Truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa đã xây dựng được tình huống hợp lí, cách kể chuyện tự nhiên, có sự kết hợp giữa tự sự, trữ tình với cách bình luận.
1. Giới thiệu:
– Tác giả, tác phẩm, thành công về nghệ thuật của tác.
– Trích dẫn ý kiến: Truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa đã xây dựng được tình huống hợp lí, cách kể chuyện tự nhiên, có sự kết hợp giữa tự sự, trữ tình với cách bình luận.
2. Giải thích và khẳng định ý kiến:
– Ý kiến trong đề bài đã khẳng định, kết luận về giá trị nghệ thuật của truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long. Đây là một ý kiến hoàn toàn chính xác bởi vì “truyện đã xây dựng được tình huống hợp lí, cách kể chuyện tự nhiên, có sự kết hợp giữa tự sự, trữ tình với cách bình luận”. Thành công về nghệ thuật đã góp phần làm nên thành công chung cho tác phẩm.
3. Phân tích, chứng minh:
a. Truyện xây dựng được tình huống hợp lí:
– Cốt truyện đơn giản: Toàn truyện chỉ có một tình huống đơn giản đời thường, đó là cuộc gặp gỡ tình cờ giữa bốn nhân vật: bác lái xe, cô kĩ sư, ông hoạ sĩ và anh thanh niên làm công tác khí tượng thuỷ văn kiêm vật lí địa cầu trên đỉnh Yên Sơn cao 2600m. Qua cuộc gặp gỡ tiếp xúc chứng kiến nơi ở, làm việc, được nghe anh thanh niên tâm sự những người khách đã cảm nhận những điều đáng quý ở anh – một người có tâm hồn, lối sống, quan niệm về cuộc đời, về lao động thật đúng đắn và đẹp đẽ.
– Tuy cốt truyện đơn giản nhưng tác giả đã làm nổi bật được những công việc thầm lặng của những con người lao động bình thường đang ngày đêm cống hiến hết mình cho đất nước. Tạo ra cuộc gặp gỡ ấy tác giả đã để cho nhân vật chính dần dần hiện lên thông qua cách nhìn, sự đánh giá của các nhân vật.
→ Tăng sức khách quan, tạo sự hấp dẫn cho câu chuyện.
b. Truyện có cách kể tự nhiên:
– Diễn biến của câu chuyện được kể theo thời gian: cái gì có trước kể trước, cái gì diễn ra sau kể sau. Các chi tiết đơn giản, bình thường như cuộc sống: xe dừng, theo lời giới thiệu, gợi ý của bác lái xe mọi người cùng đi thăm anh thanh niên, gặp gỡ, nói chuyện, trao nhận quà rồi lại lên xe đi tiếp.
– Truyện không dùng ngôi kể thứ nhất nhưng phần lớn người kể chuyện lại nhập vai vào nhân vật ông hoạ sĩ và chủ yếu qua cách nhìn, sự suy nghĩ của ông mà quan sát và miêu tả từ phong cảnh thiên nhiên đến anh thanh niên – nhân vật chính của truyện.
– Nhân vật anh thanh niên (nhân vật chính của truyện) không xuất hiện trực tiếp mà thông qua lời giới thiệu của bác lái xe và cách nhìn nhận của các nhân vật khác. Điều ấy tạo sự hấp dẫn, tò mò cho người đọc và tăng tính khách quan.
c. Truyện có sự kết hợp tự sự với trữ tình và bình luận.
– Phương thức biểu đạt chính của truyện là tự sự vì có cốt truyện, nhân vật, tình huống, có người kể chuyện thể hiện theo nguyên tắc khách quan.
– Song sức hấp dẫn của Lặng lẽ Sa Pa lại ở chất trữ tình:
+ Chất trữ tình thể hiện trước hết ở nhan đề, tình huống truyện. Nhan đề gợi cho người đọc những suy nghĩ sâu xa: Lặng lẽ đi với địa danh Sa Pa gợi cho người đọc về một vùng đất yên tĩnh, thơ mộng với những chuyến du lịch nghỉ ngơi. Nhưng lặng lẽ còn gợi cho người đọc về sự cống hiến âm thầm, lặng lẽ của những con người đang ngày đêm hết lòng cho đất nước. Tình huống của truyện đơn giản, chỉ là cuộc gặp gỡ tình cờ giữa bốn nhân vật: bác lái xe, ông họa sĩ, cô kĩ sư với anh thanh niên làm việc trên đỉnh Yên Sơn cao 2600m trong khoảng thời gian ngắn ngủi 30 phút nhưng đã để lại ấn tượng sâu sắc.
+ Chất trữ tình thể hiện ở bức tranh thiên nhiên: Phong cảnh Sa Pa – núi cao với thác đổ trắng xoá, đường núi uốn lượn quanh co, cây cối rậm rạp cứ chen nhau hiện dần lên bức tranh hấp dẫn: những rặng đào, những đàn bò lang cổ có đeo chuông ở các đồng cỏ, sự thanh bình yên ả tạo nên bức tranh lung linh huyền ảo. Nắng ở Sa Pa cũng thật tuyệt vời: “nắng đã mạ bạc cả con đèo, đốt cháy rừng cây hừng hực như một bó đuốc lớn. Nắng cháy làm cho bó hoa càng thêm rực rỡ và càng làm cô gái rực rỡ theo”. Bức tranh thiên nhiên thu nhỏ nơi mảnh vườn của anh thanh niên: với đủ các loại hoa, màu sắc rực rỡ: hoa dơn, thược dược, vàng, tím, đỏ, hồng phấn, tổ ong
→ Bức tranh phong cảnh thiên nhiên đẹp và thơ mộng của Sa Pa đã góp phần tạo nên chất trữ tình, chất thơ cho tác phẩm, được miêu tả qua cái nhìn của người hoạ sĩ già thấm đượm hài hòa giữa vẻ đẹp của tự nhiên, cuộc sống con người.
+ Chất trữ tình chủ yếu toát ra từ cuộc gặp gỡ tình cờ, từ cuộc sống, tâm hồn, ý nghĩ, cảm xúc của những con người trong truyện: Cô kĩ sư hồn nhiên dám bỏ phố phường phồn hoa đến công tác tại miền núi hẻo lánh. Ông họa sĩ sắp về hưu nhưng vẫn cháy bỏng khát vọng sáng tạo nghệ thuật, tâm hồn còn nhạy cảm yêu đời. Đặc biệt là anh thanh niên một mình sống trên đỉnh Yên Sơn cao 2600m với công việc vất vả gian khổ nhưng vẫn luôn yêu nghề, có tinh thần trách nhiệm cao với công việc; suy nghĩ đúng đắn, lạc quan về công việc và cuộc sống. Ngoài ra các nhân vật khác như ông kĩ sư ở vườn rau Sa Pa, anh cán bộ nghiên cứu bản đồ sét cũng hết lòng vì đất nước.
+ Chất trữ tình còn thể hiện ở những chi tiết giàu chất thi ca: “Cô gái bất giác đỏ mặt lên, bỗng nhiên lại gặp hoa dơn .”
– Truyện còn có yếu tố bình luận thể hiện ở những câu triết lí sâu sắc của nhân vật anh thanh niên về cuộc sống, công việc, về sự cô đơn: “Buồn thì ai mà chả sợ”, “Khi ta làm việc ta với việc là hai sao lại gọi là một mình”, “Công việc của cháu gian khổ thế đấy nhưng nếu cất nó đi thì cháu buồn đến chết”
→ Gợi cho người đọc nhiều suy nghĩ, lẽ sống, suy nghĩ về sự cống hiến hết mình cho đất nước.
d. Đánh giá, tổng hợp:
– Tất cả các yếu tố nghệ thuật trên đã góp phần tạo nên một thiên truyện hấp dẫn, đầy sức thuyết phục về hình ảnh đẹp của những người lao động bình dị, thầm lặng. Một bức tranh đẹp về cuộc sống mới cho ta ngẫm nghĩ và tin yêu. Rõ ràng khi chữ nghĩa đạt đến mức nghệ thuật, thì nghĩa lí của nó có thể đến với con người một cách rất tự nhiên.