Từ nhân vật anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa, hãy trình bày những điều anh thanh niên suy nghĩ và những điều làm cho người ta suy nghĩ về anh

tu-nhan-vat-anh-thanh-nien-trong-lang-le-sa-pa-hay-trinh-bay-nhung-dieu-anh-thanh-nien-suy-nghi-va-nhung-dieu-lam-cho-nguoi-ta-suy-nghi-ve-anh

Từ nhân vật anh thanh niên trong “Lặng lẽ Sa Pa”, hãy trình bày những điều anh thanh niên suy nghĩ và những điều làm cho người ta suy nghĩ về anh

I. Mở bài:

* Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm, vấn đề nghị luận:

+ Nguyễn Thành Long (1925 – 1991) là cây bút chuyên về truyện ngắn và kí. Truyện của ông thường có khuynh hướng ca ngợi tình yêu Tổ quốc, nhân dân.

+ Lặng lẽ Sa Pa được viết vào mùa hè 1970 trong chuyến đi Lào Cai, in trong tập Giữa trong xanh (1971). Với chất thơ nhẹ nhàng, trầm lắng, thiết tha, Lặng lẽ Sa Pa ca ngợi những con người sống giữa non xanh lặng lẽ nhưng vô cùng sôi nổi, hết lòng vì Tổ quốc thân yêu.

+ Những điều anh thanh niên suy nghĩ và những điều làm cho người ta suy nghĩ về anh.

II. Thân bài:

1. Những điều anh thanh niên suy nghĩ:

Anh suy nghĩ về trách nhiệm đối với đất nước: tổ quốc chưa thống nhất, nhân dân miền Nam đang chiến đấu chống kẻ thù, bổn phận người thanh niên là phải cầm súng chiến đấu. Anh hăng hái cùng bố đăng kí đi lính. Người bố được tuyển. Không chịu yên mình nơi thành phố, anh tình nguyện lên làm việc ở đỉnh cao Yên Sơn. Đối với anh, là thanh niên phải dũng cảm dấn thân vào những nhiệm vụ khó.

Anh suy nghĩ về hoàn cảnh làm việc, công việc mình làm: Khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được; công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất. Anh đã vượt lên hoàn cảnh bằng những suy nghĩ rất đẹp, giản dị mà sâu sắc về công việc,về cuộc sống. Anh thấy được ý nghĩa cao quý trong công việc thầm lặng của mình.

Anh thực sự cảm thấy hạnh phúc khi biết những việc mình làm đã góp một phần nhỏ giúp cho không quân bắn rơi máy bay Mĩ (từ hôm ấy cháu sống thật hạnh phúc). Điều này giúp anh hiểu được ý nghĩa lớn lao của cuộc cuộc sống.

Anh suy nghĩ về những con người đang sống xung quanh anh: ông kĩ sư nông nghiệp cần mẫn ngày này qua ngày khác thụ phấn cho hàng vạn cây su hào với mong ước để củ su hào nhân dân toàn miền Bắc nước ta ăn được to hơn, ngọt hơn trước; anh cán bộ nghiên cứu sét mười một năm không một ngày xa cơ quan để quyết tâm hoàn thành cho được bản đồ sét.

–  Đó là những con người làm cho anh thanh niên thấy cuộc đời đẹp quá. Và anh mơ ước được làm việc trên trạm đỉnh Phan xi phăng, nơi lí tưởng để làm công việc khí tượng.

⇒ Qua những suy nghĩ của anh thanh niên, nhà văn đã ca ngợi và khẳng định vẻ đẹp của con người lao động, của lí tưởng sống dựng xây Tổ quốc.

2. Những điều làm cho người ta suy nghĩ về anh:

Hình ảnh anh thanh niên hiện lên qua lời kể của bắc lái xe: đó là một người vui vẻ, tốt bụng và rất “thèm người”,… Qua lời bác lái xe kể, ta thấy hình ảnh anh thanh niên rõ ràng, đẹp đẽ hơn, chủ đề truyện cũng được mở rộng hơn, gợi nhiều ý nghĩa hơn.

Ông họa sĩ sau khi gặp gỡ anh thanh niên, đã hết sức mến mộ và có những suy nghĩ thật đẹp về anh. Nguyện vọng của ông họa sĩ muốn vẽ bức chân dung của anh thanh niên để người xem không hiểu anh “như một ngôi sao xa” mang mong muốn khiến cho ánh sao lẻ loi, cô độc ấy được thấu hiểu, giúp người xem hiểu hơn về anh thanh niên, về công việc và lý tưởng của anh, từ đó trân trọng, quý mến anh.

– Ông đúc kết ra một chân lý: “Những điều suy nghĩ đúng đắn bao giờ cũng có những vang âm, khơi gợi bao điều suy nghĩ khác trong óc người khác, có sẵn mà chưa rõ hay chưa được đúng”. Anh thanh niên trở thành những âm vang trong lặng lẽ, gọi thức những suy nghĩ đúng đắn, tốt đẹp không chỉ trong tâm hồn cô kĩ sư trẻ, mà ngay cả trong tâm trí ông họa sĩ già, từng trải. Những xúc cảm và suy tư của nhân vật ông họa sĩ về người thanh niên và về những điều khác nữa được gợi lên từ câu chuyện của anh làm cho chân dung nhân vật chính thêm sáng đẹp và tạo nên chiều sâu tư tưởng.

Cô kỹ sư trẻ cũng đã nhận ra thật nhiều điều khi lầ đầu tiên bắt gặp một hình tượng với lý tưởng sống đẹp đến ngỡ ngàng. Cuộc gặp gỡ bất ngờ với anh thanh niên, những điều anh nói, câu chuyện anh kể về những người khác đã khiến cô “bàng hoàng”, cô hiểu thêm cuộc sống một mình dũng cảm tuyệt đẹp của người thanh niên, về cái thế giới những con người như anh mà anh kể và về con đường có đang đi tới?”.

– Nhờ cái bàng hoàng ấy, cô mới nhận ra mối tình của mình bấy lâu nay nhạt nhẽo biết bao, cuộc sống của mình lâu nay tầm thường biết bao, thế giới của mình lâu nay nhỏ bé biết bao! Khoảnh khắc bàng hoàng ấy chính là sự bừng dậy của những tình cảm lớn lao, cao đẹp khi người ta bắt gặp được những ánh sáng đẹp đẽ toả ra từ cuộc sống, từ tâm hồn người khác.

– Cùng với sự bàng hoàng ấy là “một ấn tượng hàm ơn khó tả dạt lên trong lòng cô gái. Không phải chỉ vì bó hoa rất to sẽ đi theo cô trong chuyến đi thứ nhất ra đời. Mà vì một bó hoa nào khác nữa, bó hoa của những háo hức và mơ mộng ngẫu nhiên anh dành cho thêm cô”. Cuộc gặp gỡ đã khơi lên trong tâm tư cô gái trẻ những tình cảm và suy nghĩ mới mẻ, cao đẹp về con người, về cuộc sống. Qua tâm tư của cô gái, ta nhận ra vẻ đẹp và sức ảnh hưởng của nhân vật anh thanh niên.

3. Nhận xét:

– Tinh thần trách nhiệm đã là động lực chính để anh một mình sống, làm việc tận tụy, để anh hiểu được hạnh phúc là làm việc, là cống hiến. Rõ ràng, với anh nghề nghiệp như là lẽ sống. Phải chăng lòng yêu nghề tha thiết ấy, sự gắn bó với nghề nghiệp bằng một tình yêu sâu sắc. Tình yêu nghề đã làm anh không thấy cô đơn dù một mình anh giữa Sa Pa quanh năm với cây cỏ và mây mù.

– Anh đã suy nghĩ: “Người thì ai mà chả “thèm” hở bác? Mình sinh ra là gì. . . mình vì ai mà làm việc?”. Đó, rõ ràng, mới chính là lẽ sống. Từ khi sinh ra cho đến độ trưởng thành, con người ai ai cũng được dạy bảo rằng phải làm việc vì sự sống của bản thân và sự sống của cộng đồng, phải trở thành “ông nọ – bà kia” mang danh về cho gia đình dòng tộc, đấy mới gọi là thành công.

– Thế nhưng khác hẳn với mọi người, anh thanh niên làm nghề khí tượng thủy văn đã tách mình ra khỏi những suy nghĩ tầm thường, cách sống tầm thường đó: “Cháu bỗng tự hỏi: cái nhớ xe nhớ người ấy thật ra là cái gì vậy? Nếu là nỗi nhớ phồn hoa đô thị thì xoàng”. Có thể nói những suy nghĩ nghiêm túc của anh thanh niên đã bộc lộ tâm hồn trong sáng, cách sống đẹp, một thái độ trách nhiệm với cuộc sống.

– Anh đã chiến thắng nỗi cô đơn, sự vắng vẻ, chiến thắng hoàn cảnh bằng một cách sống thật nghiêm túc mà cũng thật lãng mạn. Ở một mình nhưng ngôi nhà của anh vẫn rất ngăn nắp, gọn gàng. Đó là ngôi nhà ba gian với cuộc đời riêng của anh thanh niên thu gọn lại một góc trái gian với chiếc giường con, một bàn học một giá sách.

III. Kết bài:

Chỉ bằng một số chi tiết và anh thanh niên chỉ xuất hiện trong khoảnh khắc của truyện, nhưng  tác giả đã phác hoạ được chân dung nhân vật chính với những nét đẹp về tinh thần, tình cảm, cách sống và những suy nghĩ về cuộc sống, về ý nghĩa của công việc. Anh thanh niên là hình ảnh tiêu biểu cho những con người ở Sa Pa, là chân dung con người lao động mới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.