van-ban-di-cap-cuu-tren-tau-vien-duong-luu-quang-vu

Văn bản: Đi cấp cứu trên “tàu viễn dương” (Lưu Quang Vũ)

ĐI CẤP CỨU TRÊN “TÀU VIỄN DƯƠNG”
(Lưu Quang Vũ)

Tóm tắt nội dung: Ông Toàn Nha, chủ tịch xã kiêm chủ nhiệm hợp tác xã Cà Hạ, vì hảo danh mà phát động một cuộc “thay trời đổi đất, sắp đặt giang sơn”, mong biến xã nhà thành một biểu tượng của phong trào đổi mới nông thôn, mặc dù về trình độ văn hoả, ông mới chỉ “học hết lớp 4”. Với sự tham mưu của thư kí Văn Siêu, ông cho tiến hành một loạt “cải cách” như: đổi tên xã (xã “Cà Hạ” thành xã “Hùng Tâm”); đổi tên các phòng, ban dưới quyền mình thành các “Trung tâm …”; lấy sản xuất pháo nổ, thu mua lông vịt xuất khẩu,… làm trọng điểm phát triển kinh tế xã; coi trọng việc bảo cáo, tuyên truyền về thành tích trong các hội nghị, lễ tổng kết hơn phát triển thực lực của địa phương. Hưng, một anh thợ lái tàu đường sông, người yêu của cô Nhàn, con gái ông Toàn Nha, có chuyển về quê đúng dịp ở địa phương tổ chức lễ tổng kết phong trào đổi mới do ông Toàn Nha chủ trì. Theo lời khuyên của người chủ, anh bất đắc dĩ phải nói dối mình là một thuyền trưởng tàu viễn dương để xuất hiện như một khách mời làm sang cho buổi lễ, nhằm mong được ông Toàn Nha chấp nhận là con rể.

Nhưng vì tự trọng, Hưng bỏ dở “vai diễn”, định lái tàu bỏ trốn. Một vụ cháy nổ lớn xảy ra tại trụ sở Uỷ ban xã, do thuốc pháo không được bảo quản đúng cách, gây nên cảnh náo loạn. Bị bỏng nặng, phải đi cấp cứu bằng đường sông trên chiếc tàu chở phân đạm của Hưng, ông Toàn Nha vẫn mơ màng, hãnh diện rằng ông đang được chở đi trên chuyển “tàu viễn dương” (tàu đi lại trên các vùng biển xa) do chàng rể tương lai – một vị thuyền trưởng dạn dày với hành trình trên các đại dương – điều khiển. Phần văn bản trong bài này được trích ở cảnh cuối của vở kịch.

CẢNH VI

Bờ sông. Trên boong chiếc tàu kéo. Hưng và Tiến. Hưng cởi bộ quần áo “thuyền trưởng viễn dương”, tháo găng tay trắng, vứt toẹt chiếc mũ kê-pi có viền vàng xuống sàn tàu.

[…]

Tiến – Nhưng cậu đã lỡ khuếch khoác mình là Vuốt-cô (Vosco). Đã thành thật phải thành thật từ đầu, cậu đã lỡ bốc rồi, giờ biết làm thế nào? Hay là… tớ với cậu quay lại tìm Nhàn, nói thật tất cả…

Hưng – Mình… mình lại không có gan, mình chuồn thôi, mà phải chuồn ngay, rời khỏi đây ngay.

Tiến – Nhưng ta còn phải ở đây. Mấy cái xà lan phân đạm này họ đã chịu cho người đến bốc dỡ đâu.

Hưng – Họ còn bận những việc nhố nhăng: tổng kết, quay phim, đón ông Vuốt-cô, tức là đón mình đấy! Ở đây, nhỡ gặp cô ấy… Tại cậu ấy (nhại giọng Tiến) “cứ nghe mình, mình là một kho kiến thức hàng hải, là kẻ đầy kinh nghiệm lấy vợ..”. Sao mình lại ngu thế nhỉ? Lố lăng đến thế là cùng. Mình đã nghe cậu.., xuýt nữa thì xổ ra: “Tôi đã đi qua Tân Gia Ba, Hai-i-ti (Haiti)… các bộ lạc da đỏ đón tôi? Lố lăng! Ngu xuẩn! Xấu hổ thật! (chợt tải mặt nhìn ra xa) Thôi chết rồi, Tiến ơi, chết tôi rồi!

Tiến – Cái gì?

Hưng – Ai như… Đúng rồi, cô ấy.

Tiến – Ai?

Hưng – Nhàn chứ còn ai? Chết tôi rồi. Cô ấy đang đi xuống bờ sông, đi với một cô bạn. Cô này cũng biết tôi. Đằng sau lại có cả một đám thanh niên của xã… Họ đi đâu thế này?

Tiến – Đúng rồi, họ ra đây bốc phân đạm lên bờ. Chính tớ sáng nay vừa đến giục họ, xã không cử thì thanh niên họ tự đi bốc. Họ xuống đây đấy!

Hưng – Chết tôi rồi, làm thế nào bây giờ? Cô ấy sẽ gặp mình, trên xà lan này.

Tiến – Thì gặp chứ sao?

Hưng – Không, chết mất. Mình không thể! Trốn đâu bây giờ? (định chạy đi).

Tiến – Không kịp rồi. Đám thanh niên dừng lại, còn cô Nhàn của cậu với cô bạn thì đang xuống đây. Cậu trốn lối nào được?

Hưng – Hay mình nhảy… xuống sông, lặn sang bờ bên kia.

Tiến – Điên à? Trời rét thế này! Xem nào (suy nghĩ). Mình sẽ trao đổi rất ngắn gọn rồi tìm cách đẩy họ rời khỏi tàu ngay. Họ sẽ bận bốc dỡ dưới mấy xà lan kia… Còn cậu… (chỉ vào một thùng gỗ to, ở ngoài có vẽ hình cái ô và cái cốc) chui vào, không ngạt đâu, có mấy khe đủ thở. Nằm im. Mình sẽ đẩy họ rời khỏi đây ngay. Nhanh thôi. Nhưng cậu phải nằm im đấy! Chui vào nhanh lên!

(Đẩy Hưng chui vào hòm, đóng nắp lại. Nhàn và Xoan xuất hiện.)

Xoan – Chào anh. Chúng tôi đến bốc dỡ phân đạm dưới xà lan lên đây. Anh là phụ trách ở đây ạ?

Tiến – Không, tôi chỉ là phó, thuyền phó, còn đồng chí thuyền trưởng vừa đi vắng.

Xoan – Thuyền trưởng, thuyền phó,… thế các nhân viên đâu ạ?

Tiến – Chỉ có hai chúng tôi thôi. Tôi thuyền phó thay mặt đồng chí thuyền trưởng. Các chị, các anh đến bốc dỡ phân đạm? Tốt lắm. Chúng tôi đợi đã ba ngày. Vâng, bây giờ mời hai cô cho anh chị em xuống mấy xà lan dưới kia… tôi đưa xuống, nào! Nhanh lên!

Xoan – Gì mà vội thế? Anh phải xem giấy lĩnh hàng của bọn em chứ, phải làm thủ tục bàn giao… Mà cũng để bọn em ngắm con tàu của các anh đã chứ.

Tiến – Ừ nhỉ… Nhưng có gì mà ngắm, thứ tàu quèn’, kéo mấy cái xà lan ri…

Xoan – Vậy mà cũng có thuyền trưởng, thuyền phó, hay thật!

Tiến – Phải đúng lệ bộ chứ cô, luật hàng hải, tất cả phải quy củ đàng hoàng không kém gì tàu viễn dương đâu. Nói thật với các cô nhá: còn đòi hỏi tay nghề cao cường hơn tàu viễn dương nhiều.

Xoan – Thế cơ á?

Tiến – Đi tàu trên biển thì cũng như đi xe đạp trên bãi đá bóng, tha hồ đi chả sợ đâm vào đâu. Lái tàu trên sông mới khó, nhất là cái sông hẹp mà nông choèn này của các cô, lại lắm bãi cát ngầm, không khéo là mắc cạn ngay. May đồng chí thuyền trưởng của tôi là con người tài ba, còn giỏi gấp mấy thuyền trưởng viễn dương ấy.

Xoan – Chị Nhàn nghe thấy chưa? Anh nói thế nào chứ? Các anh sánh thế nào được với thuyền trưởng viễn dương! Này, đừng tưởng bọn này không biết thuyền trưởng viễn dương là gì nhá! Bọn này cũng có quen một anh thuyền trưởng viễn dương…

Nhàn – (ngắt lời Xoan) Xoan!

Xoan – Một anh chàng rất lạ, đúng lúc cần thì chuồn mất. Người ta đang bổ đi tìm anh ấy đấy.

Tiến – Tìm thuyền trưởng của chúng tôi á?

Xoan – Không, tìm thuyền trưởng của chúng tôi, thuyền trưởng viễn dương, chồng sắp cưới của chị Nhàn đây, tự dưng bỏ đi đúng lúc cần…

Tiến – Thì các cô cứ việc tìm. Cũng tại các cô cơ.

Xoan – Sao lại tại chúng tôi.

Tiến – Háo danh, sĩ, cứ phải viễn dương cơ, biển cơ. Không có cái thói háo danh của các vị thì làm gì có những việc rắc rối. Cái ông thuyền trưởng viễn dương ông ấy bỏ đi là phải… Nhưng tôi mà là ông ấy thì tôi chẳng việc gì phải ngượng, chẳng phải lánh mặt đi đâu… Nếu là anh thuyền trưởng của chúng tôi thì anh ấy không thèm lánh đâu.

Nhàn – Thuyền trưởng của các anh… là ai?

Tiến – Là người đã lặn lội mưa gió, nước lũ đưa đoàn xà lan này về đây cho xã các cô. Rốt cuộc đợi đã mấy ngày nay rồi.

Nhàn – Thì chúng tôi đến lĩnh đây.

Tiến – Vâng, vâng, mời các cô xuống dưới kia.

Xoan – Đi đâu mà vội. Ta ngồi xuống đây một lát đã chị. (ngồi xuống cái hòm) Gió mát quá! Chị trông: mặt trời lặn hắt bóng xuống nước đẹp chưa kìa! Ở trên chiếc tàu này mà lênh đênh dọc dòng sông thì thích quá anh nhỉ?

Tiến – Vâng, thích.

Xoan − (giật mình) Ối chị ơi! (vội nhảy khỏi cái hòm) Có tiếng gì trong cái hòm này… như tiếng thở ấy… Eo ơi!

Tiến – Đâu! Tôi chẳng nghe thấy gì. Hòm không ấy mà.

Xoan – Rõ ràng có tiếng lục cục rồi tiếng gì… như khịt mũi ấy.

Tiến − À, đúng rồi: chuột ấy mà, trên tàu này lắm chuột.

Xoan – Eo ôi! Chuột à? Khiếp, em ghét chuột lắm! Sao các anh lại để chuột hoành hành trên tàu như vậy?

Tiến – Ai để? Tự nhiên nó cứ ở, nó thích thì nó ở.

Xoan – (thì thào) Giết đi! Em rất ghét chuột. Chị Nhàn là kĩ sư chăn nuôi, cũng rất ghét chuột. Bọn em vừa mở một chiến dịch tiêu diệt chuột, bảo vệ hoa màu. Khéo mà chuột ở tàu các anh lây lan xuống xã em. Chị Nhàn sẽ cho anh một ít bả chuột.

Tiến – Vâng. Nhưng chuột ở trên tàu chúng tôi thì lành lắm, vô hại, các cô để ý làm gì.

Xoan – Không! Em không chịu được, ở đâu có chuột là em phải diệt kì được. (nhìn cái hòm) Nó đã ở trong này thì không chạy lối nào được. Anh cho em mượn cái gậy, ta mở hòm ra…

Tiến – Ấy, không được! Đã bảo là kệ nó, không nên đánh…

Xoan – Tại sao?

Tiến – À… À… đánh đập… vô nhân đạo….

Xoan – Nhân đạo với chuột? Hay là anh sợ?

Tiến – Vâng, sợ… Đánh nó, máu me, khiếp lắm!

Xoan – Thế thì ta… Hòm này là hòm gì hả anh?

Tiến – Hòm không ấy mà.

Xoan – Thế thì anh với em… ta khênh ra chỗ cầu tàu kia… ta dìm cái hòm xuống nước, cho nó chết!

Tiến – Không được! Cái cô này lạ nhỉ, thế thì còn gì là hòm của người ta nữa. Tài sản xã hội chủ nghĩa. Thôi, các cô xuống cho anh chị em dỡ hàng đi. Chuyện linh tinh mãi. Nào, mời các cô. Đi, nhanh lên!

Xoan – Thế không đợi anh thuyền trưởng à?

Tiến – Không cần.

(Đẩy Nhàn và Xoan. Cả ba định đi. Bỗng có một tiếng nổ dữ dội. Xoan, Nhàn giật mình. Tiếng nổ và tiếng la hét vọng tới.)

Tiến – Gì thế?

Xoan – Trời ơi… Phía trụ sở… lửa, cháy… khói mù mịt, ở trụ sở… kìa!

(Những tiếng nổ. Tiếng nhốn nhảo của đám thanh niên. Tấm nắp thùng bỗng bật mở, Hưng nhảy ra.)

Hưng – Lửa… cháy!

Nhàn – Anh ở trong đó à?

Hưng – Vâng, không phải chuột, mà là tôi, thuyền trưởng con tàu chở phân này, tôi không phải thuyền trưởng viễn dương, tôi đã dối Nhàn, Nhàn đã không biết!

Nhàn – Biết chứ.

Hưng – Biết gì?

Nhàn – Biết là anh đã nói dối… Biết ngay từ lúc anh mới về, bác Thân đi đánh vỏ đã nhìn thấy anh lái con tàu chở đạm cặp bến sông nhà, đã kể với em. Em chỉ không hiểu tại sao anh lại phải nói dối như vậy… Vì sao?

Hưng – Tôi cũng không biết nữa… Nhưng giờ chưa phải lúc giải thích… Phía trụ sở… Hoả hoạn… tiếng nổ… Bom hay đạn?

Xoan – Tiếng pháo đấy… Chắc kho pháo bị nổ…

Hưng – Cả lửa nữa, phải dập mau… Ta phải về đấy! Nào, Nhàn!

(Cả mấy người định chạy đi thì có tiếng huyện náo.)

Tiếng Ông Thình – Ở đấy đã! Đã có người dập lửa! Cứu người cần hơn! Các anh ở đây đã! Cứu người! Cấp cứu!

(Anh Văn Sửu cùng ông Độp, ông Thình khiêng một cái cảng trên đó ông Toàn Nha nằm bất tỉnh, áo quần tơi tả, lấm lem khói pháo, người nhiều vết bỏng, tay, mặt đen sì…)

Văn Sửu – Cấp cứu! Cấp cứu!

Ông Độp: (hổn hển) Bác Nha bị bỏng… rước đuốc… Đuốc cháy trụ sở… Thuốc pháo nổ…

[…]

Ông Nha – (đã tỉnh dậy, mở mắt nghếch đầu lên) Ôi Hưng, đồng chí thuyền trưởng viễn… viễn…

Văn Sửu – Bác Nha! Bác đã tỉnh?

Ông Nha – Lễ rước đuốc mừng công… kết thúc tốt đẹp chứ Sửu?

Văn Sửu – Báo cáo bác… dù sao vẫn tốt đẹp ạ. Chúng em đưa bác lên con tàu… chở phân này… đến bệnh viện cấp cứu ạ.

Ông Nha – (với Hưng) Chính anh Hưng thân chinh lái con tàu này để chở tôi, chính đồng chí thuyền trưởng viễn dương tự tay lái đưa đồng chí giám đốc bố vợ anh đi. Đúng lắm! Phải thế! Rất tốt! Toàn Nha này không đi thì thôi, đã đi thì phải…

Ông Thình – Thôi ông, nằm xuống đi…

Ông Nha – Tôi có sao đâu… Bỏng xoàng… thế mới biết pháo Hùng Tâm ta mạnh thật… Ta sẽ giải thích với quan khách là ta cố ý làm thế để biểu dương tiếng nổ Hùng Tâm… Đó là ý định của ta…

Văn Sửu – Rất đúng ạ.

Ông Nha – (cố ngồi dậy, nửa nằm nửa quỳ, vung tay) Chúng ta vẫn thắng lợi lớn! Rất lớn! Nổ máy! Mục tiêu: Bệnh viện huyện. Tiến lên! Các đồng chí! Hùng Tâm ta tiến lên! (ngã gục).

Ông Độp – Ối bác Nha ơi!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang