tom-tat-doan-trich-ong-gia-va-bien-ca-cua-he-minh-ue

Tóm tắt đoạn trích Ông già và biển cả của Hê-minh-uê

Tóm tắt đoạn trích Ông già và biển cả của Hê-minh-uê.

Truyện kể về ba ngày hai đêm ra khơi đánh cá của ông lão Xan-ti-a-gô. Đoạn trích nằm ở cuối truyện đây là ngày thứ ba lênh đênh trên biển cả mênh mông, một mình ông đuổi theo và bắt được con cá kiếm. Đây là con cá lớn nhất, kỳ vĩ nhất trong cuộc đời đi câu của ông. Để chinh phục nó, ông già đã phải trả giá không nhỏ. Con cá lớn hơn cả chiếc thuyền của ông, nó cứ lượn đi lượn lại điềm tĩnh và tuyệt đẹp. Một mình ông lão đơn độc, đói khát, rét, chân tay xây xát, sức tàn lực kiệt, nhưng kiên cường vật lộn với con cá. Cuối cùng, cuộc chiến đấu không cân sức cũng đến hồi kết, Con cá đã bị ông già giết chết. “Lúc con cá mang cái chết trong mình sức tỉnh phóng vút lên khỏi mặt nước phô hết tầm vóc khổng lồ, vẻ đẹp va sức lực treo lơ lửng trên không trung thoáng chốc nó rơi sầm xuống nước”. Ông lão ngắm nhìn, chạm vào thành quả của mình rồi buộc nó vào mạn thuyền, dựng cột, dong buồm trở về đất liền…

Phân tích ý nghĩa và giá trị truyện ngắn Ông già và biển cả của Hê-minh-uê


Tham khảo.

Cảm nghĩa về truyện “Ông già và biển cả”.

“Đời không cho đôi cánh nhưng bạn cần biết bay!”

Được sinh ra trên cõi đời này đã là một niềm hạnh phúc; và lại càng hạnh phúc hơn nữa khi chúng ta có ước mơ và can đảm chinh phục nó. Nhưng cuộc đời cay nghiệt xé nát những hoài bão bằng thách thức, bằng gai nhọn khuất sau những nụ hồng. Trên cuộc hành trình thực hiện ước mơ ấy, không ít lần chúng ta bị quật ngã và mất hết niềm tin vào cuộc sống. Có kẻ đã quay lưng. Có người thì bỏ cuộc. Chắc hẳn bạn cũng đã từng như thế. Cho đến một ngày đọc được tác phẩm “Ông già và biển cả” của nhà văn Hemingway, chúng ta mới thực sự ngộ ra được một chân lý: ”Bị đánh bại chỉ là tình trạng nhất thời, bỏ cuộc mới là sự thất bại vĩnh viễn.” – Marilin Vossavant.

Ernest Hemingway (1899 – 1961) là nhà văn, nhà báo người Mỹ. Ông từng tham gia chiến đấu trong Thế chiến thứ I. Là con người phóng khoáng, ưa mạo hiểm, chính vì thế mà các tác phẩm của Hemingway được đánh giá là “áng văn chân thực và giản dị về đời sống con người”. “Ông già và biển cả” (1952) là một tiểu thuyết ngắn và là một trong những đỉnh cao trong sự nghiệp cầm bút của Hemingway. Chính nhờ tác phẩm này, ông được trao giải thưởng Pulitzer năm 1953 và giải Nobel Văn học năm 1954.

“Ông già và biển cả“ kể cho chúng ta nghe về cuộc hành trình ba ngày hai đêm của lão Santigo trên dòng Nhiệt lưu. Chuyến ra khơi này, ông quyết tâm câu được mẻ cá thật lớn sau lần thất bại vừa rồi. May mắn đã mỉm cười với ông lão khi một con cá kiếm to đã mắc câu. Vật lộn vất vả suốt gần ba ngày trời, cuối cùng, lão cũng hạ được con cá. Những tưởng được cá to đem vào bờ, nào ngờ, một lũ cá mập lao tới đớp lấy con mồi. Với chút sức tàn còn lại, ông lão cố gắng chống chọi với lũ “hung thần biển khơi“. Vào đến bờ, con cá kiếm mà lão Santigo câu được, bấy giờ, chỉ còn lại là bộ xương khổng lồ.

Một quyển tiếu thuyết ngắn, chỉ vỏn vẹn một trăm hai mươi ba trang; nhưng đã để lại trong chúng ta biết bao cảm xúc, biết bao nghĩ suy. Nhan đề tác phẩm, trước hết, đã gây được ấn tượng đối với độc giả. Đó là sự đối lập giữa cái nhỏ bé, đơn độc của con người với cái mênh mông, hung tàn của biển khơi. Song, từ “và“ nối “ông già“ với “biển cả“ đã đem lại một phép so sánh vô cùng thú vị. Con người đặt ngang hàng với thiên nhiên, khẳng định tầm vóc không hề bé nhỏ trong ý chí: Con người như muốn chinh phục và làm chủ cả tạo vật.

Trong quyển tiểu thuyết, Hemingway đã khắc hoạ hình ảnh người ngư dân rất bình dị, rất đời thường. Lão Santigo hiện lên với vẻ già nua, làn da cháy nắng và những vết sẹo đã cũ kĩ. Duy chỉ có đôi mắt là vẫn tinh anh. Đôi mắt lão có màu cùng với màu nước biển và dường như nó luôn ánh lên niềm hi vọng, lạc quan của ông lão salao – cách diễn đạt tệ nhất của vận rủi. Niềm tin và sự hy vọng của ông lão chưa bao giờ trở nên nguội lạnh sau tám mươi tư ngày không câu được con cá nào. Còn bây giờ, thì nó đang cuồn cuộn lên. Đối với lão, “biển như một người phụ nữ, như cái gì đó có thể ban phát hay chối giữ ân huệ.“ Và cho dù biển cả có đối xử với lão tệ như thế nào, lão vẫn yêu nó tha thiết.

Không giống như các tay câu cá khác, lão giữ sợi dây câu cho thật thẳng, để ở mỗi độ sâu trong vùng nước đen sẽ có một con mồi đợi đúng ngay ở đấy. “Mỗi ngày là một ngày mới. Gặp may thì tốt hơn. Đôi lúc chúng ta cũng như “những tay câu cá khác“, chỉ biết thả dây câu trôi nổi ở độ sâu sáu mươi thay vì một trăm mét như mong muốn để câu được cá to. Nếu may mắn thì có con cá nào đó lạc đường mắc vào dây câu; còn bằng không, suốt cả cuộc đời này, chúng ta chỉ mãi thu nhặt được vài ba con tôm, con tép. Thành công và những hoài bão trong cuộc sống không bao giờ đạt được từ sự may mắn nhất thời mà là cả quá trình chúng ta kiên trì, nhẫn nại, chịu khó “giữ dây câu thẳng đứng ở độ sâu một trăm mét“ như lão Santigo. Sự cẩu thả và lười biếng trong công việc, đó là một nỗi hổ thẹn lớn!

Và cũng nhờ giữ dây câu thẳng đứng như thế mà một con cá kiếm đã đớp mồi. Cuộc hành trình câu cá kiếm của lão bắt đầu từ đấy. Mỗi lần con cá khổng lồ ấy nhô mình khỏi mặt nước là niềm khao khát của lão lại càng tăng lên gấp bội. Cá kiếm, phải chăng, đó chính là biểu tượng của ước mơ, khát vọng mà mỗi chúng ta đều vươn đến trong cuộc sống? Nó đẹp lắm. Nó lung linh lắm. Nó thôi thúc chúng ta chinh phục bằng cả ngọn lửa được đốt lên từ sự đam mê mãnh liệt.

Nhưng, chặng đường chạm đến vinh quang đâu phải trải bằng thảm hoa! Đã có khi, con cá tưởng chừng đã quật ngã được lão: lão đã dần thấm mệt, vai đau nhức, tay bị chuột rút… Lão muốn chợp mắt ngơi nghỉ một tí. Không, không thể bỏ cuộc ngay lúc này được, con cá vẫn còn ở dưới đấy. Nếu chẳng may thiếp đi con cá quẫy mạnh, làm đứt sợi dây thì lão đã đánh mất cơ hội. “Ta có thể chịu đựng mà không cần ngủ, lão tự nhủ. Nhưng như thế thì thật là quá nguy hiểm. Lão bắt đầu dò dẵm bò về phía đuôi thuyền, thận trọng không làm giật sợi dây. Có lẽ nó cũng đang lơ mơ ngủ, lão nghĩ. Nhưng mình không muốn nó được nghỉ ngơi. Nó phải kéo cho đến khi chết.“ – trang 74. Lời tự nhủ của lão đã dấy hồi chuông cảnh tỉnh vào tâm thức mỗi con người. Có những khi, chúng ta lại trở nên quá dễ dãi với bản thân mình, với những sai lầm, với sự lười biếng mà chùn bước trên chặng đường dài phía trước. Rồi đến khi vụt mất cơ hội để chạm đến ước mơ, chạm đến vinh quang, ta mới cảm ta thấy thực sự hối tiếc vì đã lãng phí tuổi trẻ của mình.

Tuy mệt mỏi là vậy, nhưng lão vẫn nghĩ đến những con sư tử biển trên cuộc hải trình đến châu Phi thời thơ ấu, về liên đoàn Big và Dimaggio vĩ đại. Khi đứng trước những khó khăn và thách thức trong cuộc đời, điều mà con người ta cần giữ được đó chính là niềm tin và sự lạc quan. Santigo đã giữ được hai thứ ấy. Mọi mệt mỏi trong người lão như được xoa dịu đôi chút. Và khát khao câu được con cá khổng lồ kia lại âm ỉ cháy trong lòng lão.

Có thể nói, bộ xương cuối truyện là chi tiết đắc giá nhất mà Hemingway đã xây dựng. Sau chuyến hải trình dài ba ngày như thế, thứ mà lão mang về chỉ là một bộ xương, một bộ xương của loài cá kiếm khổng lồ. Điều đó khiến cho người ta phải băn khoăn suy nghĩ, liệu không biết Santigo thất bại hay thành công? Lão đã thất bại thảm hại một lần nữa. Cá kiếm, niềm khao khát và ước mơ của lão, đã bị bọn cá mập chén sạch. Và bộ xương mà lão đem về như một cách mà Hemingway muốn mỉa mai và phơi bày góc khuất của cuộc sống: Không phải nổ lực nào cũng được đền đáp xứng đáng. Hình ảnh những con cá mập cũng chính là những kẻ ganh ghét, đố kị thành công của người khác trong cuộc sống.

Không thể bị đánh bại, Santigo đã thành công. Lão đã chiến thắng chính bản thân mình trên con thuyền nhỏ giữa đại dương muôn trùng. Lão đã săn được cá kiếm mà lão hằng mong chờ suốt ba ngày liền, đã chạm được đến ước mơ của mình, dù khoảnh khắc ấy quá đỗi mong manh. Lão đã một mình chống lại bầy “hung thần biển cả“ mà cập bến an toàn. Thành công của lão thật nhỏ bé nhưng cũng thật vĩ đại. Một con người rất đỗi bình thường mà lại phi thường. Một lão già đã chinh phục được thiên nhiên vô tận mà không hề nao núng. Thật cảm phục!

Trong “Ông già và biển cả“, Hemingway đã vận dụng nguyên lý tảng băng trôi thật khéo léo. Quả thực, khi đọc xong quyển tiểu thuyết này một lần, ta chẳng cảm nhận được gì cả và nghĩ rằng nó chỉ đơn thuần là một chuyến hải trình của ông lão Santigo mà thôi. Nhưng khi đọc đến lần thứ hai, thứ ba, ta mới thật sự thấm được ý nghĩa ẩn sâu trong từng lời văn mà Hemingway viết. Những bài học, những triết lý sống rất thân thuộc và gần gũi mà đôi khi chúng ta lại lãng quên mất đã được ông góp nhặt lại mà viết nên tiểu thuyết này.

Truyện được kể với lời văn lôi cuốn, miêu tả chân thật, sinh động, hấp dẫn, khiến người đọc không rời trang sách được, vừa đọc vừa ngẫm nghĩ một điều gì đó cho riêng mình. Độc giả như bị cuốn theo cuộc hải trình cùng với ông lão, tưởng chừng như đang ngồi chung trên chiếc thuyền nhỏ giữa đại dương bao la vậy. Hemingway đã thành công trong việc khắc hoạ nhân vật Santigo, để lão tự độc thoại và độc thoại nội tâm giúp độc giả tự trải nghiệm và khám phá nhân vật này.

Trên cuộc hành trình đi tìm và chinh phục ước mơ, mỗi chúng ta hãy như ông lão Santigo, luôn kiên trì, nhẫn nại, lạc quan trong những lúc khó khăn nhất. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho thật đáng để sau này về già, chúng ta sẽ không hối tiếc về những dự định dở dang của tuổi trẻ. Hãy mạnh mẽ giương buồm ra biển lớn và thực hiện những hoài bão. Trước mắt sẽ còn những giông tố, nhưng hơn hết, chúng ta biết đứng dậy mà tiếp tục bước đi. Có như thế, chúng ta mới đang sống một cuộc đời thực sự, sống hết mình vì những đam mê như lão Santigo quyết tâm câu được mẻ cá lớn vậy.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang