Đọc hiểu văn bản:
Trao duyên (trích Truyện Kiều, Nguyễn Du)
(Ngữ văn 11, tập 2, Chân trời sáng tạo)
Nội dung chính: Đoạn trích thể hiện bi kịch trong tình yêu của Thúy Kiều qua đó thể hiện tiếng kêu đau đớn của tác giả về số phận con người trong xã hội phong kiến.
Trước khi đọc.
Câu hỏi (trang 38, SGK Ngữ Văn 11, tập hai): Trong cuộc sống, đôi khi có những điều rất khó nói, nhưng vẫn phải tìm cách nói ra để nhận được sự cảm thông, chia sẻ của một người nào đó. Đã bao giờ bạn gặp một tình huống như vậy chưa? Hãy chia sẻ với bạn hoặc lắng nghe chia sẻ của bạn về trải nghiệm đó.
Trả lời:
– Đó là lần em bị điểm kém trong một bài thi rất quan trọng. Em biết bố mẹ đặt kì vọng rất lớn ở em nên không dám nói điều đó ra. Sau một thời gian bình tĩnh lại, em đã quyết định chia sẻ với bố mẹ về suy nghĩ của bản thân.
Trong khi đọc.
Câu 1 (trang 39, SGK Ngữ Văn 11, tập hai): Phân biệt lời của người kể chuyện và lời của nhân vật trong đoạn này.
Trả lời:
– Lời người kể chuyện từ “Nỗi riêng riêng những bàn hoàn……Dưới đèn ghé đến ân cần hỏi han:”
– Lời nhân vật (xác định được thông qua dấu ngoặc kép để ngăn cách lời người kể. lời nói của nhân vậtvật và dấu hai chấm để thông báo cho người đọc đoạn thoại của nhân vật ở đoạn sau): “Cơ trời dâu bể đa đoan,…..Nỗi riêng còn mắc mối tình chi đây?” và câu thơ “Lòng đương thổn thức đầy”
Câu 2 (trang 39, SGK Ngữ văn 11, tập hai): Cách mở đầu cho câu chuyện sắp nói với Thúy Vân của Kiều có gì khác thường?
Trả lời:
Cách mở đầu cho câu chuyện sắp nói với Thúy Vân của Kiều khác thường ở chỗ:
– Hai từ “cậy em” của Thúy Kiều đã làm toát lên sự tin tưởng đến mức tuyệt đối của Thúy Kiều ở người em gái thân yêu.Trong lời mở đầu ấy chứa đựng sự dằn vặt, day dứt và mới khiến Kiều trở nên băn khoăn, ngập ngừng.
– Kiều là chị, vai vế và tuổi tác lớn hơn Thúy Vân nhưng lại có hành động “lạy rồi sẽ thưa”.
→ Thông qua hành động “lạy rồi sẽ thưa”, có thể thấy trước khi bắt đầu câu chuyện sắp nói với Thúy Vân, Thúy Kiều có thái độ cầu khẩn, nhờ cậy, e dè, thận trọng.
→ Cách mở đầu cho câu chuyện sắp nói với Thúy Vân của Kiều đã giúp cho không khí của thời khắc “trao duyên” trở nên trang trọng hơn bao giờ hết. Cách dẫn dắt tinh tế và sâu sắc ấy ở Thúy Kiều đã trở thành điều khiến Vân không thể không chú ý, không để tâm đến những lời mà chị mình sắp nói ra.
Câu 3 (trang 40, SGK Ngữ Văn 11, tập hai): Bạn hình dung thế nào về dáng vẻ, tâm trạng, giọng nói của Thúy Kiều trong đoạn từ dòng thơ 741 đến dòng 756 ở cuối văn bản.
Trả lời:
Trong đoạn từ dòng thơ 741 đến dòng 756 ở cuối văn bản, dáng vẻ, tâm trạng, giọng nói của Thúy Kiều hiện lên:
– Kiều giằng xé trong nội tâm, đau đớn và nhớ thương Kim Trọng. Tâm trạng đau đớn đến cùng cực của Thúy Kiều khi hướng về tình yêu của mình và Kim Trọng
+ Những hình ảnh “lò hương, hồn,…” là những hình ảnh cuộc sống cõi âm, đầy thần linh, ma mị → Người đọc cảm nhận được sự đau đớn trong nội tâm đến chết của Thúy Kiều.
+ Mâu thuẫn lớn trong tâm trạng Thúy Kiều: trao kỉ vật cho em mà lời gửi trao chất chứa bao đau đớn, giằng xé và chua chát.
Sau khi đọc.
Câu 1 (trang 41, SGK Ngữ Văn 11, tập hai): Việc “trao duyên” và cuộc trò chuyện giữa chị em Thúy Kiều – Thúy Vân được thuật lại theo ngôi kể nào? Những dấu hiệu nào góp phần giúp bạn nhận biết điều đó?
Trả lời:
– Việc “trao duyên” và cuộc trò chuyện giữa chị em Thúy Kiều – Thúy Vân được thuật lại theo ngôi kể thứ ba.
– Dấu hiệu nhận biết:
+ Người kể – tác giả không xưng “tôi” trong xuyên suốt nội dung tác phẩm.
+ Khi giới thiệu về hội thoại giữa hai chị em Thúy Kiều – Thúy Vân, tác giả sử dụng “ân cần hỏi han, rằng” kết hợp cùng dấu “:” để thông báo cho người đọc.
+ Miêu tả được cụ thể, chi tiết nội tâm, hành động, biểu cảm, tâm trạng của Thúy Kiều – Thúy Vân.
Câu 2 (trang 41, SGK Ngữ Văn 11, tập hai): Xác định số dòng thơ biểu đạt lời của mỗi nhân vật. Chỉ ra sự khác biệt về độ dài (tính bằng số dòng thơ) giữa lời thoại của hai nhân vật và giải thích sự khác biệt ấy.
Trả lời:
– Số dòng thơ biểu đạt lời của nhân vật Thúy Kiều: 38 câu (719 – 756)
– Số dòng thơ biểu đạt lời của nhân vật Thúy Vân: 4 câu (715 – 718)
– Độ dài (tính bằng số dòng thơ) của những dòng thơ biểu đạt lời của Thúy Kiều nhiều hơn Thúy Vân.
– Có sự khác biệt giữa lời thoại của hai nhân vật ấy bởi:
+ Thúy Kiều là nhân vật chính, là nhân vật trung tâm thể hiện tư tưởng, suy nghĩ, nội dung của tác giả trong tác phẩm.
+ Hơn nữa, tác giả muốn để Thúy Kiều diễn tả tình cảnh, lí do, tâm trạng nội tâm của mình để người đọc nắm rõ → từ đó người đọc có cái nhìn cụ thể, chi tiết về suy nghĩ, tư tưởng, nội tâm nhân vật.
+ Đồng thời, nội dung chủ đạo của văn bản là khung cảnh “trao duyên” của Thúy Kiều cho Thúy Vân cho nên Kiều là phía chủ động, có nhiều lời dặn dò, nhờ cậy. Ngược lại Thúy Vân, là người bị bất ngờ, bị động nên còn bất ngờ không kịp nói hay hành động gì.
Câu 3 (trang 41, SGK Ngữ Văn 11, tập hai): Lời thoại của Thúy Vân có vai trò như thế nào đối với sự tiến triển của câu chuyện?
Trả lời:
– Lời thoại của Thúy Vân có vai trò làm tiền đề, là chiếc chìa khóa mở ra nội dung của câu chuyện, đóng vai trò quan trọng với sự tiến triển của câu chuyện. Nhờ vào câu hỏi han ân cần của Thúy Vân mà Thúy Kiều mới bày tỏ lòng mình và mở lời nhờ cậy em mình.
→ Lời thoại của Thúy Vân tuy có dung lượng ngắn nhưng lại là chi tiết vàng, ảnh hưởng trực tiếp và quyết định đến sự tiến triển của toàn bộ câu chuyện trong đoạn trích “Trao Duyên”.
Câu 4 (trang 41, SGK Ngữ Văn 11, tập hai): Đọc kĩ lời thoại của Thúy Kiều và cho biết:
- Lời thoại của Kiều trong văn bản là tự sự, biểu cảm hay kết hợp tự sự với biểu cảm?
- Từ dòng thơ 741 đến dòng thơ 756, lời của Thúy Kiều hướng đến ai; là đối thoại, độc thoại hay độc thoại nội tâm?
Trả lời:
- Lời thoại của Kiều trong văn bản là kết hợp tự sự với biểu cảm. Khi thì kể lại cho Thúy Vân nghe hoàn cảnh của mình để em có thể thông cảm, chấp nhận giúp mình. Khi thì bày tỏ cảm xúc, nội tâm buồn tủi, dằn vặt, đau đớn, xót xa.
- Từ dòng thơ 741 đến dòng thơ 756, lời của Thúy Kiều hướng đến Kim Trọng. Là lời độc thoại. Lời của Thúy Kiều là những lời tự cảm thấy có lỗi rất lớn với Kim Trọng, cho nên gửi lại chàng trăm lạy, nghìn lạy. Đồng thời là lời oán trách cho số phận vô lý nhưng cũng thể hiện sự bất lực của nàng.
Câu 5 (trang 41, SGK Ngữ Văn 11, tập hai): Chỉ ra sự thay đổi trong tâm trạng của Thúy Kiều trước, trong và sau khi trao kỉ vật cho Thúy Vân.
Trả lời:
Sự thay đổi trong tâm trạng của Thúy Kiều trước, trong và sau khi trao kỉ vật cho Thúy Vân:
– Trước khi trao kỉ vật:
+ Buồn bã, phiền lòng vì hoàn cảnh tình yêu của mình và chàng Kim.
+ Khi Thúy Vân mở lời hỏi han, Thúy Kiều mở lời nhờ cậy, giãi bày, thuyết phục của Thúy Kiều với Thúy Vân trước một sự việc hệ trọng mà nàng sắp thực hiện.
– Trong khi trao kỉ vật:
+ Sự giằng xé trong tâm trạng của Thúy Kiều: Cây đàn hồ ngày nào đàn cho kim trọng và mảnh trầm hương ngày nào từng chứng kiến lời thề cũng để lại cho em như là của tin. Đối với chị chúng đã trở thành quá khứ xa xôi. Đến đây kiểu lại cảm thấy mình như người đã chết. Kiều đã mất hết niềm tin vào hiện tại.
+ Một khối mâu thuẫn lớn trong tâm trạng Thúy Kiều: trao kỉ vật cho em mà lời gửi trao chất chứa bao đau đớn, giằng xé và chua chát
– Sau khi trao kỉ vật:
+ Từ khi trao lại kỷ vật, Kiều dường như quên hẳn hiện tại, nàng chỉ sống với cái mai hậu hư vô của mình, vì nàng hi vọng em và chàng Kim tương lai sẽ được hạnh phúc. Hiện tại với nàng chỉ là con số không.
+ Kiều tự cảm thấy có lỗi rất lớn với Kim Trọng, cho nên gửi lại chàng trăm lạy, nghìn lạy.
+ Kiều than thở và với Kim Trọng, thương xót cho Kim. “Thôi thôi” cũng là tiếng than tiếc và dằn vặt, là sự xác nhận cho sự phụ bạc của mình.
Câu 6 (trang 41, SGK Ngữ Văn 11, tập hai): Xác định chủ đề của văn bản Trao duyên và cho biết, phần văn bản này có vai trò như thế nào trong việc góp phần thể hiện chủ đề của Truyện Kiều.
Trả lời:
– Chủ đề của văn bản Trao duyên: bi kịch trong tình yêu của Thúy Kiều.
– Văn bản Trao duyên có vai trò quan trọng trong việc góp phần thể hiện chủ đề của Truyện Kiều. Phần văn bản này tạo ra sự liên kết giữa các nhân vật trong câu chuyện và giúp độc giả hiểu rõ hơn về cảm xúc và tâm trạng của Thúy Kiều. Đồng thời giúp người đọc cảm nhận được sự đau khổ trong bi kịch tình yêu của Kiều và nhận thức được giá trị của tình yêu và sự chung thủy trong cuộc sống.
Xem thêm:
- Thuyết minh tác giả Nguyễn Du và kiệt tác Truyện Kiều
- Phân tích Trao duyên (Trích Truyện Kiều của Nguyễn Du)
- Cảm nhận nỗi đau khổ của Thúy Kiều được thể hiện trong đoạn trích Trao duyên