ta. Thuận tiện cho việc quân ta mai phục, truy đuổi quân thù “Chi Lăng quan hiểm dữ thiên tề- Ải Chi Lăng hiểm tựa lên trời.
Chi Lăng luôn gắn liện với những chiến công giành độc lập dân tộc, đập tan mọi âm mưu bành trướng, xâm lược nước ta của các triều đại phong kiến phương Bắc. Dưới thời nhà Tiền Lê, quân Tống nhiều lần đại bại tại cửa ải này. Trong cuộc kháng chiến chống quân Mông – Nguyên xâm lược, nhân dân ta cũng đã nhiều lần chặn đứng bước tiến quân của giặc ở cửa ải này, khiến quân giặc sợ hãi không dám tiến quân qua cửa ải này nữa.
Chi Lăng đã ghi vào lịch sử Việt Nam một trang chói lọi với trận chiến giết chết chủ tướng Liễu Thăng cùng một vạn quân tiếp viện trong lòng Ải Chi Lăng của nghĩa quân Lam Sơn, góp phần quyết định kết thúc cuộc chiến tranh giải phóng các dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược.
Trong sự nghiệp chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, Chi Lăng đã đóng vai trò quan trọng, góp phần chi viện tiền tuyến, bắn rơi máy bay Mỹ, bắt sống giặc lái…Đồng thời đã củng cố và góp phần xây dựng XHCN trên đất nước ta.
Ngày này, Khu di tích lịch sử Chi Lăng là một quần thể gồm 52 điểm di tích kéo dài từ cầu Quan Âm Sông Hóa (thị trấn Chi Lăng) đến Đền Hổ Lai thuộc địa phận xã Mai Sao, trải dọc theo thung lũng Sông Thương gần 20km phần lớn thuộc địa phận hai xã Chi Lăng và xã Quang Lang. Khu di tích này đã được Bộ Văn hóa Thông tin, nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch xếp hạng là khu Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1962.
- Kết bài:
Cùng với cửa sông Bạch Đằng, cửa Ải Chi Lăng là một trong hai địa danh nổi tiếng nhất trong lịch sử nước ta, nơi đạp tan các cuộc tiến công xâm lược và để lại nỗi sợ hãi khủng khiếp không bao giờ bên đối với kẻ thù xâm lược phương Bắc. Cửa Ải Chi Lăng dệt nên những trang sử vẻ vang, hào hùng bậc nhất của dân tộc. Bởi thế, việc bảo vệ, gìn giữ, làm sáng tỏ và phong phú thêm các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của toàn bộ Khu di tích; tôn vinh giá trị lịch sử và truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc là hết sức quan trọng trong thời đại ngày nay.