vai-tro-cua-kich-vu-nhu-to-trong-giai-doan-van-hoc-1930-1945

Vai trò của kịch Vũ Như Tô trong giai đoạn văn học 1930 – 1945

Vai trò của kịch “Vũ Như Tô” trong giai đoạn văn học 1930 – 1945

“Vũ Như Tô” là vở kịch lịch sử có qui mô hoành tráng xuất sắc của Nguyễn Huy Tưởng và của nền kịch nói Việt Nam hiện đại.Đây cũng chính  là tác phẩm gây tiếng vang đầu tay của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Là một trong không nhiều tác phẩm tâm huyết, “ám ảnh” dai dẳng suốt một đời văn của ông và đồng thời, theo sự sàng lọc nghiệt ngã mà công bằng của thời gian, nó dường như trở thành đỉnh cao duy nhất trong toàn bộ sự nghiệp sáng tạo của nhà văn.

Vũ Như Tô là vở kịch xuất sắc của Nguyễn Huy Tưởng và của nền kịch Việt Nam hiện đại. Cho tới nay, nhiều bài viết về Nguyễn Huy Tưởng nói chung và kịch Vũ Như Tô nói riêng vẫn ghi niên đại ra đời của tác phẩm này là năm. Sự việc trong vở kịch xảy ra ở Thăng Long trong khoảng thời gian từ năm 1516 đến năm 1517, dưới triều Lê Tương Dực.. Sử sách đã ghi chép lại rằng vở kịch Vũ Như Tô của ông phải trải qua biết bao rối ren, bị trì hoãn biết bao lần và tính từ khi được khởi bút cho đến khi định hình, kịch bản Vũ Như Tô đã làm một cuộc hành trình kéo dài hơn bốn năm, với ba lần được viết đi viết lại, cuối cùng thì vở kịch Vũ Như Tô với 5 hồi đã được hoàn thành.

Tháng 4-1943, Nguyễn Huy Tưởng giới thiệu vở kịch với tạp chí Tri Tân, thì chỉ nửa năm sau, Vũ Như Tô của ông bắt đầu được đăng tải. Cách đây vừa tròn sáu mươi năm đúng vào dịp kỷ niệm Tết Độc lập lần thứ hai (tháng 9-1946), vở kịch Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng được xuất bản. Có thể nói là tác phẩm dày công của Nguyễn Huy Tưởng, ông đã đặt biết bao tâm huyết và dành ra nhiều thời gian để hoàn thành đứa con tinh thần của mình.

Trước hết, cần nói đến vai trò quan trọng của sử liệu. Lịch sử Việt Nam đã cung cấp cho một nhà văn có Tây học, lại chuyên cần tìm hiểu quá khứ dân tộc, mong tìm ra ở đấy chìa khóa để đoán định tương lai, một sự tích mà bản thân nó tiềm ẩn khả năng trở thành hạt nhân của một bi kịch nhân loại. Câu chuyện Vũ Như Tô xây Cửu Trùng Ðài cho vua Lê Tương Dực, như nó được kể trong Ðại Việt sử ký và Việt Sử thông giám cương mục, với cái chết oan khốc của người thợ có tài bên cạnh công trình bỏ dở gây cho mọi người đọc có tầm nhìn rộng hơn các sử gia Nho giáo ấn tượng một thảm kịch nhân sinh đau xót và chua chát.

Nguyễn Huy Tưởng cấu tạo tình huống bi kịch bằng cách phóng đại đến mức khổng lổ, đến mức huyền thoại tầm cỡ nhân vật chính, song vẫn tái tạo khá trung thành hoàn cảnh lịch sử – xã hội mà trong đó nó sống và hành động. Người thợ có tài trong lịch sử trong kịch bản trở thành một thiên tài “ngàn năm chưa dễ có một” (lời của quan thượng thư bộ công Lê An có trọng lượng đặc biệt!), một kiến trúc sư “sai khiến gạch đá như ông tướng cầm quân, có thể xây những lâu đài cao cả, nóc vờn mây mà không hề tính sai một viên gạch nhỏ”, một họa sĩ “chỉ vẩy bút là chim hoa đã hiện trên mảnh lụa, thần tình biến hóa như cảnh hóa công”, một nhà điêu khắc “có hoa tay tuyệt thế, chạm trổ, nạm đục… không kém đường gì”.

Bằng nhiều phương tiện và thủ pháp, ngòi bút Nguyễn Huy Tưởng khiến chúng ta tin vào thiên tài của Vũ Như Tô và một khi đã tin thì chia sẻ đến cùng khát vọng sáng tạo của nhân vật này, bởi lẽ đối với thiên tài không sáng tạo đồng nghĩa với chết. Và nguyên nhân sâu xa của bi kịch là ở chỗ người nghệ sĩ tài trời này không có điều kiện lao động sáng tạo, không thể thi thố tài năng. Con người ấp ủ tham vọng thi sức đua tài với Thượng Ðế sáng thế (“tranh tinh xảo với Hóa công”, lời của chính Vũ Như Tô!), con người tự tin đủ sức xây cất những công trình còn hoành tráng nguy nga hơn mọi kỳ quan mà chàng đã thấy tận mắt ở Trung Quốc, Chiêm Thành, Ấn Ðộ, bị lịch sử dân tộc kết án chung thân làm một thợ thủ công vô danh tiểu tốt. Ý “nghệ sĩ sinh bất phùng thời” đã được một hai nhà nghiên cứu đưa ra để cắt nghĩa bi kịch của Vũ Như Tô là hoàn toàn đúng, có điều chữ “thời” ở đây nên hiểu theo nghĩa rộng, theo nghĩa “thời đại lớn” chứ không phải “thời đại nhỏ”, không phải triều đại của một ông vua nào cụ thể, mà là nhiều thế kỷ nối tiếp của lịch sử nước nhà.

Qua tấn bi kịch của Vũ Như Tô, tác giả không chỉ phản ánh tình hình xã rối ren, những mâu thuẫn tồn tại trong giai đoạn lich sử này mà tác giả còn muốn đặt ra những vấn đề gay gắt muôn thuở về lý tưởng nghệ thuật cao siêu và vĩnh cửu với những lợi ích thiết thực của đời sống nhân dân.

Thông qua tấn bi kịch của người nghệ sĩ thiên tài Vũ Như Tô, Nguyễn Huy Tưởng gợi những suy nghĩ sâu sắc về mối quan hệ giữa người nghệ sĩ với hoạt động sáng tạo nghệ thuật và thực tế đời sống nhân dân. Những con người trong xã hội và nhất là người nghệ sĩ thiên tài không thể thể hiện tài năng; không thể đem lại cái đẹp cho đời trong một xã hội thối nát, khi mà nhân dân còn đói khổ, lầm than. Từ đó đã tạo nên một bức tranh đời sống bi kịch.Vì vậy vấn đề tác giả đặt ra ngày ấy, giờ đây bước sang thiên niên kỉ mới, nó vẫn còn nguyên giá trị.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang