»» Nội dung bài viết:
Tri thức Ngữ văn bài 8 (Ngữ văn 11, Chân trời sáng tạo)
1. Tượng trưng.
– Tượng trưng là loại hình ảnh mang tính trực quan, sinh động nhưng hàm nghĩa biểu đạt những tư tưởng, quan niệm, khái niệm trừu tượng. Chẳng hạn, chim bồ câu tượng trưng cho hoà bình, hoa hồng đỏ tượng trưng cho tình yêu hoặc lá cờ tượng trưng cho quốc gia.
2. Yếu tố tượng trưng trong thơ trữ tình.
– Thông thường, thơ trữ tình diễn tả thế giới nội tâm của chủ thể trữ tình thông qua những chi tiết, hình ảnh cụ thể, gợi cảm. Tuy nhiên, một số tác phẩm thơ trữ tình còn đi sâu vào những vấn đề triết học, thông qua những chi tiết có tính tượng trưng cao. Yếu tố tượng trưng trong thơ trữ tình là những chi tiết, hình ảnh cụ thể, gợi cảm gợi lên những ý niệm trừu tượng và giàu tính triết lý, đánh thức suy ngẫm của người đọc về bản chất sâu xa của con người và thế giới. Chẳng hạn, hình ảnh tháp Bayon trong bài thơ Tháp Bayon bốn mặt (Chế Lan Viên) tượng trưng cho thế giới tâm hồn đa diện, phức tạp của con người:
Anh là tháp Bayon bốn mặt
Giấu đi ba, còn lại đấy là anh
Chỉ mặt đó mà nghìn trò cười khóc
Làm đau ba mặt kia trong cõi ẩn hình.
– Trong nhiều trường hợp, yếu tố tượng trưng trong thơ trữ tình còn gắn với sự đề cao nhạc tính của thơ (sức gợi cảm của nhịp thơ, vần, thanh điệu…) và sự tương giao giữa các giác quan (sự hoà hợp của các ấn tượng thính giác, thị giác, xúc giác…).
3. Hình thức và cấu tử trong thơ trữ tình.
– Hình thức trong thơ trữ tình là tổng hòa của thể thơ, câu thơ, lời thơ, giọng điệu, nhịp, vẫn, hình ảnh… trong thơ trữ tình. Tất cả được lựa chọn, liên kết để thể hiện chủ đề, tư tưởng chung của tác phẩm. Chẳng hạn, hình ảnh, từ ngữ, giọng điệu trong bài thơ Dáng đứng Việt Nam (Lê Anh Xuân) toát lên âm hưởng bị tráng hào hùng.
– Cấu tứ là cách thức triển khai mạch cảm xúc và tổ chức hình tượng trong tác phẩm thơ trữ tình. Chẳng hạn, trong bài thơ Dáng đứng Việt Nam (Lê Anh Xuân), cấu tứ bài thơ là sự khái quát từ tư thế hi sinh hiên ngang của anh Giải phóng quân trên đường băng Tân Sơn Nhất đến hình ảnh “dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỉ”.
4. Biện pháp tu từ lặp cấu trúc.
– Lặp cấu trúc là biện pháp tổ chức những vế câu hoặc những câu có cùng một kết cấu ngữ pháp, nhằm nhấn mạnh ý tưởng và tạo sự nhịp nhàng, cân đối cho văn bản.
Ví dụ: Nước Việt Nam là một. Dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lí ấy không bao giờ thay đổi. (Hồ Chí Minh)
Lưu ý: Chúng ta có thể bắt gặp biện pháp lặp cấu trúc trong phép đối. Đối là cách lặp lại cấu trúc ngữ pháp có sự đối lập về từ ngữ, thanh điệu…