van-hoc-lam-cho-con-nguoi-them-phong-phu-tao-kha-nang-cho-con-nguoi-lon-len-hieu-duoc-con-nguoi-nhieu-hon-m-l-kalinine

Qua truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa, hãy làm sáng tỏ ý kiến: Văn học làm cho con người thêm phong phú, tạo khả năng cho con người lớn lên, hiểu được con người nhiều hơn (M. L. Kalinine)

Qua truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa, hãy làm sáng tỏ ý kiến: Văn học làm cho con người thêm phong phú, tạo khả năng cho con người lớn lên, hiểu được con người nhiều hơn (M. L. Kalinine)

1. Giới thiệu.

– Tác giả, tác phẩm và vấn đề nghị luận.

– Trích dẫn ý kiến.

2. Giải thích ý kiến, nhận định.

– Văn học: Loại hình nghệ thuật ngôn từ, phản ánh hiện thực bằng cách sáng tạo các hình tượng nghệ thuật, qua đó bày tỏ quan điểm, thái độ của người nghệ sĩ với cuộc sống.

– Làm cho con người thêm phong phú, tức làm nảy nở trong con người những tình cảm mới, rèn giũa những tình cảm cũ; khơi dậy trong họ những nhận thức mới mẻ, sâu sắc về cuộc đời, giúp họ có thêm những trải nghiệm cuộc sống.

– Tạo khả năng để con người lớn lên: Sống tốt đẹp hơn, biết ứng xử một cách nhân văn.

– Hiểu được con người nhiều hơn: Thấu hiểu bản chất của con người, qua đó thấu hiểu chính bản thân mình.

→ Lời nhận định của M. L. Kalinine đề cập đến những chức năng nhận thức – giáo dục – thẩm mĩ của văn học.

2. Lí giải vì sao nói “văn học làm cho con người thêm phong phú”?

– Văn học là tấm gương phản ánh cuộc sống, là cuốn bách khoa toàn thư về cuộc sống. Qua văn học, con người có được những hiểu biết sâu sắc hơn về tự nhiên, về xã hội, về chính bản thân mình.

– Mặt khác, văn học là “tiếng nói của tình cảm, là sự giãi bày và gửi gắm tâm tư” (Lê Ngọc Trà), qua văn học, con người tìm thấy mình trong đó, cảm nhận được những cung bậc tình cảm đa dạng trong thế giới nội tâm con người, được giãi bày, được đồng cảm, được sẻ chia, được gợi ra những tình cảm chưa có, được trui rèn những tình cảm sẵn có.

– Hơn thế nữa, mỗi tác phẩm văn học là một cuộc trải nghiệm, là cơ hội để ta du hành qua không gian và thời gian, vượt qua mọi bờ cõi và giới hạn, trải nghiệm nhiều hơn, sống nhiều hơn qua những cuộc đời khác nhau, được nhìn cuộc đời dưới nhiều lăng kính, được lắng nghe nhiều luồng tư tưởng, được đối thoại với nhà văn để giàu có, phong phú hơn về trải nghiệm sống.

3. Tại sao văn học “tạo khả năng giúp con người lớn lên”?

– Từ những trải nghiệm đó, văn học giúp con người lớn lên về mặt nhân cách, về mặt tâm hồn. – Trang sách đóng lại, tác phẩm nghệ thuật mới mở ra, “cuộc đời là điểm khởi đầu và là điểm đi tới của văn chương”, mỗi tác phẩm như một nấc thang nâng đỡ bước chân người đọc tách khỏi phần con để đi đến phần người, tiệm cận các giá trị chân – thiện – mĩ mà họ hằng ngưỡng vọng.

– Văn học làm cho con người hiểu được con người nhiều hơn là vì:

+ Đối tượng phản ánh của văn học chính là con người trong các mối quan hệ xã hội, soi chiếu dưới lăng kính thẩm mĩ. Văn học khơi sâu tìm hiểu những vẻ đẹp, những “hạt ngọc ẩn giấu trong tâm hồn con người” (Nguyễn Minh Châu), văn học khám phá những khát vọng muôn thuở của nhân loại, tìm lời giải đáp cho những trăn trở có tính nhân bản: vấn đề sống – chết, vấn đề chiến tranh – hòa bình, vấn đề ý nghĩa của cuộc sống. Lặng lẽ Sapa của Nguyễn Thành Long làm cho con người thêm phong phú, tạo khả năng cho con người lớn lên, hiểu được con người nhiều hơn.

4.  Phân tích, chứng minh “Lặng lẽ Sa Pa” làm cho con người thêm phong phú, tạo khả năng cho con người lớn lên, hiểu được con người nhiều hơn “Lặng lẽ Sa Pa” làm cho con người thêm phong phú:

– Có những hiểu biết mới mẻ về cuộc sống, xã hội lúc bấy giờ:

+ Sau chiến thắng chống thực dân Pháp, miền Bắc nước ta bắt tay ngay vào công cuộc xây dựng kiến thiết đất nước. Đặc biệt, những năm 70, miền Bắc hăng say lao động sản xuất để xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa và chi viện cho miền Nam đánh Mĩ, mỗi người dân miền Bắc ý thức sâu sắc vai trò của bản thân mình đối với sự nghiệp chung của đất nước: sống đẹp, sống có ích để góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

+ “Lặng lẽ Sa Pa” được sáng tác năm 1970, trong chuyến đi thực tế của tác giả ở Lào Cai, là kết quả của những chuyến đi thực tế mà các tác giả sống trực tiếp cùng với những con người lao động. Hình tượng người lao động đã được khắc họa rõ nét trong tác phẩm.

– Có những hiểu biết mới mẻ về vẻ đẹp thiên nhiên Sa Pa:

+ Vẻ đẹp Sa Pa bắt đầu bằng những rặng đào, những cánh đồng cỏ trong thung lũng, những đàn bò lang cổ đeo chuông đang thung thăng gặm cỏ, những tia nắng thật kì lạ, mây Sa Pa cũng được tác giả tả rất nhiều và rất lạ. Sa Pa còn được tô điểm thêm những màu sắc tươi sáng của các loại cây lạ, và nhất là các loại hoa. Được thưởng thức thiên nhiên Sa Pa qua từng trang truyện ta có cảm giác như được chiêm ngưỡng những tác phẩm hội họa lung linh, kì ảo. Con mắt nhìn tinh tế của trái tim nghệ sĩ biết yêu và rung động trước cái đẹp của Nguyễn Thành Long và bút pháp lãng mạn đã chọn lọc được những nét đẹp tiêu biểu của thiên nhiên Sa Pa, không chỉ giúp ta hiểu hơn về vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước mà còn khơi gợi trong lòng ta một tình yêu quê hương, đất nước.

– Có thêm những hiểu biết mới mẻ về con người nơi Sa Pa:

+ Sống có lý tưởng, sẵn sàng cống hiến: cô kĩ sư trẻ (cô kĩ sư trẻ mới ra trường lần đầu tiên xa Hà Nội, dũng cảm lên nhận công tác tại Lai Châu. Cô là lớp thanh niên thề ra trường đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì. Bản lĩnh, nghị lực phi thường.)

+ Nhận thức sâu sắc ý nghĩa công việc, có ý thức trách nhiệm trước công việc, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, dám chấp nhận cuộc sống cô độc để làm việc, làm việc một cách kiên trì, tự giác bất chấp hoàn cảnh: ông kỹ sư vườn rau, người cán bộ nghiên cứu khoa học

+ Ông họa sĩ: Hội tụ phẩm chất của người nghệ sĩ chân chính: nhân cách đẹp đẽ, khát vọng sáng tạo nghệ thuật, có cuộc sống nội tâm phong phú, biết yêu cuộc đời, yêu cái đẹp, có quan điểm nghệ thuật đúng đắn: bỏ lại sau lưng đô thị phồn hoa để đi tìm cảm hứng sáng tạo cho mình.

+ Đặc biệt giúp người đọc hiểu sâu sắc về nhân vật anh thanh niên tuy là con người lao động bình thường nhưng hội tụ biết bao vẻ đẹp tâm hồn tính cách. Mặc dù hoàn cảnh sống và làm việc hết sức khó khăn, gian khổ nhưng vượt lên trên tất cả là tinh thần yêu nghề, trách nhiệm cao với công việc đã khiến anh suy nghĩ đúng đắn, sâu sắc về công việc của mình đang làm. Anh còn là con người biết sắp xếp tổ chức cuộc sống khoa học ngăn nắp, có lòng hiếu khách, chân thành, cởi mở, biết quan tâm đến mọi người, có lòng khiêm tốn (Lựa chọn phân tích những dẫn chứng tiêu biểu).

– Đọc tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa tâm hồn người đọc thêm phong phú sâu sắc hơn về cảnh sắc thiên nhiên, về cuộc sống xã hội, con người. “Lặng lẽ Sa Pa” giúp người đọc lớn hơn, hiểu được con người nhiều hơn:

+ Hiểu được cuộc sống của mỗi người chỉ thực sự ý nghĩa khi mọi việc làm, hành động của bản thân xuất phát từ tình yêu cuộc sống, yêu con người, yêu và tự hào về mảnh đất mình đang sống, làm những việc mình đam mê sẽ luôn đem đến cho bản thân sự hạnh phúc.

+ Mỗi người phải biết sống có lý tưởng, có ý thức, trách nhiệm đóng góp, cống hiến cho sự phát triển của đất nước. Trước mọi khó khăn, thử thách phải có tinh thần lạc quan, có niềm tin vào cuộc sống. – Sống khiêm tốn và đức hi sinh thầm lặng. Trao đi tình yêu thương, sự chân thành chắc chắn sẽ nhận lại sự yêu thương từ những người xung quanh.

+ Những vẻ đẹp của cuộc sống con người không phải là những gì lớn lao kì vĩ mà là những điều bình thường giản dị diễn ra xung quanh cuộc sống của mỗi người chúng ta.

+ Sức mạnh và bất lực của nghệ thuật phụ thuộc vào niềm đam mê, tài năng và tâm huyết của người nghệ sĩ.

→ Người đọc thêm yêu quý, trân trọng những vẻ đẹp bình dị nhưng cao đẹp của vẻ đẹp cuộc sống con người. Từ đó, hướng con người đến những lẽ sống đúng đắn và tích cực hơn.

– Sở dĩ “Lặng lẽ Sa Pa” làm cho con người thêm phong phú, tạo khả năng cho con người lớn lên, hiểu được con người nhiều hơn là nhờ ở những hình thức nghệ thuật của tác phẩm.

+ Truyện đã xây dựng được một tình huống truyện hợp lý, cách kể chuyện tự nhiên, có sự kết hợp giữa tự sự, trữ tình với bình luận.

+ Các nhân vật trong truyện đều không có tên riêng, chỉ được nhà văn gọi theo giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp (anh thanh niên, cô kĩ sư nông nghiệp, ông hoạ sĩ già ). Dụng ý của tác giả muốn người đọc liên tưởng đến những con người đang ngày đêm âm thầm và lặng lẽ cống hiến hết mình cho đất nước trên khắp mọi miền của Tổ quốc.

+ Truyện có chất thơ bàng bạc toát lên từ các chi tiết, từ khung cảnh thiên nhiên Sa Pa đẹp như những bức tranh và chất thơ ấy còn ở chính trong tâm hồn các nhân vật với những suy nghĩ, cảm xúc thật trong sáng, đẹp đẽ. Chất thơ của truyện lại đi liền với chất họa.

5. Liên hệ tác phẩm Chiếc lá cuối cùng (O. Hen-ri).

– Giới thiệu khái quát tác giả O. Hen-ri và tác phẩm Chiếc lá cuối cùng. Dẫn vào những giá trị về nhận thức – giáo dục – thẩm mĩ mà tác phẩm Chiếc lá cuối cùng tác động tới bạn đọc.

– Điểm tương đồng:

+ Cả hai tác phẩm đều đem đến cho độc giả những khám phá mới mẻ về thiên nhiên, con người: Vẻ đẹp trong suy nghĩ, cách sống, chiều sâu tâm hồn của con người.

+ Từ vẻ đẹp trong suy nghĩ, hành động, cách sống của mỗi nhân vật trong từng tác phẩm, bạn đọc không khỏi xúc động, lan tỏa, bừng dậy những tình cảm cao đẹp làm phong phú tâm hồn con người.

+ Đều viết bằng thể loại truyện ngắn, với sự sáng tạo trong việc xây dựng nhân vật.

– Điểm khác biệt:

+ Hoàn cảnh: Chiếc lá cuối cùng của nhà văn Mĩ O. Hen-ri được viết cuối thế kỉ XIX, đầu XX. Còn Lặng lẽ Sa Pa được sáng tác năm 1970, giai đoạn cả miền Bắc bước vào cuộc sống mới hòa bình, xây dựng chủ nghĩa xã hội và quyết tâm đánh Mĩ giải phóng miền Nam.

+ Về nội dung và nghệ thuật:

  • Chiếc lá cuối cùng của nhà văn Mĩ O. Hen- ri đi sâu phản ánh vẻ đẹp của tình người (Xiu – Đó là vẻ đẹp của sự quan tâm, tận tình, chia sẻ và yêu thương bao bọc. Cụ Bơ-men – Ở cụ, toát lên vẻ đẹp của tài năng (dù muộn màng), của tâm huyết và cả sự hy sinh. Ở hai nhân vật một già một trẻ này đều tỏa sáng lên vẻ đẹp của tình người – thứ tài sản mà trong xã hội tư bản không dễ gì tìm thấy được!). Vẻ đẹp của ước mơ chân chính, của lòng nhân ái, nhân văn: Tuy khác nhau về tuổi tác, nhưng những họa sĩ nghèo này lại gặp nhau ở ước mơ nghề nghiệp – một ước mơ chính đáng và đáng trân trọng, nhưng giữa cuộc đời thường, cuộc sống “cơm, áo, gạo, tiền” đã không cho họ được toại nguyện. Thành công của tác phẩm là xây dựng tình huống đảo ngược hai lần, tạo sự cuốn hút, bất ngờ cho tác phẩm.
  • Lặng lẽ Sa Pa là bài ca về tập thể những con người lao động thầm lặng mà hăng say, cống hiến quên mình cho Tổ quốc. Tác phẩm không có tình huống li kì mà chỉ đơn giản đời thường nhưng hấp dẫn người đọc chính là chất thơ, chất trữ tình khiến cho tác phẩm như một bài thơ bằng văn xuôi. – Sở dĩ có sự tương đồng và khác biệt ấy là do có sự ảnh hưởng chi phối đời sống xã hội, đời sống văn hóa, kinh tế của hai đất nước khác nhau và mỗi nhà văn lại có sự nhìn nhận về những khía cạnh khác nhau trong đời sống con người nhưng dù có sự khác biệt ấy hai nhà văn vẫn có sự tương đồng ở sự tìm tòi và phát hiện những vẻ đẹp luôn tiềm tàng trong mỗi con người để viết về họ với tấm lòng trân trọng, ngợi ca.

6. Đánh giá, tổng hợp:

– Khẳng định lại tính đúng đắn của nhận định: Văn chương vốn mang trên mình nó tính đa chức năng. Nó có tác động tích cực đến đời sống tinh thần con người. Nó làm phong phú đời sống tinh thần con người. Nó giúp con người nhạy cảm hơn, tinh tế hơn trong nhận thức, hành động và cảm thụ thế giới. Truyện ngắn Lặng lẽ Sa pa và Chiếc lá cuối cùng đã đáp ứng được những yêu cầu đó.

– Nhà văn phải là “người cho máu”, phải hiểu, thấu cảm và phản ánh được những buồn vui yêu ghét, lời ca tụng hân hoan hay tiếng thét khổ đau, những ước vọng tha thiết nhất của con người thời đại mình ; biết đặt ra những câu hỏi, và kiến giải một lối đi, một hướng phát triển cho thời đại, nhìn thẳng vào cuộc sống để tìm ra những hạt ngọc lấp lánh của cái đẹp và cái thật về con người. Từ đó làm giàu vốn hiểu biết của con người, để bạn đọc trưởng thành hơn, tâm hồn phong phú hơn.

– Khi tiếp nhận tác phẩm, bạn đọc cũng phải chạm vào được những dây đàn nhà văn đã căng sẵn nơi tác phẩm, để nó ngân rung lên những âm thanh, giai điệu của nó. Hiểu được tác phẩm, đồng cảm được với nhà văn, người đọc mới hoàn tất được quá trình văn học làm con người lớn lên.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang