»» Nội dung bài viết:
Tri thức Ngữ văn bài 1 (Ngữ văn 11, Chân trời sáng tạo).
1. Tùy bút
– Tùy bút là tiểu loại thuộc loại hình kí, thường tập trung thể hiện cái “tôi” của tác gủa, luôn có sự kết hợp giữa tự sự và trữ tình.
– Ở tùy bút, chi tiết, sự kiện chỉ là cái cớ, là tiền đề để bộc lộ cảm xúc, suy tư, nhận thức, đánh giá về con người và cuộc sống.
– Ngôn ngữ của tùy bút giàu chất thơ (có chất trữ tình, giàu nhạc điệu, sức gợi…)
2. Tản văn
– Tản văn là một dạng văn xuôi gần với tùy bút; thường kết hợp tự sự, trữ tình, nghị luận, miêu tả thiên nhiên, khắc họa nhân vật.
– Tản văn chú trọng việc nêu lên được nét chính của các hiện tượng giàu ý nghĩa xã hội và bộc lộ tình cảm, ý nghĩ của tác giả.
– Nếu sức hấp dẫn của tùy bút là tính chất tự do, tài hoa trong liên tưởng gắn với cái tôi tác giả thì sức hấp dẫn của tản văn chủ yếu ở khả năng phát hiện những nét đặc thù, đặc biệt của sự việc, đối tượng hay khả năng kết nối, xâu chuỗi các sự việc, đối tượng có vẻ rời rạc, nhỏ nhặt để hướng đến thể hiện chủ đề của tác phẩm.
3. Yếu tố tự sự trong tùy bút, tản văn
– Yếu tố tự sự trong tùy bút, tản văn là yếu tố kể chuyện, thể hiện qua việc ghi chép, thuật lại các sự việc, câu chuyện, chuỗi tình tiết liên quan tới hành vi, diễn biến tâm trạng, tình cảm của nhân vật hay lịch sử, phong tục được đề cập trong tác phẩm.
4. Yếu tố trữ tình trong tùy bút, tản văn
– Yếu tố trữ tình trong tùy bút, tản văn là yếu tố thể hiện trực tiếp tình cảm, cảm xúc của cái tôi tác giả trong tùy bút hay của người kể chuyện, quan sát, miêu tả trong tản văn.
5. Cái “tôi” tác giả trong sáng tác văn học.
– Cái “tôi” tác giả trong sáng tác văn học là tổng thể những nét riêng biệt, nổi bật làm nên phẩm chất tinh thần độc đáo của tác giả thể hiện trong tác phẩm văn học nói chung, đặc biệt là trong các tác phẩm giàu yếu tố trữ tình như thơ trữ tình hay tùy bút, tản văn.
6. Ngôn ngữ văn học
– Ngôn ngữ văn học là ngôn ngữ chủ yếu dùng trong tác phẩm văn chương, có tính nghệ thuật, thể hiện qua các đặc điểm:
- Giàu sức truyền cảm, biểu cảm: có khả năng chứa đựng nhiều tình cảm, cảm xúc.
- Tính đa nghĩa: các hình thức ẩn dụ, nhân hóa, tượng trưng… khiến câu văn, câu thơ hàm chứa nhiều tầng ý nghĩa.
- Tính hình tượng: có khả năng khơi gợi hình ảnh, hình tượng, mang lại cho người đọc ấn tượng sinh động về sự vật được nói đến, từ đó có những liên tưởng, phán đoán thú vị.
- Tính thẩm mĩ: ngôn ngữ văn học phải được gọt giũa, tinh luyện từ ngôn ngữ chung để đạt tới giá trị nghệ thuật, tạo được rung động thẩm mĩ trong người đọc. Ngôn ngữ trong tùy bút, tản văn, ngoài các đặc điểm chung của ngôn ngữ văn học còn có thêm nét riêng của thể loại; thường thấm đượm chất thơ và dấu ấn riêng của tác giả.
7. Cách giải thích nghĩa của từ
– Nghĩa của từ là nội dung (sự vật, tính chất, hoạt động, quan hệ…) mà từ biểu thị. Nghĩa của từ được nhận diện thông qua nhận thức, sự hiểu biết của mỗi người.
– Có thể giải thích nghĩa của từ bằng một số cách chính sau đây:
+ Phân tích nội dung nghĩa của từ bằng một số cách chính sau đây:
Ví dụ: Hắn (khẩu ngữ): từ dùng để chỉ người ở ngôi thứ ba, với hàm ý coi thường hoặc thân mật. Hắn không phải là người tử tế.
+ Dùng một (hoặc một số) từ đồng nghĩa hoặc trái nghĩa với từ cần giải thích.
Ví dụ:
- Đẫy đà: to béo, mập mạp.
- Bất chợt: chợt.
- Bất an: không yên ổn.
+ Đối với từ ghép, có thể giải thích nghĩa của từ bằng cách giải thích từng thành tố cấu tạo nên từ.
Ví dụ:
- Tươi trẻ: tươi tắn và trẻ trung.
→ Sơn hà: sơn là núi, hà là sông, sơn hà: núi sông, thường dùng để chỉ đất đai thuộc chủ quyền của một nước.
– Không giải thích từ, cần chú ý đến nghĩa gốc và nghĩa chuyển của từ.
+ Nghĩa gốc là nghĩa ban đầu của từ.
Ví dụ:
- Tấm thảm trải sàn này đẹp quá!
→ “Thảm” ở ví dụ trên mang nghĩa gốc, chỉ “hàng dệt bằng sợ to, thường có hàng trang trí, dùng trải trên lối đi, trên sàn nhà”.
+ Nghĩa chuyển là nghĩa hình thành trên cơ sở nghĩa gốc.
Ví dụ:
- Tôi yêu những thảm lá vàng tuyệt đẹp ở nơi này.
→ “Thảm” trong trường hợp này là nghĩa chuyển, chỉ “lớp lá cây dày phủ trên mặt đất”