tinh-tu-la-gi

Tính từ là gì?

Tính từ là gì?

I. Khái niệm.

– Tính từ là những từ chỉ đặc điểm, tính chất của sự vật, hành động, trạng thái.

– Tính từ có thể kết hợp với các từ đã, sẽ, đang, cũng, vẫn,… để tạo thành cụm tính từ. Khả năng kết hợp với các từ hãy, chớ, đừng của tính từ rất hạn chế.

– Tính từ có thể làm vị ngữ, chủ ngữ trong câu. Tuy vậy, khả băng làm vị ngữ của tính từ hạn chế hơn động từ.

II. Phân biệt tính từ.

1. Từ chỉ đặc điểm :

Đặc điểm là nét riêng biệt, là vẻ riêng của một một sự vật nào đó ( có thể là người, con vật, đồ vât, cây cối,…). Đặc điểm của một vật chủ yếu là đặc điểm bên ngoài (ngoại hình ) mà ta có thể nhận biết trực tiếp qua mắt nhìn, tai nghe, tay sờ, mũi ngửi,… Đó là các nét riêng , vẻ riêng về màu sắc, hình khối, hình dáng, âm thanh,…của sự vật . Đặc điểm của một vật cũng có thể là đặc điểm bên trong mà qua quan sát,suy luận, khái quát,…ta mới có thể nhận biết được. Đó là các đặc điểm về tính tình, tâm lí, tính cách của một người, độ bền, giá trị của một đồ vật…

Từ chỉ đặc điểm là từ biểu thị các đặc điểm của sự vật, hiện tượng như đã nêu ở trên.

Có hai loại tính từ đang chú ý là:

– Tính từ chỉ đặc điểm tương đối (có thể kết hợp với từ chỉ mức độ);
– Tính từ chỉ đặc điểm tuyệt đối (không thể kết hợp với từ chỉ mức độ).

VD :

+ Từ chỉ đặc điểm bên ngoài : Cao, thấp, rộng , hẹp, xanh, đỏ,…

+ Từ chỉ đặc điểm bên trong : tốt ,ngoan, chăm chỉ, bền bỉ,…

2. Từ chỉ tính chất :

Tính chất cũng là đặc điểm riêng của sự vật, hiện tượng (bao gồm cả những hiện tượng xã hội, những hiện tượng trong cuộc sống,…), nhưng thiên về đặc điểm bên trong, ta không quan sát trực tiếp được, mà phải qua quá trình quan sát, suy luận, phân tích , tổng hợp ta mới có thể nhân biết được. Do đó , từ chỉ tính chất cũng là từ biểu thị những đặc điểm bên trong của sự vật, hiện tượng.

VD : Tốt, xấu, ngoan, hư, nặng ,nhẹ, sâu sắc, nông cạn, suôn sẻ, hiệu quả, thiết thực,…

Như vậy, từ chỉ đặc điểm thiên về nêu các đặc điểm bên ngoài , còn từ chỉ tính chất thiên về nêu các đặc điểm bên trong của sự vật, hiện tượng.

3. Từ chỉ trạng thái :

Trạng thái là tình trạng của một sự vật hoặc một con người, tồn tại trong một thời gian nào đó. Từ chỉ trạng thái là từ chỉ trạng thái tồn tại của sự vật, hiện tượng trong thực tế khách quan.

VD :

+ Trời đang đứng gió .
+ Người bệnh đang hôn mê.
+ Cảnh vật yên tĩnh quá.

Có một số cách thể hiện mức độ của đặc điểm, tính chất như sau:

– Tạo ra các từ ghép hoặc từ láy với tính từ đã cho

Vd : Với tính từ trắng ta có thể tạo ra từ ghép ( trắng tinh) và từ láy ( trăng trắng) .

– Thêm các từ rất, quá , lắm,… vào trước hoặc sau tính từ.

VD: rất xa, hơi xa

– Tạo ra phép so sánh.

VD: nhanh như chớp

III. Phương thứ cấu tạo tính từ ghép.

Cách tạo tính từ ghép trong tiếng Việt

Tính từ ghép trong tiếng Việt có thể được tạo ra bằng những cách sau đây:

– Ghép một tính từ với một tính từ, ví dụ: xinh đẹp, cao lớn, to béo, đắng cay, ngay thẳng, mau chóng, khôn ngoan, ngu đần.

– Ghép một tính từ với một danh từ, ví dụ: méo miệng, to gan, cứng đầu, cứng cổ, ngắn ngày, vàng chanh

– Ghép một tính từ với một động từ, ví dụ: khó hiểu, dễ chịu, chậm hiểu, dễ coi, khó nói.

– Láy tính từ gốc, nghĩa là lặp lại toàn bộ hoặc một bộ phận của tính từ gốc để tạo ra tính từ mới. Ví dụ: đen đen, trăng trắng, đo đỏ, vàng vàng, nâu nâusạch sẽ, may mắn, chậm chạp, nhanh nhẹn, đắt đỏ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang