giao-an-buoi-2-ngu-van-8-chan-troi-sang-tao

Tri thức Ngữ văn bài 7 Ngữ văn 8, Chân trời sáng tạo

Tri thức Ngữ văn bài 7 (Ngữ văn 8, Chân trời sáng tạo)

1. Một số đặc điểm của văn bản truyện.

Nhân vật chính là nhân vật quan trọng nhất của truyện, có những hành động, quyết định tác động đến cốt truyện và diễn tiến các sự kiện trong truyện, thể hiện rõ nhất tư tưởng, chủ đề của truyện.

Chi tiết tiêu biểu là những chi tiết chọn lọc, có giá trị biểu đạt và thẩm mĩ vượt trội trong truyện, có thể mang lại sự bất ngờ, gây chú ý hoặc sự thích thú đối với người đọc và góp phần quan trọng trong việc thể hiện chủ đề, tư tưởng của tác phẩm.

2. Tư tưởng của tác phẩm văn học.

Tư tưởng của tác phẩm văn học là sự nhận thức, lí giải và thái độ của tác giả đối với toàn bộ nội dung của tác phẩm văn học, cũng như những vấn đề về cuộc sống con người được đặt ra trong tác phẩm. Tư tưởng được biểu hiện qua hình tượng nghệ thuật, qua đề tài, chủ đề, cảm hứng chủ đạo…

Ví dụ: Tư tưởng của bài thơ Mẹ (Đỗ Trung Lai) là những chiêm nghiệm sâu sắc về quy luật khắc nghiệt một đi không trở lại của thời gian, vì thế, cần biết quý trọng những gì đang có trong hiện tại. Tư tưởng đó được thể hiện qua cặp hình ảnh sóng đôi: mẹ và cau; qua giọng thơ day dứt, thổn thức…

3. Biệt ngữ xã hội: chức năng và giá trị.

Biệt ngữ xã hội là những từ ngữ được dùng hạn chế trong một nhóm người có chung một đặc điểm nào đó (nghề nghiệp, vị trí xã hội, tuổi tác…), chẳng hạn như biệt ngữ của các nhóm tội phạm, biệt ngữ của giới trẻ…

Ví dụ: Vào ngày khai giảng, ngoài các hoạt động trong phần lễ, các bạn còn được “quẩy” hết mình trong phần hội (Theo Mực tím online)

Trong ví dụ trên, “quẩy” là biệt ngữ của giới trẻ, dùng để chỉ ý “vui chơi thoải mái”. – Biệt ngữ xã hội gắn liền với môi trường và bán thân tầng lớp xã hội tạo ra nó. Mục đích sáng tạo ra biệt ngữ chính là để giữ bí mật trong phạm vi nhóm của mình. Vì vậy, người ngoài nhóm thường không hiểu được biệt ngữ.

– Mặc dù biệt ngữ xã hội chỉ được dùng trong một phạm vi hạn chế nhưng theo thời gian, vẫn có những biệt ngữ dần dần trở nên phổ biến và sau đó trở thành từ ngữ toàn dân. Trong các tác phẩm văn chương, điện ảnh, biệt ngữ xã hội được dùng như một phương tiện tu từ với mục đích làm cho câu chuyện và nhân vật trở nên chân thật hơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang