Cảm nhận vẻ đẹp cuộc sống và lý tưởng sống của anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa

cam-nhan-ve-dep-ly-tuong-song-cua-anh-thanh-nien-trong-lang-le-sa-pa

Cảm nhận vẻ đẹp cuộc sống và lý tưởng sống của anh thanh niên trong “Lặng lẽ Sa Pa”.

  • Mở bài:

Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” không chỉ là bức tranh đẹp về thiên nhiên vùng núi cao Tây Bắc, ở đó còn có những con người lao động giản dị, lặng thầm cống hiến sức mình để dựng xây đất nước. Đó là nhân vật anh thanh niên làm công việc khí tượng kiêm vật lí địa cầu. Những nét đẹp ngời sáng về cách nghĩ, cách làm của anh đã truyền nguồn cảm hứng cho thế hệ thanh niên chúng ta về lí tưởng sống và cống hiến cho đất nước hôm nay.

  • Thân bài:

Anh thanh niên là nhân vật chính của truyện, dù không xuất hiện ngay từ đầu truyện mà chỉ hiện ra trong cuộc gặp gỡ chốc lát giữa các nhân vật kia vói anh, khi xe của họ dừng lại nghỉ nhưng đã dù để các nhân vật khác kịp ghi nhận một ấn tượng, một “ký hoạ chân dung” về anh rổi dường như anh lại khuất lấp vào trong mây mù bạt ngàn và cái lặng lẽ muôn thuở của núi cao Sa Pa.

Điều đáng khâm phục ở anh thanh niên là lòng yêu nghề, tinh thần trách nhiệm cao với công việc. Anh thanh niên sống và làm việc trong một hoàn cảnh khá đặc biệt. Một mình anh sống và làm việc trên đỉnh núi cao 2600m quanh năm suốt tháng cô đơn giữa cỏ cây và mây mù lạnh lẽo. Công việc của anh là “đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dựa vào việc báo trước thòờ tiết hàng ngày, phục vụ sản xuất và chiến đấu. Ngày đêm 4 lần (1 giờ, 4 giờ, 11 giờ, 19 giờ) đều đặn và chính xác, đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao dù mưa nắng, gió bão, nửa đêm tuyết rơi đều phải đi “ốp”.

Anh có ý thức về công việc của mình và lòng yêu nghề thiết tha, thấy được ý nghĩa cao quý trong công việc thầm lặng của mình là có ích cho cuộc sống, cho mọi người. Anh không tô đậm cái gian khổ của công việc, nhưng anh nhấn mạnh niềm hạnh phúc khi biết được mình đã góp phần phát hiện kịp thời một đám mây khô mà nhờ đó không quân ta hạ được bao nhiêu phản lực Mỹ trên cầu Hàm Rồng.

Tinh thần trách nhiệm đã là động lực chính để anh một mình sống, làm việc tận tụy, để anh hiểu được hạnh phúc là làm việc, là cống hiến. Rõ ràng, với anh nghề nghiệp như là lẽ sống. Phải chăng lòng yêu nghề tha thiết ấy, sự gắn bó với nghề nghiệp bằng một tình yêu sâu sắc. Tình yêu nghề đã làm anh không thấy cô đơn dù một mình anh giữa Sa Pa quanh năm với cây cỏ và mây mù. Không còn nghi ngờ gì nữa, lý tưởng sống của anh thanh niên chính là sống vì đất nước.

Không những vậy, nhân vật anh thanh niên còn biết lo toan sắp xếp cho cuộc sống riêng của mình một cách ngăn nắp, ổn định. Sống một mình nhưng anh không đơn độc bởi “lúc nào tôi cũng có người để trò chuyện. Nghĩa là có sách ấy mà”. Trong hoàn cảnh cô độc, anh tìm đến những thú vui lành mạnh và cũng là mở mang kiến thức, nuôi dưỡng tâm hồn mình. Điều đó khiến chúng ta thêm khâm phục anh.

Tuy nhiên cái gian khổ của công việc chưa đáng sợ bằng cái gian khổ của hoàn cảnh sống. Đó là sự cố đơn, vắng vẻ, quanh năm suốt tháng một mình trên đỉnh núi cao không một bóng người. Cô đơn đến mức “thèm người” quá phải kiếm kế dừng xe qua đường để được gặp người. Quả thực, điều kiện sống và làm việc đó là một thử thách lớn đối với tuổi trẻ vốn khát khao và hành động nhưng anh đã vượt qua hoàn cảnh bằng những suy nghĩ rất đẹp, giản dị mà sâu sắc.

Anh đã có những suy nghĩ và quan niệm đúng đắn về cuộc sống và công việc của con người. Công việc của anh gắn bó với bao người, hằng ngày anh vẫn phải 4 lần báo cáo số liệu về trung tâm. Huống chi còn bao người làm việc trong hoàn cảnh khó khăn, cô độc hơn, chẳng hạn như anh bạn ờ đỉnh Hoàng Liên Sơn cao 3142m mới là độ cao lý tưởng! Nếu không có công việc, không vì công việc thì đó mới là cuộc sống cô đơn thực sự, buồn đến chết. Có lẽ đây là những tâm sự chân thành mà sâu sắc nhất của anh: “khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được? Huống chi việc của cháu gắn liền với công việc của bao anh em, đồng chí dưới kia. Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chất mất”.

Cuộc sống của anh không hề cô đơn vì anh còn có những nguồn vui khác nữa ngoài công việc – đó là niềm vui đọc sách mà anh thấy như lúc nào cũng có người để trò chuyện, khi bác lái xe đưa gói sách cho anh, anh “mừng quýnh” như bắt được vàng. Anh biết tổ chức, sắp xếp cuộc sống khoa học, ngăn nắp, tươi tắn, chủ động: đọc sách, chăm hoa, nuôi gà, tự học… Thế giới riêng của anh là công việc: “một căn nhà ba gian, sạch sẽ, với bàn ghế, sổ sách, biểu đồ, thống kê, máy bộ đàm”. Cuộc sống riêng của anh “thu gọn lại một góc trái gian với chiếc giường con, một chiếc bàn học, một giá sách”. Anh làm việc và sống an vui giữa nơi hoang vắng, lạnh lẽ và cô đơn đến cùng cực nhưng không cảm thấy lẻ loi vì anh biết đồng đội, nhân dân vẫn đang nghĩ về anh.

Đáng trân quý ở anh còn là tấm lòng nhân hậu, sự quan tâm đến người khác. Lúc nào, anh cũng cởi mở, chân thành, rất quý trọng tình cảm của mọi người, khao khát được gặp gỡ và trò chuyện vói mọi người. Anh là một trí thức có lối sống ứng xử lịch sự, ấm áp tình yêu thương. Niềm vui đón khách của anh toát ra qua nét mặt, qua từng cử chỉ, lời nói. Tấm lòng ấy được thể hiện trong tinh thần với bác lái xe, thái độ ân cần chu đáo khi tiếp đãi những người khách xa đến thăm bất ngờ: pha nước, hái hoa tặng khách – cô gái Hà Nội đầu tiên sau 4 năm làm việc, đến thăm anh, thành thực bộc lộ “những điều mà đáng lẽ người ta chỉ nghĩ” đến cảm động. Từng món quà anh tặng là cả tấm lòng chân thành anh gửi gắm, là củ tam thất biếu bác lái xe dành cho vợ ốm hay bó hoa tươi thắm rực rỡ sắc màu cho cô gái mới quen. Tấm chân tình ấy khiến người nhận không khỏi bồi hồi, xúc động về tình người ấm áp giữa núi rừng Sa Pa lặng lẽ. Anh đếm từng phút vì sợ hết mất ba mươi phút gặp gỡ vô cùng quý báu. Lưu luyến với khách khi chia tay, xúc động đến nỗi phải “quay mặt đi” và ấn vào tay ông hoạ sĩ già cái làn trứng làm quả, không dám tiễn khách ra xe dù chưa đến giờ ốp.

Anh còn là người rất khiêm tốn, thành thực cảm thấy công việc và những lời giới thiệu nhiệt tình của bác lái xe là chưa xứng đáng, đóng góp của mình chỉ là bình thường nhỏ bé, anh vẫn thua ông bố vì chưa được đi bộ đội, trực tiếp ra chiến trường đánh giặc. Khi ông họa sĩ ký họa chân dung, anh từ chối, e ngại và nhiệt tình giới thiệu những người khác đáng vẽ hơn anh nhiều (ông kỹ sư ở vườn rau Sa Pa, anh cán bộ nghiên cứu bản đổ sét…).

Giữa cái lặng lẽ của đất trời Sa Pa có những con người âm thầm cống hiến cho đất nước nhưng sự lặng thầm đó thực sự mang lại những vang âm. Trước người thanh niên nhỏ bé mà có niềm say mê, sự hi sinh thật lớn lao, ông họa sĩ thấy “nhọc quá”, còn cô kĩ sư trẻ thì “bàng hoàng”. Đó là sức truyền cảm mạnh mẽ mà một con người “thực sự người” đã mang đến. Hình ảnh anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa đã mang đến cho thế hệ trẻ hôm nay niềm ngưỡng mộ, tự hào. Anh thực sự là một tấm gương sáng cho các thế hệ thanh niên học tập, noi theo. Học để biết sống vì người khác, vì quê hương

Trong cuộc sống hôm nay, có biết bao người trẻ cũng đang thầm lặng làm những việc có ích cho đất nước. Là tấm gương cô giáo trẻ vượt qua những chặng đường đèo, cõng con chữ lên vui núi để dạy chữ cho các em thơ. Là những người lính đảo Trường Sa, nơi chỉ có sóng biển là người bạn tâm tình, nhưng vẫn ngày đêm nắm chắc tay súng, bảo vệ từng hòn đảo nhỏ, đem lại sự bình yên cho đất nước. Là các bác sĩ trẻ tốt nghiệp đại học tình nguyện về các trạm y tế vùng sâu vùng xa chữa bệnh cho dân nghèo. Dù biết công việc gian khổ nhưng họ vẫn cần mẫn, tỉ mỉ, vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Bởi nếu “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai?”.

Tấm lòng yêu đời, yêu nghề, sẵn sàng hi sinh và cống hiến một phần tuổi trẻ của mình cho đất nước của họ thật trân trọng và đáng quý biết bao. Không những vậy, cuộc sống đang ngày càng đổi thay, đặc biệt trong thời đại công nghệ thông tin phát triển nhanh chóng. Do đó, mỗi người cần rèn luyện bản thân, nếu mãi bằng lòng với cuộc sống, ngủ vùi trong sự tẻ nhạt, buồn chán, con người sẽ không thể tìm thấy niềm vui, lí tưởng sống cho chính mình. Vượt lên hoàn cảnh, vượt qua chính mình là điều cần thiết đối với mỗi người trẻ trong cuộc sống hiện đại nhiều thử thách, khó khăn.

Chiến tranh qua đi nhưng để lại bao khó khăn cho đất nước. Sau bao mất mát, đau thương, giờ đây dân tộc cần lắm những khối óc tinh anh, những bàn tay khỏe mạnh để dựng xây, phát triển. Thế hệ trẻ chúng ta cần phải làm gì để đưa đất nước đi lên, xứng đáng với bao máu xương của cha anh đã ngã xuống vì hòa bình dân tộc? Chúng ta tin bằng tình yêu với đất nước, sự cố gắng nỗ lực học tập ngày hôm nay và ý chí cống hiến cho dân tộc, chúng ta sẽ cùng đưa đất nước mình phát triển phồn vinh.

  • Kết bài:

Dù nhân vật anh thanh niên chỉ xuất hiện trong khoảnh khắc của truyện, nhưng bằng vài chi tiết tiêu biểu, tác giả đã phác hoạ được chân dung nhân vật chính với những nét đẹp về tinh thần, tình cảm, cách sống và những suy nghĩ về cuộc sống, về ý nghĩa của công việc. Lý tưởng sống của anh thanh niên mãi mãi tỏa sáng, lan tỏa và tạo động lực trong các bạn trẻ ngày nay đem sức mình xây dựng quê hương, tổ quốc.


Tham khảo:

Cảm nhận vẻ đẹp lý tưởng sống của nhân vật anh thanh niên.

Khác với các nhà văn khác, Nguyễn Thành Long không đi tìm những hình tượng lớn lao, ông tỉ mỉ xem xét những hình tượng nhỏ bé, thầm lặng nhưng mang ý nghĩa lớn. Những trang viết ánh lên ánh sáng của lý tưởng và khát vọng đẹp đẽ. Nhân vật anh thanh niên Trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” phản ánh rõ nét phong cách ấy.

Trước tiên anh thanh niên này đẹp ở tấm lòng yêu đời, yêu nghề, ở tinh thần trách nhiệm cao với công việc lắm gian khổ của mình. Trong lời giới thiệu với ông hoạ sĩ già và cô gái, bác lái xe gọi anh là “người cô độc nhất thế gian”. Đã mấy năm nay, anh “sống một mình trên đỉnh Yên Sơn cao 2600m bốn bề chỉ có cỏ cây và mây mù lạnh lẽo”. Công việc hàng ngày của anh là “đo gió, đo mưa, đo chấn động mặt đất” rồi ghi chép, gọi vào máy bộ đàm báo về trung tâm. Nhiều đêm anh phải “đối chọi với gió tuyết và lặng im đáng sợ”. Vậy mà anh rất yêu công việc của mình.

Anh quan niệm: “Khi ta làm việc ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được?” Anh hiểu rõ : “Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất”. Sống một mình nhưng anh không đơn độc bởi “lúc nào tôi cũng có người để trò chuyện. Nghĩa là có sách ấy mà”.

Tuy sống trong điều kiện thiếu thốn nhưng người thanh niên ấy vẫn ham mê công việc, biết sắp xếp lo toan cuộc sống riêng ngăn nắp, ổn định. Anh nuôi gà, trồng hoa, đọc sách, thỉnh thoảng anh xuống đường tìm gặp bác lái xe cùng hành khách để trò chuyện cho vơi bớt nỗi nhớ nhà.

Sống trong hoàn cảnh như thế sẽ có người dần thu mình lại trong nỗi cô đơn. Nhưng anh thanh niên này thật đáng yêu ở nỗi “thèm người”, lòng hiếu khách đến nồng nhiệt và sự quan tâm đến người khác một cách chu đáo. Ngay từ những phút gặp gỡ ban đầu, lòng mến khách, nhiệt tình của anh đã gây được thiện cảm tự nhiên đối với người hoạ sĩ già và cô kỹ sư trẻ. Niềm vui được đón khách dào dạt trong anh, toát lên qua nét mặt, cử chỉ anh biếu bác lái xe củ tam thất, mừng quýnh đón quyển sách bác mua hộ, hồ hởi đón mọi người lên thăm “nhà”, hồn nhiên kể về công việc, đồng nghiệp và cuộc sống của mình nơi Sa pa lặng lẽ. Khó người đọc nào có thể quên, việc làm đầu tiên của anh khi có khách lên thăm nơi ở của mình là hái một bó hoa rực rỡ sắc màu tặng người con gái lần đầu quen biết. Bó hoa cho cô gái, nước chè cho ông hoạ sĩ già, làn trứng ăn đường cho hai bác cháu…Tất cả không chỉ chứng tỏ đó là người con trai tâm lý mà còn là kỷ niệm của một tấm lòng sốt sắng, tận tình đáng quý .

Công việc vất vả, có những đóng góp quan trọng cho đất nước nhưng người thanh niên hiếu khách và sôi nổi ấy lại rất khiêm tốn. Anh cảm thấy đóng góp của mình bình thường, nhỏ bé so với bao người khác. Bởi thế anh ngượng ngùng khi ông hoạ sĩ già phác thảo chân dung mình vào cuốn sổ tay. Con người khiêm tốn ấy hào hứng giới thiệu cho ông họa sĩ những người khác đáng vẽ hơn mình: “Không, không, bác đừng mất công vẽ cháu, để cháu giới thiệu cho bác những người khác đáng vẽ hơn.” Đó là ông kỹ sư ở vườn rau vượt qua bao vất vả để tạo ra củ su hào ngon hơn, to hơn. Đó là “người cán bộ nghiên cứu sét, 11 năm không xa cơ quan lấy một ngày”… Dù còn trẻ tuổi, anh thấm thía cái nghĩa, cái tình của mảnh đất Sa pa, thấm thía sự hy sinh lặng thầm của những con người đang ngày đêm làm việc và lo nghĩ cho đất nước.

Bằng một cốt truyện khá nhẹ nhàng, những chi tiết chân thực tinh tế, ngôn ngữ đối thoại sinh động Nguyễn Thành Long đã kể lại một cuộc gặp gỡ tình cờ mà thú vị nơi Sa pa lặng lẽ. Chưa đầy 30 phút tiếp xúc với anh thanh niên, khiến người hoạ sĩ già thêm suy ngẫm về vẻ đẹp cuộc đời mà mình không bao giờ thể hiện hết được và còn làm cô kỹ sư trẻ lòng bao cảm mến bâng khuâng…

Với truyện ngắn này, phải chăng nhà văn muốn khẳng định: Cuộc sống của chúng ta được làm nên từ bao phấn đấu, hy sinh lớn lao và thầm lặng? Những con người cần mẫn, nhiệt thành như anh thanh niên ấy, khiến cuộc sống này thật đáng trân trọng, thật đáng tin yêu.

3 Trackbacks / Pingbacks

  1. Từ nhân vật anh thanh niên trong "Lặng lẽ Sa Pa", hãy trình bày những điều anh thanh niên suy nghĩ và những điều làm cho người ta suy nghĩ về anh - Theki.vn
  2. Phân tích diễn biến tâm lí của nhân vật Phương Định trong truyện ngắn "Những ngôi sao xa xôi" - Theki.vn
  3. Đóng vai cô kĩ sư kể lại câu chuyện Lặng lẽ Sa Pa - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.