»» Nội dung bài viết:
Tri thức Ngữ văn bài 6 (Ngữ văn 11, Chân trời sáng tạo)
1. Truyện ngắn.
– Truyện ngắn là thể loại tự sự hư cấu có dung lượng nhỏ, thường phù hợp để đọc hết trong một lần. Với quy mô hạn chế, số lượng nhân vật và sự kiện ít, truyện ngắn chỉ tập trung miêu tả một khía cạnh hoặc trạng thái cụ thể của đời sống xã hội.
2. Cốt truyện của truyện ngắn hiện đại.
– Cốt truyện của truyện ngắn hiện đại thường đơn giản, cô đúc; tập trung xoay quanh một tình huống. Trong đó, các sự kiện trong câu chuyện được sắp xếp theo hướng tập trung vào một vài biến cố chính, dồn nên mâu thuẫn trong một khoảng thời gian ngắn.
3. Điểm nhìn ngôi thứ ba (toàn tri, hạn trị) và sự thay đổi điểm nhìn.
– Điểm nhìn ngôi thứ ba toàn trị: Tầm hiểu biết của người kể chuyện bao trùm toàn bộ thế giới nhân vật, không bị giới hạn trong cái nhìn của nhân vật nào, thấu suốt tất cả suy nghĩ và cảm xúc của các nhân vật, tất cả mọi thời điểm, địa điểm và sự kiện.
– Điểm nhìn ngôi thứ ba hạn tri: Tầm hiểu biết của người kể chuyện chỉ giới hạn trong cái nhìn của một nhân vật trung tâm, chỉ thấu suốt suy nghĩ, cảm xúc của nhân vật đó và các sự kiện mà nhân vật đó biết.
– Thay đổi điểm nhìn: Trong nhiều tác phẩm truyện hiện đại, thường có sự di chuyển điểm nhìn kể chuyện, có thể từ ngôi thứ nhất sang ngôi thứ ba, từ ngôi thứ ba hạn tri sang toàn tri, hoặc giữa nhiều ngôi thứ nhất khác nhau. Thủ pháp này có nhiều tác dụng trong việc thể hiện ý đồ nghệ thuật của tác giả dẫn dắt độc giả vào thế giới tinh thần của nhân vật; quan sát, thể hiện sự việc, con người từ nhiều góc nhìn…
4. Nhân vật trong truyện ngắn.
– Truyện ngắn hiện đại thường chỉ có 1 – 2 nhân vật chính – tức nhân vật hiện lên như một chủ thể độc lập, giữ vai trò chủ đạo trong việc thể hiện chủ đề và tư tưởng của tác phẩm – được khắc họa qua ngoại hình, hành động đối thoại, độc thoại nội tâm và qua đánh giá của các nhân vật khác cũng như của người kể chuyện.
5. Một số hiện tượng phá vỡ những quy tắc ngôn ngữ thông thường.
– Trong thực tế, có những cấu trúc ngữ nghĩa, cú pháp không theo quy tắc ngôn ngữ thông thường. Những hiện tượng này thường xuất hiện trong các tác phẩm văn chương. Có thể kể đến một số loại sau:
Hiện tượng điều trật tự từ ngữ:
– Đảo trật tự từ ngữ so với trật tự từ ngữ thông thường được dùng với mục đích nhấn mạnh, tăng sức biểu cảm cho sự diễn đạt.
Ví dụ: Cây bưởi sau nhà ngan ngát hương đưa (Phan Thị Thanh Nhàn, Hương thầm)
– Nếu so sánh hai cách diễn đạt “hương đưa ngan ngát” (trật tự thông thường) và “ngan ngát hương đưa” (trật tự đã thay đổi), chúng ta sẽ thấy cách diễn đạt thứ hai giàu sức biểu cảm hơn đồng thời cũng giàu nhạc tính hơn.
Hiện tượng mở rộng khả năng kết hợp của từ:
– Ở hiện tượng này, từ ngữ được cung cấp thêm những khả năng kết hợp mới tạo ra những kết hợp từ vô cùng độc đáo, nhằm tăng hiệu quả diễn đạt.
Ví dụ:
Đàn cò áo trắng
Khiêng nắng
Qua sông
(Trần Đăng Khoa, Em kể chuyện này)
– Trong ví dụ trên, “nắng” được hình dung như một vật thể có hình dạng, khối lượng, có thể khiêng được. Cách kết hợp từ “khiêng nắng” phá vỡ quy tắc kết hợp từ thông thường, tạo ra một ấn tượng đặc biệt cho người đọc.
Hiện tượng tách biệt:
– Tách biệt là hiện tượng tách các thành phần câu thành những câu độc lập với dụng ý nhấn mạnh hoặc bộc lộ cảm xúc.
Ví dụ: Đã có năm nhà nhận bán. Tiền họ đã nhận ngay từ bây giờ. Nhưng vừa mới lúc này đây, họ đến bảo không bán thóc nữa, mà lại bỏ tiền. Mà trả có hai mươi. Thế có giết người ta không! Bây giờ tôi đang chết dở đây (Nguyễn Khắc Trường, Mảnh đất lắm người nhiều ma)
– Việc tách thành phần câu thành câu độc lập trong ví dụ trên có tác dụng nhấn mạnh sự việc “trả có hai mươi”, đồng thời bộc lộ cảm xúc bối rối, lo lắng của nhân vật.