Phân tích văn bản “Tức nước vỡ bờ” (trích tiểu thuyết “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố)
- Mở bài:
– Ngô Tất Tố (1893 – 1954), quê tỉnh Bắc Ninh, là một nhà văn, một nhà báo, nhà dịch thuật và khảo cứu nổi tiếng.
– Văn bản “Tức nước vỡ bờ” trích phần đầu tiểu thuyết “Tắt đèn” của nhà văn Ngô Tất Tố. Đoạn trích kể lại chân thực và cảm động hoàn cảnh của nhà chị Dậu trong mùa thu thuế. Bởi bị dồn vào bước đường cùng, chị đã dũng cảm chống lại bọn cai lệ và người nhà lý trưởng để bảo vệ chồng con.
- Thân bài:
1. Ý nghĩa nhan đề:
– Nhan đề của đoạn trích có ý nghĩa sâu sắc. “Tức nước vỡ bờ” (con giun xéo lắm cũng quằn, già néo đứt dây) là một thành ngữ dân gian. “Tức” chỉ trạng thái bên trong bị dồn nén đầy chặt quá đến mức muốn bung ra. Câu thành ngữ có ý nghĩa chỉ sự chèn ép, áp bức quá sẽ khiến người ta phải vùng lên chống đối phản kháng lại. Câu thành ngữ nêu lên một quy luật của tự nhiên mà lại có ý nghĩa xã hội sâu sắc, thâm thuý vô cùng.
– Nhan đề ấy cũng thật phù hợp với nội dung ý nghĩa của đoạn trích. Sự áp bức trắng trợn, dã man của bọn tay sai cho chế độ thực dân phong kiến ấy đã buộc người phụ nữ nông dân đầy nhẫn nhịn như chị Dậu phải “vỡ bờ” đứng dậy đấu tranh. Nhan đề đoạn trích còn toát lên chân lí: Con đường sống của quần chúng bị áp bức chỉ có thể là con đường đấu tranh để tự giải phóng, không có con đường nào khác.
2. Sức mạnh phản kháng của nhân vật chị Dậu:
– Tình thế của gia đình chị Dậu thật thê thảm, đáng thương, nguy cấp. Mùa thu thế năm ấy diễn ra thật khốc liệt. Chị Dậu sau khi bán con, bán chó mới có đủ tiền đống sưu cho anh Dậu và chị. Tưởng rằng khổ nạn đã qua. Nào ngờ, hôm sau, bon cai lệ và người nhà lý trưởng lại đến tiếp tục bắt anh chị nộp xuất sửa cho anh Sửa, người em của anh Dậu, vốn đã chết từ năm ngoái nhưng chưa được gạch tên. Vì không có tiền đóng sưa, anh Dậu bị chúng lôi ra đình đánh cho thừa chết thiếu sống. Buổi chiều, chúng lôi anh về rũ rượi như một cái xác chết. Nhờ bà lão hàng sớm cho bát gạo, chị Dậu vội nấu cháo cho chồng ăn. Cháo chín, anh Dậu chưa kịp ăn thì bọn chúng lại xông đến, quyết bắt anh Dậu ra đình đánh một lần nữa. Chị Dậu hết lời van xin nhưng chúng vẫn không nghe lại còn đánh chị và xông tới chỗ anh Dậu.
– Có thể thấy, chị Dậu đã làm tất cả để có thể cứu lấy gia đình của mình. Tác giả như soi rọi vào từng ngóc ngách của gia đình chị để người đọc thấy hết cái nghèo xác sơ, kiệt cùng của đói khát và nheo nhóc. Thế nhưng, những điều ấy không mảy may làm động lòng bọn tham quan. Chúng quyết vắt hết nguồn sống của con người để đầy túi tham của chúng.
– Khi bị dồn vào bước được cùng, lời van xin không còn hiệu dụng nữa, chị Dậu chỉ còn một cách là kháng cự lại chúng. Chưa biết kết quả như thế nào nhưng ít ra, chị có thể trì hoãn sự việc, cứu lấy sự sống của chồng. Rõ ràng, hành động phản kháng của chị là cái tát mạnh vào cường quyền, không thể làm chúng hoảng sợ hay khuất phục mà chỉ làm cho chúng thêm tức tối và mạnh tay hơn. Chị Dậu hiểu rất rõ điều đó. Anh Dậu cũng hiểu rất rõ điều đó. Lời nói với vợ ở cuối đoạn trích thể hiện rất rõ sự lo lắng chua chát của anh Dậu.
3. Hình ảnh bọn tay sai (cai lệ và người nhà lý trưởng):
– Cai lệ và người nhà lí trưởng xuất hiện bất ngờ, đột ngột trong tình cảnh bối rối của gia đình chị Dậu. Anh Dậu vừa tỉnh lại run rẩy cất bát cháo kề vào miệng định ăn, như cố níu kéo chút hơi tàn của cuộc sống thì cai lệ, người nhà lí trưởng sầm sập tiến vào với roi song, tay thước dây thừng. Chúng hệt như những con quỷ dữ từ âm phủ hiện về.
– Vừa vào tới nhà, hắn đã quát mắng, chửi bới, đe doạ chị Dậu. Lời lẽ, cách xưng hô của cai lệ thật thô tục: “Thằng kia! Ông tưởng mày chết đêm qua, còn sống đấy à…”. Hắn doạ “dỡ nhà”, doạ “trói cổ” anh Dậu điệu ra đình.
– Hành động của hắn còn tàn bạo hơn. Hắn “giật phắt cái thừng trong tay người nhà lí trưởng, sầm sập đến chỗ anh Dậu”. Trắng trợn, tàn bạo hơn nữa, tên ác quỷ ấy đã đánh chị Dậu: hắn bịch vào ngực chị.
Kết bài:
Bằng nghệ thuật tạo tình huống truyện có tính kịch, cách kể chuyện sinh động, giàu cảm xúc, khắc họa nhân vật đặc sắc, miêu tả nhân vật chân thật, sinh động về ngoại hình, ngôn ngữ, hành động, tâm lí, đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” đã vạch rõ bộ mặt xấu xa, tàn bạo của xã hội thực dân phong kiến đương thời đẩy người nông dân vào tình cảnh vô cùng khốn khổ, bế tắc, khiến họ phải liều mạng cự lại. Đoạn trích còn cho thấy vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ nông dân, vừa giàu tình yêu thương vừa có sức sống tiềm tàng, mạnh mẽ.
* Tham khảo:
Nhân vật cai lệ và người nhà lí trưởng
+ Cai lệ là chức danh thấp nhất trong quân dội chế độ cũ. Hắn có vai trò là tay sai đắc lực trong việc trưng thu sưu thuế của người dân.
+ Cai lệ và người nhà lí trưởng đến thúc sưu anh Dậu với thái độ: Sầm sập tiến vào với roi song, tay thước, tay thừng.
Cai lệ đã nói năng, hành động:
+ Hùng hổ tiến vào nhà, ra oai.
+ Thét “Thằng kia nộp tiền sưu mau”.
+ Trợn ngược hai mắt, quát …
+ Giọng hầm hè, đe doạ.
+ Ra lệnh trói anh Dậu, đánh chị Dậu, anh Dậu.
Qua hành động và lời nói, ta thấy cai lệ là tên hung hăng, cậy quyền cậy thế, tàn ác, táng tận lương tâm, đánh người không chút xót thương).
Cảm nghĩ về nhân vật chị Dậu
- Mở bài:
Đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” trích phần đầu tiểu thuyết Tắt đèn của Ngô Tất Tố. Đoạn trích kể lại chân thực và cảm động hoàn cảnh đáng thương của nhà chị Dậu cùng hành động phản kháng quyết liệt để bảo vệ chồng con khi bị dồn vào bước đường cùng của người phụ nữ lực điền.
- Thân bài:
Chị Dậu là một người phụ nữ nông dân chất phác, hiền dịu, yêu thương chồng, biết nhẫn nhục, chịu đựng có sức sống mạnh mẽ, tinh thần phản kháng tiềm tàng, quyết liệt.
Trước thái độ của cai lệ và người nhà lí trưởng, chị Dậu đã cư xử. Chị đã cố nhịn, run run, chị vẫn cố “Thiết tha” trình bày hoàn cảnh khó khăn của gia đình; gọi bằng ông và xưng cháu. Vì chị biết thân phận mình nhỏ bé và mong chúng động lòng thương, không đánh đập, hành hạ anh Dậu nữa.
Dù sợ đến run run nhưng chị vẫn cố “thiết tha” trình bày hoàn cảnh khó khăn của gia đình. Chị gọi chúng bằng ông và xưng cháu vì chị biết thân phận nhỏ bé của mình và mong chúng không đánh đập, hành hạ anh Dậu. Van xin không được, can ngăn cũng không xong, bằng lời lẽ cũng vô ích, chị liều mạng lại để cứu chồng. Do sức mạnh của lòng căm hờn và uất hận đã dồn nén bấy lâu đã khiến chị dũng cảm vượt qua nỗi sợ hãi. Nó bắt nguồn từ lòng yêu thương chồng con.
Nếu nhân vật Lão Hạc đã chọn lấy cái chết để giải thoát mình khỏi những bế tắc cùng cực thì ta lại thấy ở nhân vật chị Dậu một sức mạnh sinh tồn mạnh mẽ. Dù bị cường quyền đẩy vào bước đường cùng, chị Dậu đã không chọn cách buông bỏ mà lại dũng cảm chống lại để bảo vệ chồng và tìm kiếm một lối thoát. Dù chị biết rất rõ sau hành động phảng kháng của mình, bọn cai lệ và người nhà lý trưởng sẽ không buông tha cho gia đình chị nhưng đó là cách tức thời và có lẽ là đúng đắn nhất. Nếu chị không làm vậy thì anh Dậu sẽ cầm chắc cái chết khi bị bọn chúng lôi ra đình đánh tiếp.
Hành động liều lĩnh của chị Dậu cho thấy chị là một người phụ nữ hết mức yêu thương chồng, vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân và bất chấp hiểm nguy để bảo vệ chồng trong tình thế nguy kịch. hành động ấy phản ánh thực trạng “tức nước vỡ bờ” ủa người nông dân Việt Nam trước cách mạng khi bị dồn ép đến bước được cùng. Nó dự báo một cuộc nổi dậy mạnh mẽ của nhân dân lao động sau này.
Chị Dậu là người nông dân mộc mạc, khiêm nhường, giàu lòng vị tha, yêu thương chồng con, biết nhẫn nhục, chịu đựng nhưng không yếu đuối. Khi bị đẩy đến bước đường cùng thì vùng lên chống trả quyết liệt. Ngòi bút của Ngô Tất Tố đã toát lên giá trị hiện thực: “Có áp bức, có đấu tranh”. “Tức nước vỡ bờ” cách đặt tên như vậy là thoả đáng.
Đây là đoạn tạo nên những tình huống bất ngờ cho người đọc. Trong đoạn trích hai nhân vật chị Dậu và cai lệ được miêu tả rõ nét. Cai lệ là một tên tay sai nhưng được tác giả tập trung miêu tả nổi bật, bên cạnh đó thì chị Dậu mọi lời lẽ, hành động đều nhất quán. Tác phẩm Ngô Tất Tố chưa chỉ ra cho người nông dân cách đấu tranh nhưng ông đã làm toát lên cái chân lí hiện thực rất đơn giản: “Tức nước ắt có vỡ bờ; ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh”.
- Kết bài:
Đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” là một trong những trang viết xuất sắc nhất của nhà văn Ngô Tất Tố. Thông qua hành động phản kháng quyết liệt của nhân vật chị Dậu đối với cường quyền, tác giả ca ngợi và khẳng định những phẩm chất tốt đẹp và sức sống tiềm tàng mạnh mẽ của người phụ nữ nông dân trước cách mạnh.